Tại hội nghị, 250 đại biểu được
nghe PGS.TS Huỳnh Văn Tới, Ủy viên Ban TVTU, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh, báo cáo
viên Trung ương giới thiệu quá trình xây dựng pháp luật tín ngưỡng, tôn giáo và
những điểm mới của Luật Tín ngưỡng, tôn giáo.
Đại biểu các cơ sở tín ngưỡng tham dự hội nghị tuyên truyền pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo
Theo PGS.TS Huỳnh Văn Tới,
trong tuyên bố đầu tiên của Đảng năm 1930 đã xác định: “Đảm bảo tự do tín ngưỡng
của quần chúng”. Trong phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ, ngày
03-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh 234-SL, ban hành chính sách tôn
giáo của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trong đó ghi rõ: “Việc tự do tín
ngưỡng, thờ cúng là một quyền lợi của nhân dân. Chính quyền Dân chủ Cộng hòa
luôn luôn tôn trọng quyền lợi ấy và giúp đỡ nhân dân thực hiện”. Trong các lần bổ
sung, hoàn thiện pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo, các quy định của nhà nước luôn
luôn tôn trọng và bảo đảm quyền tự do, tín ngưỡng của nhân dân, nội dung đều phù
hợp với Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền năm 1946.

Theo PGS.TS Huỳnh Văn Tới, ở Việt Nam có đầy đủ các tôn giáo lớn trên thế giới nhưng tất cả đều tích hợp tinh hoa văn hóa dân tộc, có mối quan hệ hài hòa và phát triển cùng đất nước.
Việc ban hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo là bước phát triển hoàn thiện pháp luật về lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo. Luật hướng đến 04 mục tiêu: Đảm bảo tốt hơn quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; đổi mới cơ chế quản lý nhà nước nhằm tạo sự thông thoáng, minh bạch, tạo cơ chế pháp lý đầy đủ; quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo gắn với phát huy các giá trị dân chủ, văn minh, chủ nghĩa xã hội và góp phần thực hiện chính sách đối ngoại, hội nhập quốc tế.
So với Pháp lệnh Tín
ngưỡng, tôn giáo, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo có 15 điểm mới gồm: Mở rộng phạm vi
chủ thể có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo từ “công dân” thành “mọi người”; bổ
sung một chương về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; mở rộng chủ thể đăng ký
sinh hoạt tôn giáo; phân cấp công tác quản lý lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo cho
cơ quan chức năng; quy định rõ hơn về cơ sở đào tạo tôn giáo và mở lớp bồi dưỡng
về tôn giáo thuận lợi hơn; bổ sung nội dung phong phẩm hoặc suy cử phẩm vị cho
người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam; giảm bớt thủ tục hành chính
trong đăng ký hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo; khuyến khích và tạo điều kiện cho
các tổ chức tôn giáo tham gia sâu vào các hoạt động vì mục đích từ thiện, nhân
đạo; tạo điều kiện hoạt động tôn giáo cho người nước ngoài cư trú hợp pháp tại
Việt Nam; xác định tổ chức tôn giáo là pháp nhân phi thương mại; một số nội
dung hoạt động chỉ cần thông báo đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền; thời gian
công nhận là tổ chức tôn giáo từ 23 năm còn 05 năm; quy định rõ nội dung, trách
nhiệm trong công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm; phân định rõ trách
nhiệm của các cơ quan nhà nước đối với lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo.

Các đại biểu đại diện
hơn 200 cơ sở tín ngưỡng trên địa bàn tỉnh quan tâm đến các điểm mới của Luật
Tín ngưỡng, tôn giáo
Hữu Tâm