Theo Người: thi đua
không chỉ là hoạt động tích cực, sáng tạo trong công việc hằng ngày,
trong lao động, sản xuất vật chất, mà còn là hoạt động tư tưởng và
tinh thần, là động lực để phát huy lòng yêu nước, biến lòng yêu nước
thành sức mạnh vật chất to lớn, huy động sức người, sức của cho công cuộc
kháng chiến, kiến quốc; đồng thời, lòng yêu nước được thúc đẩy sẽ thiết
thực nâng cao hiệu quả của thi đua.
Chính tư tưởng của Người đã khởi xướng và kiến tạo thành công phong trào thi
đua yêu nước ở nước ta. Tư tưởng đó đã,
đang và sẽ luôn là sợi chỉ đỏ xuyên suốt mọi hành động cách mạng của các cấp,
các ngành, cán bộ, đảng viên, công nhân viên, chiến sỹ và nhân dân cả nước hăng
hái thi đua lao động, học tập và cống hiến trong công cuộc xây dựng và phát
triển đất nước.
Nhân kỷ niệm 69 năm Ngày Chủ tịch Hồ
Chí Minh ra Lời kêu gọi Thi đua ái quốc (11/6/1948 - 11/6/2017), xin giới thiệu
với độc giả toàn văn Lời kêu gọi của Người (viết ngày 11/6/1948, đăng trên Báo Cứu quốc số 968, ngày 24/6/1948. Trích
dẫn theo Hồ Chí Minh toàn tập (tập 5), Nhà xuất bản Chính trị quốc gia,
xuất bản lần thứ ba, trang 556).
“Lời kêu gọi thi đua ái quốc
Mục đích thi đua ái
quốc là:
Diệt giặc đói,
Diệt giặc dốt,
Diệt giặc ngoại xâm.
Cách làm là dựa vào:
Lực lượng của dân,
Tinh thần của dân, để gây:
Hạnh phúc cho dân.
Vì
vậy bổn phận của người dân Việt Nam, bất kỳ sĩ, nông, công, thương, binh; bất kỳ
làm việc gì, đều cần phải thi đua
nhau :
Làm cho mau,
Làm cho tốt,
Làm cho nhiều.
Mỗi
người dân Việt Nam , bất kỳ già, trẻ, trai, gái; bất kỳ giàu, nghèo, lớn, nhỏ,
đều cần phải trở nên một chiến sĩ tranh đấu trên mặt trận: Quân sự, kinh tế,
chính trị, văn hoá. Thực hiện khẩu hiệu:
Toàn dân kháng chiến,
Toàn diện kháng chiến.
Trong cuộc thi đua ái quốc, chúng ta:
Vừa kháng chiến,
Vừa kiến quốc.
Kết quả đầu tiên của thi đua ái quốc sẽ là:
Toàn dân đủ ăn đủ mặc,
Toàn dân biết đọc, biết viết,
Toàn bộ đội đầy đủ lương thực, khí
giới, để diệt ngoại xâm,
Toàn quốc sẽ thống nhất độc lập hoàn
toàn.
Thế là chúng ta thực hiện:
Dân tộc độc lập,
Dân quyền tự do,
Dân sinh hạnh phúc,
Ba chủ nghĩa mà nhà đại cách mạng Tôn Văn đã nêu ra.
Để đi đến kết quả tốt đẹp đó, tôi xin:
Các cụ phụ lão thi đua đốc thúc con cháu hăng hái tham gia
mọi công việc,
Các cháu nhi đồng thi đua học hành và giúp việc người lớn,
Đồng bào phú hào thi đua mở mang doanh nghiệp,
Đồng bào công nông thi đua sản xuất,
Đồng bào trí thức và chuyên môn thi đua sáng tác và phát
minh,
Nhân viên Chính phủ thi đua tận tụy làm việc, phụng sự nhân
dân,
Bộ đội và dân quân thi đua giết cho nhiều giặc, đoạt cho
nhiều súng.
Nói tóm lại, ai cũng thi đua, ai cũng tham gia kháng chiến
và kiến quốc. Phong trào sôi nổi.
Thi đua ái quốc sẽ ăn sâu, lan rộng khắp mọi mặt và mọi tầng
lớp nhân dân, và sẽ giúp ta dẹp tan mọi nỗi khó khăn và mọi âm mưu của địch để
đi đến thắng lợi cuối cùng.
Với tinh thần quật cường và lực lượng vô tận của dân tộc ta,
với lòng yêu nước và chí kiên quyết của nhân dân và quân đội ta, chúng ta có
thể thắng lợi, chúng ta nhất định thắng lợi.
Hỡi toàn thể đồng bào,
Hỡi toàn thể chiến sĩ,
Tiến lên!”
Lời
kêu gọi “Thi đua ái quốc” cách đây đã 69 năm, đất nước đã trải qua nhiều sự kiện
chính trị to lớn, điều kiện để thi đua đã có nhiều thay đổi, nhưng lời “hịch”
thi đua yêu nước của Người vẫn khắc sâu trong tâm trí của mỗi người dân Việt
Nam và được cụ thể hóa bằng các phong trào thi đua sôi nổi, bằng những hành động,
việc làm thiết thực của các cấp, các ngành và toàn thể người dân Việt Nam nhằm
chung tay xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp.
Tố Nga