Dẫn lời của Thánh
Augustino: “Hãy yêu đi đã rồi làm gì hãy làm”. Nữ tu Trần Thị Kim Hường cho rằng: Trong gia
đình nếu cha mẹ không yêu thương, sẽ không hy sinh, mỗi người sống ích kỷ, tìm
lợi cho mình, tìm niềm vui riêng cho mình, chắc chắn gia đình không thể thăng
tiến được, con cái sẽ bị thiệt thòi về tinh thần, văn hóa và vật chất. Một đất
nước, một tập thể nơi đó những người trách nhiệm thiếu tình yêu chắc chắn sẽ có
nhiều điều không hay xảy đến. Nói chi đến một tập thể những người già, chân
cẳng khập khễnh, dị dạng, bại liệt nằm một chỗ, những người mà trí nhớ không
còn, bệnh tật hiểm nghèo… thì việc phục vụ và chăm sóc đòi hỏi phải kiên nhẫn,
hiền hòa và yêu thương.
Vì tình yêu
sẽ cho ta nghị lực để dám dấn thân mà không biết mệt mỏi, không sợ hãi. Tình
yêu cho ta niềm vui khi phục vụ và nó cũng cho ta nhận được hạnh phúc khi thấy
người khác hạnh phúc và khi phục vụ vì yêu thương như vậy sẽ khiến cho cuộc đời
ta có ý nghĩa. Tình yêu sẽ khiến ta thao thức khi thấy một tập thể cần thăng
tiến hay một cá nhân cần được đổi mới trong cách sống. Tình yêu sẽ thúc đẩy ta
phải làm gì, rồi chính tình yêu dạy chúng ta, vì tình yêu có nhiều sáng kiến - Nữ tu Trần Thị Kim Hường chia sẻ.
Với tâm nguyện
dành trọn đời mình để chăm sóc người nghèo, từ năm 2006, nữ tu Trần Thị Kim Hường đã tình nguyện về quản lý
tại Viện Dưỡng lão tình thương Suối Tiên. Những ngày đầu, cơ
sở chỉ có 15 cụ bà sống dưới một mái nhà, nguồn sống chủ yếu là dựa vào sự hỗ
trợ của Hội dòng Đaminh Tam Hiệp và mạnh thường quân. Nhưng nếu chỉ nhờ vào
lòng tốt của những người hảo tâm thì rất bấp bênh . Vì vậy, nữ tu đã mạnh dạn
xin Hội Dòng mua thêm đất, tạo thêm nguồn thu nhập để nuôi các cụ và tìm
mọi phương cách để cải thiện cuộc sống cho các cụ già tại đây. Công việc đầu tiên được nữ tu
thực hiện là đào ao nuôi cá, thả vịt và nuôi heo theo mô hình vườn – ao - chuồng.
Đến nay, mô hình này đã mang lại kết quả tốt, hàng năm cho thu hoạch khoảng 250 triệu đồng, sau khi trừ chi phí.
Ngoài ra, tận dụng đất trống nữ tu đã trồng rau, bắp và các loại cây ăn trái để
cung cấp cho nhu cầu hàng ngày của cơ sở. Nguồn thu từ nuôi cá, nuôi heo không
chỉ góp phần đảm bảo nguồn nuôi sống các cụ mà còn là nguồn để đầu tư xây dựng
nhà ở cho các cụ. Không chỉ quan tâm đầu tư nhà ở, môi trường sống trong lành
và những bữa ăn chất lượng, nữ tu Kim Hường còn dành nhiều thời gian để quan
tâm đến đời sống tinh thần cho các cụ.

Nữ
tu Trần Thị Kim Hường chăm sóc các cụ tại cơ sở dưỡng lão

Cùng nhau
chuẩn bị bữa ăn cho các cụ
Cơ sở bảo trợ xã hội Dưỡng lão tình
thương Suối Tiên được khai sinh từ năm 1993,
nhân một dịp các nữ tu Dòng Đa minh Tam Hiệp đi thăm dân làng thấy một bà lão
nằm co ro trên một chiếc gường xiêu vẹo trong túp lều rách nát, không một người
thân chăm sóc. Đến nay cơ sở đã trở thành mái ấm cho gần 100 đối tượng là các cụ
già neo đơn cơ nhỡ, bị bỏ rơi… Năm 2010, cơ sở đã được UBND tỉnh cấp phép hoạt động chính thức, trên cơ sở đó, Cơ sở bảo trợ xã
hội Dưỡng lão tình
thương Suối Tiên đã được đầu tư xây dựng khang
trang, với từng khu vực dành riêng cho các đối tượng và đầy đủ các phòng chức
năng. Với quang cảnh thơ mộng, những ao cá, hàng dừa và không gian thoáng mát,
sạch sẽ… Và với sự chăm sóc kỹ lưỡng về vật chất lẫn tinh thần của các nữ tu, đã
giúp các cụ già ở đây sống cuộc sống an vui, hạnh phúc trong những ngày tháng
cuối đời.
Một buổi tập thể dục của các cụ già tại cơ sở
dưỡng lão
Trên nền tảng đức tin và tình yêu, cộng với
cái “tâm” trong công việc, nữ tu Trần Thị Kim Hường cùng với các nữ tu tại đây
đang cố gắng từng ngày để Viện Dưỡng lão trở thành một “Gia đình tình thương” ,
góp phần nâng cao giá trị sống và nhân phẩm con người trong xã hội, xứng đáng là
điểm son trong hoạt động bác ái - yêu thương của đồng bào Công giáo Đồng Nai.

Nữ tu Trần Thị Kim Hường (thứ 4 từ
phải qua) được UBND tỉnh tặng bằng khen tại Hội nghị biểu dương bác ái – xã hội
5 năm (2011 - 2016)
Thanh Ngân