Hát Tăm pớt là loại hình hát kể đối
đáp tùy vào từng hoàn cảnh cụ thể. Bà con hát đối đáp với nhau khi kết bạn,
giao duyên, uống rượu cần, lúc lên nương rẫy hay tại nhà đón khách. Có lúc, hát
kể Tăm pớt được dùng để thể hiện tâm tư tình cảm hoặc hát trong các buổi lễ hội
của cộng đồng. Tùy theo tính chất hay mục đích mà người hát Tăm pớt thể hiện
nội dung hát cho phù hợp.
Ở các lễ hội cúng lúa mới, lễ hội đâm trâu, cộng đồng người Mạ cùng nhau nhảy
múa và hát Tăm pớt trong tiếng cồng chiêng rộn rã, với những nghi thức cổ
truyền. “Trong không khí của lễ hội, trai gái thì tìm hiểu tình cảm, người lớn
thì thi nhau kể về chuyện xưa, trẻ con thì vui mừng nhảy múa. Lời hát Tăm pớt trong
lễ hội cũng kéo dài vô tận. Những nghệ nhân có thể hát suốt trong không khí náo
nhiệt, thời gian diễn ra lễ hội.

Người Mạ hát Tăm pớt trong dịp lễ hội
Trong những câu chuyện của người Mạ, chuyện chàng K’Yai và nàng KaKoong được
xem như chuyện tình đẹp đẽ. Đó là biểu tượng của tình yêu chung thủy. Người Mạ
hát kể về mối tình với những mong đợi, trắc trở và kết quả của mối tình đó.
Điều đặc biệt là trong nhiều trường hợp, tình huống của câu chuyện kể lời hát
được người Mạ dùng nhiều hình ảnh để ca ngợi, để trách móc, để động viên và để
khuyên nhau. Từ lời hát phản ánh tình yêu giữa con người với con người, đồng
thời làm toát lên tâm hồn của người Mạ: lòng yêu thiên nhiên núi rừng, thác
suối, tiếng chim ca và gió thổi, buổi bình minh và cả lúc chiều hoàng hôn trên
xứ sở núi rừng hùng vĩ...
Hát Tăm pớt là một hình thức tiêu biểu của văn hóa dân gian Mạ. Khi hát Tăm
pớt, nội dung lịch sử dân tộc, ca ngợi quê hương thường được đưa vào lời hát.
Ngoài ra là những chuyện cổ, những tình ca, những lời khuyên dạy của tổ tiên...
Số người hát Tăm pớt giỏi, được gọi là “nghệ nhân” trong cộng đồng người Mạ đến
nay không còn nhiều. Ở Đồng Nai có các bà Ka Bào, Ka Dẹo, Ka Vèm... ở Tà Lài
(Tân Phú); bà Ka Rốp, Ka Mỗi, ông K’ Kel... ở Hiệp Nghĩa (Định Quán)... Họ là
những người có trí nhớ tốt, có lời kể hay, cách biểu đạt lôi cuốn, lại ứng tác
giỏi... Điều đáng tiếc là khi tuổi tác ngày càng chồng chất lên những nghệ nhân
này thì lớp trẻ lại không biết hát Tăm pớt. Nguy cơ mai một loại hình văn hóa
này là khá rõ ràng.
Cũng như nhiều dân tộc khác trong cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam, do nhiều lý do
khách quan và chủ quan khác nhau nên văn hóa truyền thống của người Mạ đã có
phần bị mai một. Tuy nhiên, để việc bảo tồn và phát huy giá trị loại hình nghệ
thuật truyền thống văn hóa dân gian, bên cạnh sự quan tâm của các cấp ủy, chính
quyền, đoàn thể thì vai trò, trách nhiệm của cộng đồng dân cư cần được phát
huy; đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức trách nhiệm của cộng đồng trong
xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh. Việc chú trọng bảo tồn và phát huy những
giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Mạ, trong đó có hát Tăm pớt là
rất cần thiết. Trân trọng, bảo vệ, phát huy và coi đó là nét văn hóa đặc sắc là
cách góp phần giáo dục cho các thế hệ mai sau.
Ly Na