
Nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi cấp tỉnh năm 2015 Mai Văn
Lượng.
Cánh đồng Ruộng Lớn nham nhở những ruộng lúa vừa thu hoạch xong,
đang trục đất và cả những đám lúa xanh non. Ông Mai Văn Lượng chân thấp, chân
cao suốt ngày bám lấy cánh đồng của mình. Cái chân thọt của ông bao năm nay đã
làm sạt lở nhiều bờ ruộng bởi dáng đi khập khiễng của người bị dị tật chân.
Nông dân Chơro giả vờ đòi bắt đền, ông Lượng cười khì, đổ thừa tại cái bờ ruộng
quá nhỏ, không vừa chân cho ông đi.
* Thời xưa gian khó
Sau ngày đất nước thống nhất, ông Lượng theo dân làng Chơro tạm cư
ở xã Xuân Thọ (huyện Xuân Lộc) quay về lại vùng đất Ruộng Lớn của tổ tiên để
sinh sống. Không đất sản xuất, ông Lượng chỉ biết làm thuê làm mướn cho các chủ
rẫy trong vùng để kiếm miếng ăn ngày 2 bữa. Năm 1976, ông được bà Thị Hai gật
đầu làm vợ và làng Chơro nơi ấp Ruộng Lớn xuất hiện thêm đôi vợ chồng nghèo.
Ông Nguyễn Thành Ngọc, Chủ tịch Hội Nông dân xã
Bảo Vinh, cho biết xã của ông có 15 nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi cấp
tỉnh và ông Mai Văn Lượng là một trong số đó. Tùy theo hoàn cảnh, điều kiện
vốn, kỹ thuật nông dân đã “bắt” cây trồng, vật nuôi cho lợi nhuận tiền trăm
triệu, tiền tỷ mỗi năm. Từ người không có cục đất chọi chim để trở thành nông
dân sản xuất - kinh doanh giỏi, ông Lượng đã chứng tỏ nghị lực bền bỉ vươn lên
không ngừng của bản thân.
|
Mùa mưa, vợ chồng ông Lượng đi làm cỏ thuê nên tạm ấm bụng. Mùa
nắng ít việc, bà Thị Hai thất nghiệp ngồi nhà trông con. Mất một nguồn thu nhập
nên bữa cơm trong gia đình ông Lượng rau củ nhiều hơn gạo trắng. Để duy trì
miếng ăn cho cả nhà trong những tháng nông nhàn, ông Lượng phải rời làng làm đủ
thứ công việc nặng nhọc, như: phát dọn rẫy, đào giếng thuê...
Cũng vì công việc đào giếng thuê mà ông suýt mất mạng khi miệng
giếng bị sụp. Lúc ấy, ông Lượng được mọi người đào bới đưa đi cấp cứu kịp thời
và tỉnh lại trong bệnh viện với xương đùi phải bị gãy. Cho nên suốt 3 năm ông
nằm viện, nằm nhà chờ cái chân phải hồi phục, bà Thị Hai phải thay chồng gánh
vác mọi chuyện lớn nhỏ trong nhà. Sức phụ nữ không bằng đàn ông nên tiền công
bà đi làm thuê mang về lo cho bữa ăn gia đình càng ít. Cái chân gãy của ông
Lượng không được chăm sóc và bồi bổ thỏa đáng nên bắt ông nằm nhà lâu hơn. Vì
vậy, ngày nào không có ai thuê, bà Thị Hai phải vào rẫy, men theo suối hái
măng, mót củ đắp đổi qua ngày.
Năm 2004, ông Lượng có thể bước chân khập khiễng ra đồng gặt lúa,
làm cỏ thuê thì bà Thị Hai đã sinh thêm 3 đứa con nữa. 8 miệng ăn, trong nhà
chỉ dựa vào ngày công làm thuê của vợ chồng ông Lượng hơn chục năm vẫn tiếp tục
bữa đói, bữa no. Trong khi đó, đồng bào Chơro trong làng nhiều người có của ăn,
của để dành.
Thông cảm cho gia cảnh của vợ chồng ông Lượng, xã, ấp và già làng
Thổ Bọng ưu tiên xây cho gia đình ông một mái ấm tình thương thay cho mái nhà
tranh cũ nát và cho vay 2,5 triệu đồng để làm vốn chăn nuôi.
Có vốn, vợ chồng ông Lượng mua 4 heo con của già làng Thổ Bọng
(già làng Thổ Bọng cho thiếu nợ tiền 2 con) kết hợp với nấu rượu. Từ 4 con heo
này, vợ chồng ông gầy dựng được 6 con heo nái và một đàn heo con trên 100 con
sau 3 năm nuôi dưỡng. Từ con heo, vợ chồng ông bắt đầu “có đất chọi chim” khi
mua được 5 sào ruộng, rồi mua thêm 1,5 hécta ruộng nữa.
* Người sống nghĩa tình
Năm 2005, việc nuôi heo gặp trở ngại do dịch bệnh và giá cả thị
trường bấp bênh, ông Lượng bán hết đàn heo giống, heo thịt và vay thêm tiền
ngân hàng mua chiếc máy cày trị giá 70 triệu đồng để làm ăn. Có máy cày, ông
thuê thêm 4 hécta ruộng của người dân trong vùng để làm cánh đồng lớn. Lúa mùa,
hè - thu, đông - xuân, mọi người thu hoạch khó đạt 9 tạ đến 1 tấn/sào/vụ, nhưng
ruộng ông Lượng lúc nào cũng đạt được mức cao nhất.

Ông Mai Văn Lượng trao đổi kinh nghiệm trồng lúa với phụ nữ
Chơro tại cánh đồng Ruộng Lớn.
Một chiếc máy cày đi cày kéo thuê mỗi năm cho thu nhập 50 triệu
đồng, 3 chiếc máy cày sẽ thu được 150 triệu đồng. Với cách tính đó, ông Lượng
mạnh dạn gom vốn mua thêm 2 chiếc máy cày xịn hơn vào các năm 2013 và 2015 (trị
giá 100 triệu đồng/chiếc) để cày thuê cho dân trong vùng.
Do cái chân bị gãy không đạp được thắng của máy cày khi chạy ngoài
đường nhựa, ông Lượng phải thuê người đi cày thuê và ông chỉ dám cầm lái máy
cày khi cày đất, bừa ruộng ngoài đồng vắng khi công việc nhiều. Tiếc cho cái
chân bị gãy, nhưng ông Lượng vui vì tạo được việc làm cho người lái máy cày
thuê, nhất là khi một mình ông không thể cầm lái được 3 chiếc máy cày cùng lúc
khi mùa vụ hối thúc.
Việc nhiều, thu nhập cao, ông Lượng dùng đồng tiền chân chính đó
vào việc hỗ trợ các con lập gia đình, ra riêng và giúp đỡ dân trong làng qua
việc cho nợ tiền cày đất, cho mượn giống, mua giùm phân bón và cho vay không
lấy lãi. Ông Lượng tâm sự, nhờ bà con trong làng Chơro đùm bọc, chở che lúc khó
khăn mà vợ chồng ông mới được như ngày hôm nay.
Với suy nghĩ mộc mạc ấy mà khi cánh đồng Ruộng Lớn thiếu nước tưới
vào mùa nắng, ông Lượng đã tự bỏ tiền túi ra kéo đường dây điện 50 triệu đồng
để cho bà con nông dân xung quanh tưới nhờ; trong làng có chuyện hữu sự ông lại
cùng người trong làng góp tiền giúp đỡ... “Trước kia mình không có cục đất chọi
chim. Nhờ vay vốn nuôi heo và được già làng Thổ Bọng giúp đỡ, đến nay đất đai,
máy cày của mình dư sức xua đuổi bầy vịt trời hàng ngàn con nếu nó đến phá lúa”
- ông Lượng hài hước nói.
Nhờ nguồn vốn vay xóa đói giảm nghèo 2,5 triệu đồng, vợ chồng ông
Lượng từ người không có đất nay trở thành hộ khá của làng, nông dân sản xuất
giỏi: xã, huyện, tỉnh với tổng thu nhập trên 300 triệu đồng/năm. Nghị lực của
vợ chồng ông Lượng thật sự là động lực để nhiều hộ nông dân Chơro nghèo tại ấp
Ruộng Lớn học làm theo khi trong tay họ có sẵn đất, vốn và sự đồng hành của
chính quyền địa phương.
Đoàn Phú