Nông dân sản xuất giỏi Mã Dỹ Sầu (bìa trái,
ngụ KP.Hiệp Quyết, thị trấn Định Quán, huyện Định Quán) nhờ luật sư gỡ rối thắc
mắc có liên quan đến pháp luật.
Trưởng phòng Tuyên truyền Ban Dân tộc tỉnh Nhâm Văn Khải đã nhận
xét như trên khi triển khai công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật
cho đồng bào dân tộc thiểu số.
Những câu hỏi khó
Đêm trước mưa to, con đường từ tổ 12 ra Văn phòng KP.Hiệp Quyết
(thị trấn Định Quán, huyện Định Quán) trơn trượt, nhưng ông Phùng A Kía (người
Hoa) vẫn quyết tâm đến dự buổi tuyên truyền pháp luật được tổ chức ở thị trấn
Định Quán.
Lý do khiến ông Kía đến với buổi tư vấn pháp luật rất đơn giản,
khi ông đặt câu hỏi với các chuyên gia pháp luật: “Cháu mình sống ở nơi khác,
nay nó muốn về nhập vào hộ khẩu của cha nó. Khổ nỗi, cha nó vừa chết và để lại
cho nó một miếng đất, vậy nó phải làm sao để nhập khẩu?”. Với thắc mắc của ông
Kía, luật gia Lê Văn Nhân (Hội Luật gia tỉnh) tư vấn, cháu ông được hưởng thừa
kế mảnh đất của cha để lại. Nếu muốn nhập hộ khẩu vào hộ khẩu của người cha,
anh ấy phải xin chuyển khẩu từ nơi tạm trú hay thường trú về hộ khẩu của người
cha. Việc người cha mất thì căn cứ vào giấy báo tử của Tư pháp xã, Công an
huyện sẽ làm thủ tục xóa tên người cha trong hộ khẩu và ghi tên người con vào
hộ khẩu này.
Từ đầu năm 2016 đến nay, Ban Dân tộc tỉnh đã phối hợp với các
địa phương, đơn vị, tổ chức tuyên truyền pháp luật được 50 buổi cho 6 ngàn
đồng bào dân tộc thiểu số ở 50 ấp tham dự. Trưởng phòng Tuyên truyền Ban Dân
tộc tỉnh Nhâm Văn Khải cho hay nhận thức pháp luật của đồng bào dân tộc thiểu
số giờ cao hơn trước rất nhiều nên những câu hỏi họ đặt ra, nếu cán bộ tư vấn
không giỏi luật, không vững chuyên môn rất khó trả lời ngay, hoặc buộc phải
trả lời chung chung. Như vậy, người hỏi sẽ không thấy thỏa mãn và kiểu tuyên
truyền qua loa, đọc luật giờ không còn phù hợp nữa.
|
“Con tôi ở nước ngoài, muốn đem tiền về mua nhà cho cha mẹ ở có
được không?” - chị Thạch Sa La (người Khmer, ngụ xã Phú Cường, huyện Định Quán)
hỏi luật sư tư vấn. “Con của chị được mua nhà, nhưng mua nhà có điều kiện và
không được đứng tên quyền sở hữu nhà gắn liền với đất ở” - luật sư Cao Sơn Hà
trả lời. Chị Thạch Sa La hỏi tiếp: “Vậy ngôi nhà và đất ở đó nếu đứng tên vợ
chồng tôi thì vợ chồng tôi có quyền tặng cho nó không?”. “Theo pháp luật Việt Nam,
dù con bà ở nước ngoài nhưng vẫn có quyền được hưởng thừa kế tài sản của cha mẹ
khi mất để lại, hoặc được cha mẹ ở Việt Nam tặng cho tài sản” - luật sư Hà trả
lời.
Với câu hỏi “cắc cớ”: “Đồng bào dân tộc mình sống qua 60 mùa rẫy
trông già như người 70 tuổi ở thành phố. Vậy làm sao chứng minh ai 60 tuổi, ai
70 tuổi?” của ông Điểu Hải (ngụ ấp 4, xã Tà Lài, huyện Tân Phú), luật sư Lê
Hồng Khanh giải đáp: “Căn cứ vào giấy tờ để chứng minh, như: giấy khai sinh,
chứng minh nhân dân, hộ khẩu… Nếu không có các loại giấy tờ này thì đi giám
định ADN để có cơ sở xác minh độ tuổi”.
Đừng dùng thuật ngữ chuyên ngành
Dù sự am hiểu pháp luật của đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng
được nâng cao nhờ công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật của các
địa phương, ban, ngành, đơn vị tổ chức thường xuyên, liên tục, rộng rãi, nhưng
theo ông Nhâm Văn Khải, cán bộ tuyên truyền pháp luật cho đồng bào dân tộc
thiểu số đừng đọc nguyên văn bản, điều luật, hay dùng thuật ngữ pháp luật khó
hiểu. Với họ, nên cụ thể những quy định của pháp luật ra rồi chỉ rõ điều nào bị
cấm, không bị cấm, như: uống 2 lon bia hoặc 2 ly rượu rồi điều khiển phương
tiện tham gia giao thông là vi phạm pháp luật; đường vạch trắng không bị đứt
khúc thì cấm lấn sang trái, còn có vạch đứt khúc thì được lấn khi vượt, quẹo
trái…, chứ đừng đưa con số bao nhiêu độ cồn trong máu hoặc vượt (lấn) len, bà
con chẳng hiểu, khó nhớ.
Luật gia Nguyễn Đức, Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh, cho biết ông rất
đồng tình với quan điểm hướng dẫn pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số của
ông Khải. Vì vậy, khi tuyên truyền về Luật Đất đai, thuật ngữ quyền sử dụng
đất, quyền sở hữu nhà và đất ở, ông cứ vắn tắt là “sổ đỏ”, “sổ hồng” cho dễ
nhớ; còn con ngoài giá thú, trong giá thú cứ ví von: con với vợ có giấy tờ (kết
hôn) và không có giấy tờ; hoặc đôi lúc phải cắt nghĩa thì đồng bào mới hiểu
đúng. Ví dụ: đủ 20 tuổi (20 mùa rẫy) nghĩa là hôm nay bắt đầu sinh nhật lần thứ
20 (gieo tỉa vụ lúa thứ 20).
Cũng theo luật gia Nguyễn Đức, nói chuyện pháp luật trước đồng bào
dân tộc thiểu số như nói chuyện luật với sinh viên hoặc cán bộ xã, phường là
hỏng, bởi đối tượng nghe khác nhau nên cách nói chuyện, nội dung nói cũng phải
khác nhau. Vì vậy, với đồng bào dân tộc thiểu số, việc dùng hình ảnh, câu
chuyện thực tế, ngôn ngữ bình dân, thời gian, nội dung tuyên truyền… càng ngắn
gọn, cô đọng càng tốt. Đặc biệt, nên chọn một hoặc vài vấn đề cụ thể tại địa
phương đồng bào dân tộc thiểu số vướng mắc nhiều (như: vấn đề đất đai có liên
quan đến rừng phòng hộ, chính sách định canh - định cư…) để tuyên truyền, hỗ
trợ thì hiệu quả đạt được càng cao.
Thành Nhân