Mấy năm trở lại đây, người dân ấp 3 xã Thừa Đức (huyện
Cẩm Mỹ) nói chung không ai là không biết đến cái tên anh Tâm “bưởi”. Có cái tên
này bởi vì anh là một trong những người đầu tiên phát triển cây bưởi da xanh tại
vùng đất tổ 2 ấp 3. Và hiện nay, có thể nói anh là người có diện tích trồng cây
bưởi cao nhất địa phương và cũng là người có thu nhập cao nhất từ giống cây
này.
Với diện tích 2,6ha, hiện anh đang sở hữu khoảng 600
gốc bưởi da xanh. Trong đó với 120 gốc đang cho thu hoạch mạnh, khoảng 250 gốc
bắt đầu cho bói và 230 gốc mới xuồng được gần 1 năm. Được biết trước đây vườn
nhà anh Tâm thuộc dạng vườn tạp, trồng nhiều loại cây ăn trái nào sầu riêng,
chôm chôm, mãng cầu… Nhận thấy các loại cây này cho năng suất không cao do
không phù hợp thỗ nhưỡng với phần gía cả lại bấp bênh. Lúc bấy giờ, qua các
phương tiện thông tin đại chúng anh thấy có nhiều nông dân trồng bưởi rất có
kinh tế, bởi cây bưởi là cây dễ trồng, tuổi thọ cao và thị trường tương đối ổn
định. Thế là anh bắt đầu tìm hiểu, thu thập tài liệu về cây bưởi. Qua các tài
liệu anh được biết vùng đất địa phương mình phù hợp với cây bưởi da xanh. Dám
nghĩ dám làm, năm 2004, anh về tận Bến Tre tìm mua giống bưởi da xanh và xuống
120 gốc thử nghiệm. Ban đầu anh chọn đốn bỏ những cây ăn trái cho thu hoạch kém
để trồng bưởi chứ không chặt bỏ toàn bộ. Anh chia sẻ: “ Thay đổi cơ cấu cây
trồng là cả một vấn đề, không khéo lại lâm vào cảnh dở khóc dở cười, bởi thế
nên khởi đầu chỉ thử nghiệm hơn trăm gốc, và nguồn giống phải đảm bảo. Đó cũng
là lý do tôi phải về tận Bến Tre để mua giống chứ không mua tại các trại cây
giống ở địa phương”.
Trong quá trình canh tác, anh nhận thấy cây bưởi chịu
đất và mau lớn, chăm sóc cũng không mấy vất vả so với các loại cây ăn trái hiện
có trong vườn. Cây bưởi là cây ưa nước nhưng không chịu được úng, mùa nắng phải
tưới đủ nước cho cây và mùa mưa phải làm rãnh thoát nước tránh trình trạng ngập
úng. Về việc phòng trừ sâu bệnh anh hạn chế tối đa thuốc hóa học mà ưu tiên sử
dụng chế phẩm sinh học theo định kỳ mỗi tháng 2 lần và có thể thay đổi mật độ
phun tùy theo từng giai đoạn phát triển của cây như là thời kỳ ra hoa, thời kỳ
trái nhỏ, trái lớn... cho phù hợp. Anh chọn sử dụng chế phẩm sinh học vì nó có
nhiều lợi ích: hạn chế ô nhiễm môi trường, không ảnh hưởng sức khỏe con người
mà lại tăng cường sức đề kháng cho cây, hạn chế được nhiều loại sâu, bệnh, cây
phát triển tốt, chất lượng trái lại cao và đồng đều
Năm 2010, khi 120 cây bưởi thử nghiệm đi vào năm thu
hoạch thứ 2, thấy kết quả khả quan, anh Tâm quyết định chuyển đổi toàn bộ vườn
cây ăn trái cũ sang cây bưởi. Để chuẩn bị cây giống cho việc chuyển đổi này,
anh đã không ngừng học hỏi những người đi trước, cũng như nghiên cứu sách báo,
tài liệu kỹ thuật, phim Khoa học kỹ thuật về cách nhân giống, chiết ghép cây
trồng. Và anh đã thành công trong việc chiết cành nhân giống cây bưởi. Anh chọn
những cây to, không bệnh, năng suất tốt và chọn những cành khỏe để chiết tạo
nguồn giống tốt cho vườn của mình. Với phương thức này, anh tiết kiệm được rất
nhiều kinh phí trong việc mua cây giống, lại yên tâm về chất lượng. Thế là anh
tiếp tục xuống 250 gốc do anh tự chiết trên toàn bộ đất vườn còn lại.
Những cành
to, khỏe được anh Tâm chọn chiết ra để làm giống
Cành sau khi
chiết sẽ vô bầu để chăm sóc trước khi trồng.
Tính đến thời điểm hiện tại, anh có 120 gốc bưởi cho
thu hoạch năm thứ 5, đi vào thời kỳ thu hoạch mạnh. Và trong năm sau thêm 250
gốc bưởi nữa sẽ bước vào thời kỳ cho thu trái.
Theo chân vợ chồng anh đi tham quan vườn, chúng tôi
không khỏi trầm trồ và thích thú trước những cây bưởi sai trĩu quả, mỗi cây hàng
trăm trái, nặng quằn cả cành, anh phải dùng cây chống để cành không bị gãy. Có
những cây nhìn bên ngoài chỉ thấy rất ít trái nhưng khi đến sát bên, vén những
cành và lá ra thì thấy trái thôi là trái. Một điều đặc biệt là vườn rộng như
thế, trái lại nhiều nhưng tìm một trái bị hư thì thật là gian nan. Tôi chợt thầm
nghĩ: “Người nông dân thương cây như con, đúng là do chủ vườn yêu thương, chăm
bón khoa học và chu đáo nên những cây bưởi mới được thế này”. Chúng tôi vừa
tham quan vườn, vừa trò chuyện với nhau, được hỏi về cách thu hái, tiêu thụ và
giá cả như thế nào, chị Lan ( vợ anh Tâm) vui vẻ nói : “Cây bưởi thu hoạch rất
khỏe, đến mùa thương lái tự động vào vườn thu mua, mình chỉ việc cân ký rồi lấy
tiền thôi à, không có gì nặng nhọc hết. Với giá bưởi da xanh từ 25.000 – 35.000đ/kg,
hiện nay, mỗi năm trừ chi phí gia đình thu được gần 300 triệu đồng, nhờ đó mà cuộc
sống có khá hơn nhiều so với trước đây.”
Đoàn cán bộ xã tham quan mô hình trồng
bưởi
“Tích tiểu thành đại” với số tiền thu hoạch hằng năm, vợ chồng anh tích góp ngày một ít.
Đầu năm 2014 anh mua thêm 0,8ha đất và tiếp tục mở rộng vườn bưởi nâng tổng
diện tích lên 2,6ha. Tuy là việc trồng bưởi của mình có thể nói là thành công
nhưng anh vẫn không chủ quan, cho vậy là đủ, hiện anh đã tham gia vào tổ hợp
tác cây bưởi của địa phương, và đang theo học lớp IPM trên cây có múi do trạm
Bảo vệ thực vật tổ chức ngay tại nhà hộ dân của tổ hợp tác. Thông qua lớp học
này anh học được rất nhiều kiến thức cần thiết từ bài giảng cũng như học hỏi
kinh nghiệm lẫn nhau giữa những người cùng canh tác giống cây bưởi. Cũng qua đó
anh biết được nhiều hộ sử dụng hệ thống tưới tự động, tiết kiệm nước có hiệu
quả. Một lần nữa anh tiếp tục tìm hiểu về kỹ thuật thiết kế hệ thống này thông
qua tài liệu kỹ thuật tìm kiếm trên internet, đồng thời trực tiếp tham quan,
học hỏi kinh nghiệm của bạn bè, những người đi trước đã sử dụng thành công và
bắt tay vào thực hiện. Anh tự mua các trang thiết bị, vật dụng cần thiết để lắp
đặt hệ thống và tự mình làm lấy, anh đã lắp đặt thành công hệ thống tưới tự
động có béc phun cho 0,8ha bưởi trồng được
gần 1 năm nay. Anh Tâm tâm sự: “ Mình
chưa có nhiều vốn nên phải “lấy công làm lời”, tự học hỏi rồi mua thiết bị về
làm cho đỡ tốn kém. Bình thường người ta làm hết cho mình thì phải mất khoảng
30 triệu đồng/1ha, còn ở đây tôi chỉ tốn khoảng hơn 15 triệu để lắp toàn bộ hệ
thống cho 0,8ha”. Anh dự định trong thời gian tới sẽ lắp đặt hệ thống tưới
tự động cho toàn bộ vườn bưởi của mình để tiết kiệm nhiều chi phí trong việc
chăm sóc, mà kết quả lại cao.
Anh dự tính trong thời gian tới, nếu tình hình giá mủ
cao su không được cải thiện, anh sẽ chuyển đổi 0,4 ha cao su sang trồng bưởi để
chuyên canh duy nhất cây bưởi để thuận tiện cho sản xuất.
Tạm biệt gia đình anh, chúng tôi ra về và tự nhẩm tính
trong vài năm nữa khi toàn bộ 600 gốc bưởi của anh Tâm đi vào thu hoạch mạnh và
giá bưởi không biến động nhiều, ước thu nhập bình quân mỗi năm sẽ gần 2 tỷ đồng,
như vậy anh trở thành tỷ phú còn gì, “ tỷ phú bưởi da xanh”, thầm chúc cho gia
đình anh.
UBMTTQ xã Thừa Đức
huyện Cẩm Mỹ.