Là người dân ở ấp Tự Túc, gia đình chị Cao Hoài Thu trước
đây vốn thuộc diện hộ nghèo của xã, cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn, thiếu
thốn, kinh tế gia đình chỉ dựa vào các loại rau ngắn ngày thu hoạch được từ
vườn nhà đem ra chợ bán và số ít cây ăn trái. Vì vậy chị phải đi làm thuê làm
mướn cho những chủ vườn khác để tăng thêm thu nhập.
Được sự quan tâm của hội LHPN xã Thừa Đức và ngân hàng
chính sách xã hội cho vay chương trình hộ nghèo chăn nuôi một con bò sinh sản.
Sau 3 năm, nhờ chăm chỉ, cố gắng làm ăn chị đã trả được nợ cho ngân hàng và có
được một ít vốn tiếp tục đầu tư phát triển được đàn dê 15 con. Với số tiền tích
góp từ chăn nuôi bò, dê, huê lợi từ vườn nhà cùng với số tiền công vợ chồng chị
đi làm thuê làm mướn kiếm được, chị dần dần phát triển thêm đàn heo với vài
chục con. Bước đầu có vẻ nhiều thuận lợi nhưng do nguồn vốn hạn chế lại quen
với cách chăn nuôi truyền thống, chưa nắm vững kỹ thuật chăn nuôi trong điều
kiện dịch bệnh thường xuyên như hiện nay nên mô hình kinh tế của gia đình vẫn còn
nhỏ lẻ, do đó kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn. Qua theo dõi trên báo chí, truyền
hình và thực tế tham quan các mô hình phát triển kinh tế VAC đạt hiệu quả. Nhận
thấy điều kiện đất đai của gia đình mình phù hợp để phát triển mô hình này, đầu
năm 2013, chị đã mạnh dạn vay vốn của người thân và huy động toàn bộ vốn hiện
có của gia đình để xây dựng hệ thống chuồng trại nuôi heo, dê, nuôi cá và trồng
cây ăn quả, cây cao su.
Với 0,7ha đất, ngoài diện tích trồng cây ăn trái và
cây hàng năm, cây hoa màu, và 2000m2 ao nuôi các loại cá truyền thống như rô phi,
cá mùi, trắm cỏ… chị đã trồng thêm cao su và xây một dãy chuồng chăn nuôi heo
theo mô hình của trang trại CP với diện tích gần 400m2 (trang trại
mà chị đã từng tham quan), ngoài ra còn làm một khu chuồng nuôi bò và dê. Chuồng
chăn nuôi heo của chi Thu được xây dựng đảm bảo tính khoa học, đáp ứng được các
điều kiện kỹ thuật chăn nuôi, có hệ thống nước sạch thuận tiện cho khâu vệ sinh
chuồng trại, các khu chuồng được trang bị hệ thống máng ăn, máng uống tự động
đảm bảo vệ sinh chuồng trại, giảm thiểu các mầm bệnh về đường ruột cho đàn heo
và đảm bảo nguồn dinh dưỡng. Đối với heo nhỏ, chị không trang bị hệ thống máng
tự động mà cho ăn theo thủ công vì chị cho rằng heo con cần được thường xuyên
theo dõi chăm sóc để kịp thời xử ký khi xảy ra bệnh tật.
Ý thức được tầm quan trọng của yếu tố thú y trong chăn
nuôi, chị thường xuyên quan tâm đến công tác phòng bệnh và vệ sinh thú y, phun
xịt, khử trùng định kỳ. Từ đó đàn heo ít khi xảy ra dịch bệnh và mau lớn.
Hệ thồng chuồng trại chăn nuôi heo của chị Thu
Chia sẻ về kinh nghiệm chăn nuôi, chị Thu kể: “Trước đây quen với lối chăn nuôi truyền
thống, có gì cho nó ăn nấy, lại không chú trọng công tác phòng bệnh nên khi xảy
ra dịch bệnh là trắng tay. Qua tìm hiểu thấy mô hình VAC có nhiều người đã đạt
được hiệu quả rất cao nên tôi mạnh dạn làm theo. Trước khi bắt tay vào chăn
nuôi, tôi cũng đã trang bị cho mình những kiến thức về kỹ thuật xây dựng chuồng
trại, kỹ thuật chăn nuôi, phòng bệnh thông qua sách báo, các chuyến tham quan
cũng như các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi do huyện tổ chức tại xã”.
Bên cạnh đó, chị cũng thường xuyên đến Điểm thông tin của xã để tìm hiểu kỹ
thuật chăn nuôi, trồng trọt về áp dụng cho mô hình kinh tế của gia đình, xin
phim khoa học về kỹ thuật nuôi heo, nuôi bò, phim về phòng ngừa bệnh tai xanh,
bệnh lở mồm long móng trên gia súc về xem để có thêm kinh nghiệm chăn nuôi. Đến
nay chị đã phát triển đàn heo được 200 con với heo lứa và heo nhỏ. Chịu khó thu
dọn nguồn phân khô, chị đem ủ để làm phân bón cho cây trồng, dư thì đem bán
kiếm thêm thu nhập. Khâu tưới xịch vệ sinh chuồng sẽ theo hệ thống xuống hầm
biogas xử lý chất thải. Như vậy vừa đảm bảo vệ sinh môi trường, vừa tận dụng
được nguồn nhiên liệu sử dụng trong sinh hoạt, và là ngồn thức ăn cung cấp cho
ao cá. Nhờ vậy gia đình chị đã tiết kiệm được một khoảng tiền lớn. Ngoài ra,
nguồn lá từ các loại cây trong vườn cũng là nguồn thức ăn phong phú cho ao cá
bên cạnh thức ăn công nghiệp.
Ao cá rộng gần 2000m2 của gia đình
Với suy nghĩ “mình không phụ đất, đất không phụ mình”,
khu đất trồng hoa màu chị luân canh trồng bắp theo mùa vụ làm nguồn cung cấp
nguyên liệu chế biến, pha trộn thức ăn cho gia súc, chị đã tận dụng phần đất xấu
không canh tác được cây ăn quả để trồng cỏ làm thức ăn cho bò, dê và cả ao cá
nên đã giảm được chi phí trong chăn nuôi rất nhiều. Chị Thu tâm sự: “Gần 1 năm thực hiện mô hình kinh tế này tôi
thấy có rất nhiều chuyển biến tích cực. Đàn gia súc ít bệnh lại mau lớn, đồng
thời cũng tiết kiệm được tiền mua phân bón, đặc biệt là phân chuồng – nguồn
dinh dưỡng rất tốt cho cả đất và cây trồng. Trước đây, ao cá chủ yếu để phục vụ
cho bữa ăn, nay đã phát triển đàn rất nhanh, tăng thêm thu nhập cho gia đình”.
Tính đến nay, chưa đầy một năm, trừ tất cả chi phí gia
đình đã thu được trên 80 triệu đồng từ đàn heo và hơn 20 triệu đồng từ ao cá và
vườn cây ăn trái, hoa màu. Chị cũng đã mua sắm được thêm nhiều vật dụng phục vụ
cho cuộc sống gia đình.
Nhờ có hướng đi đúng đắn, dám nghĩ dám làm cùng với sự
cần cù chăm chỉ, từ một hộ nghèo gia đình chị Thu đã vươn lên thoát nghèo thành
hộ khá giả và đang từng bước phát triển kinh tế để làm giàu chính đáng trên
chính mảnh đất của gia đình mình.
Năm 2013, chị Thu đã được Tỉnh trao tặng kỷ niệm
chương về gương điển hình phụ nữ làm kinh tế giỏi. Bên cạnh làm kinh tế giỏi,
chị còn là chi hội trưởng chi hội phụ nữ ấp, tổ trưởng tổ vay vốn và tiết kiệm
ngân hàng chính sách. Được sự quan tâm chỉ đạo của Đảng, chính quyền địa phương
và của Hội cũng như sự hướng dẫn của ngân hàng chính sách xã hội chị luôn làm
tốt công tác mình được giao, từ đó hàng năm đều được các cấp Tỉnh, huyện khen
thưởng, ở ấp được chị em thương mến và tín nhiệm./.
UBMTTQ
xã Thừa Đức
huyện Cẩm Mỹ.