Luật và
các văn bản hướng dẫn thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua,
khen thưởng thể hiện một số điểm mới sau đây:
1.Điểm thay đổi lớn
nhất của các văn bản nêu trên, đó là không lấy danh hiệu thi đua làm cơ
sở xét các hình thức khen thưởng cấp Nhà nước (đối với cá nhân) và cấp bộ, ngành, tỉnh, đoàn thể trung ương. Đối với cấp tỉnh, nếu như Luật Thi đua, Khen thưởng năm 2003, Nghị định số
42/2010/NĐ-CP lấy tiêu chuẩn danh hiệu “Tập thể lao động xuất sắc” và “Chiến sĩ
thi đua cơ sở” làm căn cứ để xét tặng Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh, thì Luật Thi đua, Khen thưởng năm 2013, Nghị định
số 65/2014/NĐ-CP lấy tiêu chuẩn “liên tục hoàn thành xuất sắc
nhiệm vụ” và “có sáng kiến được áp dụng hiệu quả trong phạm vi cấp cơ sở” làm
căn cứ xét tặng Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh. Điểm thay đổi này góp phần hạn chế việc
tích lũy thành tích trong khen thưởng theo kiểu “đến hẹn lại lên” đã xảy ra trong
những năm qua.
2.Mở rộng đối tượng xét
tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bằng khen của Bộ trưởng, Chủ tịch UBND
cấp tỉnh, Giấy khen của thủ trưởng sở, ban, ngành tỉnh, UBND cấp huyện, cấp xã là
các hộ gia đình gương mẫu, ngư dân, nông dân, công nhân, đồng bào dân tộc ít
người… có thành tích xuất sắc tiêu biểu trong lao động, trong phong trào thi
đua. Báo cáo tóm tắt thành tích của các đối tượng này do người đứng đầu cơ
quan, tổ chức, đơn vị phát hiện và đề nghị thực hiện nhằm đơn giản thủ tục, khen
thưởng kịp thời góp phần tôn vinh đối tượng là người trực tiếp lao động, học
tập, công tác, chiến đấu.
3.Việc phát hiện,
bồi dưỡng, xây dựng, tuyên truyền, nhân rộng điển hình tiên tiến, nhân tố mới,
cách làm hay trong phong trào thi đua trước đây chỉ qui định chung chung nay
yêu cầu người đứng đầu (thủ trưởng) chịu trách nhiệm và được xác định là nhiệm
vụ trọng tâm trong tổ chức các phong trào thi đua, góp phần nâng cao hiệu quả
các phong trào thi đua.
4.Việc tổ chức các
phong trào thi đua chuyên đề trong phạm vi cả nước (do Thủ tướng Chính phủ, Chủ
tịch nước phát động) thì những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc tiêu
biểu trong phong trào thi đua được lựa chọn trình Bằng khen Thủ tướng Chính
phủ, Huân chương Lao động hạng Ba.
5.Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng năm 2013 không quy định việc xét tặng “Huân chương Hồ Chí Minh” lần hai cho cá nhân mà
chỉ xét tặng “Huân chương Hồ Chí Minh” lần hai cho tập thể có quá trình phấn
đấu lâu dài, liên tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong nhiều năm tiếp theo
sau khi được tặng thưởng lần thứ nhất. Với tiêu chuẩn cao, chặt chẽ, việc xét
tặng thưởng “Huân chương Hồ Chí Minh” lần hai đối với tập thể vẫn bảo đảm ý
nghĩa, tính tôn vinh của danh hiệu cao quý này.
6.Mở rộng đối tượng được tặng Huy chương là công chức, viên chức,
công nhân làm viêc trong lực lượng vũ trang, các đối tượng có thời gian làm
nhiệm vụ ở vùng biển đảo, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn. Mở
rộng đối tượng được tặng thưởng “Huy chương hữu nghị” là người nước ngoài có
nhiều đóng góp vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam. Bổ sung thẩm
quyền cho tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được quyền tặng Huy hiệu để ghi
nhận thành tích những cá nhân có đóng góp cho sự phát triển của tỉnh, thành phố
trực thuộc Trung ương.
7.Bổ sung thẩm quyền
khen thưởng của Trưởng ban quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất
như thẩm quyền khen thưởng của Giám đốc Sở. Phân cấp thẩm quyền cho Lãnh đạo
doanh nghiệp, Hợp tác xã công nhận danh hiệu Lao động tiên tiến, Chiến sỹ thi
đua cơ sở và tặng giấy khen. Chủ tịch UBND cấp xã được phân cấp công nhận danh
hiệu Lao động tiên tiến.
8.Về tuyến trình cấp
trên khen thưởng đối với tổ chức công đoàn: Liên đoàn Lao động cấp huyện, công
đoàn ngành cấp tỉnh (y tế, giáo dục), công đoàn khu công nghiệp, khu kinh tế,
khu chế xuất do UBND cấp tỉnh trình (trước đây do Liên đoàn Lao động cấp tỉnh
trình).
9.Về tỉ lệ danh hiệu
“Chiến sĩ thi đua cơ sở”: Thông tư qui định công nhận danh hiệu “Chiến sĩ thi
đua cơ sở” không quá 15% tổng số cá nhân đạt danh hiệu “Lao động tiên tiến”.
10.Các đoàn thể chính trị cấp tỉnh, cấp tổng cục, quân khu quân
chủng, quân đoàn, binh chủng và tương đương được tặng bằng khen nhưng giá trị
tiền thưởng như giấy khen.
11.Trong quy định về các danh hiệu thi đua đối với cá nhân, tập thể,
Luật bổ sung danh hiệu Cờ thi đua cấp Tổng cục, Quân khu, Quân chủng,Quân đoàn,
Binh chủng (và tương đương).
Hiện nay Chính phủ đang lấy ý kiến góp ý dự thảo
Nghị định Quy định chi tiết thi hành một số điều của
Luật Thi đua, khen thưởng theo hướng hợp nhất, thay thế các Nghị định hướng dẫn
thi hành trước đây. Hy vọng khi được ban hành, Nghị định mới sẽ tinh gọn, rõ ràng và
thuận tiện hơn khi áp dụng vào thực tiễn của từng cơ quan, đơn vị, bộ, ban, ngành.
Tố Nga