Di tích Mộ cự thạch Hàng Gòn hay còn được gọi là Di chỉ Hàng Gòn 7 hay Mộ Đông Dương, là một di tích khảo cổ độc đáo tại xã Hàng Gòn, thành phố Long Khánh, tỉnh Đồng Nai.
Vào năm 1927, một kỹ sư người Pháp tên là Jean Bouchot, đã vô tình khám phá ra ngôi mộ bằng đá này trong quá trình mở đường giao thông từ Long Khánh tới Bà Rịa (nay là Quốc lộ 56). Việc khai quật di tích đã tiến hành dưới sự chủ trì của ông Bouchot và Trường Viễn Đông Bác cổ. Kết quả của cuộc khai quật là thu được nhiều hiện vật với niên đại từ khoảng 150 năm trước Công nguyên đến 240 năm sau Công nguyên.
Di tích Mộ cự thạch Hàng Gòn có hình chữ nhật, với chiều dài 4,2m, chiều rộng 2,7m và chiều cao 1,6m, được xây dựng từ 6 tấm đá hoa cương. Sự ghép nối tỉ mỉ giữa 4 tấm đá đứng và 2 tấm đá nằm ngang tạo nên một kiệt tác khảo cổ với các rãnh đục, nắp đậy và phiến đá được chế tạo công phu. Các đầu trụ được chạm khắc tinh xảo, hình dạng lõm hình yên ngựa, đem lại sự độc đáo và ấn tượng cho tham quan.
Vào năm 2011, Di tích Mộ cự thạch Hàng Gòn đã được đưa vào tu sửa và tôn tạo lại với tổng diện tích 37.120 m², bao gồm khu hầm mộ, khu chế tác, cùng với các công trình phụ trợ như miếu Ông Đá, miếu Thổ thần, cổng, hàng rào và nhà trưng bày.
Vào ngày 24/12/1982, Di tích Mộ cự thạch Hàng Gòn Đồng Nai đã được nhà nước ta công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia. Đến ngày 23/12/2015, nơi đây đã được Thủ tướng Chính Phủ công nhận và xếp
Di tích chiến thắng La Ngà
Di tích lịch sử chiến thắng La Ngà Đồng Nai
Di tích lịch sử Tượng đài Chiến thắng La Ngà là nơi đánh dấu chiến thắng quan trọng của dân và quân ta trong cuộc kháng chiến chống Pháp trong trận đánh La Ngà vào ngày 01/3/1948.
Trận đánh La Ngà diễn ra trên quốc lộ 20, với sự kết hợp của Chi đội 10, liên quân 17, và trung đội quốc vệ huyện Xuân Lộc. Với chỉ khoảng 1000 quân, không kể đến lực lượng du kích, quân dân ta đã tiêu diệt thành công 59 xe quân sự Pháp và 150 lính, trong đó có 2 đại tá quan trọng, trong thời gian ngắn chỉ 45 phút.
Chiến thắng La Ngà không chỉ phá vỡ kế hoạch xuyên tạc của địch, mà còn khống chế toàn bộ đoạn đường 20 lên Đà Lạt trong gần một giờ đồng hồ. Đây là trận phục kích gây tiếng vang lớn trong nước và dư luận nước Pháp. Kết quả của Chiến thắng La Ngà là việc giải phóng hoàn toàn Định Quán và khiến nơi đây trở thành huyện đầu tiên của tỉnh Đồng Nai được giải phóng (17/3/1975).
Nơi đây sở hữu nhiều công trình kiến trúc đồ sộ bao gồm Tượng đài Chiến thắng La Ngà cao 18m, các công trình như Nhà Truyền thống và nhà bảo vệ. Nhà Truyền thống lưu giữ và trưng bày hình ảnh, hiện vật phản ánh chân thực về lịch sử cách mạng, văn hóa của địa phương và nhân dân Đồng Nai, phục vụ việc thưởng lãm của du khách.
Dù thời gian đã trôi qua 75 năm, nhưng những vết tích về trận đánh La Ngà vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay. Nơi đây được xem là một mốc son chói lọi, là niềm tự hào không chỉ trong lòng quân và dân Nam Bộ mà còn của cả đất nước. Do đó mà vào ngày 12/12/1986, Di tích lịch sử Tượng đài Chiến thắng La Ngà đã được nhà nước ta xếp hạng là một trong những di tích lịch sử Đồng Nai được công nhận là di tích cấp quốc gia.
Di tích lịch sử Nhà Xanh Đồng Nai
Di tích lịch sử Nhà Xanh Đồng Nai
Di tích lịch sử Nhà Xanh nằm trong trường Công nhân Kỹ thuật Đồng Nai, Biên Hòa. Nhà Xanh là một căn biệt thự được xây dựng theo kiến trúc Pháp, từng đóng vai trò làm văn phòng cho công ty kỹ nghệ và lâm nghiệp Biên Hòa (BIF) từ 1912 đến 1945.
Trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, vào ngày 7/7/1959, di tích Nhà Xanh đã trở thành địa điểm quyết định cho cuộc tấn công của lực lượng cách mạng. Quân đội đặc công đã thực hiện cuộc tấn công chớp nhoáng, gây thất thoát lớn cho các cố vấn của quân đội Mỹ.
Di tích Nhà Xanh không chỉ là minh chứng rõ nét nhất về tinh thần chiến đấu quả cảm của dân Biên Hòa, Đồng Nai trong cuộc kháng chiến chống Mỹ; mà còn là nơi tôn vinh tinh thần bất khuất của các chiến sĩ trong cuộc đấu tranh công cuộc kháng chiến chống quân xâm lược. Đồng thời gửi đi thông điệp về ý chí và quyết tâm của người Việt Nam trong việc bảo vệ tự do và chủ quyền quốc gia.
Với những ý nghĩa lịch sử to lớn đó mà vào ngày 12/12/1986, Di tích lịch sử Nhà Xanh Đồng Nai đã được nhà nước ta công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia.
Di tích Đài Đài Kỷ Niệm Đồng Nai
Đài kỷ niệm Đồng Nai hay còn gọi là Đài chiến sĩ, nằm ở vị trí trung tâm giữa các con đường lớn ở phường Trung Dũng, TP. Biên Hòa. Đài chiến sĩ được xây dựng năm 1923 bởi chính quyền thuộc địa Pháp. Công trình này lấy cảm hứng từ kiến trúc ngọ môn Huế thời nhà Nguyễn, được thiết kế và thi công bởi giáo sư Robert Balick cùng đội ngũ giáo viên và học sinh Trường bá nghệ Biên Hòa.
Với sự khéo léo của các nghệ nhân, Đài chiến sĩ không chỉ là một công trình đặc sắc về mặt kiến trúc mà còn phản ánh rõ nét bức tranh dân tộc thời đó. Những trụ đá được chạm khắc tinh xảo, các mảng hoa văn gốm với sắc màu hài hòa và tấm bia đá khắc chữ Hán ghi tên những người dân ở Biên Hòa đã hy sinh vì nước Pháp.
Đài kỷ niệm Đồng Nai còn là một trong những địa điểm mà Nguyễn Ái Quốc đã nhắc đến trong tác phẩm “Bản án chế độ thực dân Pháp”. Tác phẩm này chỉ trích chính quyền thuộc địa Pháp khi tổ chức khánh thành vào ngày 21-1-1923, đồng thời kêu gọi sự tự giải phóng cho dân tộc.
Hiện nay, di tích Đài chiến sĩ đã được tu sửa, tôn tạo trở thành công viên văn hóa tại TP. Biên Hòa. Mặc dù đã trải qua gần một thế kỷ với những tổn thất do chiến tranh gây ra, nhưng nơi đây vẫn là một minh chứng rõ nét nhất để tố cáo sự tàn bạo của thực dân Pháp.
Di tích đài tưởng niệm Chiến sĩ Đồng Nai đã được nhà nước ta công nhận và xếp hạng là di tích lịch sử cấp quốc gia vào ngày 16/11/1988.
Khu di tích Đá Ba Chồng Định Quán
Di tích Đá Ba Chồng Định Quán Đồng Nai
Đá Ba Chồng là một quần thể di tích thắng cảnh tại Định Quán, Đồng Nai. Nơi đây gây ấn tượng bởi ba hòn đá chồng lên nhau cao 36m, nằm kề quốc lộ 20, thu hút sự chú ý của du khách.
Theo các tài liệu địa chất nơi đây, di tích Đá Ba Chồng thuộc di chỉ văn hóa Óc Eo Phù Nam, là minh chứng của sự vận động của trái đất. Khi các nhà khảo cổ khai quật nơi đây đã phát hiện nhiều công cụ sản xuất, sinh hoạt của người xưa từ đá, đồng, đất nung,… Đây là những minh chứng cho một nền văn hóa cổ đại đã từng tồn tại nơi đây.
Mặc dù đã chịu sự biến đổi sau hàng triệu năm nhưng Đá Ba Chồng vẫn sừng sững đứng đó. Với vẻ đẹp tự nhiên và giá trị lịch sử to lớn, di tích Đá Ba Chồng Định Quán đã được Bộ Văn hóa xếp hạng là di tích thắng cảnh cấp quốc gia vào ngày 16/11/1988.
Toà Hành chánh Long Khánh Đồng Nai
Tòa hành chánh Long Khánh được xây dựng theo phong cách kiến trúc Pháp, trước đây là trụ sở của ngụy quyền tỉnh Long Khánh. Ngày 9/4/1975, quân đoàn 4 và lực lượng vũ trang Việt Nam đã phối hợp mở chiến dịch Xuân Lộc tấn công tuyến phòng thủ cuối cùng của chính quyền miền Nam, đánh dấu sự kiện quan trọng trong lịch sử.
Sau 12 ngày đêm giao tranh khốc liệt, lực lượng cách mạng vượt qua hệ thống phòng thủ, giải phóng thị xã Long Khánh và tiến về Sài Gòn. Ngày 21/4/1975, Long Khánh hoàn toàn giải phóng, mở đường cho cuộc chiến dịch giải phóng Sài Gòn và miền Nam.
Di tích Tòa hành chánh Long Khánh chứng kiến cuộc chiến anh dũng của quân và dân Long Khánh, Đồng Nai, và toàn quốc trong cuộc chiến giải phóng đất nước vào mùa xuân năm 1975. Do đó mà nơi đây đã được nhà nước ta xếp hạng là một trong những di tích lịch sử Đồng Nai được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia vào ngày 16/11/1988. Hiện nay, di tích Tòa hành chánh Long Khánh đã trở thành phòng Bảo tàng và Thư viện của Thị xã Long Khánh.
Di tích Đình An Hoà Đồng Nai
Di tích Đình An Hòa là một ngôi đình có lịch sử lâu đời khi được xây dựng từ cuối thế kỉ 18, tọa lạc tại xã An Hòa, huyện Long Thành, bên bờ sông Đồng Nai.
Ban đầu đình chỉ là một ngôi miếu nhỏ. Tuy nhiên qua nhiều lần trùng tu và sửa chữa, di tích Đình An Hòa đã trở thành một ngôi đình có diện tích rộng lớn, mang phong cách kiến trúc truyền thống Việt Nam, theo lối kiến trúc chữ Công, thể hiện sự tinh tế, trang trọng và uy nghiêm trong trang trí và chạm khắc trên gỗ quý.
Đình thờ vị thần thành hoàng bổn cảnh và các vị tiền hiền, hậu hiền, đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ, phát triển của làng xã. Trước năm 1945, đình là trụ sở hành chính của xã, thôn, nơi tổ chức các hoạt động cộng đồng. Sau khi miền Nam giải phóng, đình trở thành nơi hội họp và tổ chức các sinh hoạt văn hóa cộng đồng do Ban Quý tế xã An Hòa quản lý.
Vào ngày 21/1/1989, di tích đình An Hòa đã được nhà nước ta công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.
Khu di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh Bửu Long
Di tích lịch sử Bửu Long Đồng Nai
Khu di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh Bửu Long nằm tại phường Bửu Long, cách trung tâm thành phố Biên Hòa 6 km về hướng Tây Bắc và cách TPHCM 30 km về hướng Đông. Nơi đây có tổng diện tích khoảng 84 ha, với địa hình đa dạng từ núi đá, đồi, ao, hồ đến sông.
Theo các nhà sử học cho rằng, núi đá Bửu Long được hình thành từ khoảng 100-150 triệu năm trước, với chiều cao trung bình khoảng 150m so với mực nước biển.
Trước năm 1975, di tích núi Bửu Long chỉ là một vùng núi đá hoang sơ, chủ yếu dùng cho việc khai thác đá bởi cư dân địa phương. Tuy nhiên, từ năm 1980, UBND tỉnh Đồng Nai đã quy hoạch lại khu vực này, bao gồm 2 xã Tân Thành và Bửu Long với diện tích 84 ha. Vào năm 1990, Khu di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh Bửu Long được thành lập, và được nhà nước ta công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia vào năm này.
Khu di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh Bửu Long sở hữu nhiều phong cảnh tuyệt đẹp có thể kể đến như Núi Long Ẩn, Long Sơn thạch động, Hồ Long Ẩn, Hồ Long Vân, Cầu tình yêu, Cánh đồng hoa hướng dương, Thiên Hậu Cổ Miếu.
Di tích Chùa Đại Giác
Di tích Chùa Đại Giác Đồng Nai
Chùa Đại Giác còn được biết đến với tên gọi là Đại Giác cổ tự hay Chùa Tượng, tọa lạc tại phố Nhị Hòa, phường Hiệp Hòa, tỉnh Đồng Nai Đây là một ngôi chùa cổ quan trọng tại Đồng Nai, đóng vai trò trong việc truyền bá Phật giáo từ Đàng Ngoài vào miền Nam.
Chùa Đại Giác từng trải qua nhiều giai đoạn xây dựng và trùng tu từ khi được khánh thành. Trước năm 1975, đây chỉ là một ngôi chùa nhỏ, nhưng sau đó đã được trùng tu và mở rộng. Những sự kiện lịch sử, như việc công chúa Ngọc Anh, con gái của vua Gia Long, trú ngụ tại chùa trong cuộc chạy trốn quân Tây Sơn, đã gắn liền với việc trùng tu và cải tạo chùa.
Mặc dù đã trải qua nhiều lần trùng tu theo phong cách kiến trúc hiện đại, nhưng chùa vẫn giữ nguyên được những nét đẹp cổ kính, uy nghiêm nơi phật giáo. Do đó mà nơi đây đã được nhà nước công nhận là di tích lịch sử văn hóa và nghệ thuật cấp quốc gia vào ngày 18/9/1990.
Di tích Lăng mộ Trịnh Hoài Đức
Di tích Lăng mộ Trịnh Hoài Đức
Di tích lăng mộ Trịnh Hoài Đức thường được gọi là “lăng Ông”, nằm ở phường Trung Dũng, Biên Hoà, Đồng Nai. Di tích này từng là địa điểm quan trọng của họ tộc Trịnh Hoài Đức, với nhiều ngôi mộ cổ xây bằng đá ong tô hợp chất.
Cảnh quan nơi đây luôn được bảo tồn qua hành thế kỷ. Do đó mà kiến trúc của mộ ban đầu vẫn được bảo quản, với đá ong tô hợp chất và các chi tiết trang trí như hình long, câu đối chữ Hán.
Trịnh Hoài Đức, sinh năm 1765, có tên là An, tự Chỉ Sơn, được mệnh danh là bậc khai quốc công thần. Ông nổi tiếng với kiến thức sâu rộng, tài năng và phẩm chất cao đức. Ông đã có nhiều vị trí quan trọng trong triều đình Nguyễn, được vua Minh Mạng tin yêu và tín nhiệm. Ông qua đời năm 1825, để lại nhiều công trình văn học và nghiên cứu lịch sử có giá trị lớn.
Lăng mộ Trịnh Hoài Đức được xem là một di tích lịch sử quan trọng, mang trong mình câu chuyện về một con người với sự tận tụy, trí tuệ và phẩm hạnh cao đẹp. Do đó mà vào ngày 27/12/1990, Di tích lăng mộ Trịnh Hoài Đức đã được nhà nước ta xếp hạng là một trong những di tích lịch sử Đồng Nai được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia.
Di tích lịch sử Đình Tân Lân
Di tích lịch sử Đình Tân Lân Đồng Nai
Di tích Đình Tân Lân có địa chỉ tại phường Hòa Bình, Biên Hoà, Đồng Nai. Ban đầu đình chỉ là ngôi miếu nhỏ dành để tưởng nhớ Trấn Biên Đô đốc tướng quân Trần Thượng Xuyên vào năm 1720. Nhưng sau đó, do sự kiện chiếm Biên Hòa của quân Pháp và Tây Ban Nha vào năm 1861, ngôi miếu đã phải di dời hai lần trước khi đến vị trí hiện tại và được xây dựng kiên cố vào năm 1935, mang tên Đình Tân Lân.
Đình có diện tích khoảng 3.000m², với phong cách kiến trúc được lấy cảm hứng từ văn hoá Trung Quốc. Phần tiền đình trang trí bằng gốm men xanh với hình ảnh cổ điển phương Đông sinh động, trong khi chánh điện có tượng Trần Thượng Xuyên và những trang trí uy nghiêm. Hậu cung là không gian thờ các vị thần như Bà Thiên Hậu, Quan Công và nhiều vị thần khác.
Tựa chung rằng, di tích Đình Tân Lân là một công trình kiến trúc tinh xảo, với phần trang trí gốm men và hình ảnh cổ điển độc đáo, kết hợp với không gian thờ các vị thần mang nét linh thiêng và trang nghiêm. Do đó mà vào ngày 25/3/1991, di tích đình Lân Tân đã được nhà nước ta công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.
Khu di tích đền thờ và Mộ Nguyễn Hữu Cảnh
Di tích đền thờ và Mộ Nguyễn Hữu Cảnh
Đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh hay còn được biết đến với tên gọi là Đình Bình Kính, nằm bên bờ sông Đồng Nai. Ban đầu, đền được xây khoảng cuối thế kỷ XVIII. Sau đó được đưa vào tu sửa lần đầu vào năm 1851 và tái xây dựng lại tại vị trí hiện tại vào năm 1923. Đền thờ là nơi tưởng nhớ danh tướng Nguyễn Hữu Cảnh, người có nhiều đóng góp lớn trong việc mở mang đất Đồng Nai và xây dựng huyện Phước Long.
Nguyễn Hữu Cảnh xuất thân từ một gia đình danh tướng, là người văn võ song toàn, được chúa Nguyễn tin yêu và trọng vọng. Ông lập Đại bản doanh ở Cù lao Phố (Hiệp Hòa ngày nay). Sau đó biến đất Đồng Nai thành huyện Phước Long và xây dinh Trấn Biên, đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong lịch sử vùng đất này. Sau những chiến công lớn, ông mất vào năm 1700 và được tưởng nhớ bằng một ngôi mộ vọng.
Di tích Đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh đã được nhà nước ta xếp hạng là một trong những di tích lịch sử cấp quốc gia vào ngày 25/3/1991.
Di tích Chùa Long Thiền Đồng Nai
Di tích lịch sử Đồng Nai – Chùa Long Thiền
Chùa Hòa Long Thiền có địa chỉ tại số K2/3B ấp Tân Bình, phường Bửu Hòa, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Nơi đây có tổng diện tích khoảng 1ha, nằm ven sông Đồng Nai. Chùa thuộc hệ phái Bắc tông và được xây dựng vào cuối thế kỷ XVIII.
Theo sách “Những ngôi chùa Đồng Nai”, chùa Hòa Long Thiền được xây bởi Tổ sư Thành Nhạc vào năm 1664, nhưng đã trải qua nhiều đợt trùng tu dưới sự chỉ đạo của các vị lãnh đạo tôn giáo. Di tích ngày nay chính là kết quả của đợt trùng tu cuối cùng do hòa thượng Thích Huệ Thành thực hiện vào năm 1956.
Điện thờ của chùa sở hữu nhiều bức tượng Phật cổ từ đất nung và đồng. Sân vườn trước chùa trưng bày nhiều tượng Phật, Bồ tát như Đức Phật Thích Ca, Bồ tát Quán Thế Âm, Bồ tát Di Lặc, vườn tượng Lâm Tỳ Ni, và Đức Phật chuyển pháp luân.
Hòa thượng Thích Huệ Thành, nguyên Viện chủ của chùa, từng là người đảm nhận các vị trí quan trọng trong cộng đồng Phật giáo. Sau khi viên tịch vào năm 2001, chùa vẫn tổ chức lễ giỗ hàng năm vào ngày 24 tháng 4 âm lịch.
Di tích Nhà hội Bình Trước
Di tích Nhà hội Bình Trước Đồng Nai
Di tích nhà hội Bình Trước thuộc xã Bình Trước, thành phố Biên Hòa, Đồng Nai. Đây là một công trình kiến trúc đặc biệt của hương chức hội tề làng xã trước năm 1945. Nhà Hội được xây dựng vào khoảng năm 1936 dưới sự chủ trương của tỉnh trưởng Biên Hòa là Bolen. nhà hội Bình Trước đã trở thành nơi họp và làm việc của hương chức hội tề địa phương.
Có vị trí gần trung tâm thành phố, Nhà hội Bình Trước thu hút sự chú ý với kiến trúc dân gian uyển chuyển. Xây dựng bởi nghệ nhân về gốm và xây dựng của Biên Hòa, di tích này nổi bật với các tác phẩm gốm điêu khắc và kiến trúc gỗ tinh xảo, phản ánh nét đẹp của nghệ thuật truyền thống Việt Nam.
Mặc dù không phải là đình chùa, nhưng Nhà hội Bình Trước vẫn thể hiện nét trang nghiêm và độc đáo của kiến trúc đình làng, kết hợp nhiều nét đặc trưng của nghệ thuật kiến trúc thời Nguyễn. Với diện tích 187,50m2, kiến trúc của nhà hội có mái ngói âm dương, trang trí gỗ và các bức phù điêu gốm tinh xảo.
Đặc biệt hơn, Nhà hội Bình Trước còn ghi dấu sự kiện quan trọng trong lịch sử Biên Hòa. Vào ngày 23-9-1945, Hội nghị cán bộ tỉnh Biên Hòa đã quyết định thành lập Tỉnh ủy đầu tiên sau khi giành được chính quyền vào tháng Tám. Đây là một trong những sự kiện quan trọng chuẩn bị cho cuộc kháng chiến chống Pháp xâm lược.
Di tích nhà hội Bình Trước đã được nhà nước ta công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia vào ngày 30/12/1991.
Di tích lịch sử Quảng trường Sông Phố Đồng Nai
Quảng trường Sông Phố hay còn được biết đến là bùng binh trung tâm, nằm tại giao lộ Cách Mạng Tháng Tám và đường 30.4 tại thành phố Biên Hòa, Đồng Nai. Nơi đây đã trở thành điểm giao thông quan trọng của thành phố Biên Hòa, gần các cơ quan hành chính tỉnh và các tuyến đường chính.
Vào thời Pháp thuộc, sau khi thực dân Pháp chiếm Biên Hòa, quân Pháp đã cho xây dựng các công sở ở khu vực này để phục vụ chính quyền thuộc địa. Quảng trường này được xây cùng với kiến trúc của Tòa bố Biên Hòa, Dinh Tỉnh trưởng, tạo nên cảnh quan hài hòa giữa lòng thành phố và sông Đồng Nai.
Quảng trường Sông Phố còn là nơi lưu giữ một sự kiện lịch sử của dân tộc. Vào ngày 27/8/1945, đã có một cuộc mít tinh chào mừng chính quyền cách mạng lâm thời đầu tiên của tỉnh Biên Hòa đã diễn ra tại đây. Đồng chí Dương Bạch Mai và Hoàng Minh Châu đã có diễn văn và tuyên bố thành lập Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh Biên Hòa.
Di tích lịch sử quảng trường Sông Phố được coi như một biểu tượng của chiến thắng của người dân Biên Hòa trong Cách Mạng Tháng Tám năm 1945. Do đó mà vào ngày 30/12/1991, di tích quảng trường Sông Phố Đồng Nai đã được nhà nước ta công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia.
Khu di tích Đền thờ Nguyễn Tri Phương
Khu di tích Đền thờ Nguyễn Tri Phương
Đền thờ Nguyễn Tri Phương, tọa lạc tại phường Bửu Hòa, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Nơi đây đã trở thành nơi tôn thờ vị anh hùng Nguyễn Tri Phương, một dũng tướng mưu trí và người có công lớn trong việc khai hoang đất đai Nam Bộ vào cuối thế kỷ 19.
Di tích đền thờ Nguyễn Tri Phương có tổng diện tích 500 m2. Đền thờ được xây lên với mái lợp ngói vảy cá và trước đền có dòng chữ “Mỹ Khánh đình” bằng chữ Hán, hai bên là cặp lý ngư hóa long, nhật nguyệt. Bên trong chính điện có tượng Nguyễn Tri Phương được tạc khắc bằng gỗ, được tưởng tượng từ một bô lão trong một giấc mộng.
Di tích đền thờ Nguyễn Tri Phương đã được bộ văn hóa thể thao du lịch nước ta xếp hạng là một trong những di tích lịch sử Đồng Nai được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.
Di tích lịch sử Nhà tù Tân Hiệp Đồng Nai
Di tích lịch sử Đồng Nai – Nhà tù Tân Hiệp
Di tích nhà tù Tân Hiệp hay còn được biết đến với cái tên là “Trung tâm huấn chiến” hoặc “Trung tâm cải huấn”. Nhà tù nằm trên Quốc lộ 1, phường Tân Tiến, Biên Hòa, Đồng Nai. Đây là một trong những nhà tù lớn nhất ở miền Nam Việt Nam và là nhà tù lớn nhất ở Đông Nam Bộ.
Di tích nhà tù Tân Hiệp là một di tích lịch sử đặc biệt. Nơi đây chính là một minh chứng rõ nét nhất về hai cuộc chiến tranh xâm lược từ Pháp và Mỹ cùng với chính quyền Việt Nam Cộng Hòa.
Nhà tù này đã trở thành một “chiến trường không ranh giới” nơi những người chiến sĩ cách mạng. Mặc dù không có vũ khí, nhưng hàng ngày tù nhân ở đây phải đối mặt và chiến đấu quyết liệt dưới sự tra tấn của kẻ thù, thể hiện lòng dũng cảm và kiên cường bất khuất của những chiến sĩ bị giam giữ nơi đây.
Những hiện vật được trưng bày tại nhà tù Tân Hiệp không chỉ là biểu tượng của sự tàn nhẫn của quân thù, mà còn là biểu tượng của sự kiên cường và chủ nghĩa nhân văn, anh hùng trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của người Việt Nam. Do đó mà vào ngày 15/10/1994, di tích nhà tù Tân Hiệp đã được nhà nước ta công nhận là một trong những di tích lịch sử Đồng Nai được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia.
Khu di tích Mộ Nguyễn Đức Ứng và 26 nghĩa binh
Khu di tích Mộ Nguyễn Đức Ứng và 26 nghĩa binh
Khu di tích Mộ Nguyễn Đức Ứng và 26 nghĩa binh nằm ở ấp Suối Cả, xã Long Phước, huyện Long Thành, Đồng Nai, cách trung tâm thành phố Biên Hòa khoảng 30km về phía Nam.
Di tích Mộ Nguyễn Đức Ứng và 26 nghĩa binh là nơi an táng của Nguyễn Đức Ứng và 27 người lính hy sinh trong cuộc đánh Pháp xâm lược năm 1861. Vào năm 1996, di tích này đã được đưa vào tu sửa. Các ngôi mộ được đắp bằng bê tông xi măng, có tường rào bao quanh, khuôn viên được trang trí lát gạch, cây xanh, nhà bia và lư hương.
Trên bia mộ có khắc dòng chữ ghi rõ sự hy sinh của Nguyễn Đức Ứng trong cuộc chống Pháp. Ông hy sinh vào ngày 21 tháng 12 năm 1861. Mặc dù bị cấm nhưng người dân địa phương đã an táng ông và 27 người lính vào ngôi mộ chung. Bia đá trên mộ còn ghi thêm thông tin về ngày ông hy sinh là ngày 26 tháng 11 năm Tân Dậu.
Vào năm 1936, một phụ nữ từ Gia Định đã tìm đến ngôi mộ ông. Bà đã xây dựng ngôi mộ thành một công trình kiến trúc độc đáo theo hình dạng Kim Tự Tháp. Người dân địa phương coi Nguyễn Đức Ứng như một phúc thần, linh ứng mang lại sự bình yên, thịnh vượng cho làng xã. Hàng năm, dân làng tổ chức cúng giỗ ông một cách long trọng nhằm tôn vinh những công lao to lớn của ông cùng các nghĩa sĩ đã nằm xuống nơi đây.
Vào ngày 15/10/1994, khu di tích mộ Lãnh binh Nguyễn Đức Ứng và 27 nghĩa binh đã được nhà nước ta đã xếp hạng là di tích lịch sử cấp quốc gia.
Di tích Căn cứ Khu uỷ miền Đông Nam Bộ tại Đồng Nai
Di tích Căn cứ Khu ủy miền Đông Nam Bộ tọa lạc ở huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai. Nơi đây từng là trung tâm lãnh đạo phong trào cách mạng từ 1962 đến 1967, góp phần quan trọng trong các chiến thắng Phước Thành, Bình Giã, Đồng Xoài, Bàu Sắn, giúp phá vỡ chiến lược của quân Mỹ, ngừng chiến tranh cục bộ và chuẩn bị cho Tổng tiến công Xuân Mậu Thân 1968.
Khu ủy miền Đông Nam Bộ có vị trí địa lý thuận lợi, với hệ thống địa đạo, giao thông hào, và hầm trú ẩn được xây dựng tỉ mỉ, phù hợp cho việc lãnh đạo, chỉ huy các lực lượng vũ trang. Đây đã trở thành điểm nghiên cứu, học tập và điểm du lịch hấp dẫn, thu hút cả du khách trong và ngoài nước.
Hiện nay, di tích đã được phục hồi với hệ thống địa đạo, giao thông hào, nhà làm việc và được xây dựng nhà trưng bày truyền thống và bia tưởng niệm, tái hiện lại diện mạo của Khu ủy miền Đông Nam Bộ trong quá khứ.
Vào ngày, 29/11/1997, Di tích Căn cứ Khu ủy miền Đông Nam Bộ đã được nhà nước ta công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia.
Khu di tích Mộ và đền thờ Đoàn Văn Cự và 16 nghĩa binh
Khu di tích Mộ và đền thờ Đoàn Văn Cự và 16 nghĩa binh tại Đồng Nai
Khu di tích Mộ và đền thờ Đoàn Văn Cự và 16 nghĩa binh nằm tại tổng kho Long Bình, Biên Hòa, Đồng Nai. Đây là nơi an táng Đoàn Văn Cự, lãnh đạo hội kín Thiên Địa hội ở Biên Hoà cùng 16 nghĩa binh đã đứng lên kháng chiến chống lại quân Pháp. Đền thờ có kiến trúc đẹp, bao gồm nhà võ ca và chánh điện, là nơi tưởng nhớ và cầu nguyện cho Đoàn Văn Cự và các nghĩa binh.
Đoàn Văn Cự lãnh đạo Thiên Địa hội, tổ chức chống ách thống trị Pháp. Hội này có tính tương tế và chính trị, xuất phát từ nông dân Trung Quốc sau khi nhà Minh bị đánh bại. Đoàn Văn Cự đã tập hợp lực lượng, tích trữ vũ khí, hoạt động khá bí mật nhưng có ảnh hưởng sâu rộng ở Đông Nam bộ. Tổ chức này cùng các hội khác đã đấu tranh quyết liệt với giặc Pháp, mong muốn giành độc lập cho đất nước.
Trong một trận tấn công của Pháp, Đoàn Văn Cự đã hy sinh tại căn cứ bưng Kiệu. Mặc dù đã đánh đuổi được giặc nhưng ông bị thương nặng và chết trước bàn thờ Tổ. Hành động dũng cảm này của ông đã làm rạng danh hào khí vùng Đồng Nai.
Mộ và đền thờ của ông cùng 16 nghĩa binh là biểu tượng tưởng nhớ sự hy sinh cao quý của họ trong cuộc đấu tranh cho tự do đất nước. Do đó mà ngày 25/4/1998, Khu di tích Mộ và đền thờ Đoàn Văn Cự và 16 nghĩa binh đã được nhà nước ta công nhận là một trong những di tích lịch sử Đồng Nai được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia.
Di tích Địa đạo Suối Linh
Di tích Địa đạo Suối Linh nằm ở Khu bảo tồn thiên nhiên và di tích huyện Vĩnh Cửu, thành phố Biên Hòa, Đồng Nai. Trước đây, nơi đây thuộc phân trường 3, lâm trường Hiếu Liêm. Địa đạo Suối Linh được xây dựng từ 1962 đến 196.
Nằm giữa hệ thống rừng nguyên sinh miền Đông, Địa đạo Suối Linh có tổng chiều dài hơn 640m, hình thành bởi hệ thống giao thông hào và hầm trú ẩn, được thiết kế linh hoạt với nhiều lỗ thông hơi trên mặt đất để lấy không khí vào. Với miệng địa đạo vừa đủ cho một người chui vào, có tổng cộng 12 miệng, hệ thống này cung cấp nơi trú ẩn an toàn và thuận lợi cho thoát hiểm khi cần thiết.
Từ năm 1962 đến 1967, Địa đạo Suối Linh đã đóng vai trò như một căn cứ đào tạo cán bộ thông tin và lắp ráp các thiết bị phục vụ liên lạc, giúp Ban thông tin khu Đông Nam bộ thực hiện nhiệm vụ quan trọng trong việc truyền tin và chỉ đạo lực lượng khắp khu vực. Do đó mà địa đạo Suối Linh đã góp phần quan trọng trong chiến thắng của Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Khu di tích địa đạo Suối Linh đã được bộ văn hóa thể thao du lịch nước ta công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia vào ngày 13/9/1999.
Di tích Căn cứ Trung ương Cục miền Nam tại Đồng Nai
Khu di tích Căn cứ Trung ương Cục miền Nam tại Đồng Nai
Căn cứ Trung ương Cục miền Nam là một trong những khu di tích lịch sử quốc gia được nhà nước ta công nhận vào ngày 31/8/1990. Sau đó, vào ngày 10/5/2012, nơi đây đã được thủ tướng chính phủ công nhận là di tích lịch sử đặc biệt cấp quốc gia.
Di tích Căn cứ Trung ương Cục miền Nam nằm ở rừng Chàng Riệc, Rùm Đuôn, xã Tân Lập, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh, Việt Nam, được biết đến với nhiều tên gọi khác nhau như R, A9, M40, K89, Ba Đình, hay Căn cứ Phạm Hùng.
Thành lập vào tháng 3 năm 1951, nơi này đóng vai trò cao nhất chỉ đạo cách mạng miền Nam cho Đảng Cộng sản Việt Nam. Di chuyển qua nhiều địa điểm, căn cứ Trung ương Cục miền Nam đã từng là trọng tâm của lực lượng Việt Nam Cộng hòa và được biết đến là “Thủ đô của cách mạng miền Nam.”
Sau năm 1975, Di tích Căn cứ Trung ương Cục miền Nam được công nhận là di tích quốc gia và đã trải qua quá trình tu sửa. Khu di tích bao gồm nhà trưng bày hiện vật và hình ảnh về đời sống của các nhà cách mạng, cũng như những căn nhà tre, gỗ với vật dụng cổ vẫn giữ nguyên vị trí ban đầu.
Di tích Chùa Ông Thất phủ cổ miếu
Di tích Chùa Ông Thất phủ cổ miếu tại Đồng Nai
Di tích Chùa Ông, hay còn gọi là Thất Phủ cổ miếu, là ngôi chùa cổ nhất ở Nam bộ, nằm tại xã Hiệp Hòa, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Chùa là nơi thờ Quan Công, biểu tượng cho trung, hiếu, tiết, nghĩa. Chùa Ông được xây dựng từ năm 1684. Tuy nhiên chùa nhiều lần bị tàn phá trong chiến tranh. Nhưng đã được người Hoa địa phương tu bổ từ năm 1817 đến 1894.
Di tích Chùa Ông có kiến trúc đặc trưng với hình chữ khẩu, kèm theo hai công trình phụ gọi là đông lang và tây lang. Bên ngoài, có sân rộng bao quanh được bao phủ bởi hàng rào kiên cố và sông Đồng Nai bên cạnh. Kiến trúc chùa không tô, mái lợp ngói âm dương màu đỏ, có công trình điêu khắc độc đáo trên mái nóc và các tạo tác đá độc đáo trên mặt tiền.
Bên trong chùa có ba khu vực chính là tiền điền, trung điện và chính điện. Các bức chạm khắc và trang trí bằng gỗ, bằng đá vô cùng tinh xảo và tinh tế, thể hiện cuộc sống của người Hoa xưa. Chùa có tượng thờ Quan Công trong gian chính điện, cùng với các thờ thần khác và các bức tượng linh vật được tạo tác một cách tinh xảo.
Vào năm 2001, Di tích Chùa Ông đã được bộ văn hóa thể thao du lịch nước ta công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia.
Khu di tích lịch sử Địa đạo Nhơn Trạch Đồng Nai
Khu di tích lịch sử Đồng Nai – Địa đạo Nhơn Trạch
Khu di tích lịch sử Địa đạo Nhơn Trạch thuộc vùng Thới An, tỉnh Đồng Nai. Trước đây, nơi đây được biết đến là rừng nguyên sinh lòng chảo, từng được biết đến là “Thủ đô của Long Thành kháng chiến chống Pháp”. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, nơi này là căn cứ hoạt động của Huyện ủy Nhơn Trạch, với hệ thống địa đạo, giao thông hào và cơ sở lán trại.
Khoảng 20 người đã tham gia đào đường địa đạo từ ngày 19/5/1963, kỷ niệm 73 năm ngày sinh của Bác Hồ. Đến cuối năm 1964, họ đã hoàn thành 1,5km đường địa đạo kín, nối từ căn cứ Huyện ủy về các xã Phú Hội, Phước An, Huyện đội… Đường địa đạo này có kết cấu vòm, sâu từ 5 đến 7m, cao từ 1,8m đến 2m, rộng từ 1m đến 1,2m và có thể chứa từ 300 đến 500 người.
Từ căn cứ này, Huyện ủy Nhơn Trạch đã chỉ đạo các lực lượng cách mạng trong huyện kết hợp đấu tranh vũ trang, chính trị và binh vận đánh bại chính sách chiến lược của Mỹ. Sau khi miền Nam được giải phóng, địa đạo dài 1,5km này không còn nguyên vẹn, chỉ còn lại gần 200m.
Nhờ những đóng góp vĩ đại vào công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước mà vào ngày 19/1/2001, Khu di tích lịch sử Địa đạo Nhơn Trạch đã được nhà nước ta công nhận là một trong những di tích lịch sử Đồng Nai được xếp hạng là di tích lịch sử cấp quốc gia.
Minh Luân tổng hợp