Đặc sắc văn hóa Đồng Nai
|
Đăng ngày: 10-01-2025 08:57
|
|
asp:Label ID="lblSummary" runat="server"
|
Với lịch sử hơn 300 năm hình thành và phát triển, vùng đất Đồng Nai đã để lại nhiều di sản văn hóa, ẩm thực đặc sắc, phong phú và đa dạng mang dấu ấn riêng ở vùng đất phương Nam.
|
“Mộ cổ Hàng Gòn” - Di tích khảo cổ học cấp Quốc gia đặc biệt
Di sản văn hóa đặc sắcMột trong những yếu tố quan trọng tạo nên đặc sắc và độc đáo cho văn hóa Đồng Nai đó chính là các di tích lịch sử mang dấu ấn sâu đậm của bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam. Đồng Nai là vùng đất có nhiều di tích mang giá trị văn hóa được xếp hạng, đa dạng về loại hình: Khảo cổ, lịch sử, văn hóa, kiến trúc nghệ thuật, tín ngưỡng, lưu niệm danh nhân, truyền thống cách mạng. Đến nay, toàn tỉnh có trên 60 di tích, danh thắng được xếp hạng, trong đó có 02 di tích cấp quốc gia đặc biệt. Ngoài ra, Đồng Nai còn có hàng ngàn di tích phổ thông với các loại hình khác nhau. Loại hình di sản văn hóa phi vật thể cũng khá đa dạng: Nghệ thuật diễn xướng Bóng rỗi Địa - Nàng, lễ cấp sắc của người Dao, lễ hội Sayangva (mừng lúa mới) của đồng bào Chơ Ro hay lễ hội kỳ yên tại các đình làng. Đặc biệt, Đồng Nai là một trong 21 đại phương trong cả nước có nghệ thuật đờn ca tài tử được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, góp phần tạo nên bức tranh đa sắc tộc, một diện mạo văn hóa, lịch sử của vùng đất trên 300 năm hình thành và phát triển. Ẩm thực đặc trưng vùng miềnGần gũi xứ Bưởi Tân Triều: Là ngôi làng cổ xưa ở Đồng Nai thuộc xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu, Tân Triều được bao bọc bởi dòng sông Đồng Nai hiền hòa và nhiều kênh rạch, tạo thành cù lao biệt lập. Chính đặc trưng thổ nhưỡng nơi đây đã tạo ra vị ngon đặc biệt của trái bưởi Tân Triều. Với hương vị thanh mát, người dân Tân Triều đã tạo ra rất nhiều món ăn ngon và độc đáo được chế biến từ bưởi: Gỏi, rượu, chè, nem, nước ép, gà hấp bưởi… Đến với làng bưởi Tân Triều, ngoài việc được hòa mình vào thiên nhiên trong lành, thưởng thức những món ăn ngon thú vị từ bưởi, cũng là lúc chúng ta có những giây phút thư giãn sau bộn bề cuộc sống. Mộc mạc bánh bèo Phú Hội: Bánh bèo Phú Hội (Nhơn Trạch) được làm khá kỳ công, từ khâu lựa chọn thực phẩm, nguyên vật liệu đến các công đoạn làm bánh. Bánh bèo vùng này thường ăn kèm với mắm xắt. Mắm xắt với vị thơm rất đặc biệt tạo nên vị lạ, làm cho bánh bèo nơi đây không lẫn với vùng miền khác.
Dân dã món rau chại: Rau (đọt) chại (có nơi còn gọi là rau chạy, rau choại, cây cuồn cuộn) thuộc họ dương xỉ, là loại rau mọc hoàn toàn tự nhiên. Rau chại mọc nhiều ở khu vực các xã Phước Khánh, Long Tân, Phú Đông (Nhơn Trạch). Loại rau này được chế biến khá đơn giản thành những món ăn dân dã như luộc chấm với kho quẹt hay mắm nêm, xào tỏi hoặc xào tép. Ngoài ra, rau chại còn chế biến thành những món ăn phụ, dùng với cháo cá lóc hoặc canh chua cá rô đồng,… cho vị thơm nhẹ rất riêng của rau.
Đắng - ngọt lẩu khổ qua rừng: Khổ qua rừng (mướp đắng rừng) là một loại cây thân leo, mảnh nhỏ, mọc dại tự nhiên, mưa xuống cây lan nhanh khắp mặt đất, hình dáng giống trái khổ qua thường nhưng nhỏ, gai góc và vị đắng hơn. Long Khánh là địa phương có nhiều khổ qua rừng. Vị khổ qua rừng ở đây rất đặc biệt, đậm, đắng nhưng rất thanh và ngọt sau khi thưởng thức. Ngoài việc dùng để nấu lẩu, trái khổ qua rừng còn được chế biến thành nhiều món ngon khác như nhồi thịt, muối chua, phơi sấy khô làm khổ qua rừng xá xíu hay làm trà nấu với nước để uống thanh nhiệt cơ thể.
Miệt vườn mùa cây trái: Đồng Nai được xem là một trong những vựa trái cây của miền Đông Nam bộ và cả nước. Do đặc trưng thổ nhưỡng nơi đây nên chất lượng trái cây rất ngon, rộ lên trong khoảng tháng sáu, tháng bảy hàng năm. Thời điểm này là lúc những vườn chôm chôm, sầu riêng, măng cụt cho trái chín mọng, thơm ngọt. Những năm gần đây, để “chiều lòng” và nắm bắt nhu cầu khách hàng, các chủ nhà vườn tại Long Khánh, Long Thành đã phát triển “tour du lịch miệt vườn”, tạo sức hút và kích cầu du lịch sinh thái của địa phương.
Đặc sản trái cây Long Khánh
Nghề truyền thống phong phú
Việc mở rộng khai phá bằng nhiều hình thức đã tạo điều kiện cho nghề nông phát triển ở vùng đất Đồng Nai. Lương thực là vấn đề chính trong đời sống của các lớp lưu dân vào Đồng Nai lập nghiệp nên họ trồng cây lúa trên những vùng đất màu mỡ bên sông Đồng Nai. Cùng với các địa phương khác ở Nam bộ, vùng đất Đồng Nai đã góp phần làm nên một “vựa lúa lớn xứ đàng Trong” và trở thành một trong những trung tâm kinh tế của vùng đất mới, là chỗ dựa cho chính quyền nhà Nguyễn vào thời kỳ lịch sử này. Sự phát triển của nghề nông làm ra các loại nông sản nên ở Biên Hòa có nghề chế biến lương thực, thực phẩm như làm bánh kẹo (đặc biệt là kẹo đậu phộng, kẹo mè, bánh tráng...), nấu rượu (chủ yếu là rượu gạo) vừa mang tính phổ biến, vừa mang dấu ấn của sắc thái địa phương và văn hóa truyền thống của dân tộc. Nghề thủ công và buôn bán là hoạt động kinh tế quan trọng và là sở trường của nhóm cư dân người Hoa ở Cù Lao Phố. Nghề làm gốm là nghề truyền thống ở Biên Hòa. Theo lịch sử khảo cổ học, những cư dân cổ trên vùng đất này đã biết đến việc làm gốm, chế tác ra những sản phẩm đáp ứng cho việc sinh hoạt, sử dụng thường nhật. Những sản phẩm gốm xưa ở Biên Hòa ngày nay còn lưu ở các di tích thờ tự, tín ngưỡng, bảo tàng, một số nhà dân hay một số công trình công cộng, đặc biệt là các sản phẩm gốm mỹ nghệ Biên Hòa - sản phẩm đánh dấu bước phát triển của lịch sử gốm Biên Hòa - Đồng Nai. Đó là sự biểu hiện sinh động, là sự kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện tại, giữa phương Đông và phương Tây, là kết quả của sự giao thoa văn hóa, tạo nên sự độc đáo riêng của nó. Nghề điêu khắc đá ở Biên Hòa là nghề thủ công ra đời rất sớm. Nghề điêu khắc đá thủ công ở Bửu Long (xưa là làng Bạch Khôi, Bình Điện) ra đời cách nay khoảng trên hai thế kỷ. Phần lớn những gia đình làm nghề đá là người Hoa thuộc bang Hẹ, một trong những bang theo đoàn quân của Trần Thượng Xuyên đến Đồng Nai cư trú. Số người hành nghề này cũng dần được tăng thêm vào các thời điểm về sau, nhất là khi thực dân Pháp đã chiếm được Nam kỳ. Bên cạnh những nghề thủ công khá phổ biến mà nguồn nhân lực chủ yếu là cư dân người Việt và người Hoa cư trú tại Đồng Nai, còn có những nghề thủ công truyền thống khá đặc thù của người kinh và đồng bào các dân tộc Chơro, Mạ, S’tiêng, Chăm như đúc đồng; làm trống da; đan mây, tre, lá; rèn, dệt thổ cẩm, dệt chiếu.... Đặc biệt, một trong những sản phẩm đó chính là hàng thủ công mỹ nghệ có giá trị cả về kinh tế và truyền thống văn hóa dân tộc. Có thể nói, sự hòa quyện giữa lịch sử và văn hóa đã tạo cho Đồng Nai một nét riêng trong tổng hòa những nét chung của văn hóa Việt Nam. Đó cũng là nét độc đáo riêng biệt, minh chứng cho sự phát triển của cư dân Việt và các tộc người theo tiến trình di dân, lập nghiệp ở vùng đất mới phương Nam.
Lễ hội lồng tồng (lễ hội xuống đồng) của đồng bào dân tộc Tày, Nùng (Định Quán)
Nguồn Báo Đồng Nai
|
In nội dung
|
|