Hội nghị phản biện xã hội do BTT Uỷ ban MTTQ tỉnh tổ chức
Giám sát và phản biện xã hội của
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là một phương thức kiểm soát quyền lực nhà nước thuộc
cơ chế Nhân dân trực tiếp kiểm soát quyền lực nhà nước đã được Hiến pháp năm
2013, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015 quy định.
Nâng cao hiệu lực và hiệu quả của các cuộc giám sát và phản
biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có vai trò đặc biệt quan trọng trong
việc góp phần đối mời nội dung và phương thức hoạt động của MTTQ Việt Nam trong
công tác tham gia xây dựng Đảng và Nhà nước trong giai đoạn mới.
Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả của giám sát và phản biện xã
hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp trên địa bàn tỉnh phải phát huy được
sức mạnh từ nhiều yếu tố như nâng cao nhận thức về vị trí và vai trò của giám
sát, phản biện xã hội; xây dựng chương trình, kế hoạch lựa chọn chủ đề giám sát
và phản biện xã hội đúng, phù hợp; tổ chức chu đáo, khoa học một cuộc giám sát,
phản biện xã hội; đưa ra được nhận xét, kết luận, kiến nghị sắc sảo, có sức
thuyết phục. Tuy nhiên, hiệu lực và hiệu quả của giám sát và phản biện xã hội
không dừng lại ở đó, mà vấn đề cơ bản cuối cùng là các kết luận, kiến nghị rút
ra từ một cuộc giám sát được cơ quan, cá nhân có thẩm quyền là đối tượng chịu
sự giám sát tiếp thu, khắc phục, thực hiện những kết luận, kiến nghị của Mặt
trận Tổ quốc Việt Nam rút ra qua cuộc giám sát như thế nào.
Qua 10 năm thực hiện chức năng giám sát và phản biện xã hội
của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp được tăng cường, hàng trăm cuộc giám sát
và phản biện xã hội được thực hiện mỗi năm. Các hoạt động giám sát, phản biện
xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam từng bước đi vào nề nếp. Mặt trận Tổ quốc
Việt Nam các cấp đã tích cực bám sát chương trình, kế hoạch của cấp ủy, chính
quyền các cấp và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng, chính
quyền của địa phương, những vấn đề xã hội và Nhân dân quan tâm, bức xúc để giám
sát, phản biện xã hội hàng năm; luôn gắn giám sát, phản biện xã hội với nhiệm
vụ lắng nghe ý kiến Nhân dân, vận động Nhân dân thực hiện chính sách, pháp
luật, các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động.
Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh sáu
tháng, một năm đã tổng hợp kết quả giám sát, phản biện và kiến nghị gửi Hội đồng
nhân dân tỉnh tại các kỳ họp thường lệ. Việc xây dựng báo cáo tổng hợp ý kiến,
kiến nghị của cử tri và Nhân dân, thông báo xây dựng chính quyền của Mặt trận
Tổ quốc các cấp trình tại các kỳ họp của Hội đồng nhân dân có nhiều đổi mới,
được các cấp và Nhân dân quan tâm, đánh giá cao.
Nhiều kiến nghị sau giám sát, sau phản biện xã hội có tính
thuyết phục cao được các cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm tiếp thu,
phản hồi, nhất là các kiến nghị sau phản biện, đem lại hiệu quả thiết thực, góp
phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của công dân, đưa pháp luật, chủ
trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đi vào cuộc sống.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến phản biện xã hội của Mặt trận Tổ
quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội được các cơ quan, tổ chức có dự
thảo tiếp thu, chỉnh lý, góp phần nâng cao chất lượng các văn bản, đề án... Qua
các hoạt động giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam giúp cơ
quan có thẩm quyền hoạch định, thực thi có hiệu quả hơn các chính sách, pháp
luật, góp phần quan trọng trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, ổn
định tình hình Nhân dân, thực hiện các mục tiêu phát triển của các địa phương.
Tuy nhiên, chất lượng, hiệu lực và hiệu quả của các cuộc
giám sát còn nhiều vấn đề phải quan tâm, xem xét, giải quyết để ngày càng hiệu
lực, hiệu quả hơn .Đúng như Chỉ thị số 22 - CT/TW ngày 12/01/2023 của Ban Thường
vụ Tỉnh uỷ về phát huy vai trò, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám
sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị -
xã hội trên địa bàn tỉnh đã chỉ rõ: “Việc lựa chọn nội dung, đối tượng giám sát
có lúc, có nơi chưa phù hợp; đối tượng giám sát chủ yếu là cơ quan, tập thể chưa
giám sát đối với cá nhân, cán bộ, đáng viên, người đứng đầu cơ quan, cán bộ chủ
chốt các cấp, nhất là giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống; việc
tổ chức phản biện xã hội ở cấp xã còn hạn chế, chủ yếu thực hiện qua hình thức
góp ý kiến, việc theo dõi kết quả thực hiện sau giám sát và phản biện chưa được
quan tâm đúng mức”.
Để khắc phục tình trạng “theo dõi, đôn đốc giải quyết kiến
nghị thiếu quyết liệt chưa đi đến cùng” mà Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã chỉ ra
trong Chỉ thị 22 - CT/TU, cần phải hình thành một hành lang pháp lý sau giám
sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp trên địa bàn tỉnh.
Cơ chế chính trị, pháp lý này nhằm nâng cao trách nhiệm của cả chủ thể giám sát
là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và cả các chủ thể là đối tượng chịu sự
giám sát trong việc tiếp thu, giải trình, giải quyết và phản hồi các kiến nghị
sau giám sát và phản biện xã hội.
Cũng như các cơ chế chính trị, pháp lý khác, cơ chế chính
trị, pháp lý sau giám sát và phản biện xã hội cũng bao gồm các thiết chế, các
thể chế và các điều kiện đảm bảo cho cơ chế vận hành.
Về thiết chế, thể chế của cơ sở chính trị, pháp lý sau giám
sát, phản biện xã hội
Thứ nhất, Ban
Thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp. Đây là thiết chế có trách
nhiệm rất quan trọng để theo dõi thúc đẩy việc thực hiện các kết luận, kiến
nghị sau giám sát, phản biện xã hội. Theo đó, cần quy định đầy đủ, quyền và
trách nhiệm cụ thể của thiết chế này đối với cơ quan, tổ chức là đối tượng chịu
sự giám sát, phản biện xã hội.
Thứ hai, cơ quan, tổ
chức là đối tượng chịu giám sát và phản biện xã hội. Đây là các thiết chế trực
tiếp chịu trách nhiệm thực hiện các kết luận, kiến nghị sau giám sát, phản biện
xã hội. Các kết luận, kiến nghị sau giám sát và phản biện xã hội có trở thành
hiện thực trên thực tế hay không phụ thuộc phần lớn vào trách nhiệm của cá nhân
người đứng đầu các cơ quan, tổ chức này. Vì vậy, cần tiếp tục hoàn thiện các
quy định về trách nhiệm chính trị, pháp lý đối với người đứng đầu các cơ quan,
tổ chức là đối tượng chịu sự giám sát, phản biện xã hội trong việc thực hiện
các kết luận, kiến nghị sau giám sát.
Thứ bai, các thể chế quy
định trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, tổ chức là đối tượng chịu sự
giám sát và phản biện xã hội trong việc thực hiện các kết luận, kiến nghị sau
khi giám sát.
Thứ tư, các thể chế quy
định chế tài đối với người đứng đầu chủ thể giám sát, phản biện xã hội và nhất
là người đứng đầu của cơ quan, tổ chức chịu sự giám sát, phản biện xã hội, khi
không thực hiện hay thực hiện không đầy đủ các kết luận kiến nghị sau giám sát
và phản biện xã hội.
Có thể nói các yếu tố nói trên của cơ chế chính trị, pháp lý
sau giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức
chính trị - xã hội chưa hình thành một cách đầy đủ. Luật Mặt trận Tổ quốc Việt
Nam năm 2015, cũng như các đạo luật liên quan chưa quy định đầy đủ các yếu tố
cấu thành cơ chế nói trên, nên tình trạng hiệu lực và hiệu quả giám sát và phản
biện xã hội không cao, giám sát và phản biện xã hội chưa đi đến cùng trong việc
theo dõi các kết luận sau giám sát, phản biện xã hội.
Vì thế, xây dựng và hoàn thiện cơ chế đề cao trách nhiệm của
các chủ thể trong việc thực hiện các kết luận kiến nghị sau giám sát và phản
biện xã hội có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc phát huy vai trò của MTTQ
Việt Nam tham gia xây dựng Đảng, chính quyền.
Cơ chế trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong việc tiếp
thu giải trình, giải quyết và phản hồi các kết luận kiến nghị sau giám sát và
phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được hình thành bằng việc sửa
Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015 hoặc ban hành một Nghị quyết liên tịch
giữa Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Uỷ ban Thường
vụ Quốc hội và Chính phủ. Nội dung của cơ chế này bao gồm các quy định:
Một là, Quy định về quyền
và trách nhiệm của Ban Thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp
trong việc thực hiện các kết luận giám sát và phản biện do mình ra quyết định
giám sát, trong đó quy định rõ trách nhiệm của người quyết định giám sát hay
phản biện xã hội.
Hai là, Quy định về trách
nhiệm tiếp thu, giải trình, giải quyết và phản hồi các kết luận, kiến nghị và
kết quả thực hiện trong thực tế đối với người đứng đầu cơ quan, tổ chức là đối
tượng giám sát và ban hành văn bản được phản biện.
Ba là, Quy định các
chế tài xử lý chủ yếu là các chế tài mang tính chính trị, pháp lý như phê bình,
khiển trách nhắc nhở người đứng đầu, cơ quan, tổ chức chịu sự giám sát, phản biện
xã hội.
Xuân Tuấn