Việc triển khai Đề án “Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2018 - 2025" theo Quyết định số 1898/QĐ-TTg ngày 28/11/2017 của Thủ tướng Chính phủ luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở. Trên cơ sở Kế hoạch số 3465/KH-UBND ngày 10/4/2018 của UBND tỉnh về việc triển khai thực hiện Đề án này trên địa bàn tỉnh. Hàng năm, Ban Dân tộc tỉnh và các sở, ban ngành liên quan đã cụ thể hóa các nội dung của Đề án bằng nhiều chương trình, hoạt động đa dạng, phong phú. Theo đó, trong giai đoạn 2020 - 2024, Ban Dân tộc tỉnh đã phối hợp với các đơn vị, địa phương tổ chức 54 hội nghị tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bình đẳng giới cho 7.883 đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh; tổ chức 06 Hội nghị tập huấn, nâng cao kiến thức, kỹ năng tuyên truyền về bình đẳng giới cho 1.318 đại biểu là Chủ tịch, Phó chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ cấp xã, người làm công tác dân tộc, Bí thư ấp và Trưởng ấp trong vùng đồng bào DTTS.
Hội nghị tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bình đẳng giới cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh
Đến nay, các nhiệm vụ của Đề án “Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2018-2025" trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, vị trí và vai trò bình đẳng của nam và nữ ngày càng được khẳng định trong xã hội. Việc triển khai thực hiện các Chương trình, Đề án, Kế hoạch nhận được sự quan tâm chỉ đạo, lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể thu hút đông đảo đồng bào DTTS tham gia. Công tác tuyên truyền được thực hiện với nhiều hình thức phong phú góp phần nâng cao nhận thức và ý thức pháp luật, chuyển đổi hành vi, quan niệm về bình đẳng giới, nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ trong gia đình và ngoài xã hội, giảm khoảng cách và xóa bỏ định kiến về giới trong vùng đồng bào DTTS. Nhiều hoạt động đã được tổ chức và mang lại hiệu quả tích cực, từng bước thay đổi nhận thức và thúc đẩy bình đẳng giới, góp phần hoàn thành nhiệm vụ chính trị của ngành và thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới. Các mô hình về bình đẳng giới đã phát huy hiệu quả, khuyến khích đồng bào dân tộc quan tâm đến việc xây dựng tổ ấm gia đình, nuôi dạy con cái, chăm sóc sức khỏe,… góp phần hạn chế tình trạng bạo lực gia đình, tạo hiệu ứng tích cực trong việc thay đổi nhận thức, hành vi về bình đẳng giới và sự tiến bộ phụ nữ.
Hội nghị tập huấn, nâng cao kiến thức, kỹ năng tuyên truyền về bình đẳng giới cho Chủ tịch, Phó chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ cấp xã, người làm công tác dân tộc, Bí thư ấp và Trưởng ấp trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Công tác triển khai Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới luôn được các đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh quan tâm chỉ đạo, thực hiện nghiêm, nhất là triển khai thực hiện Kế hoạch số 13346/KH-UBND ngày 29/10/2021 của UBND tỉnh Đồng Nai về thực hiện Chiến lược Quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Triển khai thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu của Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới trên địa bàn tỉnh như: bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị, bình đẳng giới trong lĩnh vực kinh tế, bình đẳng giới trong lĩnh vực y tế, giáo dục… đều được triển khai thực hiện đồng bộ và đạt những kết quả quan trọng, trong đó có các chỉ tiêu đạt và đạt vượt như: Các chỉ tiêu đạt vượt: Lĩnh vực chính trị: Hiện tổng số các cơ quan quản lý nhà nước có lãnh đạo chủ chốt là nữ: 126/203 đơn vị đạt tỷ lệ 62.06% (mục tiêu của tỉnh là 55%), trong đó: Cấp tỉnh tỉnh đạt tỷ lệ 50% (11/22 đơn vị); cấp huyện đạt tỷ lệ 63.63% (07/11 huyện) và cấp xã đạt tỷ lệ 63.52% (108/170 xã). Lĩnh vực kinh tế, lao động: Tỷ lệ nữ giám đốc/chủ doanh nghiệp, hợp tác xã: Tính đến ngày 15/12/2023 toàn tỉnh có 1.326/3.949 doanh nghiệp có chủ doanh nghiệp là nữ, đạt tỷ lệ 33,6% (mục tiêu của tỉnh là 27%).Về phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới: 100% người bị bạo lực gia đình, bị bạo lực trên cơ sở giới được phát hiện được tiếp cận ít nhất một trong các dịch vụ hỗ trợ cơ bản; trên 85% người gây bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới được phát hiện ở mức chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự được tư vấn, tham vấn. Trong lĩnh vực y tế: Năm 2023, có 33.722 trẻ sinh ra, trong đó: 17.437 bé trai và 16.285 bé gái. Tỷ số giới tính khi sinh là 107 bé trai/100 bé gái; không có trường hợp tử vong bà mẹ liên quan đến thai sản. Trong lĩnh vực giáo dục: Tỷ lệ trẻ em trai và trẻ em gái dân tộc thiểu số hoàn thành giáo dục tiểu học đạt 99,89%; tỷ lệ hoàn thành cấp trung học cơ sở đạt 97,18%; tỷ lệ nữ học viên, học sinh, sinh viên được tuyển mới thuộc hệ thống giáo dục nghề nghiệp (sơ cấp, trung cấp, cao đẳng) là 23.764/72.738, đạt tỷ lệ 32,67%. Các chỉ tiêu đạt: 100% nạn nhân bị mua bán trở về được phát hiện có nhu hỗ trợ được hưởng các dịch vụ hỗ trợ và tái hoà nhập cộng đồng; 100% người bán dâm là nữ bị cưỡng bức, bóc lột, lạm dụng tình dục được bảo vệ khẩn cấp, được hỗ trợ các dịch vụ xã hội như y tế, học nghề, vay vốn, tìm việc làm; 30% chủ cơ sở và người lao động tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện dễ phát sinh tệ nạn mại dâm trên địa bàn tỉnh được truyền thông nâng cao nhận thức thay đổi hành vi của các bên liên quan; 90% cơ sở có người lao động (đặc biệt là nữ) ký cam kết thực hiện đầy đủ các quyền của người lao động tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện về an ninh trật tự; 60% dân số được tiếp cận kiến thức cơ bản về bình đẳng giới; 100% tổ chức Đảng, chính quyền, cơ quan hành chính, ban, ngành, đoàn thể các cấp được phổ biến, cập nhật thông tin về bình đảng giới; 100% xã, phường, thị trấn mỗi quý có ít nhất 04 tin, bài về bình đẳng giới trên hệ thống thông tin cơ sở; 100% Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh và đài truyền thanh địa phương có chuyên mục, chuyên đề nâng cao nhận thức về bình đẳng giới hàng tháng.
Nguyễn Nga