Ấp Hàng Gòn, xã Hàng
Gòn, thành phố Long Khánh là ấp có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống với
168 hộ, 750 nhân khẩu. Đồng bào dân tộc ở đây bao gồm dân tộc Chơro, K-Ho, Khơ
me, Hoa.... Những năm gần đây, ấp Hàng Gòn ngày càng trở nên khang trang, sạch
đẹp, ấp không có hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số… Trong thành tích chung
ấy, có nhiều đóng góp tích cực của già làng Nguyễn Văn Long.
Năm nay 75 tuổi, gắn bó
với vùng đất này gần 65 năm, già làng Nguyễn Văn Long, người dân tộc Chơ ro luôn gương
mẫu, đi đầu trong các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động ở địa
phương, được bà con tin yêu, mến phục và làm theo.
Không phụ lòng tin
tưởng của bà con, những năm qua, bất kể ngày mưa hay nắng nóng, già làng không
quản ngại khó khăn, luôn sát cánh cùng chính quyền, Mặt trận đi từng ngõ, gọi
cổng từng nhà, nắm tay từng người, vận động bà con chấp hành tốt chủ trương của
Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; vận động bà con thi đua lao động,
sản xuất, xoá đói giảm nghèo, đẩy lùi hủ tục, tập quán lạc hậu, áp dụng
kỹ thuật tiên tiến vào trồng trọt, chăn nuôi, tích cực lao động, phát triển
kinh tế, không trông chờ, ỉ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, tích cực tham gia
các phong trào thi đua yêu nước do địa phương phát động.
Đặc biệt, khi chính
quyền địa phương thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, già làng Nguyễn
Văn Long đã tích cực vận động bà con dân tộc thiểu số trong ấp cùng chung tay
đóng góp xây dựng hạ tầng nông thôn. Qua đó, đồng bào, đã tự nguyện đóng góp
hàng trăm triệu đồng để đổ bê tông làm đường, kéo điện thắp sáng, làm trụ cờ,
sửa sang nhà văn hóa. Tích cực vận động bà con tham gia giữ gìn vệ sinh nơi ở,
nơi sinh hoạt cộng đồng.
Hiểu được giá trị của
con chữ, già làng tích cực vận đông trẻ em đến tuổi đi học đến trường. Khi biết
có học sinh bỏ học, già làng đến từng gia đình để tìm hiểu và động viên con em
đi học trở lại. Những gia đình có con em đến tuổi học cấp 3, già làng đến hướng
dẫn gia đình làm hồ sơ cho các em nhập học tại các trường nội trú trong tỉnh;
hướng dẫn cho con em tham gia các lớp học nghề cũng như tiếp tục học lên cao.
Nhờ vậy trong thời gian qua, nhiều con em đồng bào dân tộc thiểu số trong ấp có
trình độ cao đẳng, đại học.
Hàng năm vào các dịp lễ
tết, già làng luôn cùng với Mặt trận và các đoàn thể ấp tổ chức vận động và
tặng quà cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Già làng thường xuyên chủ động đến thăm
hỏi, động viên những gia đình có người mất hay ốm đau, bệnh tật.
Già làng Nguyễn Văn Long (ngoài cùng bên phải) biểu diễn cồng chiêng cùng bà con trong ấp
Không chỉ vận động bà
con phát triển kinh tế, già làng còn tích cực vận động bà con giữ gìn, phát huy
bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Choro. Trên địa bàn xã Hàng Gòn Lễ hội
Sayangbri được phục hồi và duy trì sinh hoạt từ năm 2007 đến nay là nét đẹp văn
hóa đặc sắc, là món ăn tinh thần không thể thiếu của người Chơro. Già làng
Nguyễn Văn Long cho biết: “Đồng bào Chơro tổ chức lễ hội Sayangbri
(cúng thần rừng) trong không khí vui tươi, phấn khởi, không kể già trẻ,
gái trai đều tích cực hưởng ứng. Lễ hội không chỉ tái hiện nét sinh hoạt
văn hóa truyền thống của người Chơro mà qua lễ hội còn truyền dạy cho con
cháu những lễ nghi của dân tộc mình, để bà con cùng giao lưu, giới thiệu văn
hóa của đồng bào Chơro với các dân tộc khác. Qua lễ hỗi, những bản sắc văn
hóa tốt đẹp của đồng bào dân tộc được giữ gìn và phát huy”.
Phấn khởi trước những
đổi thay ở xóm ấp, già làng Long cảm thấy tự hào bởi hiện nay những ngôi nhà khang
trang, kiên cố dần thay thế cho những ngôi nhà mái lá lụp sụp, ấp không còn nhà
tạm, không còn hộ nghèo. Người dân đã được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh. Đời
sống vật chất và tinh thần của bà con được cải thiện rõ rệt.
Đại diện lãnh đạo các cơ quan trên địa bàn đến thăm hỏi, động viên Già làng Nguyễn Văn Long
Mặc dù, tuổi tác
đã cao, sức khoẻ đã giảm, nhưng với tinh thần trách nhiệm, với sự
tín nhiệm, yêu mến của dân làng cũng như với sự quan tâm thăm hỏi, động
viên, khích lệ của Đảng, Nhà nước, hy vọng già làng Nguyễn Văn Long sẽ tiếp tục
phát huy vai trò là hạt nhân, là cầu nối, là nơi để gửi gắm niềm tin của bà con
dân tộc thiểu số nơi đây.