ỦY BAN MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM TỈNH ĐỒNG NAI
 
Chưa có thông tin
 

Nội dung bản tin

 
Truyền dạy chữ viết, tiếng nói trong đồng bào dân tộc thiểu số
Đăng ngày: 30-09-2024 11:11
asp:Label ID="lblSummary" runat="server"
Thời gian qua, Long Khánh là địa phương có nhiều nỗ lực trong duy trì người biết nói, biết viết tiếng dân tộc trong cộng đồng các dân tộc thiểu số ở địa phương.

Già làng Nguyễn Văn Long (ngụ xã Hàng Gòn, thành phố Long Khánh) truyền dạy những bài hát bằng tiếng Chơro cho cháu trai.  

Tùy theo số lượng đồng bào, giờ giấc lao động, học tập của bà con trong cộng đồng mà các lớp dạy tiếng dân tộc có khi tập trung đông người, song cũng có khi chỉ 1 kèm 1, lớp diễn ra vào ban đêm hay dịp cuối tuần.

Thế hệ trước dạy thế hệ sau

Theo Trưởng phòng Dân tộc thành phố Long Khánh Đặng Thanh Hiếu, Long Khánh hiện là nơi sinh sống của 12 DTTS với trên 16 ngàn người. Các DTTS được tạo mọi điều kiện thuận lợi để bảo tồn, phát triển văn hóa. Đồng thời, mỗi cộng đồng đều có ý thức để con cháu trong cộng đồng biết nói, biết viết tiếng của dân tộc mình.

Người có uy tín trong đồng bào dân tộc Chơro (xã Bàu Trâm) Thổ Tòng Ngọc cho hay, người Chơro có tiếng nói nhưng không có chữ viết. Để giữ gìn tiếng nói dân tộc mình, từng gia đình có trách nhiệm dạy cho con cháu trong nhà. Như cha ông trước đây là người uy tín trong đồng bào dân tộc Chơro và là già làng của cộng đồng, cứ sau giờ học trên lớp là ông được cha mẹ dạy tiếng Chơro. Đến lượt mình, ông dạy cho con và các cháu tiếng Chơro.​

Ông Thổ Tòng Ngọc nói: “Để con em trong cộng đồng không ngại khi sử dụng tiếng dân tộc trong giao tiếp xã hội, khi cần tuyên truyền các nội dung, phong trào với đồng bào, chính quyền địa phương thường áp dụng song ngữ: vừa trao đổi bằng tiếng Việt, vừa nhờ người uy tín trong cộng đồng dịch qua tiếng Chơro để bà con nắm rõ nội dung. Nhờ vậy, bà con Chơro, nhất là thanh niên, không ngại khi nói tiếng dân tộc trước mặt người khác”.

Người Dao tại Long Khánh có số lượng rất ít và sống xen kẽ với các dân tộc khác ở nhiều xã, phường. Ngoài áp lực lo ăn, mặc trong cuộc sống, mỗi người Dao ở Long Khánh còn trăn trở làm sao con em mình sau này biết được tiếng nói, chữ viết của dân tộc Dao. Vậy nên, ông bà là thầy dạy nói, dạy viết cho con; còn con là thầy dạy cho cháu. Cứ như vậy, thế hệ trước chịu trách nhiệm truyền đạt cho thế hệ sau.

Năm 1994, ông Lý Sy Niềm đến sinh sống tại Long Khánh. Ông Niềm chia sẻ: “Hiện trong gia đình, tôi vừa là cha, vừa là “thầy” dạy tiếng nói, chữ viết dân tộc Dao cho các con. Ngoài ra, nhiều bạn bè, hàng xóm cũng nhờ tôi dạy một số câu chào hỏi bằng tiếng Dao hay muốn nghe tôi hát một số bài ca của dân tộc Dao bằng tiếng Dao”.

Những lớp học chính quy

Bên cạnh hình thức gia đình tự truyền dạy tiếng nói, chữ viết cho người thân, tại thành phố Long Khánh còn có nhiều lớp học tiếng DTTS được tổ chức quy củ, số lượng người tham gia tương đối lớn.

Trong số này, có thể kể đến các lớp tiếng Hoa của đồng bào dân tộc Hoa. Hiện đồng bào dân tộc Hoa chiếm đến 60% trong tổng số trên 16 ngàn người DTTS của thành phố. Điểm đáng chú ý là các lớp dạy tiếng Hoa có nhiều dân tộc cùng theo học.

Ông Vòng Nhì Sập, người có uy tín trong đồng bào dân tộc Hoa ở xã Bình Lộc, cho hay lớp dạy tiếng Hoa được ông cùng các thành viên khác trong cộng đồng người Hoa duy trì nhiều năm qua. Ban đầu, chỉ có con em trong cộng đồng Hoa tham gia học tập để duy trì sự phát triển của tiếng nói, chữ viết dân tộc mình. Sau này, khi các doanh nghiệp có nhu cầu ưu tiên tuyển dụng lao động biết ngoại ngữ, trong đó có tiếng Hoa, nhiều thanh, thiếu niên ở địa phương cũng theo học.

Đại đức Thạch Sa Huỳnh, người có uy tín trong đồng bào dân tộc Khmer tại phường Phú Bình, Trụ trì Hoa Sơn Tự, cho biết tại Long Khánh cùng một số địa phương lân cận, đồng bào Khmer có số lượng khá nhiều và phần lớn trong số này là thanh niên từ các tỉnh về Đồng Nai lao động. Tuy nhiên, nhiều người Khmer chỉ nghe được tiếng nói mà không đọc được chữ viết, không biết viết chữ của dân tộc mình. Từ thực tế đó, được sự hỗ trợ và tạo điều kiện của chính quyền địa phương, các lớp học dạy nhạc ngũ âm, dạy tiếng nói, chữ viết của cộng đồng đã dần được tổ chức thực hiện.

Ngoài ra, thời gian qua, đồng bào dân tộc Chơro tại Đồng Nai, trong đó có thành phố Long Khánh, còn liên kết để tổ chức các lớp dạy tiếng nói, tiến hành phiên âm tiếng Chơro sang tiếng Việt để làm tài liệu dạy tiếng nói, chữ viết cho con em trong cộng đồng.

Ông Điểu Toa (ngụ xã Xuân Thiện, huyện Thống Nhất) cho hay, ông có bà con tại thành phố Long Khánh. Thời gian qua, ông trao đổi với những người lớn tuổi, anh em tại Long Khánh để hoàn thiện sách phiên âm tiếng Chơro ra tiếng Việt làm tài liệu dạy con em trong cộng đồng.

Già làng Nguyễn Văn Long (ngụ xã Hàng Gòn) bộc bạch: “Một số nhạc sĩ ở Đồng Nai đã phiên âm các bài hát Chơro ra tiếng Việt bằng những bài hát song ngữ Việt - Chơro. Ngoài ra, Nhà nước hỗ trợ đồng bào rất nhiều trong việc tổ chức các lớp dạy ngôn ngữ trong cộng đồng. Bên cạnh đó, nhiều năm qua, Đài Phát thanh - truyền hình Đồng Nai đã duy trì thực hiện chương trình thời sự tiếng Chơro, giúp tiếng nói, chữ viết của bà con được giữ gìn”. 

Minh Luân tổng hợp

 

In nội dung
Các tin đã đăng ngày:
 
Về đầu