Gắn kết cộng đồng nơi mái nhà rông
Nhà văn hóa dân tộc Chơro xã Xuân Thiện tọa lạc trên khu đất rộng hơn 0,5 hécta tại tổ 21, ấp Xuân Thiện là biểu tượng văn hóa, niềm tự hào, sự ghi nhận quá trình định canh, định cư (ĐCĐC) ổn định của gần 500 hộ đồng bào Chơro tại địa phương.
Ông Lê Minh Mẫn, cán bộ phụ trách công tác tôn giáo - dân tộc xã Xuân Thiện, cho biết trước niềm khao khát có ngôi nhà rông đặc trưng của đồng bào Chơro, năm 2010, huyện Thống Nhất và tỉnh quan tâm đầu tư xây dựng Nhà văn hóa dân tộc Chơro xã Xuân Thiện với kinh phí trên 2,4 tỷ đồng. Sau một thời gian đưa vào sử dụng, năm 2023, Nhà văn hóa dân tộc Chơro xã Xuân Thiện tiếp tục được huyện, tỉnh hỗ trợ nguồn kinh phí 2,4 tỷ đồng sửa chữa, tu bổ để đẹp, khang trang như hôm nay.
“Ngôi nhà biểu trưng cho nét văn hóa đặc sắc đồng bào Chơro, là nơi để đồng bào Chơro trên địa bàn xã sinh hoạt cộng đồng, giao lưu văn hóa, tổ chức lễ hội. Do đó, khi có nhà rông, đồng bào Chơro trong xã thêm vững tin vào sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền” - ông Mẫn bày tỏ.
Đưa chúng tôi vào tham quan khu nhà rông, già làng Thổ Nơi kể, đồng bào Chơro ở đây đều có gốc gác từ các làng Chơro ở các địa phương trong tỉnh như: Phú Cường, Phú Túc, Gia Kiệm. Thời Pháp thuộc cho tới trước năm 1975, đồng bào gắn bó với những vùng đất này để làm công nhân cao su tại các đồn điền cao su tư nhân. Sau ngày 30-4-1975, một số đồng bào Chơro vẫn tiếp tục gắn bó với Nông trường Cao su Bình Lộc (Tổng công ty Cao su Đồng Nai), một số di cư về vùng kinh tế mới ấp Tín Nghĩa khai khẩn đất hoang, xây dựng cuộc sống mới.
Già làng Thổ Nơi chậm rãi nói, theo quan niệm từ xưa, những ngày tháng 3 âm lịch, khi lúa, ngô đã nằm trong kho cũng là lúc đồng bào dân tộc Chơro tại địa phương mở Lễ hội Sayangva để tạ ơn thần linh ban cho mùa màng bội thu. Không khí lễ hội rộn ràng từ sáng sớm tinh mơ. Già làng, người có uy tín phân công công việc cụ thể cho bà con trong làng tạo nên sự gắn kết cộng đồng. Một nhóm thanh niên trai tráng dựng cây nêu với mong muốn mang tin báo và thư mời đến thần linh. Nhóm thanh niên khác chuẩn bị mâm lễ vật gồm: cơm lam, thịt nướng, bánh giầy dâng lên thần linh với lòng thành kính hoặc chuẩn bị các dụng cụ để chơi các môn thể thao truyền thống của đồng bào dân tộc mình; diễn tập bài cồng chiêng và điệu múa, bài hát đặc trưng của dân tộc…
|
Nhà văn hóa dân tộc Chơro xã Xuân Thiện, huyện Thống Nhất - nơi lưu giữ bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Chơro. |
“Khi chưa có nhà rông, đồng bào Chơro trong ấp, xã tập trung tại khu đất trống để tổ chức lễ hội theo nhóm cộng đồng nhỏ hoặc dòng họ. Từ ngày được địa phương, huyện, tỉnh quan tâm xây tặng nhà rông thì không chỉ đồng bào Chơro trong ấp, xã tụ hội về, mà còn có đồng bào Chơro ở các xã khác đến tham gia. Do đó, lễ hội thêm đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc, tiết kiệm, lan tỏa sự đoàn kết” - già làng Thổ Nơi bộc bạch.
Giữ gìn bản sắc đồng bào Chơro
Theo ông Lê Minh Mẫn, trong quá trình ĐCĐC tại địa phương, đồng bào Chơro phân hóa thành 2 nhóm ĐCĐC rất đặc trưng. Nhóm đồng bào Chơro tại ấp Xuân Thiện với khoảng 242 hộ, chủ yếu làm công nhân cao su, công ty. Riêng nhóm đồng bào Chơro tại ấp Tín Nghĩa với trên 200 hộ, đời sống chủ yếu dựa vào nông nghiệp, do có thời gian dài di cư về đây khai hoang, làm rẫy.
Ông Lê Minh Mẫn cho biết, những năm 1975-2000, đồng bào Chơro ở ấp Xuân Thiện gắn với Nông trường Cao su Bình Lộc và tận dụng những khoảnh đất trống ven suối, ven vườn cao su mà Nông trường Cao su Bình Lộc không sử dụng để khai hoang trồng tỉa. Bên cạnh đó, đồng bào Chơro trong ấp Xuân Thiện còn được thụ hưởng thêm các chính sách về nhà ở, phụ cấp, học hành, y tế… của nông trường nên cuộc sống ổn định hơn so với số đồng bào Chơro tại ấp Tín Nghĩa làm nương rẫy.
“Nay xã Xuân Thiện không còn là vùng sâu, vùng xa của huyện, tỉnh nên ngoài làm rẫy, vườn, đồng bào Chơro ở ấp Tín Nghĩa, nhất là giới trẻ, đều tham gia lao động tại các công ty nên đời sống, thu nhập ổn định, kinh tế đồng bào Chơro tại các ấp không còn khác biệt như trước kia”- ông Mẫn bộc bạch.
Ấp Tín Nghĩa ngoài những vườn cao su bạt ngàn của Nông trường Cao su Bình Lộc còn là những vườn cây công nghiệp, cây ăn trái cho thu nhập từ 300-400 triệu đồng.
Người có uy tín Trần Văn Lý (62 tuổi, ngụ ấp Tín Nghĩa) cho biết, khoảng 10 năm về trước, số hộ đồng bào dân tộc Chơro trong ấp thuộc diện nghèo, khó khăn lên đến 120/200 hộ. Hiện nay, chỉ còn khoảng 10 trường hợp khó khăn, nghèo do bệnh tật, neo đơn, không còn khả năng lao động. Tuy được xem là hộ nghèo, khó khăn nhưng các hộ này đều có nhà ở, không bị thiếu ăn, thiếu mặc nhờ các chính sách trợ cấp xã hội của Đảng, Nhà nước và thường xuyên được chính quyền, đoàn thể quan tâm, hỗ trợ.
Những ngày cuối tháng 8-2024, già làng Thổ Nơi và người có uy tín Trần Văn Lý nhắc nhở tất cả các hộ đồng bào Chơro trong khu ĐCĐC dọn dẹp vệ sinh đường, ngõ, treo cờ Tổ quốc để chào mừng Ngày Quốc khánh 2-9.