Quy định của Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai có hiệu lực kể
từ ngày 15.02.2024 nhằm cụ thể hóa điều 75 và điều 79 của Luật Bảo vệ
môi trường. Quy định dựa trên cơ sở kế thừa hướng dẫn kỹ thuật về phân loại
chất thải rắn sinh hoạt của Bộ Tài nguyên và Môi trường, đồng thời, căn cứ vào
tình hình thực tế của tỉnh Đồng Nai.
Quy định nêu rõ trách nhiệm của các
tổ chức, hộ gia đình, chủ nguồn thải, các đơn vị thu gom, vận chuyển và xử lý;
về thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn; về bao bì, thiết bị
lưu chứa chất thải rắn sinh hoạt tại hộ gia đình, chủ nguồn thải và tại khu vực
công cộng; về phân loại cụ thể chất thải rắn sinh hoạt khác; về phân loại, thu
gom, vận chuyển, xử lý chất thải cồng kềnh trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.
Theo đó, chất thải rắn sinh hoạt
trên địa bàn tỉnh Đồng Nai được phân loại thành 5 nhóm:
Nhóm chất thải rắn có khả năng tái
sử dụng, tái chế;
Nhóm chất thải thực phẩm;
Nhóm chất thải cồng kềnh;
Nhóm chất thải nguy hại phát sinh
trong hoạt động sinh hoạt;
Nhóm chất thải rắn sinh hoạt khác.
Như vậy so với việc phân loại chất
thải rắn sinh hoạt vẫn được phân loại thành 05 nhóm như hướng dẫn trước đây.
Ngoài ra, quy định có một số điểm
mới đáng chú ý:
Về bao bì, thùng, thiết bị lưu chứa
chất thải rắn sinh hoạt
Đối với chất thải rắn sinh hoạt phát
sinh tại tổ chức, hộ gia đình, cá nhân: không quy định cụ thể về thùng chứa
chất thải rắn sinh hoạt nhưng quy định màu sắc bao bì chứa nhóm chất thải thực
phẩm và nhóm chất thải rắn sinh hoạt khác.
Cụ thể: bao bì chứa chất thải thực
phẩm có màu xanh lá cây; bao bì chứa chất thải rắn sinh hoạt khác có màu xám.
Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân phải tự trang bị bao bì chứa chất thải rắn sinh
hoạt theo quy định.
Tại khu vực công cộng như đường phố,
công viên, khu vui chơi giải trí, thùng, thiết bị lưu chứa nhóm chất thải thực
phẩm có màu xanh lá cây và có dòng chữ “CHẤT THẢI THỰC PHẨM”; thùng, thiết bị
lưu chứa nhóm chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế có màu khác với
màu xanh lá cây nhưng phải có dòng chữ “CHẤT THẢI RẮN TÁI CHẾ”; thùng, thiết bị
lưu chứa nhóm chất thải rắn sinh hoạt khác có màu xám và có dòng chữ “CHẤT THẢI
RẮN SINH HOẠT KHÁC”; khuyến khích có thêm dòng chữ “HÃY PHÂN LOẠI CHẤT THẢI”
trên các thùng, thiết bị lưu chứa.
Về phương án tập kết, chuyển giao
chất thải rắn sinh hoạt
Thời gian tập kết: tổ chức, hộ gia
đình, cá nhân chỉ được mang chất thải rắn sinh hoạt tập kết tại vị trí thu gom
phù hợp trong thời gian từ 19 giờ
00 đến 22 giờ 00 vào
các ngày theo hướng dẫn của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (không tập kết
thời điểm trời mưa, gần các hố ga thoát nước) đối với khu vực đô thị. Tại khu vực
nông thôn, thời gian tập kết chất thải rắn sinh hoạt do Ủy ban nhân dân cấp xã
quy định. Trường hợp xảy ra thiên tai, dịch bệnh thì việc tập kết chất thải rắn
sinh hoạt thực hiện theo hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền.
Phương án chuyển giao đối với
nhóm chất thải cồng kềnh: khi có phát sinh phải liên hệ với tổ chức, cá nhân có
chức năng thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn để thỏa thuận chuyển giao
hoặc bố trí nơi lưu giữ và thỏa thuận chuyển giao trong thời gian diễn ra “TUẦN
LỄ ĐỒNG NAI XANH” và các chương trình, sự kiện có hoạt động thu đổi chất thải
do Sở Tài nguyên và Môi trường và Ủy ban nhân dân các huyện tổ chức hàng năm.
Với nhóm chất thải nguy hại trong sinh hoạt của các hộ gia đình, cá nhân được
thu gom riêng và đem đến các điểm thu hồi chất thải nguy hại tại địa phương.
Điểm thu hồi chất
thải nguy hại tại xã Hố Nai 3, huyện Trảng Bom
Về thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt
Phương tiện thu gom, vận chuyển được
sơn màu xanh lá cây, phải có dòng chữ “THU GOM CHẤT THẢI THỰC PHẨM” khi thu
gom, vận chuyển đối với nhóm chất thải thực phẩm; “THU GOM CHẤT THẢI RẮN TÁI
CHẾ, SINH HOẠT KHÁC (không thu gom chất thải thực phẩm)” khi thu gom, vận
chuyển nhóm chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế và nhóm chất thải
rắn sinh hoạt khác. Dòng chữ có kích thước mỗi chiều ít nhất 20cm, có thể sơn
trực tiếp hoặc thiết kế dạng bảng có thể tháo, lắp linh hoạt tùy theo loại chất
thải rắn sinh hoạt được thu gom, vận chuyển và dán (gắn) ít nhất ở 02 bên của
phương tiện; có màu vàng, không bị mờ và phai màu.
Cơ sở thu gom, vận chuyển chất thải
rắn sinh hoạt có quyền từ chối thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt của
tổ chức, hộ gia đình, cá nhân không phân loại, không sử dụng bao bì đúng quy
định và thông báo cho UBND cấp xã để kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, các tổ chức, hộ gia đình,
cá nhân có trách nhiệm tận dụng tối đa chất thải thực phẩm để làm thức ăn chăn
nuôi hoặc ủ làm phân hữu cơ hoặc làm chất cải tạo đất. Hạn chế sử dụng túi ni
lông, sản phẩm nhựa sử dụng một lần; tăng cường tái sử dụng, tái chế chất thải
thành các vật dụng hữu ích trong gia đình. Đối với những loại chất thải có điểm
thu hồi theo quy định của nhà sản xuất cần được thu gom, lưu giữ riêng và vận
chuyển đến điểm thu hồi của nhà sản xuất.
Công nhân đang làm việc tại dây chuyền phân loại rác của Khu
xử lý chất thải Vĩnh Tân, huyện Vĩnh Cửu
Cũng tại quy định này, Ủy ban nhân
dân tỉnh giao trách nhiệm cho các sở, ban, ngành có liên quan; Ủy ban nhân
dân cấp huyện, cấp xã phối hợp tiển khai thực hiện. Trong đó, đề nghị Mặt trận
Tổ quốc Việt Nam và tổ chức chính trị - xã hội các cấp tuyên truyền, vận động
đoàn viên, hội viên và Nhân dân thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại
nguồn; tái chế, tái sử dụng, thu gom, lưu giữ, chuyển giao, xử lý chất thải rắn
theo đúng quy định, đồng thời, giám sát việc triển khai thực hiện quy định quản
lý phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn tại các địa phương.
Như vậy với quy định về quản lý chất
thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Đồng Nai vừa ban hành, Ủy ban nhân dân tỉnh
Đồng Nai đã cụ thể hóa điều 75 của Luật Bảo vệ môi trường và từng bước nâng cao
hiệu quả quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới./.
MM