Luật
Thi đua, khen thưởng năm 2022 được kỳ họp thứ 3, Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ
nghĩa Việt Nam khoá XV thông qua ngày 15 tháng 6 năm 2022.
Luật gồm 8 Chương, 96
Điều quy định về đối tượng, phạm vi,
nguyên tắc, hình thức, tiêu chuẩn, thẩm quyền, trình tự, thủ tục thi đua, khen
thưởng và có hiệu lực thi hành từ ngày
01/01/2024.
Luật
Thi đua, khen thưởng ra đời năm 2003,
đã được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2005 và năm 2013. Sau thời gian áp
dụng, Luật đã được các cấp, các ngành thực hiện có hiệu quả, được nhân dân đồng
tình, ủng hộ. Bên cạnh đó, Luật cũng bộc lộ một số tồn tại, hạn chế cần được
nghiên cứu, sửa đổi cho phù hợp với tình hình thực tiễn. Sau thời gian nghiên
cứu, thảo luận, lấy ý kiến từ các cơ quan, ban ngành liên quan, Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022 đã được
ban hành được kỳ vọng sẽ đem lại làn gió mới trong triển khai thực hiện các
phong trào thi đua, công tác khen thưởng, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cũng như
tình hình thực tiễn hiện nay.
Điểm mới nổi bật của Luật Thi đua, Khen thưởng năm
2022 là: Thực hiện phân cấp, phân quyền mạnh hơn trong công tác thi đua, khen
thưởng; thể hiện rõ nguyên tắc: Thành tích đến đâu, khen đến đó; đưa phong trào
thi đua thực sự thiết thực, hướng về cơ sở, hạn chế tính hình thức trong thi
đua; chú trọng khen thưởng tập thể ở cơ sở, công nhân, nông dân, người lao động
trực tiếp, cán bộ, chiến sĩ các lực lượng vũ trang; giải quyết vướng mắc trong
khen thưởng ở khu vực ngoài nhà nước và kinh tế tư nhân; giải quyết căn bản những
vướng mắc trong tiêu chuẩn danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng; mở rộng đối
tượng khen thưởng người nước ngoài có nhiều đóng góp cho đất nước Việt Nam; bổ
sung hình thức khen thưởng kháng chiến “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ
vang”; thực hiện cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin
trong quản lý công tác thi đua, khen thưởng.
Sau đây, Ban biên tập
xin giới thiệu một số điểm mới được thể hiện cụ thể tại các điều trong Luật Thi đua, Khen thưởng năm
2022:
Về
Đối tượng áp dụng: mở rộng thêm đối tượng áp dụng là “Hộ gia
đình” (Luật cũ chỉ có cá nhân, tập thể).
Về
Nguyên tắc thi đua, khen thưởng: Thêm yếu tố “minh bạch” vào
Nguyên tắc thi đua và Nguyên tắc khen thưởng. Bổ sung thêm nguyên tắc “Thành
tích đến đâu khen thưởng đến đó” (điểm c khoản 2 Điều 5) để khắc phục tình trạng
khen thưởng “cộng dồn thành tích”; bổ sung nguyên tắc “Chú trọng khen thưởng cá
nhân, tập thể, hộ gia đình trực tiếp lao động, sản xuất, kinh doanh; cá nhân, tập
thể công tác ở địa bàn biên giới, trên biển, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế
- xã hội đặc biệt khó khăn”.
Về
căn cứ xét tặng danh hiệu thi đua:
gồm có 03 căn cứ phong trào thi đua; thành tích thi đua, tiêu chuẩn danh hiệu
thi đua. Như vậy là bỏ căn cứ “Đăng ký tham gia thi đua” so với
Luật thi đua, khen thưởng cũ. (Điều
7)
Về
Các loại hình khen thưởng,
Luật quy định gồm có 06 loại hình: khen thưởng công trạng; khen thưởng đột
xuất; khen thưởng phong trào thi đua; khen thưởng quá trình cống hiến; khen
thưởng theo niên hạn; khen thưởng đối ngoại. (Điều
8)
Ngoài các hình thức
khen thưởng nêu trên, Luật còn cho phép các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm
quyền có thể thực hiện các hình thức động viên đối với cá nhân, tập thể có
thành tích để kịp thời nêu gương trong lao động, sản xuất, công tác và động
viên phong trào thi đua, phù hợp với các nguyên tắc do Luật quy định (Điều 81).
Luật Thi đua, khen thưởng cũ không đề cập đến loại hình khen thưởng, do đó, đây
là quy định hoàn toàn mới của Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022.
Về
Các hình thức khen thưởng: Luật mới quy định có 07 hình thức khen
thưởng gồm: Huân chương; huy chương; danh hiệu vinh dự nhà nước; “Giải thưởng Hồ
Chí Minh”, “Giải thưởng Nhà nước”; kỷ niệm chương; bằng khen; giấy khen (Điều
9). Như vậy bỏ hình thức khen thưởng “Huy hiệu”. Tại Điều 71 quy định: bộ, ban,
ngành, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị
xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp có tổ chức đảng
đoàn hoặc có tổ chức đảng thuộc Đảng bộ khối các cơ quan trung ương được tặng một
hình thức là Kỷ niệm chương, thay cho quy định được tặng một trong hai hình thức
là Kỷ niệm chương hoặc Huy hiệu như Luật Thi đua, khen thưởng cũ.
Về
Phạm vi tổ chức thi đua: Luật mở rộng thêm “Cụm, khối thi đua do Hội
đồng Thi đua - Khen thưởng các cấp tổ chức” vào phạm vi tổ chức thi đua. (Điều 16)
Về
Nội dung tổ chức phong trào thi đua: Bổ
sung trách nhiệm của “Người đứng đầu” cơ quan, tổ chức, đơn vị phát động, chỉ đạo
phong trào thi đua (Điều 13 và Điều 18); bổ sung quy định một trong các nội
dung thi đua là: Tuyên truyền, phát hiện, bồi dưỡng và nhân rộng điển hình tiên
tiến (khoản 4, Điều 17) để thể chế hóa chủ trương của Đảng về nâng cao trách
nhiệm của “Người đứng đầu” các cấp ủy, tổ chức đảng trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ
chức phong trào thi đua.
(Còn nữa)