ỦY BAN MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM TỈNH ĐỒNG NAI
 
Chưa có thông tin
 

Nội dung bản tin

 
Đồng bào Khmer về chùa đón Tết
Đăng ngày: 08-04-2024 06:53
asp:Label ID="lblSummary" runat="server"
Về chùa đón Tết là một trong những truyền thống văn hóa của đồng bào Khmer. Trong dịp Tết Chol Chnam Thmay năm nay, đồng bào Khmer tại Đồng Nai tập trung về 2 ngôi chùa Khmer là: Hoa Sơn (thành phố Long Khánh) và Thái Hòa (huyện Định Quán) để đón mừng năm mới.


Thanh thiếu niên đồng bào Khmer tập luyện dàn nhạc ngũ âm trong khuôn viên chùa Thái Hòa (huyện Định Quán) để biểu diễn trong dịp đón Tết Chol Chnam Thmay.

Những ngày này tại chùa Hoa Sơn, các nhà sư cùng đồng bào Khmer đang chung tay trang hoàng đón Tết. Theo đại đức Thạch Sa Huỳnh, trụ trì chùa Hoa Sơn, người có uy tín trong đồng bào Khmer, đồng bào Khmer đón đến 2 cái Tết trong năm, đó là Tết Nguyên đán và sau khoảng 2 tháng là Tết Chol Chnam Thmay. Theo truyền thống, Tết Chôl Chnăm Thmây diễn ra khi mùa vụ bà con đã xong, khi công việc rảnh rang. Năm nay, thời gian đón Tết của đồng bào kéo dài 3 ngày: 14, 15 và 16-4. Dịp đón Tết Chol Chnam Thmay năm nay là thời điểm nhiều hạng mục mới trong tổng thể kiến trúc của chùa Hoa Sơn kịp hoàn thành như: một số tượng Phật và bệ thờ; văn bia khắc kinh Phật bằng tiếng Việt, tiếng Khmer, tiếng Phạn… nên các nhà sư, đồng bào có thêm niềm vui.  Những ngày qua, bà con tranh thủ sau giờ làm hay cuối tuần đến chùa để cùng các sư quét dọn, trang trí…

Dịp Tết, từ 6h đến trước 12h trưa mùng 1 Tết, bà con cúng dường và sinh hoạt tại chùa. Mỗi gia đình tự nấu món ăn tại nhà, sau đó, họ đem đến chùa để cúng dường chư tăng. Sau khi việc này hoàn thành, bà con được các sư tặng lại thức ăn gọi là lộc và cùng nhau ăn tại chùa. Trong thời gian chờ đến thời khắc giao thừa, các sư hướng dẫn bà con thực hiện lễ cầu an, cầu siêu cho người đã khuất, thực hiện nghi tắm Phật, rải nước cho người dự lễ. Sôi nổi nhất sau phần lễ là chương trình văn nghệ truyền thống của đồng bào Khmer với biểu diễn nhạc ngũ âm, múa lâm thôn, các trò chơi dân gian. 2 ngày còn lại, bà con sinh hoạt tại nhà hoặc tiếp tục đến chùa thăm viếng, vui chơi.

Tương tự, những ngày này bà con Khmer tại huyện Định Quán cũng tất bật chuẩn bị cho Tết truyền thống. Theo người có uy tín trong đồng bào dân tộc Khmer Lâm Chơn Nam, nét sinh hoạt không thể thiếu trong dịp Tết của đồng bào là dàn nhạc ngũ âm. Dịp Tết này, sau thời gian dài tập luyện, thanh niên trong cộng đồng theo luyện đàn có cơ hội tiếp tục góp vui cho cộng đồng.

Còn thượng tọa Thích Pháp Tân, trụ trì chùa Thái Hòa cho biết thêm, một số công trình trong khuôn viên chùa vừa hoàn thiện việc tu bổ nên cảnh quan ngày một chỉn chu hơn. Ngoài ra, mỗi dịp cận kề Tết, nhiều đoàn công tác các cấp lại đến thăm, chúc Tết chức sắc, chức việc cùng đồng bào Khmer. Đây là sự động viên rất lớn về mặt tinh thần đối với đồng bào Khmer.

Theo thống kê của Ủy ban Dân tộc, cả nước hiện có 1,2 triệu đồng bào Khmer. Trong số này, Đồng Nai hiện là nơi sinh sống của gần 24 ngàn người. Nếu so với gần 200 ngàn đồng bào thuộc 50 dân tộc thiểu số (DTTS) đang sinh sống tại Đồng Nai thì đồng bào Khmer chiếm đến 12% trong tổng số đồng bào DTTS của tỉnh. Theo ông Đặng Thanh Hiếu, Trưởng phòng Dân tộc thành phố Long Khánh, cho biết địa phương có 107 hộ với 447 đồng bào Khmer sinh sống tập trung tại các phường Xuân Tân, Phú Bình, số còn lại sống xen kẽ với đồng bào DTTS khác tại thành phố.

Theo Trưởng phòng Dân tộc huyện Định Quán Thạch Thị Ngọc Thanh, đồng bào Khmer sống tập trung thành khu dân cư tại khu phố Hiệp Nhất, thị trấn Định Quán với 53 hộ có trên 200 thành viên. Ngoài ra, các xã, thị trấn của huyện đều có hộ gia đình đồng bào Khmer sinh sống. Thời gian qua, ngoài thụ hưởng các chính sách chung theo quy định, bà con Khmer còn được tiếp nhận hỗ trợ dành cho đồng bào DTTS do tỉnh thực hiện. Trong đó, để đáp ứng mong mỏi duy trì tiếng nói, chữ viết của bà con Khmer, chính quyền địa phương phối hợp mời giáo viên về tổ chức lớp dạy chữ Khmer ngay tại các chùa cho cộng đồng. Đặc biệt, đối với đồng bào Khmer thì chùa và sư được xem là trụ cột về tinh thần, mọi nghi thức lễ hội truyền thống đều được tổ chức tại chùa. Do vậy, các địa phương luôn tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình sửa chữa, xây dựng mới công trình tại chùa. Đặc biệt, một trong 2 nhà sư trụ trì chùa Khmer còn được giao vai trò là người có uy tín trong đồng bào DTTS.

          Minh Thành

In nội dung
Các tin đã đăng ngày:
 
Về đầu