ỦY BAN MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM TỈNH ĐỒNG NAI
 
Chưa có thông tin
 

Nội dung bản tin

 
Phủ xanh cơ sở giáo xứ, dòng tu
Đăng ngày: 15-03-2024 01:09
asp:Label ID="lblSummary" runat="server"
Thời gian qua, bảo vệ môi trường là một trong những hoạt động được các giáo xứ, dòng tu Công giáo chủ động hoặc phối hợp cùng chính quyền địa phương triển khai đồng bộ, rộng khắp và đem lại nhiều kết quả tích cực.


Ủy viên Ban TVTU, Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Bảo cùng đoàn công tác tham quan vườn cây xanh tại Nữ đan viện Xitô Thánh mẫu Vĩnh Phước (P.Tân Hòa, TP.Biên Hòa). Ảnh: S.Thao 
Ủy viên Ban TVTU, Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Bảo cùng đoàn công tác tham quan vườn cây xanh tại Nữ đan viện Xitô Thánh mẫu Vĩnh Phước (P.Tân Hòa, TP.Biên Hòa)

Điều này không chỉ phủ xanh cơ sở tôn giáo, mà còn góp phần xây dựng khu dân cư sáng - xanh - sạch - đẹp.

* Tuyên truyền về phân loại rác sinh hoạt

Để mỗi giáo dân đều tham gia bảo vệ môi trường, theo Giám mục Chính tòa Giáo phận Xuân Lộc Đỗ Văn Ngân, chung tay bảo vệ môi trường, xây dựng cảnh quan được các linh mục hướng dẫn bà con giáo dân thực hiện hàng ngày trong nếp sống.

Thời gian qua, linh mục, tu sĩ tại các giáo xứ, dòng tu ngoài tham gia tuyên truyền cho người dân, nhất là trẻ em, cách phân biệt từng loại rác để phân loại rác thải sinh hoạt ngay tại nhà, còn cung cấp thùng rác cho một số gia đình hoàn cảnh khó khăn không trang bị được thùng rác hay đặt tại những nơi công cộng để chứa rác vô cơ - hữu cơ của bà con; tổ chức các đợt khơi thông cống rãnh trong khu dân cư…

Linh mục Nguyễn Mạnh Cường, Chánh xứ giáo xứ Tân Mai (P.Tân Mai, TP.Biên Hòa) cho hay, giáo xứ Tân Mai hiện có 15 ngàn giáo dân.  Thời gian qua, chức sắc, chức việc giáo xứ phối hợp cùng chính quyền địa phương kết nối bà con giáo dân thực hiện nhiều đợt khơi thông các cống thoát nước, dòng suối trên địa bàn khu dân cư. Việc làm thường xuyên và thiết thực này đã góp phần cải thiện tình trạng các dòng chảy bị tắc nghẽn và bốc mùi hôi thối vì rác. Bên cạnh đó, mật độ dân số các khu dân cư giáo dân sinh sống rất cao, đường ngang ngõ tắt không rộng nên việc giữ gìn vệ sinh chung trong sinh hoạt hàng ngày, không lấn chiếm không gian chung được bà con rất chú trọng.

Tại H.Định Quán, mỗi tuần một lần, sau nghi lễ tôn giáo, linh mục Mai Xuân Hữu, Chánh xứ giáo xứ Ngọc Thanh (xã Ngọc Định) và linh mục Nguyễn Phước Hưng, Chánh xứ giáo xứ Xuân Trường (xã Thanh Sơn) lại dành thời gian trò chuyện cùng giáo dân về những hoạt động giữ gìn vệ sinh môi trường.

Ngoài tuyên truyền miệng, linh mục Nguyễn Phước Hưng còn mua và đặt thùng rác ở một số nơi trong khu dân cư để bà con bỏ rác sinh hoạt.

Còn linh mục Mai Xuân Hữu cho hay, địa bàn xã tiếp giáp với sông Đồng Nai, cùng với đó là nhiều suối, mương thông ra sông, nhiều khu vực rừng cây thưa vắng. Trong quá trình sinh hoạt tôn giáo, ông khuyên bà con không biến những nơi này thành điểm chứa rác, vì dễ phát sinh ô nhiễm môi trường, nguy cơ cháy nổ. Thay vào đó, mỗi gia đình nằm trên tuyến đường có xe thu gom rác thì đăng ký dịch vụ. Nơi nào xe dịch vụ thu gom rác chưa đến thì xử lý rác trong vườn nhà chứ không vì sạch nhà mình mà đem vứt rác đi nơi khác.

* Xây dựng mảng xanh trong khu dân cư

Bên cạnh những hoạt động thu gom rác, khơi thông dòng chảy, tuyên truyền nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho giáo dân, các giáo xứ, dòng tu, đồng báo Công giáo còn tạo nên những mảng xanh trong khu dân cư.

Theo Giám mục Chính tòa Giáo phận Xuân Lộc Đỗ Văn Ngân, vấn đề bảo vệ môi trường sống, xây dựng cảnh quan không chỉ cho mình trong hiện tại, mà còn cho những thế hệ tương lai. Do vậy, đây không phải là việc của riêng ai, mà của tất cả mọi người. Việc chính quyền tỉnh thực hiện nhiều biện pháp nâng cao ý thức người dân bảo vệ môi trường trong sinh hoạt cũng như sản xuất được chức sắc, chức việc, bà con giáo dân rất đồng tình và sẵn sàng thực hiện.

Như tại cơ sở của Nữ đan viện Xitô Thánh mẫu Vĩnh Phước (P.Tân Hòa, TP.Biên Hòa) tuy nằm giữa lòng thành phố với mật độ dân cư lớn song thời gian qua, nơi đây được xem là lá phổi xanh của khu vực.

Theo nữ tu Phạm Thị Hoa, ở đây nhiều thế hệ nối tiếp nhau trồng và chăm sóc cây xanh, thảm hoa nên mới có được không gian xanh mát rộng như hôm nay. Ngoài các loài cây gỗ lớn, cơ sở còn trồng một số cây cảnh, thảm hoa, trang trí một số tiểu cảnh để vườn cây trở thành công viên thu nhỏ. Cơ sở cũng tiếp đón nhiều đoàn khách đến tham quan, bà con địa phương đến vui chơi.

Ngoài ra, các nữ tu nơi đây cũng rất chú trọng đến việc tuyên truyền, vận động bà con giáo dân có ý thức bảo vệ vườn cây, khuyên mọi người chú ý giữ gìn vệ sinh trong sinh hoạt gia đình, cũng như của cộng đồng.

Còn tại ấp Lê Lợi 2, xã Quang Trung (H.Thống Nhất), nơi 98% trong số 2,9 ngàn người dân là đồng bào Công giáo, thời gian qua bà con đã tích cực trồng và chăm sóc cây xanh trên các tuyến đường. Nhờ vậy, mảng xanh đã hiện hữu không chỉ trong khuôn viên giáo xứ mà lan tỏa ra từng khu dân cư bà con giáo dân sinh sống.

Theo Trưởng ban công tác Mặt trận ấp Đức Long 3, xã Gia Tân 2 (H.Thống Nhất) Trần Chí Dũng, tốc độ đô thị hóa trên địa bàn rất mạnh nên những con đường trong khu dân cư không còn không gian để trồng cây, vì diện tích đã được đổ đường bê tông, làm cống thoát nước. Tuy nhiên, bà con giáo dân rất muốn trồng cây, trước là để tạo cảnh quan, sau để lấy bóng mát. Sau khi thống nhất, bà con tự nguyện đóng góp để xây các bồn trồng cây trên nắp cống. Nhờ vậy mà những cây hoa giấy và những loài hoa nhỏ khác đang dần phủ xanh những con đường bê tông. Bên cạnh đó, nhiều gia đình giáo dân còn tìm hạt giống để ươm cây con, rồi phân phát cho hàng xóm cùng trồng để tạo cảnh quan xanh - sạch - đẹp tại khu vực mình sinh sống.

Minh Luân

In nội dung
Các tin đã đăng ngày:
 
Về đầu