ỦY BAN MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM TỈNH ĐỒNG NAI
 
Chưa có thông tin
 

Nội dung bản tin

 
Xây dựng bản sắc văn hóa Đồng Nai trong thời kỳ mới
Đăng ngày: 15-03-2024 01:06
asp:Label ID="lblSummary" runat="server"
Đồng Nai là vùng đất đa dạng văn hóa, trong đó có cả yếu tố văn hóa gốc và sự giao lưu, tiếp biến văn hóa. Đây chính là tài nguyên quan trọng cho tỉnh trong quá trình phát triển. Trong hành trình hướng tới tương lai, Đồng Nai cũng cần nhận diện rõ nét hơn bản sắc văn hóa riêng có, độc đáo của mình. Bản sắc đó phải trở thành niềm tự hào, kiêu hãnh của người Đồng Nai.

Điệu múa Đón khách của người Châu Mạ ở xã Tà Lài (H.Tân Phú). Ảnh: LÊ LÂM 
Điệu múa Đón khách của người Châu Mạ ở xã Tà Lài (H.Tân Phú)

Vậy đâu là nét văn hóa độc đáo của người Đồng Nai? Làm gì để nét văn hóa ấy ngày càng phát triển, trở thành một trong những động lực quan trọng để xây dựng Đồng Nai ngày càng phát triển, văn minh, hiện đại nhưng vẫn đậm đà bản sắc?

Nhận diện bản sắc văn hóa Đồng Nai

Theo PGS-TS Huỳnh Văn Tới, bản sắc văn hóa của Đồng Nai là sự tích hợp đa dạng, đa nguồn văn hóa và sự dung hòa tất cả các dòng mạch văn hóa, không có xung đột văn hóa, biết trân trọng cái mới, tiếp thu cái mới rất nhanh, vận dụng cái mới thành nguồn lực phát triển của mình. Bản sắc này còn ở chỗ, dù phát triển thế nào đi nữa thì vẫn “không xa cội, quên nguồn”.

Cũng theo ông, điều quan trọng là phải nhận diện ra và hiểu được giá trị của bản sắc văn hóa Đồng Nai để vận dụng trong tất cả mọi lĩnh vực (sản xuất, tổ chức cộng đồng, giao lưu quốc tế, mời gọi đầu tư…) chứ không chỉ riêng văn hóa.

TS NGUYỄN VĂN THỦY, Trường đại học Thủ Dầu Một cho rằng, Đồng Nai cần tăng cường các hoạt động truyền dạy di sản văn hóa phi vật thể để phát huy di sản văn hóa, chính là bảo vệ chủ thể nắm giữ di sản văn hóa.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh cho rằng, trước tiên, người Đồng Nai phải có văn hóa của người Việt Nam, và gần hơn là văn hóa của con người vùng Đông Nam bộ. Nếu nói về tính cách đặc trưng của con người Đồng Nai thì đó chính là tính cách nhanh nhẹn, khảng khái, là tính cách công nghiệp.

Nói về hệ giá trị của con người Đồng Nai, Phó chủ tịch, Tổng thư ký Hội Khoa học lịch sử Đồng Nai Trần Quang Toại cho rằng, Đồng Nai là trung tâm của miền Đông Nam bộ, con người Đồng Nai luôn luôn hướng về phía trước và dẫn đầu trong các lĩnh vực, bất chấp nhiều khó khăn, gian khổ. Những giá trị truyền thống của Đồng Nai trong thời kỳ dựng nước, trong chiến đấu chống giặc ngoại xâm vẫn còn đó và ứng dụng phù hợp trong thời kỳ xây dựng đất nước hiện nay.

Phát huy giá trị văn hóa dân tộc

PGS-TS Lâm Nhân, Hiệu trưởng Trường đại học Văn hóa TP.HCM cho rằng: “Việc xây dựng văn hóa, con người Việt Nam là nhiệm vụ chung, tổng thể. Tuy nhiên, mỗi vùng miền, dân tộc cần xây dựng các chuẩn mực ấy trên nền tảng giá trị văn hóa cộng đồng địa phương. Việc xây dựng những giá trị chuẩn mực mang tính bản sắc của dân tộc, vùng miền để con người khi đến nơi đó phải tôn trọng sự khác biệt, học hỏi và hội nhập. Có như vậy, việc kế thừa và phát huy truyền thống văn hóa dân tộc trong xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam nói chung và Đồng Nai nói riêng mới có thể hài hòa, bền vững”.

Một ví dụ cụ thể, ở tỉnh Đồng Nai, người Chơro là một trong những tộc người thiểu số tại chỗ, sinh sống lâu đời và có dân số đông. Trong quá trình định cư, chung sống và phát triển với các dân tộc tại địa bàn, người Chơro đã xác lập cho mình một diện mạo kinh tế - văn hóa - xã hội khá rõ nét. Ngày nay, trong giai đoạn giao lưu và hội nhập quốc tế, các giá trị văn hóa của người Chơro đứng trước những thách thức trong việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc.

Ông Lâm Nhân nhấn mạnh: “Việc chủ động hội nhập quốc tế về văn hóa là cần thiết, cần phải chuẩn bị càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, muốn hội nhập, muốn tiếp thu được tinh hoa của người khác thì bản thân chuẩn mực văn hóa của chúng ta phải mạnh, bền vững. Nếu không cẩn trọng, ta chỉ tiếp thu được cái xấu, cái thô của người khác, thậm chí, mất luôn cả cái mà chúng ta đã dày công xây dựng và bảo tồn”.

PGS-TS Lâm Nhân bày tỏ mong muốn tỉnh Đồng Nai phát huy được giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc  trong hội nhập. Đồng thời, nhận diện được những giá trị, mang bản sắc văn hóa địa phương để các cộng đồng khác tôn trọng, học hỏi trong bối cảnh hội nhập, đa văn   hóa như hiện nay.

Xây dựng hệ giá trị văn hóa - con người Đồng Nai

Tháng 2-1943, Đề cương về văn hóa Việt Nam do Tổng bí thư Trường Chinh soạn thảo đã được Đảng ta ban hành. Đề cương này không chỉ có giá trị trong chỉ đạo hoạt động văn hóa - xã hội mà còn có ý nghĩa đối với việc xây dựng, hoàn thiện lý luận về nền văn hóa Việt Nam “tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. 80 năm đã trôi qua nhưng Đề cương văn hóa năm 1943 vẫn còn nguyên giá trị lý luận và tính thời đại sâu sắc.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng khẳng định, trải qua thực tiễn đấu tranh cách mạng, những tư tưởng mang tầm nhìn vượt thời gian của bản Đề cương đã được Đảng ta vận dụng sáng tạo, bổ sung phát triển, làm cho văn hóa từng bước không chỉ được đặt ngang hàng mà còn thẩm thấu sâu  hơn, lan tỏa mạnh hơn trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội và quốc phòng, an ninh.

Năm nay, các hoạt động nhân kỷ niệm 80 năm Đề cương văn hóa Việt Nam được tổ chức trên cả nước, trong đó có nhiều hội thảo khoa học. Việc soi rọi Đề cương văn hóa Việt Nam năm 1943 và vai trò lãnh đạo của Đảng trong việc chấn hưng, phát triển văn hóa là rất quan trọng.

Tuy nhiên, theo GS-TSKH Trần Ngọc Thêm, Giảng viên cao cấp Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM), mỗi địa phương cần có nghiên cứu, đánh giá, áp dụng phù hợp với thực tế; tránh những hoạt động mang tính hình thức, chung chung. Muốn vậy, các địa phương cần phải “chẩn bệnh đúng để kê đơn, bốc thuốc phù hợp”.

Đối với Đồng Nai, GS-TSKH Trần Ngọc Thêm cho rằng, tỉnh cần xác định được một hệ giá trị văn hóa mang tính đặc thù, không chung chung, không trùng lặp với các địa phương khác và đem lại hiệu quả thiết thực. Để làm được điều này, Đồng Nai nên gấp rút thực hiện một đề tài khoa học nghiên cứu hệ giá trị văn hóa - con người Đồng Nai với 4 nhiệm vụ chính tương ứng với 4 bước trong Quy trình xây dựng hệ giá trị văn hóa - con người gồm: Định gốc (xác định hệ giá trị truyền thống); chẩn bệnh (xác định các phi giá trị phái sinh); kê đơn (xác định mục tiêu kỳ vọng của hệ giá trị định hướng); bốc thuốc (xác lập danh sách các giá trị định hướng).

“Đề tài nghiên cứu khoa học này sẽ là cơ sở khách quan để xác định được một hệ giá trị văn hóa - con người mang tính đặc thù cho Đồng Nai, tạo ra nguồn lực giúp Đồng Nai phát triển. Việc xây dựng hệ giá trị văn hóa, con người Đồng Nai đúng hướng chắc chắn sẽ là sức bật để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội một cách toàn diện, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững” - GS Trần Ngọc Thêm cho hay.

GS Trần Ngọc Thêm cũng giải thích, sự phát triển của văn hóa là một quá trình tự nhiên nhưng có sự tác động của rất nhiều yếu tố. Sự phát triển nhanh, vượt bậc của Singapore, Hàn Quốc - hai quốc gia ở khu vực châu Á có nhiều nét tương đồng với Việt Nam là một ví dụ. Họ có xuất phát điểm không mấy thuận lợi nhưng với những đường hướng, chủ trương phù hợp, đội ngũ lãnh đạo có năng lực đã đưa đất nước họ phát triển vượt bậc cả về kinh tế, văn hóa, xã hội…

Minh Thành​

In nội dung
Các tin đã đăng ngày:
 
Về đầu