Chủ tịch Uỷ ban MTTQ tỉnh Cao Văn Quang và Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Báo giám sát khu tái định cư Tam Phước
Nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ công tác giám
sát, Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh Đồng Nai đã tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Ban hành
Chỉ thị số 22-CT/TU về “phát huy vai trò, nâng cao chất lượng, hiệu quả công
tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã
hội” trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Chị thị tập trung đánh giá về thực trạng giám
sát và đề ra các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giám sát trong hệ thống
MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh Đồng Nai trong giai đoạn
hiện nay.
Cần quán triệt vai trò quan trọng của giám sát
Trên cơ sở chỉ đạo của Đảng, chính sách pháp
luật liên quan đến giám sát của hệ thống MTTQ Việt Nam đặc biệt là Chỉ thị số
18 - CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “phát huy vai trò, nâng cao chất
lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ
chức chính trị - xã hội”, cấp ủy, chính quyền các cấp tăng cường lãnh đạo, chỉ
đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về vai trò giám sát của
MTTQ Việt Nam. Kịp thời thông tin tình hình hoạt động về thực hiện chủ trương,
đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là việc xây dựng
và thực hiện các chương trình, dự án có tác động, ảnh hưởng tới cuộc sống của
người dân cho MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội cùng cấp để phục
vụ cho hoạt động giám sát.
Người đứng đầu tổ chức đảng, chính quyền, MTTQ
Việt Nam các cấp luôn phải xem giám sát là một trong những hoạt động quan trọng
trong phát huy dân chủ, xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Từ đó, quan tâm
tạo điều kiện thuận lợi để MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và
nhân dân tham gia giám sát.
Bên cạnh đó, hằng năm, Ban Thường vụ cấp uỷ quan
tâm cho ý kiến về kế hoạch giám sát của MTTQ Việt Nam cùng cấp, chỉ đạo cho cơ
quan, tổ chức, đơn vị liên quan chủ động phối hợp thực hiện. Trong quá trình điều
hành, quản lý xét thấy phù hợp, giao cụ thể nội dung, vụ việc cho MTTQ Việt Nam
cùng cấp giám sát. Đồng thời, chỉ đạo các cấp uỷ, tổ chức đảng, người đứng đầu
cấp uỷ, chính quyền, cơ quan, tổ chức, đơn vị liên quan thực hiện nghiêm chương
trình, kế hoạch giám sát và giải quyết các kiến nghị sau giám sát.
Cấp ủy, chính quyền các cấp cần có văn bản quy
định rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có thẩm quyền phối hợp, tạo điều
kiện thuận lợi cho hoạt động giám sát. Có cơ chế cụ thể, khả thi để phát huy
vai trò giám sát của nhân dân; vai trò của các vị Ủy viên Uỷ ban MTTQ Việt Nam
các cấp, các tổ chức tư vấn của mặt trận và cá nhân tiêu biểu trong tham gia
giám sát. Đây giải pháp cơ bản giải quyết khó khăn về nguồn nhân lực giám sát
của MTTQ Việt Nam các cấp hiện nay.
Quy định rõ trách nhiệm trả lời, giải quyết các
ý kiến, kiến nghị; chế tài xử lý tổ chức, cá nhân không hợp tác, gây khó khăn,
cản trở hoạt động giám sát hoặc lợi dụng quyền giám sát để gây tổn hại cho tổ
chức, cá nhân. Là điều kiện đảm bảo cho hoạt động giám sát có hiệu lực.
Giám sát phải có hiệu quả và các kiến nghị xác
đáng
Khi đã được cấp ủy, chính quyền các cấp quán
triệt, quan tâm lãnh đạo, phối hợp, tạo điều kiện. Giải pháp tiếp theo, đối với
MTTQ Việt Nam các cấp phải nâng cao chất lượng giám sát để tác động mạnh mẽ đến
cấp ủy, chính quyền bằng những kết quả giám sát và các kiến nghị xác đáng. Đây
cũng là cơ sở để hoạt động giám sát được quan tâm tạo điều kiện hơn.
Chủ động hiệp thương thống nhất, xây dựng và
thực hiện các kế hoạch giám sát, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và thực tế của
địa phương. Phương thức giám sát theo hướng chủ động, từ sớm, từ cơ sở, dân
chủ, khách quan, mang tính xây dựng; có trọng tâm, trọng điểm, chú trọng giám
sát theo chuyên đề, tập trung vào những vấn đề có liên quan trực tiếp đến
quyền, lợi ích chính đáng của nhân dân những vấn đề dư luận xã hội quan tâm,
bức xúc. Tăng cường giám sát việc thực hiện kiến nghị của cử tri và nhân dân;
việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt
và cán bộ, đảng viên. Công khai minh bạch kết quả giám sát, phản biện xã hội;
định kỳ báo cáo kết quả giám sát, phản biện xã hội; đề xuất giải pháp tháo gỡ
những khó khăn, vướng mắc.
Người đứng đầu Uỷ Ban MTTQ Việt Nam các cấp phải
thực sự trách nhiệm, tích cực, chủ động tham mưu, tranh thủ sự lãnh đạo của cấp
uỷ Đảng, sự đồng thuận của chính quyền; chủ trì phối hợp chặt chẽ với các cơ
quan, tổ chức, đơn vị liên quan trong các hoạt động giám sát; linh hoạt trong
lựa chọn nội dung và hình thức giám sát phù hợp, thiết thực. Chủ động phối hợp,
phát huy lực lượng của các tổ chức, cơ quan hữu quan, các vị Ủy viên, lực lượng
tư vấn, cộng tác viên cùng cấp, các chuyên gia, người có kiến thức, kinh nghiệm
trong hoạt động giám sát.
Cần tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn nâng cao chất
lượng hoạt động của Ban Thanh tra Nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng;
bảo đảm, phát huy tích cực vai trò nhân dân tham gia với các tổ chức này. Ban
hành các văn bản hướng dẫn chi tiết, cụ thể hóa các quy định, hướng dẫn theo
hình thức cầm tay chỉ việc; xây dựng biên soạn, số hóa các tài liệu theo hình
thức sổ tay, cẩm nang giám sát.
Một trong những yếu tố kinh nghiệm, góp phần
giúp cho hoạt động giám sát hiệu quả, thiết thực đó là việc thu thập thông tin
và khảo sát thực tế, xem xét tài liệu liên quan đến nội dung giám sát.
Việc tổng hợp ý kiến, kiến nghị giám
sát phải khách quan trung thực, đầy đủ, có sự chắt lọc, đảm bảo
đầy đủ căn cứ pháp lý, khoa học và thực tiễn, đồng thời, đưa ra các
giải pháp có tính khả thi; tránh trường hợp kiến nghị chung chung, né
tránh hoặc nội dung kiến nghị không rõ, thiếu căn cứ. Thường xuyên theo dõi,
đôn đốc sát sao việc tiếp thu, giải trình, trả lời, giải quyết các kiến
nghị sau giám sát; đối với các kiến nghị sau giám sát chưa được giải quyết,
giải trình rõ ràng, cụ thể cần thiết phải thông báo, kiến nghị phản ánh trước
kỳ họp thường kỳ của HĐND, cấp ủy cùng cấp và MTTQ Việt Nam cấp trên trực tiếp.
Thường xuyên tổ chức sơ, tổng kết; vận dụng hiệu
quả, đầy đủ các căn cứ, tiêu chí quy định để đánh giá đúng thực trạng, chất
lượng hoạt động giám sát, để thấy rõ những giá trị kết quả hoạt động giám sát;
những hạn chế, khó khăn để thường xuyên có các giải pháp khắc phục từng bước
nâng cao chất lượng giám sát của hệ thống MTTQ Việt Nam tỉnh.
Công tác giám sát của MTTQ Việt Nam là việc Ủy
ban MTTQ Việt Nam các cấp trực tiếp hoặc đề nghị các tổ chức thành viên của
MTTQ Việt Nam theo dõi, xem xét, đánh giá, kiến nghị đối với hoạt động của cơ
quan, tổ chức, đại biểu dân cử, cán bộ, công chức, viên chức trong việc thực
hiện chủ trương, đường lối của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhằm
góp phần xây dựng và thực hiện đúng các chủ trương, đường lối của Đảng, chính
sách và pháp luật của Nhà nước, các chương trình kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc
phòng, an ninh và đối ngoại; kịp thời phát hiện những sai sót, khuyết điểm, yếu
kém và kiến nghị sửa đổi, bổ sung các chính sách cho phù hợp; phát hiện, phổ
biến những nhân tố mới, những mặt tích cực; phát huy quyền làm chủ của nhân
dân, góp phần xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh.
(Xuân Tuấn)