Tọa lạc trên diện tích đất rộng đường Đặng Đại Độ, di tích đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh là một trong những địa điểm hành hương trở nên hấp dẫn hơn bao giờ hết. Di tích được dân làng Bình Kính xây dựng khoảng thế kỷ XVIII, thờ thần Thành hoàng bổn cảnh. Ban đầu chỉ là ngôi miếu nhỏ được làm từ vách ván, mái ngói. Sau này, người dân cải miếu thành đình, thờ Nguyễn Hữu Cảnh làm phúc thần của làng xã. Thời vua Gia Long đã cho trùng tu lại đền và cắt cử 10 từ phu trông coi, chăm sóc.
Bởi có công lao rất lớn, khi Nguyễn Hữu Cảnh mất, người dân Biên Hòa Đồng Nai tỏ lòng biết ơn đã cải đình Bình Hoàng thành đình Bình Kính (nay là đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh) thờ ông. Trong suốt 325 năm qua, người dân làm ăn ổn định, khí hậu thuận hòa, Đồng Nai trở thành vùng đất trù phú, thu hút nhân tài, thu hút doanh nghiệp đầu tư. Hằng năm, nơi đây đã đón nhiều đoàn khách đến tham quan, dâng hương tưởng nhớ Nguyễn Hữu Cảnh, nhất là trong các dịp lễ, Tết".
Với những giá trị to lớn mà đền thờ Nguyễn Hửu Cảnh mang lại, trước đó UBND tỉnh Đồng Nai đã đầu tư 69 tỷ đồng để mở rộng, tôn tạo di tích đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh qua đó bảo tồn, phát huy có hiệu quả tiềm năng của di tích, giáo dục tinh thần yêu nước, yêu quê hương cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau. Song song đó trong thời gian qua thành phố Biên Hòa cũng đã đẩy mạnh các hoạt động để phát huy giá trị lịch sử to lớn của đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh bằng các hoạt động kết nối di sản hay thường xuyên tổ chức về địa chỉ đỏ cho các bạn đoàn viên, thanh niên, học sinh tham quan và tìm hiểu.
Hiện nay, di tích Nguyễn Hữu Cảnh đã được công nhận Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia. Các hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị di tích đã và đang góp phần giáo dục tinh thần yêu nước, yêu quê hương cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.
Minh Luân