Đồng chí Nguyễn Văn Khang - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh chủ trì điểm cầu
Theo báo cáo, năm
2023 công tác dân tộc được Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và cả
hệ thống chính trị quan tâm chỉ đạo, phối hợp triển khai thực hiện đạt nhiều kết
quả tích cực. Đã triển khai thực hiện đồng bộ 188 chính sách tại vùng dân tộc
thiểu số và miền núi. Trong đó, có 136 chính sách dân tộc; từ đó, các chính
sách an sinh xã hội nên đời sống của người dân ngày càng được ổn định, từng bước
cải thiện nâng cao. Tỉ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giảm còn khoảng
17,82% (giảm 3,2%), đạt chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao. Nhờ thực hiện đồng
bộ các giải pháp của 03 chương trình mục tiêu quốc gia, trọng tâm là chương
trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã
phát huy hiệu quả tích cực, góp phần đẩy mạnh phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng,
từng bước phát triển sản xuất, nâng cao đời sống đồng bào các dân tộc thiểu số.
Chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cây trồng, vật nuôi phù hợp. Nhiều mô hình, điển
hình sản xuất, hợp tác kinh doanh hiệu quả ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số được
tạo điều kiện hình thành và nhân rộng. Các ngành nghề tạo ra sản phẩm đặc
trưng, chủ lực của vùng đồng bào dân tộc thiểu số được các địa phương quan tâm
hỗ trợ, tạo điều kiện được giữ gìn và phát huy. Trong năm 2023, tình hình
an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số luôn ổn
định, hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo diễn ra đúng quy định. Các cơ sở tôn giáo,
tín ngưỡng, các vị chức sắc, chức việc tích cực tham gia tuyên truyền, vận động
đồng bào, tín đồ chấp hành các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của
Nhà nước. Tuy vậy, tình hình sản xuất, đời sống trong đồng bào dân tộc thiểu
số vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là hộ nghèo, hộ cận nghèo sinh sống ở vùng sâu,
vùng xa, biên giới; công tác xóa đói giảm nghèo tuy có tiến bộ nhưng chưa bền vững;
chênh lệch mức sống giữa vùng đồng bào dân tộc thiểu số với mặt bằng chung cả
nước; chất lượng giáo dục vùng dân tộc thiểu số và miền núi vẫn còn thấp; tình
trạng phá rừng, khiếu kiện, tranh chấp đất đai, buôn bán ma túy... vẫn còn diễn
ra, tiềm ẩn những yếu tố bất ổn; một số nơi hệ thống chính trị cơ sở còn yếu,
chất lượng đội ngũ cán bộ chưa ngang tầm, còn thiếu đội ngũ cán bộ người dân tộc
thiểu số...
Phát biểu tại hội nghị,
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang ghi nhận và biểu dương kết quả mà Ủy ban
Dân tộc và các địa phương đã đạt được trong thời gian qua. Đồng thời, chỉ đạo
năm 2024, các bộ, ngành, địa phương quan tâm hơn nữa đến công tác dân tộc; linh
hoạt trong công tác triển khai các chính sách dân tộc phù hợp từng vùng miền,
văn hóa, phong tục tập quán; tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức
cho người dân vươn lên trong phát triển kinh tế, tránh trông chờ ỷ lại. Ủy ban
Dân tộc phải làm tốt vai trò làm đầu mối tham mưu giữa các bộ ngành trong thực
hiện các chính sách dân tộc; ứng dụng chuyển đổi số trong thực hiện nhiệm vụ
dân tộc; nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, công chức làm công
tác dân tộc; ưu tiên nguồn lực cho các trường học vùng đồng bào dân tộc thiểu số;
tránh đầu tư dàn trải các công trình, dự án tại các địa phương.
Bộ
trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh phát biểu tại Hội nghị
Thay mặt Ban Cán sự Đảng,
Lãnh đạo Ủy ban Dân tộc cũng như cơ quan làm công tác dân tộc các cấp, Bộ trưởng,
Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng
Chính phủ. Đồng thời cho biết sẽ cụ thể hóa vào kế hoạch chương trình công tác
năm 2024 để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ tham mưu của cơ quan quản lý nhà nước về
CTDT được tốt hơn năm 2024 và những năm tiếp theo. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Hầu A Lềnh
cũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương cùng phối hợp, đồng hành, ủng hộ UBDT để
có thể hoàn thành các nhiệm vụ được giao. Trong đó chú trọng tới các nhiệm vụ
như: tham mưu Chính phủ trình Quốc hội về điều chỉnh một số nội dung của
Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn
2021 - 2030; sửa đổi Quyết định số 1719/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc
phê duyệt Chương MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn
2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025; xây dựng Đề án đổi mới về
mô hình và tổ chức hoạt động của cơ quan làm CTDT các cấp; Đề án đổi mới mô
hình hoạt động của hệ thống trường chuyên biệt do Ủy ban Dân tộc quản lý; Đề án
đổi mới mô hình hoạt động của hệ thống Trường Dân tộc Nội trú, Bán trú vùng
DTTS&MN.
Minh Thành