Ban
Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã phối hợp, thống nhất với các tổ chức
chính trị - xã hội tham mưu cấp ủy xây dựng kế hoạch giám sát, phản biện xã hội
và tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền năm 2023. Ban Thường trực
đã chủ trì triển khai thực hiện hoàn thành 16 cuộc giám sát với các nội dung
như: giám sát chế độ, chính sách hỗ trợ cho cán bộ, công chức trên địa bàn
tỉnh; giám sát việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân thuộc
thẩm quyền giải quyết của UBND cấp tỉnh và UBND các huyện, thành phố; giám sát
việc phân loại, xử lý chất thải sinh hoạt tại Công ty Cổ phần môi trường
Sonadezi và giám sát việc tiếp nhận, xử lý nước thải công nghiệp tại Công ty TNHH
phát triển Khu công nghiệp Long Bình; giám sát kết quả triển khai thực hiện
chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; việc thực hiện chủ
trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác khuyến học, xây
dựng xã hội học tập; việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng
đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên; việc triển khai thực hiện các Nghị
quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh về chế độ, chính sách hỗ trợ cho cán bộ, công
chức, viên chức, người lao động hưởng lương từ ngân sách nhà nước trên địa bàn
tỉnh; công tác tiếp công dân, hòa giải và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo;
công tác bồi thường hỗ trợ tái định cư các dự án trên địa bàn; công tác quản lý
đất đai, tài nguyên khoáng sản... Thông qua hoạt động giám sát, Ban Thường trực
Uỷ ban MTTQ Việt Nam các cấp đã ban hành các thông báo kết luận giám sát, qua
đó có những kiến nghị chấn chỉnh, khắc phục những khó khăn, hạn chế của các đơn
vị, địa phương có liên quan; đồng thời kiến nghị các giải pháp thực hiện trong thời
gian tới... Ngoài ra, đã tham gia phối hợp với Ban Thường trực Uỷ ban Trung
ương MTTQ Việt Nam giám sát việc thực hiện chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái
định cư dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành và giám sát công tác tạm giữ,
tạm giam và thi hành án phạt tù tại Công an tỉnh, Toà án nhân dân tỉnh và Viện
kiểm sát nhân dân tỉnh và Trại giam Xuân Lộc. Phối hợp với Đoàn đại biểu Quốc
hội, Thường trực và các Ban Hội đồng nhân dân các cấp, các tổ chức chính trị -
xã hội tham gia 860 cuộc khảo sát, giám sát (tỉnh 49 cuộc; huyện 254 và xã 557
cuộc) về các nội dung: kết quả thực hiện quy hoạch giao thông vận tải đường bộ
tỉnh Đồng Nai đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; kết quả thực hiện kế hoạch
đầu tư công trung hạn; giám sát đối với dự án xây dựng Trường THCS Dương Văn
Thì, huyện Nhơn Trạch; khảo sát một số nội dung phục vụ công tác thẩm tra tại
kỳ họp thứ 11, như khảo sát dự án Trạm bơm Đắc Lua trên địa bàn huyện Tân Phú
và một số dự án đầu tư công trên địa bàn tỉnh; danh mục các dự án thu hồi đất; chuyển
đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa năm 2023; tiến độ đầu tư xây dựng đường cao
tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (giai đoạn 1) và các khu tái định cư phục vụ dự án; kết
quả thực hiện công tác quản lý an toàn thực phẩm năm 2022 và 9 tháng đầu năm
2023 tại huyện Thống Nhất, Long Thành và trên địa bàn tỉnh; việc huy động, quản
lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc
thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng trên địa bàn tỉnh;
việc thực hiện chính sách pháp luật trong công tác quản lý thu, chống thất thu
thuế giai đoạn 2020-2022 trên địa bàn tỉnh; việc thực hiện dự án khu dân cư
A1-C1 huyện Thống Nhất... Phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân tỉnh kiểm sát
việc tạm giữ, tạm giam và thi hành án phạt tù tại trại giam Công an tỉnh Đồng
Nai, kiểm sát công tác thi hành án dân sự tại Cục thi hành án dân sự tỉnh.
Hoạt
động phản biện xã hội được MTTQ các cấp quan tâm, cấp tỉnh đã tổ chức phản biện
xã hội đối với 08 dự thảo Nghị quyết trình kỳ họp thứ 11, 12 và kỳ họp thứ 14
Hội đồng nhân dân tỉnh khoá X gồm: 02 dự thảo Nghị quyết về bổ sung danh mục
các dự án cần thu hồi đất năm 2023, 2024; 02 dự thảo Nghị quyết về bổ
sung danh mục các dự án có sử dụng đất trồng lúa dưới 10ha, đất
rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng dưới 20ha tỉnh Đồng Nai đến năm
2023, 2024; dự thảo Nghị quyết quy định chức danh, chế độ, chính sách đối với
người hoạt động không chuyên trách, người trực tiếp tham gia hoạt động và mức
khoán kinh phí hỗ trợ hoạt động đối với các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức
xã hội ở cấp xã, ấp, khu phố trên địa bàn tỉnh; dự thảo Nghị quyết đặt tên, đổi
tên đường và công trình công cộng trên địa bàn thành phố Long Khánh (giai đoạn
2); thị trấn Dầu Giây, huyện Thống Nhất và thị trấn Long Giao, huyện Cẩm Mỹ; dự
thảo Nghị quyết quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050;
dự thảo Tờ trình, Nghị quyết hệ số điều chỉnh giá đất năm 2024 trên địa bàn
tỉnh Đồng Nai. Qua các hội nghị và qua góp ý phản biện xã hội bằng hình thức
nghiên cứu văn bản, Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã có 157 ý kiến,
kiến nghị và phản biện đối với các dự thảo Nghị quyết. Trên cơ sở các ý kiến
phản biện của Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh, các cơ quan chủ trì
soạn thảo đã bổ sung những ý kiến phản biện phù hợp vào dự thảo Nghị quyết, còn
những nội dung khác đều có báo cáo tiếp thu, giải trình theo quy định. Cấp
huyện và xã đã xây dựng kế hoạch tổ chức phản biện xã hội đối với 125 dự thảo
Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ cấp huyện, cấp xã về phát triển kinh tế -
xã hội, an ninh - quốc phòng của địa phương năm
2023” và các dự thảo Nghị quyết trình các kỳ họp Hội đồng nhân dân cấp
huyện, cấp xã năm 2023. Qua các hội nghị phản biện xã hội, Ban Thường trực Ủy
ban MTTQ Việt Nam các cấp đã có các ý kiến phản biện, kiến nghị, đề xuất cơ
quan soạn thảo dự thảo Nghị quyết xem xét, nghiên cứu và bổ sung những ý kiến
phản biện phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, có tính thuyết phục cao
vào dự thảo Nghị quyết để trình Ban chấp hành Đảng bộ, Hội đồng nhân dân các
cấp xem xét thông qua.
Cùng
với đó, tham gia đóng góp ý kiến đối với các dự án luật và các dự thảo văn bản
quy phạm pháp luật liên quan đến chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã
hội của địa phương và của tỉnh; hướng dẫn MTTQ các cấp phối hợp với chính quyền
và các ngành liên quan tổ chức lấy ý kiến cán bộ và Nhân dân tham gia góp ý,
bàn bạc và quyết định đối với chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã
hội của tỉnh. Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh chủ trì phối hợp với
Ban Quản lý Dự án Thăng Long (Bộ GTVT) và Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam
huyện Thống Nhất, huyện Định Quán, huyện Tân Phú tổ chức 09 hội nghị lấy ý kiến
nhân dân về thực hiện Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Dầu Giây - Tân Phú
(giai đoạn 1) tại 12 xã, thị trấn với 974 người tham dự và có 64 lượt ý kiến
phản ánh, kiến nghị.
Hoạt
động Ban Thanh tra Nhân dân, Ban giám sát đầu tư của cộng đồng ở các xã,
phường, thị trấn đã từng bước phát huy được vai trò, nhiệm vụ và quyền hạn; đặc
biệt, phối hợp giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật, việc giải quyết
khiếu nại, tố cáo; việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở góp phần phát huy dân
chủ, đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của
công dân.
Công
tác hòa giải không ngừng được củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động. Trong
năm 2023, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các xã, phường, thị trấn, Tổ hòa
giải các ấp, khu phố tham gia hòa giải 871 vụ, việc tranh chấp về đất đai, quan
hệ dân sự, mâu thuẫn trong hôn nhân và gia đình, mâu thuẫn trong nội bộ cộng
đồng dân cư. Kết quả đã hòa giải thành 708 vụ đạt tỷ lệ 81,28%, các vụ việc hòa
giải không thành đã hướng dẫn các bên có liên quan liên hệ cơ quan có thẩm
quyền giải quyết. Qua hòa giải đã góp phần giữ gìn an ninh trật tự tại cộng
đồng khu dân cư.
Ban
Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh phối hợp với Đoàn đại biểu Quốc hội,
Thường trực Hội đồng nhân dân, UBND thực hiện đúng Quy chế công tác đề ra. Công
tác tiếp công dân và tiếp nhận, xử lý đơn, thư khiếu nại, tố cáo của công dân
được MTTQ các cấp quan tâm và thực hiện theo quy định pháp luật. Năm 2023, MTTQ
tỉnh tiếp 3 lượt công dân; nhận 66 đơn khiếu nại, tố cáo, đã xử lý đạt 100%;
đồng thời hướng dẫn, tư vấn pháp luật, vận động người dân chấp hành các quyết định
giải quyết đã có hiệu lực pháp luật, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của Nhân
dân, góp phần ổn định tình hình an ninh trật tự xã hội tại địa phương.
Chuẩn
bị kỳ họp cuối năm của HĐND tỉnh, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh
kiến nghị 5 nhóm vấn đề. Kiến nghị với cấp uỷ Đảng, Nhà nước chỉ đạo các sở,
ngành, địa phương kiểm tra, đánh giá tổng thể các nguy cơ về cháy nổ, an toàn
giao thông, an toàn khi tổ chức các sự kiện có đông người... để có giải pháp
phù hợp, chủ động đề phòng và xử lý kịp thời khi xảy ra sự cố, bảo đảm an toàn
cho người dân. Đồng thời kiên quyết xử lý các trường hợp thiếu trách nhiệm
trong quản lý và thi hành công vụ, công khai danh tính, địa chỉ để Nhân dân
giám sát; đề nghị Đảng, Nhà nước tiếp tục có các giải pháp hiệu lực, hiệu quả
hơn nữa hỗ trợ doanh nghiệp và người dân phục hồi phát triển kinh tế, đẩy mạnh
đầu tư công, giải ngân vốn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và góp phần tạo việc
làm, ổn định đời sống Nhân dân.
Trong
đó, đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo quyết liệt đối với các huyện, thành phố trong
việc đề cao vai trò, trách nhiệm cá nhân đồng chí Chủ tịch và trách nhiệm Ủy
ban nhân dân các xã, phường nơi để xảy ra tình trạng người dân vứt rác bữa bãi,
lấn chiếm sông, suối; miệng cống; hố ga thoát nước bị bịt kín bởi rác gây cản
trở dòng chảy làm cho tình trạng ngập lụt kéo dài.