Thời gian qua, Ban Bí thư Trung ương
Đảng, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Đồng Nai đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo việc ban
hành nhiều văn bản quy định quyền, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và
các tổ chức chính trị - xã hội trong hoạt động giám sát, phản biện xã hội. Trên
cơ sở đó, các cơ quan nhà nước cũng đã thể chế các quy định của Đảng thành các
quy định của pháp luật. Do vậy, có thể khẳng định cơ sở chính trị, pháp lý về
hoạt động giám sát, phản biện xã hội ngày càng được hoàn thiện; nhận thức của
các cấp uỷ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã
hội và Nhân dân về giám sát, phản biện xã hội từng bước được nâng cao.
Thực tiễn hoạt động của Mặt trận Tổ
quốc và các tổ chức chính trị - xã hội luôn chú trọng đổi mới nội dung, phương
thức hoạt động, tăng cường hoạt động giám sát, phản biện xã hội, tập trung vào
những vấn đề quan trọng, liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính
đáng của Nhân dân và dư luận xã hội quan tâm, bức xúc; khơi dậy được động lực
trong Nhân dân, phát huy quyền làm chủ, tăng cường sự đồng thuận của Nhân dân
trong xây dựng, phát triển đất nước, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong
sạch, vững mạnh, góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn
viên, hội viên và Nhân dân, củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, chính
quyền.
Năm 2023, MTTQ các cấp đã giám sát
khá toàn diện các nội dung về công tác lập pháp, thi hành án, thực hiện các
chương trình phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn
minh, việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo, cải cách hành chính,
phòng chống tham nhũng, lãng phí, giám sát cán bộ, đảng viên, đại biểu dân cử,
thực hiện dân chủ ở cơ sở... với hình thức giám sát khá phong phú với 278 cuộc trong
đó, tỉnh 16 cuộc, huyện 68 cuộc, xã 194 cuộc. Qua giám sát, Ban Thường
trực Uỷ ban MTTQ Việt Nam các cấp đã ban hành các thông báo kết luận giám sát,
qua đó có những kiến nghị chấn chỉnh, khắc phục những khó khăn, hạn chế của các
đơn vị, địa phương có liên quan; đồng thời kiến nghị các giải pháp thực hiện
trong thời gian tới.
Phó chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lưu Thị Hà chủ trì Hội nghị phản biện xã hội
Hoạt động phản biện xã hội ngày càng
hiệu quả và chất lượng. Trong năm 2023 Uỷ ban MTTQ tỉnh đã tổ chức
phản biện xã hội đối với 08 dự thảo Nghị quyết trình các kỳ họp Hội đồng nhân
dân tỉnh khoá X năm 2023 gồm: dự thảo Nghị quyết về danh mục các dự án cần
thu hồi đất; dự thảo Nghị quyết về danh mục các dự án có sử dụng đất
trồng lúa; dự thảo Nghị quyết quy định chức danh, chế độ, chính sách đối với
người hoạt động không chuyên trách, người trực tiếp tham gia hoạt động và mức
khoán kinh phí hỗ trợ hoạt động đối với các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức
xã hội ở cấp xã, ấp, khu phố trên địa bàn tỉnh; dự thảo Nghị quyết đặt tên, đổi
tên đường và công trình công cộng trên địa bàn thành phố Long Khánh (giai đoạn
2); thị trấn Dầu Giây, huyện Thống Nhất và thị trấn Long Giao, huyện Cẩm Mỹ; dự
thảo Nghị quyết quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050; dự
thảo Tờ trình, Nghị quyết hệ số điều chỉnh giá đất năm 2024 trên địa bàn tỉnh Đồng
Nai. Qua phản biện xã hội, Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã có 157
ý kiến, kiến nghị và phản biện đối với các dự thảo Nghị quyết. Trên cơ sở các ý
kiến phản biện của Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh, các cơ quan chủ
trì soạn thảo đã bổ sung những ý kiến phản biện phù hợp vào dự thảo Nghị quyết,
còn những nội dung khác đều có báo cáo tiếp thu, giải trình theo quy định.
Ban Thường trực Ủy
ban MTTQ Việt Nam cấp huyện và xã đã tổ chức phản biện xã hội đối với 125 dự thảo
Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ cấp huyện, cấp xã về phát triển kinh tế -
xã hội, an ninh - quốc phòng của địa phương năm 2023” và các dự thảo Nghị quyết
trình các kỳ họp Hội đồng nhân dân cấp huyện, cấp xã năm 2023.
Có thể nói 10 năm qua, thực hiện Quyết
định số 217 của Bộ Chính trị ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của
MTTQ Việt Nam và các tổ chức đoàn thể, công tác giám sát, phản biện xã hội đã đạt
được nhiều kết quả quan trọng như nhận thức của các cấp ủy, chính quyền và nhân
dân về giám sát, phản biện xã hội được nâng lên. Cơ sở chính trị, pháp lý của
công tác giám sát, phản biện xã hội được củng cố, hoàn thiện.
Nội dung, phương thức thực hiện ngày
càng thực chất, tập trung vào những vấn đề quan trọng, liên quan trực tiếp đến
quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân và dư luận xã hội quan tâm, bức
xúc, góp phần tăng cường quyền làm chủ, sự đồng thuận của nhân dân trong xây dựng,
phát triển đất nước, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh,
củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã
đạt được thì chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội thời gian
qua có lúc, có nơi chưa đáp ứng được yêu cầu, chưa phát huy mạnh mẽ vai trò, sự
tham gia của các thành viên Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Nhân dân. Việc quán
triệt, phổ biến, tổ chức thực hiện các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà
nước về giám sát, phản biện xã hội chưa được coi trọng đúng mức.
Việc xây dựng, triển khai các chương
trình, kế hoạch giám sát, phản biện xã hội có lúc, có nơi chưa chủ động, kịp thời,
thiếu trọng tâm, trọng điểm; các ý kiến, kiến nghị sau giám sát, phản biện xã hội
chưa sâu, tính thuyết phục chưa cao; việc theo dõi, đôn đốc giải quyết kiến nghị
chưa quyết liệt. Một số cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trả lời, giải
quyết các ý kiến, kiến nghị sau giám sát, phản biện xã hội chưa thực hiện
nghiêm túc, kịp thời.
Nguyên nhân của hạn chế nêu trên chủ
yếu là do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên phối hợp chưa chặt
chẽ trong xác định nội dung, hoạt động giám sát, phản biện hàng năm từ sớm, từ
xa; quy định pháp luật về giám sát, phản biện xã hội còn chưa tương xứng và phù
hợp với yêu cầu và thực tiễn; việc phối hợp với các cơ quan nhà nước cùng cấp
trong giám sát, phản biện chưa chặt chẽ, nhất là trong việc thực hiện các kiến
nghị sau giám sát, phản biện xã hội và cơ chế theo dõi, phản hồi, chế tài xử lý
việc không thực hiện kiến nghị; cán bộ làm công tác Mặt trận nhiều nơi chưa thể
hiện được bản lĩnh, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm; đội ngũ cán bộ,
công chức, viên chức làm công tác Mặt trận ở nhiều nơi còn hạn chế về kiến thức
chuyên môn, nguồn lực dành cho công tác giám sát, phản biện còn hạn chế…
Để nâng cao chất lượng, hiệu quả giám
sát, phản biện xã hội trong thời gian tới và thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 22-CT/TUngày
12/01/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về
phát huy vai trò, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã
hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, Mặt trận Tổ
quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị
xã hội các cấp tiếp tục thực hiện tốt một
số nhiệm vụ trọng tâm như sau:
- Phát huy những kết quả đạt được, trong thời gian tới cấp
ủy, chính quyền cần tiếp tục quán triệt, quan tâm chỉ đạo MTTQ và các tổ chức
chính trị - xã hội trong công tác giám sát, phản biện xã hội. Cụ thể hóa trách
nhiệm của chính quyền trong công tác phối hợp, tạo điều kiện và tiếp thu góp ý
của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội và Nhân dân tham gia giám
sát, phản biện; góp ý xây dựng chính quyền. Phối hợp tổ chức tốt việc đối thoại
trực tiếp theo định kỳ giữa người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền các cấp với Nhân
dân, qua đó giải quyết kịp thời, có hiệu quả những vấn đề bức xúc, nổi cộm Nhân
dân quan tâm.
- Tăng cường các hoạt động giám sát, phản biện việc thực
hiện các chủ trương, Nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước
liên quan đến quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của Nhân dân; đặc biệt đối
với lĩnh vực đất đai, quy hoạch, đền bù giải tỏa mặt bằng xây dựng các công
trình, dự án, các vấn đề liên quan đến quyền dân chủ của nhân dân theo Chỉ thị số 22-CT/TU ngày 12/01/2023 của Ban
Thường vụ Tỉnh uỷ về phát huy vai trò, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác
giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính
trị - xã hội trên địa bàn tỉnh; thực hiện tốt nhiệm vụ giám sát, vận động
Nhân dân tham gia giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người
đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên theo Quy định số 12-QĐ/TU ngày 24/4/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ.
- Tăng cường phối hợp với các cơ quan nhà nước triển
khai các nhiệm vụ giám sát, phản biện xã hội. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các
đoàn thể chính trị - xã hội tăng cường phối hợp với các cơ quan nhà nước thực
hiện tốt công tác giám sát, phản biện xã hội, nhằm phát huy sức mạnh của cả hệ
thống chính trị và Nhân dân đối với hoạt động giám sát, phản biện xã hội của Mặt
trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội; tăng cường quan hệ phối
hợp với các cơ quan, tổ chức trong hoạt động giám sát, phản biện, nhất là các
cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản trong hoạt động
giám sát, phản biện.
- Kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao
năng lực đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác giám sát, phản biện xã hội; kịp
thời bồi dưỡng, tập huấn về quy trình, kỹ năng, phương pháp giám sát, phản biện
xã hội cho đội ngũ cán bộ Mặt trận và các đoàn thể các cấp. Có chế độ đãi ngộ
thu hút cán bộ có năng lực, trình độ, phẩm chất, đạo đức về làm công tác giám
sát, phản biện xã hội.
- Tăng cường các hoạt động kiểm tra, khảo sát
công tác giám sát, phản biện xã hội; kịp thời phát hiện các cách làm hay, hiệu
quả trong công tác giám sát, phản biện xã hội để phổ biến, nhân rộng, lan tỏa,
tạo sự thống nhất, đồng bộ trong giám sát, phản biện xã hội; kịp thời biểu
dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác
giám sát, phản biện xã hội. Đặc biệt quan tâm đảm bảo nguồn lực kinh phí, nhân
lực cho hoạt động giám sát, phản biện xã hội.
(Xuân Tuấn)