Trong bối cảnh tình hình quốc tế
tiếp tục có nhiều biến động to lớn, nhanh chóng, phức tạp, khó lường, tiềm ẩn
cả những cơ hội và thách thức đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đại
hội XIII của Đảng đã xác định phải “phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại
trong việc tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, huy động các nguồn
lực bên ngoài để phát triển đất nước”, trong đó phát huy sức mạnh tổng hợp của
một nền ngoại giao toàn diện với ba trụ cột là đối ngoại đảng, ngoại giao nhà
nước và đối ngoại nhân dân.
Mỗi trụ cột đối ngoại đều có vai
trò, sứ mệnh riêng, nhằm huy động đa dạng các lực lượng, vận dụng mọi hình
thức/công cụ đối ngoại, triển khai trên nhiều lĩnh vực/địa bàn và hướng đến
nhiều đối tượng khác nhau, nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp, thực hiện hiệu quả
mục tiêu đối ngoại của đất nước. Đối ngoại đảng có nhiệm vụ: Tham
gia hoạch định chủ trương, đường lối, các quyết sách về những vấn đề đối ngoại
quan trọng; triển khai các hoạt động đối ngoại nhằm phát triển quan hệ với các
chính đảng góp phần củng cố nền tảng chính trị cho quan hệ của Việt Nam với các
nước; xây dựng khuôn khổ, định hướng quan hệ, xử lý nhiều vấn đề trong quan hệ
giữa Việt Nam với các đối tác quan trọng; quản lý thống nhất các hoạt động đối
ngoại của toàn bộ hệ thống chính trị, chỉ đạo công tác đối ngoại đảng và đối
ngoại nhân dân từ Trung ương đến cơ sở.
Ngoại giao nhà nước với sứ mệnh là
kênh quan hệ ngoại giao chính thức giữa Nhà nước Việt Nam với các nước, đã phát
huy vai trò trong mở rộng quan hệ chính thức với các nước, tạo các khuôn khổ
pháp lý quan trọng để tăng cường hợp tác quốc tế trong mọi lĩnh vực, đưa các mối
quan hệ với các nước ngày càng đi vào chiều sâu; tham gia và phát huy vai trò
của Việt Nam tại các cơ chế, diễn đàn khu vực và quốc tế, chủ động và tích cực
hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.
Đối ngoại nhân dân có
vai trò rất quan trọng trong việc xây dựng nền tảng xã hội hữu nghị, là một
kênh đối ngoại “tâm công” có ảnh hưởng, giúp tác động vào lòng người bằng chính
nghĩa, lẽ phải, đạo lý và nhân văn. Với phương châm “chủ động, linh hoạt, sáng
tạo, hiệu quả”, thành phần, lực lượng tham gia rộng rãi, mạng lưới đối tác,
lĩnh vực, nội dung, hình thức hợp tác đa dạng, phong phú, sống động, đối ngoại
nhân dân có khả năng bao trùm mọi lĩnh vực trong đời sống xã hội, đồng thời có
thể phát huy hiệu quả trên một số vấn đề và ở một số địa bàn trong những hoàn cảnh
cụ thể mà đối ngoại đảng và ngoại giao nhà nước không có điều kiện làm hoặc nếu
làm có thể không thuận lợi bằng.
Những nghệ sĩ nổi tiếng biểu diễn trong một cuộc biểu tình phản đối chiến tranh Việt Nam ở Stockholm, Thụy Điển năm 1965. Ảnh: nguồn Internet
Ba trụ cột đối ngoại có sự phối hợp
chặt chẽ, đồng bộ, bổ sung, hỗ trợ cho nhau, bảo đảm một số yêu cầu cơ bản sau:
Thứ nhất, hoạch định, triển khai các trụ
cột đối ngoại dưới sự lãnh đạo thống nhất của Đảng vì mục tiêu chung là lợi ích
quốc gia - dân tộc. Việc quán triệt sâu sắc nguyên tắc Đảng lãnh đạo từ khâu
hoạch định chính sách đến triển khai thực hiện, sẽ bảo đảm sự thống nhất nhận
thức đối với những vấn đề lớn, bảo đảm sự nhất quán, phù hợp với mục tiêu chung
trong quá trình triển khai các hoạt động đối ngoại; cũng như sự phân vai, phân
công, phân nhiệm phù hợp, hiệu quả, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống
chính trị.
Thứ hai, thường xuyên phối hợp chặt
chẽ, đồng bộ và hiệu quả giữa các trụ cột đối ngoại, bảo đảm tính tổng thể, gắn
kết, tuân thủ các mục tiêu, định hướng chung, đồng thời phù hợp với ưu tiên đối
ngoại ở từng thời điểm và địa bàn cụ thể. Triển khai nghiêm túc, theo dõi chặt
chẽ việc thực hiện Quy chế quản lý thống nhất các hoạt động đối ngoại của Bộ
Chính trị; định kỳ sơ kết, tổng kết nhằm điều chỉnh, bổ sung các quy định, nội
dung phù hợp với thực tiễn; đẩy nhanh việc ban hành Quy chế quản lý thống nhất
các hoạt động đối ngoại ở các cấp ủy địa phương, đồng thời sớm hình thành đồng
bộ hệ thống văn bản quản lý, tổ chức, bộ máy và cơ chế phối hợp quản lý thống
nhất các hoạt động đối ngoại.
Thứ ba, phát huy vai trò, tính đặc
thù, phù hợp với đặc điểm, thế mạnh của mỗi trụ cột đối ngoại trên cơ sở nhận
thức rõ các đặc trưng của từng trụ cột, về lực lượng, không gian, công cụ cũng
như cách thức triển khai. Trong đó, đặc biệt chú ý tới thế mạnh về truyền thống
quan hệ lâu dài, gắn bó, thủy chung của đối ngoại đảng; khả năng hội nhập năng
động, tích cực, toàn diện, tính hiệu lực, hiệu quả cao của ngoại giao nhà nước;
và sức lan tỏa, thuyết phục dựa trên “sức mạnh mềm”, sức mạnh chính nghĩa và
công lý của đối ngoại nhân dân.
Thứ tư, có tư duy đổi mới, sáng tạo
trong triển khai các trụ cột đối ngoại trong bối cảnh có nhiều biến chuyển to
lớn, nhanh chóng và phức tạp của tình hình quốc tế. Lực lượng, đối tượng, nội
dung, phương thức hoạt động của mỗi trụ cột đối ngoại cần được liên tục phát
triển, đổi mới, phù hợp với những thay đổi của thế giới, khu vực và đất nước;
quán triệt sâu sắc phương châm “dĩ bất biến ứng vạn biến”, bảo đảm sự linh
hoạt, cụ thể trong từng hoàn cảnh, tình hình, với từng nhóm đối tác, đối tượng,
trên cơ sở bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc.
Trong giai đoạn tới, để triển khai
thực hiện thành công đường lối, chủ trương đối ngoại của Đại hội XIII của Đảng,
đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân cần tập trung phối
hợp tốt trong một số mảng công việc sau:
Một là, tăng cường phối hợp giữa các trụ cột
đối ngoại, nhất là giữa đối ngoại đảng và ngoại giao nhà nước, trong công tác
tham mưu. Các kênh đối ngoại có thể phối hợp với nhau trong đánh giá, nhận định
tình hình, nhất là các vấn đề liên quan đến an ninh và phát triển của đất nước,
từ đó tham mưu hiệu quả, kịp thời các chủ trương, biện pháp đối ngoại; nghiên
cứu và dự báo chiến lược về cục diện thế giới, khu vực, các xu thế lớn, các đối
tác quan trọng, các vấn đề quốc tế... có ảnh hưởng tới lợi ích của ta; đề xuất phương
hướng triển khai quan hệ đối ngoại trên các vấn đề có tính chiến lược. Đối
ngoại đảng và ngoại giao nhà nước là hai lực lượng đóng vai trò chủ lực trong
tham mưu chiến lược, nhất là trên các vấn đề lớn có tính chiến lược. Bên cạnh
đó, đối ngoại nhân dân cũng là một kênh thông tin quan trọng, nhiều chiều,
khách quan, bổ ích, có thể đóng góp cho công tác nghiên cứu, dự báo tình hình,
đề xuất các chủ trương, biện pháp ứng phó phù hợp trong đối ngoại.
Hai là, chủ động và tích cực phối hợp trong
triển khai các quan hệ đối ngoại, nhằm tối ưu hóa lợi ích quốc gia - dân tộc.
Đối ngoại đảng có thể phát huy tốt vai trò định hướng chiến lược trong quan hệ
với các nước có chế độ chính trị tương đồng và có mối quan hệ mật thiết, lâu
dài với Đảng ta; đồng thời, tăng cường quan hệ với các chính đảng có vai trò ở
các nước đối tác quan trọng, bạn bè truyền thống để tạo dựng nền tảng chính trị
thuận lợi cho quan hệ song phương.
Ngoại giao nhà nước với đặc điểm là
chủ thể quan hệ quốc tế được cộng đồng quốc tế công nhận rộng rãi, với thế mạnh
về lực lượng làm công tác đối ngoại trong và ngoài nước sẽ thực hiện nhiệm vụ
triển khai các hoạt động quan hệ song phương với tất cả các nước mà ta có quan
hệ, cũng như đối với các tổ chức, diễn đàn, cơ chế quốc tế và khu vực mà ta là
thành viên.
Đối ngoại nhân dân với lợi thế đặc
thù là có tiếng nói linh hoạt giữa con người với con người, khả năng tiếp cận
được rộng rãi các đối tác/đối tượng và triển khai linh hoạt hợp tác/đấu tranh
phù hợp với từng hoàn cảnh cụ thể, có thể thiết lập và triển khai các kênh trực
tiếp, hiệu quả với nhiều hoạt động trao đổi hợp tác phong phú trong nhiều lĩnh
vực cụ thể (như đoàn kết hữu nghị, hợp tác kinh tế, trao đổi văn học - nghệ
thuật, khoa học - giáo dục, thể thao...), qua đó vừa tăng cường sự tin cậy,
hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân các nước, làm nền tảng xã hội vững chắc, vừa
bổ sung các nội hàm hợp tác, góp phần làm sâu sắc thêm quan hệ đối ngoại của
Việt Nam với các nước.
Tóm lại, Đại hội XIII của Đảng đã
khẳng định, triển khai một nền ngoại giao toàn diện được xây dựng trên cơ sở ba
trụ cột chủ lực là đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân đặt dưới sự lãnh đạo thống nhất của Đảng. Đây là sự kế thừa, phát huy truyền
thống và bài học quý báu của đối ngoại nước ta qua các thời kỳ cách mạng. Ba
trụ cột đối ngoại vừa có sự độc lập, tính đặc thù trong hoạt động, vừa có sự
chia sẻ, phối hợp, bổ sung, hỗ trợ lẫn nhau, tạo nên một sức mạnh tổng hợp của
nền ngoại giao toàn diện Việt Nam trong giai đoạn cách mạng hiện nay./.
Tố Nga (tổng hợp)