Ông Hầu A Lềnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị
Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Hầu A Lềnh, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc nhấn mạnh: Việc phê duyệt và triển khai Chương trình mục tiêu Quốc gia dân tộc thiểu số và miền núi là quyết sách lịch sử của Đảng và Nhà nước ta, lần đầu tiên Việt Nam có một Chương trình mục tiêu Quốc gia dành riêng cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Tính riêng tổng kinh phí dự kiến cho giai đoạn I (2021-2025), Chương trình đã được bố trí gần 115 nghìn tỷ đồng từ ngân sách Nhà nước với phần vốn vay tín dụng dự kiến gần 20 nghìn tỷ đồng - chiếm tỷ trọng lớn nhất về nguồn lực cho các Chương trình mục tiêu Quốc gia để thực hiện 10 dự án có tính tổng quát nhất từ trước tới nay trong lĩnh vực công tác dân tộc. Các nội dung thành phần của Chương trình đi sâu và bao phủ hầu hết các mặt của đời sống kinh tế - xã hội với kỳ vọng ưu tiên giải quyết những vấn đề cấp thiết nhất hiện nay của đồng bào dân tộc thiểu số như đất ở, nhà ở, nước sạch, đất sản xuất, dịch vụ xã hội cơ bản, cơ sở hạ tầng thiết yếu, giáo dục, đào tạo nghề.
Bộ trưởng Hầu A Lềnh cho biết: Khu vực Nam bộ gồm 13 tỉnh với 308 xã, chiếm khoảng 9% số xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi của cả nước, tuy nhiên chỉ có 8 tỉnh có xã, thôn đặc biệt khó khăn, chiếm khoảng 3,6% tổng số xã đặc biệt khó khăn và 2,7% thôn đặc biệt khó khăn của cả nước với 55 xã và 356 thôn. Giai đoạn 2021-2023, tổng nguồn vốn đã phân bổ của Chương trình cho khu vực các tỉnh Nam bộ là hơn 2,277 tỷ đồng, chiếm hơn 5,4% tổng nguồn lực của cả Chương trình.
Theo Bộ trưởng Hầu A Lềnh, trên cơ sở nguồn lực của Chương trình và sự nỗ lực của các địa phương trong chỉ đạo, điều hành và triển khai Chương trình, đến nay nhiều xã, thôn đặc biệt khó khăn đã thoát khỏi diện đặc biệt khó khăn, từng bước hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới, ổn định và phát triển.
Tuy nhiên, hiện nay Nam bộ đang đối mặt với nhiều thách thức tác động không nhỏ đến cuộc sống của người dân, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng sâu, vùng xa, đồng thời ảnh hưởng đến việc triển khai các hoạt động của Chương trình.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận các nội dung trọng tâm là những khó khăn, vướng mắc lớn, mang tính nền tảng, đặc thù tác động đến tiến độ, hiệu quả triển khai thực hiện Chương trình giai đoạn I (2021-2025) tại các địa phương; nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp cụ thể trong tổ chức triển khai thực hiện Chương trình cho giai đoạn 2024, 2025 để bảo đảm thực hiện thành công các mục tiêu, chỉ tiêu của Chương trình cho cả giai đoạn; kiến nghị về cơ chế, chính sách và đặc biệt là những đề nghị điều chỉnh về mục tiêu, chỉ tiêu và cả nội dung của các dự án, tiểu dự án cho giai đoạn 2024-2025 của các địa phương.
Minh Luân