Nhằm đáp ứng
yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới, Ủy ban MTTQ tỉnh đã và đang có nhiều nỗ
lực để không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, trong đó có công
tác phản biện xã hội. Qua đó, góp phần thiết thực giúp cho cấp ủy, chính quyền
có thêm thông tin khi xem xét, quyết định các vấn đề trong quá trình lãnh đạo,
quản lý, điều hành.
Đ/c Lưu Thị Hà, Phó chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh phát biểu kết luận hội nghị
Trên cơ sở nội dung thống nhất chương
trình kỳ họp thường lệ cuối năm 2022 và giữa năm 2023. Thường trực HĐND tỉnh đề
nghị Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức phản biện xã hội đối với một số dự thảo
Nghị quyết có liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của
Nhân dân trên địa bàn tỉnh.
Để chuẩn bị cho kỳ họp thường lệ cuối
năm 2022, giữa năm 2023 của HĐND tỉnh khoá X, nhiệm kỳ 2021-2026, ngày
15/11/2022, Ủy ban MTTQ tỉnh đã tổ chức hội nghị phản biện xã hội đối với Dự
thảo Nghị quyết điều chỉnh, bổ sung bảng giá đất tỉnh Đồng Nai 5 năm, giai đoạn
2020-2024. Việc sửa đổi, bổ
sung một chính sách gắn liền với cuộc sống hàng ngày của người dân, nhất là
người có đất bị thu hồi, người đang tiến hành làm thủ tục cấp giấy chứng nhận
quyền sử dụng đất, người thuê đất, đặt ra yêu cầu cần phải được phản biện với
tinh thần trách nhiệm cao để đảm bảo hiệu quả khi đi vào đời sống.
Với tinh thần đó, hội nghị đã có sự
tham gia của 50 đại biểu là đại diện lãnh đạo các tổ chức chính trị - xã hội, thành viên Hội đồng tư vấn về Dân chủ-
Pháp luật, Hội đồng tư vấn Kinh tế - Văn hóa - Xã hội Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, các địa phương trong tỉnh và một số
sở, ban, ngành liên quan cùng tham gia, trao đổi ý kiến. Trong bầu không khí
cầu thị, trách nhiệm, Ban Tổ chức đã ghi nhận tổng số 11 ý kiến phát biểu trực
tiếp, 10 ý kiến tham luận bằng văn bản. Các ý kiến đều thể hiện rõ tâm huyết
của các đại biểu, trên cơ sở phân tích kỹ lưỡng, đa chiều, cả về quy định chính
sách, pháp luật hiện hành, thực tiễn các địa phương và nguyện vọng hợp pháp,
chính đáng của người dân. Đồng thời cân nhắc tới cả việc phù hợp với năng lực
tài chính của người dân, doanh nghiệp, đáp ứng các chỉ tiêu phát triển kinh tế
- xã hội của tỉnh đặt ra trong giai đoạn tới... Sau hội nghị, Ủy ban MTTQ tỉnh
đã khẩn trương tổng hợp thành văn bản kiến nghị gồm 14 nội dung quan trọng
nhất, gửi tới cơ quan soạn thảo dự thảo Nghị quyết và được tiếp thu, giải trình
bằng văn bản phúc đáp đúng quy định.
Để chuẩn bị cho kỳ họp thường lệ giữa
năm 2023 của HĐND tỉnh khoá X, nhiệm kỳ 2021-2026, ngày 14/6/2023, Ban Thường
trực Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã tổ chức hội nghị phản biện xã hội đối với dự
thảo Nghị quyết đặt tên,
đổi tên đường và công trình công cộng trên địa bàn thành phố Long Khánh (giai
đoạn 2); thị trấn Dầu Giây, huyện Thống Nhất và thị trấn Long Giao, huyện Cẩm Mỹ.
Việc đặt, đổi tên đường, công trình công cộng là làm cho mạng lưới giao thông
đô thị kết hợp với công tác đánh số và gắn biển số nhà là việc làm hết sức cần
thiết, tạo điều kiện thuận lợi cho việc quản lý xã hội, góp phần hoàn thiện các
thể chế và thiết chế văn hóa xã hội tại các địa phương nói trên, đáp ứng được
nguyện vọng của Nhân dân và phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội
trong giai đoạn hiện nay. Hội nghị có sự tham gia của 45 đại biểu đại diện cho
các cơ quan có liên quan cấp tỉnh, thành viên Hội đồng tư vấn về Dân chủ- Pháp
luật, Hội đồng tư vấn Kinh tế - Văn hóa - Xã hội Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, đại
diện Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ Việt Nam thành phố Long Khánh, huyện Cẩm Mỹ,
huyện Thống Nhất tham dự và phát biểu phản biện nhiều ý kiến tâm huyết, trách
nhiệm. Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã nhận được 10 bài tham luận
và tại Hội nghị đã có 07 lượt ý kiến phát biểu, các ý kiến phát biểu đều dựa
trên kinh nghiệm, sự hiểu biết về các quy định của pháp luật đối với công tác đặt
tên, đổi tên đường và công trình công cộng. Phân tích làm rõ những vấn đề còn
có ý kiến khác nhau đối với việc đặt tên một số con đường, công trình công cộng
và tên của những danh nhân, người có nhiều đóng góp cho công cuộc xây dựng và bảo
vệ tổ quốc. Sau hội nghị, Ủy ban
MTTQ tỉnh đã tổng hợp thành văn bản kiến nghị gồm 25 nội dung quan trọng nhất,
gửi tới cơ quan soạn thảo dự thảo Nghị quyết và được tiếp thu, giải trình bằng
văn bản theo quy định.
Bên cạnh việc tổ chức các hội nghị phản
biện, thời gian qua, Ủy ban MTTQ tỉnh còn tiến hành phản biện xã hội thông qua
gửi ý kiến bằng văn bản... Trong 2 năm 2022 và 6 tháng đầu năm 2023, Ủy ban
MTTQ tỉnh đã phản biện được 22 văn bản là các dự thảo nghị quyết trình HĐND tỉnh,
đề án của UBND tỉnh xin ý kiến phản biện xã hội. Bám sát chỉ đạo của Ban Thường
trực Ủy ban MTTQ Trung ương, Ủy ban MTTQ tỉnh cũng đã tiến hành lấy ý kiến các
cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh tham gia vào Dự án Luật Đất đai sửa đổi theo
hình thức hội nghị, phục vụ cho Hội nghị phản biện của Trung ương. Ủy ban MTTQ
tỉnh cũng phối hợp với Đoàn ĐBQH tỉnh và HĐND tỉnh tổ chức 1 hội nghị lấy ý
kiến trực tiếp đối với Dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở lần cuối, tổng
hợp 25 lượt ý kiến tham gia với trách nhiệm cao, trước khi trình kỳ họp thứ 4
Quốc hội khoá XV, nhiệm kỳ 2021-2026 thông qua.
Dù thực hiện phản biện bằng hình thức
nào, Ủy ban MTTQ tỉnh đều chủ động nắm thông tin các chủ trương, chính sách dự
kiến được ban hành, để từ đó tiến hành lựa chọn nội dung, hình thức phản biện
phù hợp. Đồng thời, tích cực tranh thủ vai trò, trách nhiệm tham gia của các
chuyên gia đến từ các sở, ngành, địa phương. Đặc biệt, phát huy hiệu quả vai
trò của thành viên Hội đồng
tư vấn về Dân chủ- Pháp luật, Hội đồng tư vấn Kinh tế - Văn hóa - Xã hội Ủy ban
MTTQ Việt Nam tỉnh
gồm các thành viên đang công tác tại Trung tâm tư vấn pháp luật, Hội Luật gia, Ban
Nội chính Tỉnh uỷ và các vị nguyên lãnh đạo Uỷ ban MTTQ tỉnh, huyện có kinh
nghiệm trong nội dung cần phản biện... là những người có kiến thức, kinh
nghiệm, am hiểu sâu về lĩnh vực phản biện xã hội.
Để công tác phản biện xã hội ngày càng chất
lượng, hiệu quả; thời gian tới, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh tiếp tục có những
giải pháp tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ các cấp,
gắn liền với việc giao ban học tập, trao đổi kinh nghiệm giữa các địa phương.
Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh việc tuyên truyền, quán triệt tới các cấp, ngành
về tầm quan trọng của phản biện xã hội, để MTTQ và các đoàn thể phát huy hơn
nữa vai trò chủ thể, chủ động, làm tốt việc xây dựng và tổ chức thực hiện kế
hoạch phản biện xã hội hằng năm.
(Xuân Tuấn)