|
Trưởng ban Dân tộc tỉnh Nguyễn Văn Khang tặng giấy khen cho các gia đình dân tộc thiểu số tiêu biểu tỉnh Đồng Nai năm 2023.
|
Theo Trưởng ban Dân tộc tỉnh Nguyễn Văn Khang, có hàng loạt chương trình, đề án, dự án, chính sách dân tộc liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030. Cụ thể, trong 06 tháng qua, Đồng Nai có 12 tuyến đường trong vùng đồng bào DTTS, tổng chiều dài 6km với vốn đầu tư 41,7 tỷ đồng đã được thực hiện. Đến nay, tỉnh có 93 ấp vùng đồng bào DTTS đã có đường giao thông được đầu tư nâng cấp, cải tạo, xây dựng mới. Tỷ lệ ấp vùng đồng bào DTTS có đường giao thông được đầu tư nâng cấp, cải tạo, xây dựng mới đạt 99%. Ngoài ra, từ đầu năm đến nay có 6,5 ngàn hộ dân DTTS được vay vốn chính sách với số tiền trên 185 tỷ đồng để tự tạo việc làm, xây dựng các công trình cơ bản phục vụ cuộc sống. Có 225 học sinh, sinh viên vay vốn chính sách với tổng số tiền 8,5 tỷ đồng để có điều kiện theo học các chương trình đào tạo. Cùng với đó, thông qua thực hiện Nghị quyết số 12/2022/NQ-HĐND của HĐND tỉnh quy định chế độ hỗ trợ đối với người có uy tín trong đồng bào DTTS, tỉnh đã hỗ trợ 206 người có uy tín số tiền 800 ngàn đồng/tháng và cấp thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) dành cho người có uy tín. Ngoài ra, tỉnh còn cấp 48,22 ngàn thẻ BHYT cho đồng bào DTTS tại 24 xã thuộc khu vực I vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Ông Thổ Khuyển (Người cao tuổi trong đồng bào Chơro, xã Xuân Thiện, huyện Thống Nhất) cho hay, thành viên gia đình ông nằm trong số những cá nhân được nhà nước hỗ trợ thẻ BHYT vì sống tại một trong 24 xã khu vực I. Điều này giúp gia đình bớt nỗi lo về chăm sóc sức khỏe khi không may mắc bệnh, tại nạn bất ngờ. Đặc biệt, thông qua thực hiện Chiến lược phát triển gia đình vùng đồng bào DTTS và miền núi tỉnh Đồng Nai đến năm 2030, giai đoạn I từ 2022-2025, mới đây lần đầu tiên Ban Dân tộc tỉnh tổ chức Hội nghị biểu dương, khen thưởng gia đình DTTS tiêu biểu tỉnh Đồng Nai năm 2023.
Gia đình ông Sỳ Văn Hưng (xã Thanh Bình, H.Trảng Bom) là một trong 50 gia đình được tuyên dương. Ông Hưng cho biết, trong cuộc sống gia đình nào cũng có mục tiêu chung là nỗ lực xây dựng kinh tế, nuôi dạy con tốt, cả nhà hòa thuận và đóng góp tích cực cho xã hội. Những hộ làm tốt nếu nhận được sự động viên của chính quyền các cấp lại càng vinh dự. Đây là sự động viên rất lớn không chỉ với gia đình được tuyên dương mà còn góp phần lan tỏa điều tốt trong cộng đồng.
Để tiếp tục đưa các chính sách, hỗ trợ đến với đồng bào DTTS, theo ông Nguyễn Văn Khang, trong những tháng còn lại cuối năm 2023, Ban Dân tộc tỉnh sẽ phối hợp cùng các Sở, ban ngành, địa phương tập trung thực hiện, đồng thời, tăng cường công tác nắm tình hình vùng đồng bào DTTS để chủ động, kịp thời tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh trong thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc. Theo ông Khang, hiện tỉnh còn 646 hộ nghèo và có 1.116 hộ cận nghèo trong vùng đồng bào DTTS, đồng thời, có 520 trường hợp cần hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở. Bên cạnh ngân sách nhà nước, Ban Dân tộc tỉnh đã và đang chủ động phối hợp cùng các đơn vị liên quan vận động nguồn lực xã hội; đã tiếp nhận nguồn viện trợ 7 căn nhà cho hộ DTTS khó khăn về nhà ở tại xã Thanh Sơn, huyện Định Quán do tổ chức LEDD/Pháp tài trợ và dự án “Xây dựng hệ thống nước sạch cho các trẻ mầm non tại ấp 4, xã Tà Lài, huyện Tân Phú” do tổ chức Latter Day Saint Charities (LDSC/Hoa Kỳ) cấp kinh phí. Hiện Ban Dân tộc tỉnh đang tiếp tục cùng Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh kêu gọi viện trợ Dự án xây dựng phòng học, trang thiết bị phục vụ học tập, nhà ở cho người dân vùng đồng bào DTTS. Ngoài nhiệm vụ chung, tùy theo tình hình thực tế ở từng địa phương mà cơ quan làm công tác dân tộc huyện, thành phố chủ động tổ chức hoạt động liên quan.
Theo Bà Lương Thị Như Nga, Phó trưởng phòng Dân tộc thành phố Long Khánh cho hay, thành phố có 447 người Khmer, nhưng có rất ít người Khmer biết chữ, biết sử dụng nhạc cụ của dân tộc mình. Do vậy, Phòng Dân tộc thành phố đang phối hợp với chức sắc, người uy tín trong cộng đồng tổ chức mời giáo viên về dạy chữ, dạy nhạc cho đồng bào. Ngoài ra, thành phố sẽ chủ động kiện toàn danh sách người có uy tín trong từng cộng đồng DTTS theo quy định cũng như có các giải pháp trợ giúp để người có uy tín trong đồng bào DTTS phát huy được vai trò cầu nối giữa Đảng, chính quyền với đồng bào. Còn theo bà Thạch Thị Ngọc Thanh, Trưởng phòng Dân tộc huyện Định Quán, đơn vị cũng đang xúc tiến những điều kiện cần thiết để dạy ngôn ngữ Khmer, dàn nhạc ngũ âm cho đồng bào Khmer. Bên cạnh đó, Phòng Dân tộc huyện tổ chức dạy cách thức gia công một số mặt hàng thủ công từ nguồn vải vụn để góp phần tăng thu nhập cho bà con DTTS.
Minh Luân