|
Một góc mảng xanh tại Thiền viện Phước Nghiêm, xã Phước Thái |
Điều này đã góp phần cùng với chính quyền, tổ chức đoàn thể các cấp xây dựng địa phương xanh - sạch - đẹp.
* Trồng và bảo tồn cây xanh
Theo linh mục Lê Văn Năng, Phó chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam (ĐKCGVN) tỉnh, bảo vệ môi trường là một trong những hoạt động được chức sắc, chức việc, tu sĩ, tín đồ Công giáo chú trọng thực hiện. Bởi cùng với quan tâm đến con người, nhất là giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn thì bảo vệ môi trường sống là nhiệm vụ trọng tâm của giáo hội, chức sắc, chức việc, tu sĩ và đồng bào Công giáo.
Qua đó, nhiều việc làm thiết thực đã được triển khai thực hiện như: gia đình giáo dân giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, cơ sở thờ tự đảm bảo vệ sinh môi trường và xây dựng mảng xanh thông qua hoạt động trồng cây xanh, thảm cỏ. Đồng thời, chức sắc, chức việc, tín đồ chung tay cùng chính quyền địa phương hưởng ứng các hoạt động ra quân vệ sinh môi trường gắn với thứ bảy xanh, chủ nhật xanh.
Ngoài ra, các chức sắc, chức việc, tu sĩ Công giáo còn hỗ trợ chính quyền địa phương tuyên truyền trong tín đồ về các chương trình bảo vệ môi trường, chống biển đổi khí hậu. Linh mục Trần Công Hiển, Chánh xứ giáo xứ Biên Hòa cho hay, giáo xứ nằm ở vị trí giao nhau với nhiều trục đường giao thông, giáo dân sinh hoạt tại giáo xứ sống tập trung ở các khu vực trung tâm của thành phố. Do vậy, giáo xứ luôn nhắc nhở mọi người chú trọng giữ gìn môi trường sống của gia đình cũng như cộng đồng nơi mình sinh sống, địa điểm sinh hoạt tôn giáo. Tích cực hưởng ứng các hoạt động bảo vệ môi trường do chính quyền địa phương phát động. Riêng tại giáo xứ vẫn dành không gian để trồng và chăm sóc cây xanh, tạo mảng xanh, điều hòa không khí.
Các dịp lễ, Tết, giáo xứ đều trang trí không gian đẹp với nhiều tiểu cảnh để bà con đến tham quan, chụp ảnh. Vật liệu được dùng trang trí thân thiện với môi trường và có thể tái sử dụng nhiều lần vừa giúp tiết kiệm vừa nâng cao ý thức bảo vệ môi trường đối với mọi người. Đồng thời, trong quá trình sinh hoạt tại giáo xứ, bà con đều có ý thức giữ gìn vệ sinh chung.
Còn theo thượng tọa Thích Đạo Huy, Phó trưởng ban Trị sự, Chánh Thư ký Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) tỉnh, Viện chủ Thiền viện Phước Nghiêm (xã Phước Thái, H.Long Thành), cùng với công tác phật sự, chăm lo hỗ trợ hoàn cảnh khó khăn trong cộng đồng thì bảo vệ môi trường được cơ sở chú trọng thực hiện với việc trồng, bảo vệ cây xanh tạo cảnh quan; giữ gìn vệ sinh thông qua dọn dẹp rác, phát quang bụi rậm trong cũng như khu vực xung quanh thiền viện. Nhờ vậy mà thiền viện bảo vệ được không gian xanh, sạch, đẹp, là nơi được bà con tìm đến tham quan và đánh giá cao về cảnh quan.
* Chung tay tái tạo nguồn lợi thủy sản
Một trong những hoạt động được Phật giáo Đồng Nai thực hiện thường xuyên và liên tục là phóng sinh.
Theo thượng tọa Thích Huệ Khai, Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh, việc phóng sinh giúp tái tạo nguồn lợi thủy sản, giúp bảo tồn đa dạng sinh học, nâng cao ý thức của người dân về bảo vệ môi trường.
Trong đó, định kỳ hàng năm vào dịp lễ Phật đản, các tăng, ni, phật tử lại đồng loạt thực hiện hoạt động phóng sinh. Cụ thể, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh và TP.Biên Hòa đã tổ chức phóng sinh hơn 82 ngàn con cá thuộc nhiều loại khác nhau xuống sông Đồng Nai đoạn chảy qua TP.Biên Hòa.
Riêng tại H.Cẩm Mỹ, theo đại đức Thích Nhuận Hành, Phó trưởng ban Trị sự GHPGVN H.Cẩm Mỹ, các tăng, ni cùng phật tử tại nhiều tự, viện trên địa bàn đã tổ chức thả cá phóng sinh ở một số con suối lớn. Hoạt động thu hút sự quan tâm, hỗ trợ của nhân dân. Thông qua việc phóng sinh, Ban Trị sự GHPGVN H.Cẩm Mỹ còn mong muốn giáo dục cho thế hệ trẻ làm điều lành, tránh điều dữ, chung tay bảo vệ môi trường sống trong đó có giữ gìn sự đa dạng động thực vật.
Đặc biệt, từ năm 2016 đến nay, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cùng Viện Chuyên tu (H.Long Thành) đã tổ chức 7 đợt thả cá giống xuống hồ Trị An. Theo thượng tọa Thích Thiện Thuận, trụ trì Viện Chuyên Tu, qua các đợt phóng sinh này đã có hàng chục tấn cá giống thuộc nhiều loại khác nhau đã được thả về tự nhiên. Điều này trước hết thể hiện việc làm thiện của tăng, ni, phật tử đối với cuộc sống. Sau nữa là góp phần cùng cộng đồng tái tạo nguồn lợi thủy sản tại khu vực.
Cùng với đó, nhiều chức sắc, chức việc các tôn giáo còn vận động tín đồ thả các loại chim, thú hoang dã đang nuôi nhốt trở về thiên nhiên. Hay nhiều cá nhân mua lại các loại chim ở nhiều địa điểm bán các loại chim hoang dã để rồi tìm đến khu vực rừng cây và thả chúng trở về với cuộc sống tự do.
“Mình không đủ khả năng mua và thả hết tất cả chim ở những điểm mua bán dọc đường được nhưng khi bắt gặp cảnh này thì tùy theo điều kiện kinh tế mình cố gắng mua rồi cho chúng bay đi. Hy vọng chúng không bị bắt lại và có cuộc sống tự do vốn có” - ông Nguyễn Đức Thành (ngụ P.An Hòa, TP.Biên Hòa) nói.
Minh Luân