
Làng nghề dệt thổ cẩm Tà Lài
Trước đây để làm nên được mỗi sản phẩm dệt, người phụ nữ Tà Lài phải đi tìm kiếm từng nguyên liệu, từ làm bông, làm màu.. nhưng đến nay thì nguyên liệu đã trở nên dễ kiếm hơn, cơ hội cho nghề dệt Tà Lài hồi sinh.
Qua bàn tay khéo léo của người dệt, thổ cẩm của người Mạ có nhiều loại hoa văn trang trí đa dạng với những họa tiết như: cây đèn cầy, con bướm, hình người giã gạo, cái cối, con mắt… Những sản phẩm thổ cẩm của người Châu Mạ phong phú như: khăn quàng cổ, những tấm vải nhiều màu sắc với các họa tiết cách điệu từ muông thú, chim chóc, cây cối, thiên nhiên, thần linh được dệt một cách tinh tế mang nhiều ý nghĩa riêng biệt, gửi gắm nhiều tình cảm đặc biệt vào mỗi sản phẩm, qua đó thể hiện một phần tư duy của cộng đồng người Châu Mạ về cuộc sống, thế giới và những kinh nghiệm đã được đúc kết.
Các sản phẩm thổ cẩm Tà Lài có họa tiết, hoa văn đặc sắc và đẹp mắt
Hiện nay, do ảnh hưởng của nền kinh tế thị trường nên nghề dệt thổ cẩm Tà Lài đang có nguy cơ mai một, hiện xã Tà Lài chỉ còn khoảng 30 hộ biết dệt, trong đó có 10 hộ duy trì việc dệt thổ cẩm thường xuyên. Mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng bà con dân tộc tại địa phương luôn có ý thức bảo tồn và lưu giữ nghề dệt thổ cẩm truyền thống.
Hiện nay, nghề dệt thổ cẩm của người Châu Mạ xã Tà Lài đang được chính quyền địa phương xác định là một trong những nghề mà sản phẩm mang lại có ý nghĩa quan trọng trong chiến lược phát triển du lịch của huyện Tân Phú.Thời gian tới địa phương cần có những chính sách phù hợp hỗ trợ kinh phí để các hộ gia đình người dân tộc ở đây cải tiến sản xuất, cải tiến khung, thoi, lược, dệt…tìm đầu ra cho sản phẩm; giúp tiếp cận kỹ thuật mới, tạo ra những sản phẩm có chất lượng phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng...