Một thời là xã “vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ kháng chiến” với nhiều khó khăn nhưng xã Tà Lài đã vượt thử thách để vươn lên, phát triển, đem lại những thành tựu quan trọng, ý nghĩa thiết thực đối với nhân dân địa phương. xã Tà Lài vinh dự đón nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân năm 2014, được công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao năm 2022. Trước đây Tà Lài được biết đến là xã nghèo, khó khăn so với các xã khác của huyện Tân Phú, nhưng hiện nay xã đang có những đổi thay rõ nét, cuộc sống của đồng bào dân tộc Châu Mạ ở vùng giáp với vườn quốc gia Nam Cát Tiên thuộc xã Tà Lài, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai đang có bước phát triển toàn diện từ việc giảm nghèo bền vững, bảo tồn nghề dệt thổ cẩm, tham gia phát triển du lịch cộng đồng, tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.

Cầu Tà Lài
* Dấu ấn lịch sử
Xã Tà Lài được thành lập trên cơ sở tách ra từ xã Phú Lập của H.Tân Phú từ năm 1994. Người Mạ gọi Tà Lài là làng R’lài. Tên gọi Tà Lài xuất hiện trong thế kỷ XX, gắn với các địa phận khá rộng lớn là cấp tổng, quận, tỉnh Bình Tuy, Phước Bình, Đồng Nai Thượng, Xuân Lộc, Long Khánh, Định Quán, Tân Phú. Ngày 24-7-1957, chính quyền Sài Gòn ra Nghị định 131/BNV/HC liên quan tỉnh Long Khánh, trong đó Q.Định Quán có 2 tổng: Bình Tuy và Tà Lài. Trong văn bản của chính quyền Sài Gòn, dùng chữ Ta-lai. Tà Lài trước năm 1945 là vùng rừng núi bạt ngàn, có tính chất biệt lập với các khu dân cư thưa thớt ở ngoài trục lộ 20 đi Đà Lạt. Người Pháp đã xây dựng nhà tù để giam cầm những người yêu nước, đảng viên cộng sản được xếp vào diện “chính trị nguy hiểm” trong phong trào đấu tranh cách mạng ở Nam kỳ. Chính quyền thực dân Pháp gọi nơi giam giữ là Camp des Travailleurs Talai. Những người bị giam cầm tại đây gọi “Căng Tà Lài” hay “Trại lao động đặc biệt”. Họ sống trong cảnh bị bắt, canh giữ gắt gao, lao động trên vùng rừng núi đầy nguy hiểm. Trong nhà tù Tà Lài, những chiến sĩ cách mạng lên kế hoạch vượt ngục. Ngày 27-3-1941, được sự giúp đỡ của đồng bào dân tộc thiểu số, 8 đảng viên Dương Quang Đông, Trần Văn Giàu, Trần Văn Kiệt, Trương Văn Nhâm, Nguyễn Văn Đức, Tô Ký, Châu Văn Giác, Nguyễn Công Trung đã thoát khỏi nhà giam, tránh sự truy lùng gắt gao của Pháp để trở về các địa phương tiếp tục lãnh đạo phong trào cách mạng. Đây là những đồng chí nòng cốt củng cố Xứ ủy Nam kỳ, góp phần quan trọng cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền vào mùa thu năm 1945. Đồng chí Trần Văn Giàu được bầu làm Chủ tịch Ủy ban Hành chính lâm thời Nam bộ sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công tại Sài Gòn. Ghi dấu sự kiện lịch sử này, chính quyền đã xây dựng cụm tượng đài vào năm 2002 và được xếp hạng di tích lịch sử năm 2021. Kiến trúc di tích hài hòa với không gian công viên được quy hoạch, tôn tạo cây xanh, thoáng đãng bên bờ trái của sông Đồng Nai. Nội dung bia ghi lại sự kiện vượt ngục và bức phù điêu khắc họa hình ảnh sinh hoạt, lao động của những chiến sĩ cách mạng trong nhà tù, cuộc họp bí mật của đảng viên bàn bạc kế hoạch vượt ngục, sự giúp đỡ của đồng bào dân tộc thiểu số vượt sông Đồng Nai. Địa điểm này trở thành nơi sinh hoạt về nguồn, tuyên truyền về tinh thần yêu nước, truyền thống cách mạng ở địa phương.
* Sắc thái văn hóa
Vùng đất Tà Lài trước năm 1945 thưa thớt dân cư. Làng Bù Cháp, Tà Lài tập trung người Mạ, S’tiêng…Từ năm 1954 trở đi, một số người dân từ các tỉnh miền Tây đến sinh sống. Sau năm 1975, thực hiện chính sách xây dựng kinh tế mới, Tà Lài - Phú Lập là một trong những địa bàn tiếp nhận người dân từ Bình Thạnh, TP.HCM đến cư trú, sản xuất. Bên cạnh đó, từ đầu thập niên 80 (thế kỷ XX), có những đợt cư dân các tỉnh phía Bắc đến sinh sống theo di dân tự do. Khi nhà nước thực hiện chính sách định canh, định cư, một số hộ gia đình người Mạ khu Hiệp Nghĩa (TT.Định Quán) trở lại địa phương sau thời gian dài bị đẩy ấp chiến lược của chính quyền Sài Gòn trước năm 1975. Vì vậy, cư dân của Tà Lài khá đa dạng, gắn với hai tộc người thiểu số S’tiêng, Mạ lâu đời và sau này được bổ sung đa dạng với các tộc người khác: Việt, Hoa, Tày, Nùng, Thái.
Đời sống tinh thần của người S’tiêng, Mạ có những nét độc đáo với những loại nhạc cụ: goong, chinh, kèn môi, đàn mbuốt, đàn tre… cùng những điệu múa, bài hát dân ca, truyện kể… Người Mạ, S’tiêng tổ chức những lễ nghi liên quan đến chu kỳ đời người (đặt tên, hôn nhân, tang lễ, chữa bệnh…), chu kỳ vòng cây trồng liên quan đến cây lúa (đốt rẫy, tỉa lúa, thu hoạch…). Lễ mừng lúa mới là lễ hội lớn nhất mang tính cộng đồng của làng. Trước đây, lễ hội kéo dài nhiều ngày với những nghi thức cây nêu, hiến sinh trâu, bò, heo, dê… tại nhà sàn dài của làng và người dân tham dự đông đảo, tổ chức nhiều hoạt động mang tính chất vui chơi sau những ngày lao động vất vả trong năm (biểu diễn các loại nhạc cụ, múa hát dân gian, tham gia trò chơi và cùng uống rượu cần, ẩm thực cổ truyền…). Những năm gần đây, lễ hội này được phục hồi nhưng đã có những biến đổi, giản lược so với trước đây. Bà Ka Bào của làng Tà Lài được phong tặng nghệ nhân dân gian đầu tiên ở Đồng Nai với sự am hiểu về phong tục, tập quán và truyền dạy nghề dệt thổ cẩm trong cộng đồng.
Những cư dân Tày, Nùng từ vùng miền núi phía Bắc của Việt Nam đến sinh sống tại Tà Lài sau năm 1980 với tập quán, tín ngưỡng được duy trì trên vùng đất mới: thờ tổ tiên, dòng họ và các lễ nghi đời sống. Hàng năm, người Tày, Nùng duy trì nhiều lễ cúng liên quan đời người, đến lễ tiết, duy trì các lễ mang tính cộng đồng. Thời gian gần đây, qua các thiết chế văn hóa tại địa phương và chính sách gìn giữ di sản văn hóa cư dân Tày, Nùng ở Tà Lài phục hồi những nét văn hóa độc đáo như diễn xướng (hát then, hát lượn, đàn tính), các trò chơi dân gian (ném còn, nhảy sạp) và lễ hội xuống đồng vào mùa Xuân (hội Lồng tồng).
* Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá gắn với phát triển du lịch
Nhằm phát huy giá trị di sản văn hóa, Đồng Nai đã đầu tư hạ tầng ở các làng Tà Lài, Lý Lịch, Hiệp Nghĩa, cụ thể đã xây nhà dài, khôi phục lễ cúng thần lúa, đàn tre người Chơ-ro tại làng Lý Lịch; xây dựng hệ thống đường giao thông, khôi phục nhà truyền thống, nghề dệt thổ cẩm, nghệ thuật cồng chiêng, bạt hát giao duyên của người Mạ tại làng Tà Lài… Đồng Nai cũng hướng đến việc kết nối các cơ sở đào tạo với các khu, điểm du lịch nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tại chỗ. Công tác xếp hạng đã và đang góp phần giữ gìn, bảo tồn và phát huy các giá trị di tích. Từ cuối năm 2020, Đồng Nai có 4 di tích được xếp hạng cấp tỉnh nằm trên địa bàn thành phố Biên Hòa: đình Bình Thiền, đình Phước Lư, đình Hưng Phú, đình Thành Hưng. Mới đây, UBND tỉnh Đồng Nai đã có quyết định công nhận địa điểm ghi dấu sự kiện vượt ngục Tà Lài (xã Tà Lài, huyện Tân Phú) là di tích cấp tỉnh, đây là “địa chỉ đỏ” cho thế hệ trẻ tham quan, nghiên cứu học tập. Theo Sở VHTTDL Đồng Nai, việc công nhận các di tích là cơ sở pháp lý để ngành VHTTDL và các địa phương tiến hành những bước tiếp theo nhằm trùng tu, tôn tạo, phát huy giá trị di tích, tăng cường thu hút nhân dân và du khách đến tham quan. Giám đốc Sở VHTTDL Đồng Nai Lê Kim Bằng khẳng định: “Xếp hạng di tích cấp tỉnh đã và đang tạo nền tảng, cơ hội, động lực để ngành VHTTDL thực hiện tốt công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản trên địa bàn, đồng thời hoàn thiện dần các thiết chế văn hóa. Đồng Nai đang tập trung đẩy mạnh, đưa di tích trở thành những điểm đến quan trọng trong phát triển du lịch thông qua việc tuyên truyền, quảng bá, tổ chức các hội thi, triển lãm chuyên đề về di sản; phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức các hoạt động giáo dục di sản, về nguồn cho thế hệ trẻ; xây dựng các tour, tuyến du lịch gắn với di sản. Bên cạnh đó, Sở VHTTDL Đồng Nai sẽ tiếp tục tăng cường công tác quản lý để có sự hướng dẫn, hỗ trợ nghiệp vụ cho hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản trên địa bàn tỉnh; đồng thời kết nối có hiệu quả các điểm du lịch gắn với những di tích lịch sử, văn hóa tiêu biểu, đưa di sản đến với công chúng. Có như vậy mới đảm bảo giải quyết hợp lý, hài hòa, bền vững giữa bảo tồn, phát huy giá trị di tích với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội”.
Hiện nay, Tà Lài là xã đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao, xã Tà Lài có những điều kiện thuận lợi trong công tác bảo tồn di sản văn hóa, phát triển du lịch. Nhà văn hóa các dân tộc được xây dựng năm 2002 là thiết chế văn hóa với kiểu nhà rông, nguyên liệu kiên cố, gồm 3 khu gồm hội trường, thư viện, nhà truyền thống. Bên cạnh đó có nhà dệt để người dân bảo tồn nghề dệt thổ cẩm. Năm 2008 trong khuôn khổ Chương trình Quốc gia về phát triển du lịch sinh thái xung quanh các khu bảo tồn ở Việt Nam, Vườn quốc gia Cát Tiên thực hiện dự án du lịch cộng đồng với tên gọi Nhà dài Tà Lài (Ta Lai Longhouse) với không gian nhà dài truyền thống người Mạ, phía dưới có đập Vàm Hô, cảnh quan đẹp với hệ sinh thái núi rừng tự nhiên. Hiện nay, khu vực nhà dài được sử dụng trong khai thác du lịch với nhiều loại hình tham quan văn hóa tộc người (làng Mạ, nghề dệt thổ cẩm, biểu diễn múa, hát dân gian người Mạ, Tày) kết hợp với môi trường tự nhiên (chèo thuyền, xe đạp địa hình, chinh phục thám hiểm rừng…).

Nhà Dài Tà Lài
Lễ hội Sayangva của người dân tộc Chơ’ro

Bia tưởng niệm Ngục Tà Lài
Làng nghề Dệt Thổ cẩm Tà Lài
Minh Luân