Trong những năm qua cấp ủy, chính quyền,
MTTQ và hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã thực
hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà
nước về tôn giáo, qua đó phát huy sức mạnh tôn giáo trong khối đại đoàn kết
toàn dân tộc, nhất là trong tham gia công tác xã hội. Ngoài ra, các tổ chức
tôn giáo trên địa bàn tỉnh còn tham gia tích cực vào lĩnh vực xã hội hóa y tế
và giáo dục. Đối với hoạt động giáo dục, hiện nay tỉnh đã thành lập được
Trường Cao đẳng Hòa Bình Xuân Lộc (huyện Trảng Bom), trường nghề đầu
tiên của tổ chức Công giáo tại Việt Nam; đồng thời, thành lập được một số trường
mầm non, trường phổ thông... Đối với hoạt động Phật giáo cũng đã mở nhiều phòng khám
đa khoa (Đông y, Tây y; phòng chẩn trị y học cổ truyền; khám bệnh, cấp thuốc miễn
phí cho người nghèo, người dân vùng sâu, vùng xa... Tổng số tiền mà các tôn
giáo tham gia vào hoạt động y tế là hơn 31 tỷ đồng/năm.


Cụ thể là cơ sở Tuệ Tĩnh đường ở Đồng Nai như chùa Linh Chiếu, Phòng chẩn trị y dược dân tộc chùa Pháp Hoa, Chi hội Chữ thập đỏ Quan Âm tu viện, Phòng chẩn trị như Tịnh xá Ngọc Uyển, Linh Hòa, Tịnh xá Bửu Sơn, Phật tử Nguyễn Thị Lắt (PD.Diệu Hương), Thanh Long cổ tự, Phòng chẩn trị Tuệ Tĩnh đường Phật giáo Đồng Nai (phường Tân Phong, TP.Biên Hòa) được xem là Tuệ Tĩnh đường được duy trì và hoạt động hiệu quả. Mỗi năm Tuệ Tĩnh đường giúp được hàng ngàn bệnh nhân nghèo không có điều kiện điều trị bệnh. Tuệ Tĩnh đường có các phòng hành chánh, bấm huyệt, phòng nhận bệnh, máy lazer, châm cứu và phòng dược; các trang thiết bị phục vụ cho việc khám và điều trị, phân thuốc được trang bị khá đầy đủ. Bệnh nhân đến đây được các nhân viên hướng dẫn tận tình và theo đúng quy trình khám chữa bệnh, bệnh nhân đến khám và bốc thuốc hoàn toàn đều được miễn phí; Cơ sở hoạt động như một bệnh viện thu nhỏ của Phật giáo.
Theo Thượng tọa Thích Minh Trí, Trưởng ban Trị
sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố Biên Hòa, Trụ trì chùa Phúc Lâm
(Tp. Biên Hòa) chia sẻ, vào dịp Tết cổ truyền dân tộc, lễ Phật đản, lễ Vu lan,
chùa Phúc Lâm cùng với nhiều chùa khác đều tổ chức trao tặng quà, tiền cho người
nghèo khó, người khuyết tât trong tỉnh và ở một số phường của TP.Biên Hòa và xã
trên địa bàn tỉnh. Qua đó tiếp thêm nghị lực cho người khiếm thị vươn lên trong
cuộc sống, sống lạc quan, yêu đời hơn.
Ngoài ra, các tổ chức tôn giáo cũng tham gia tích cực vào
hoạt động bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu. Hàng năm, các tổ chức
tôn giáo cùng cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể tham gia phóng sinh với
nhiều hình thức như: thả cá xuống hồ Trị An, sông Đồng Nai; phóng sinh các loại
động vật về rừng và môi trường tự nhiên, góp phần phục hồi, duy trì nguồn lợi
thủy sản, giữ gìn nguồn nước sạch, cải tạo môi trường, cân bằng hệ sinh thái...
Không chỉ tham gia tích cực vào công tác xã hội, từ thiện bác ái, đồng bào các
tôn giáo trên địa bàn tỉnh còn tích cực tham gia đóng góp xây dựng Đảng, xây dựng
chính quyền và hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh.
Theo Phó Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Quốc Vũ cho biết, với
hơn 70% dân số của tỉnh là đồng bào các tôn giáo nên công tác tuyên truyền, phổ
biến, giáo dục chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước cho chức
sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ tôn giáo được các cơ quan, đơn vị trong tỉnh
rất quan tâm. Cụ thể như ở cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu
HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, đồng bào các tôn giáo trong tỉnh không những
tích cực đi bầu cử mà còn có 118 đại biểu là chức sắc, chức việc, nhà tu hành
trúng cử HĐND các cấp. Bên cạnh đó, đồng bào tôn giáo trong tỉnh ngày càng
có ý thức tự giác phấn đấu vào Đảng. Tính đến cuối năm 2022, toàn tỉnh có hơn
6.800 đảng viên là đồng bào có đạo (chiếm 7,7% số đảng viên toàn tỉnh); các tổ
chức chính trị - xã hội đã tập hợp hơn 456 ngàn đoàn viên, hội viên là đồng bào
tôn giáo vào các tổ chức đoàn thể.
Có thể thấy, cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể
luôn tranh thủ, vận động chức sắc, chức việc, tu sĩ tiêu biểu, người có uy tín
trong các tổ chức tôn giáo để tuyên truyền, vận động đồng bào tôn giáo sống “tốt
đời, đẹp đạo”, chấp hành đúng quy định của pháp luật và đúng theo Hiến chương của
giáo hội; tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động do MTTQ tổ
chức phát động. Nhờ có sự tham gia đóng góp của các tổ chức tôn giáo mà tỉnh Đồng
Nai đã đạt được những thành quả đáng khích lệ. Cụ thể, thực hiện phong trào thi
đua yêu nước, đồng bào tôn giáo cùng nhân dân trong tỉnh đã đóng góp công sức,
tiền của để xây dựng nông thôn mới, đưa kinh tế của tỉnh ngày càng phát triển,
đời sống nhân dân ngày càng ổn định. Kết quả, hiện nay trên địa bàn toàn tỉnh
có 96/120 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 21 xã nông thôn mới kiểu
mẫu và 22 khu dân cư kiểu mẫu...
Minh Luân