ỦY BAN MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM TỈNH ĐỒNG NAI
 
Chưa có thông tin
 

Nội dung bản tin

 
6 nội dung Nhân dân bàn và quyết định ở cộng đồng dân cư
Đăng ngày: 14-03-2023 09:18
asp:Label ID="lblSummary" runat="server"
Nhân dân bàn và quyết định chủ trương và mức đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng, các công trình công cộng trong phạm vi địa bàn cấp xã, ở thôn, tổ dân phố; nội dung hương ước, quy ước của cộng đồng dân cư; bầu, cho thôi làm Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố;...
 

20221229_145900.jpg
Người dân xã Hưng Lộc phát biểu đề xuất ý kiến tại hội nghị lấy ý kiến nhân dân về thực hiện dự án đường ĐT. 769


Luật 10/2022/QH15 ngày 10/11/2022 của Quốc hội thực hiện dân chủ ở cơ sở quy định 6 nội dung Nhân dân bàn và quyết định.

Cụ thể, nội dung Nhân dân bàn và quyết định gồm:

1- Chủ trương và mức đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng, các công trình công cộng trong phạm vi địa bàn cấp xã, ở thôn, tổ dân phố do Nhân dân đóng góp toàn bộ hoặc một phần kinh phí, công sức.

2- Việc thu, chi, quản lý các khoản đóng góp của Nhân dân tại cộng đồng dân cư ngoài các khoản đã được pháp luật quy định; việc thu, chi, quản lý các khoản kinh phí, tài sản do cộng đồng dân cư được giao quản lý hoặc được tiếp nhận từ các nguồn thu, tài trợ, ủng hộ hợp pháp khác.

3- Nội dung hương ước, quy ước của cộng đồng dân cư.

4- Bầu, cho thôi làm Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố.

5- Bầu, cho thôi làm thành viên Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng.

6- Các công việc tự quản khác trong nội bộ cộng đồng dân cư không trái với quy định của pháp luật, phù hợp với thuần phong, mỹ tục và đạo đức xã hội.

 Đề xuất nội dung để Nhân dân bàn và quyết định

Đối với các nội dung có phạm vi thực hiện trong địa bàn cấp xã, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã sau khi thống nhất với Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp quyết định nội dung, lựa chọn hình thức và chỉ đạo, hướng dẫn Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố tổ chức để Nhân dân bàn và quyết định.

Đối với các nội dung chỉ có phạm vi thực hiện trong thôn, tổ dân phố, Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố sau khi thống nhất với Trưởng Ban công tác Mặt trận thôn, tổ dân phố đề xuất nội dung để cộng đồng dân cư bàn và quyết định.

Công dân cư trú tại thôn, tổ dân phố có sáng kiến đề xuất về nội dung quy định tại (*) nêu trên và được ít nhất là 10% tổng số hộ gia đình tại thôn, tổ dân phố đồng thuận thì gửi đề xuất đến Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố để đưa ra cộng đồng dân cư bàn và quyết định nếu không trái với quy định của pháp luật, phù hợp với thuần phong, mỹ tục và đạo đức xã hội.

Trường hợp sáng kiến của công dân chưa có đủ 10% tổng số hộ gia đình tại thôn, tổ dân phố đồng thuận nhưng xét thấy có thể mang lại lợi ích cho cộng đồng dân cư và được Ban công tác Mặt trận thôn, tổ dân phố tán thành thì Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố đưa ra để cộng đồng dân cư bàn và quyết định.

Việc thu thập ý kiến đồng thuận của các hộ gia đình có thể được thực hiện trực tiếp tại cuộc họp của thôn, tổ dân phố, bằng văn bản thể hiện ý kiến đồng ý của đại diện hộ gia đình hoặc hình thức thể hiện ý kiến khác phù hợp với điều kiện thực tế tại cộng đồng dân cư. Công dân có sáng kiến chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác của số lượng và danh sách hộ gia đình đồng thuận. Ý kiến đồng thuận với sáng kiến của công dân có giá trị trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày thể hiện ý kiến.

Hình thức Nhân dân bàn và quyết định

Luật 10/2022/QH15 cũng nêu rõ, tùy theo nội dung được đề xuất, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố tổ chức để Nhân dân ở thôn, tổ dân phố bàn và quyết định bằng một trong các hình thức sau đây:

a) Tổ chức cuộc họp của cộng đồng dân cư.

b) Phát phiếu lấy ý kiến của từng hộ gia đình.

c) Biểu quyết trực tuyến phù hợp với mức độ ứng dụng công nghệ thông tin và được cộng đồng dân cư thống nhất lựa chọn.

Việc bàn, quyết định các nội dung quy định tại (3), (4), (5) nêu trên phải được thực hiện tại cuộc họp của cộng đồng dân cư trừ trường hợp cộng đồng dân cư đã tổ chức cuộc họp mà không có đủ đại diện của số hộ gia đình tham dự để có thể đạt tỷ lệ biểu quyết tán thành tối thiểu. Hình thức phát phiếu lấy ý kiến của từng hộ gia đình theo quy định.

Hình thức biểu quyết trực tuyến chỉ áp dụng trong trường hợp cộng đồng dân cư quyết định các công việc quy định tại (6) nêu trên mà Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố sau khi thống nhất với Ban công tác Mặt trận ở thôn, tổ dân phố thấy không cần thiết tổ chức cuộc họp của cộng đồng dân cư hoặc phát phiếu lấy ý kiến của từng hộ gia đình.

Trường hợp pháp luật có quy định khác về việc tổ chức để Nhân dân bàn, quyết định thì thực hiện theo quy định đó.

Quyết định của cộng đồng dân cư được thể hiện bằng văn bản dưới hình thức nghị quyết, biên bản cuộc họp, bản ghi nhớ, bản thỏa thuận của cộng đồng dân cư. Trường hợp pháp luật không quy định cụ thể về hình thức văn bản thì Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố lựa chọn hình thức văn bản của cộng đồng dân cư phù hợp với nội dung quyết định và phong tục, tập quán, điều kiện thực tế của cộng đồng dân cư sau khi thống nhất với Trưởng Ban công tác Mặt trận ở thôn, tổ dân phố.

 Quyết định của cộng đồng dân cư gồm các nội dung chủ yếu sau đây:

a) Thời gian cộng đồng dân cư bàn và quyết định;

b) Tổng số hộ gia đình ở thôn, tổ dân phố; số người đại diện hộ gia đình có mặt; số hộ gia đình không có người đại diện tham dự;

c) Nội dung cộng đồng dân cư bàn;

d) Hình thức cộng đồng dân cư quyết định;

đ) Kết quả biểu quyết tại cuộc họp hoặc tổng hợp phiếu lấy ý kiến, kết quả biểu quyết trực tuyến của hộ gia đình;

e) Nội dung quyết định của cộng đồng dân cư;

g) Chữ ký của Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố, Trưởng ban công tác Mặt trận ở thôn, tổ dân phố và 02 đại diện của các hộ gia đình.

Chậm nhất là 05 ngày làm việc kể từ ngày cộng đồng dân cư tổ chức họp biểu quyết hoặc kể từ ngày kết thúc thời hạn lấy ý kiến bằng phiếu, biểu quyết trực tuyến, quyết định đã được cộng đồng dân cư biểu quyết thông qua phải được gửi đến Ủy ban nhân dân cấp xã, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã.

 Hiệu lực của quyết định của cộng đồng dân cư

Quyết định của cộng đồng dân cư về nội dung quy định  (1) và (2) nêu trên được thông qua khi có từ hai phần ba tổng số đại diện hộ gia đình trở lên trong thôn, tổ dân phố tán thành.

Quyết định của cộng đồng dân cư về nội dung quy định tại (1) và (2) nêu trên có phạm vi thực hiện trong địa bàn cấp xã được thông qua khi có từ hai phần ba tổng số thôn, tổ dân phố trở lên tán thành.

Quyết định của cộng đồng dân cư về nội dung quy định tại (3), (4), (5) và (6) nêu trên được thông qua khi có trên 50% tổng số đại diện hộ gia đình trong thôn, tổ dân phố tán thành.

Quyết định của cộng đồng dân cư về nội dung quy định tại (1), (2) và (6) nêu trên có phạm vi thực hiện trong thôn, tổ dân phố có hiệu lực kể từ ngày được cộng đồng dân cư biểu quyết thông qua.

Đối với quyết định của cộng đồng dân cư về nội dung quy định tại (1) và (2) nêu trên có phạm vi thực hiện trong địa bàn cấp xã, thì thời điểm có hiệu lực do Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định trên cơ sở tổng hợp kết quả biểu quyết của cộng đồng dân cư.

Quyết định của cộng đồng dân cư về nội dung quy định tại (3) và (4) nêu trên có hiệu lực kể từ ngày Ủy ban nhân dân cấp xã ban hành quyết định công nhận.

Quyết định của cộng đồng dân cư về nội dung quy định tại (5) nêu trên có hiệu lực kể từ ngày Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã ban hành quyết định công nhận.

Chậm nhất là 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được quyết định của cộng đồng dân cư, Ủy ban nhân dân cấp xã, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã phải ban hành quyết định công nhận; trường hợp không công nhận thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

 

(Xuân Tuấn)

In nội dung
Các tin đã đăng ngày:
 
Về đầu