ỦY BAN MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM TỈNH ĐỒNG NAI
 
Chưa có thông tin
 

Nội dung bản tin

 
Người làng Kte-Kchăng bảo tồn cồng chiêng
Đăng ngày: 21-10-2022 01:33
asp:Label ID="lblSummary" runat="server"
Nhằm giữ gìn và phát huy văn hóa cồng chiêng, múa xoang, người làng Kte-Kchăng (xã Đắk Song, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai) đã không ngừng truyền dạy cho nhau những bài chiêng, điệu xoang truyền thống. Từ đó, góp phần vào việc bảo tồn văn hóa của người Bahnar vùng Đông Trường Sơn.

Nghệ nhân Đinh A Lênh (ngoài cùng, bên trái) hướng dẫn các em nhỏ đánh chiêng. 

Tiếp nối truyền thống của dân tộc mình, người Bahnar ở làng Kte-Kchăng đã nỗ lực giữ gìn văn hóa cồng chiêng, múa xoang. Già Đinh Blin, một trong những bậc thầy đánh chiêng có tiếng cho biết: “Cùng với phát triển kinh tế, vươn lên xóa đói giảm nghèo, người làng còn giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc mình như cồng chiêng, múa xoang, các nghi thức, lễ hội truyền thống”.

“Cũng như đồng bào ở vùng Đông Trường Sơn, người làng mình cũng được nuôi dưỡng trong thanh âm cồng chiêng. Âm nhạc cồng chiêng gắn liền với vòng đời của một người con ở làng. Chiêng góp mặt trong những ngày hội, ngày lễ lớn của làng, giữ vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần của con người. Vì vậy, bao đời nay, người làng Kte-Kchăng luôn tìm cách gìn giữ và bảo tồn vốn quý này” - già Đinh Blin chia sẻ thêm.

Được truyền lửa từ các già làng và những nghệ nhân chơi chiêng, anh Đinh A Lênh đã biết đánh chiêng từ năm lên 9 tuổi. Năm 15 tuổi, anh Lênh đã thành thục những bài chiêng truyền thống. Nhờ sự chăm chỉ luyện tập, hiện nay, anh được bầu làm đội trưởng đội cồng chiêng của làng. Anh Lênh cho biết: “Mình không biết đã yêu chiêng từ bao giờ vì đã gắn bó với nó từ nhỏ. Cồng chiêng đóng vai trò rất thiêng liêng và quan trọng trong đời sống vật chất và tinh thần của người Bahnar. Vì vậy, mình luôn cố gắng học hỏi để đánh chiêng hay và thuần thục”.

Năm 2018, anh Đinh A Lênh và những người biết đánh chiêng ở làng đã bàn bạc với nhau để thành lập đội chiêng thanh - thiếu niên với hi vọng truyền lửa đam mê cho thế hệ trẻ. Đồng thời, họ cũng hi vọng các thành viên của đội chiêng nhí này sẽ tiếp nối cha ông trong làng tiếp tục phát huy không gian văn hóa cồng chiêng cho mai sau, đóng góp vào công cuộc giữ gìn văn hóa của dân tộc.

“Những ngày đầu thành lập, đội chiêng thanh - thiếu niên chỉ có 4 cháu đi học. Tuy số lượng rất ít, nhưng chúng tôi vẫn mang chinh, chiêng ra để dạy cho chúng cách đếm nhịp, thẩm âm, cách đánh nhạc… Để thu hút trẻ tham gia nhiều hơn, mình mua bánh kẹo đến nhà và động viên các cháu đi học đánh chiêng. Cùng với sự vận động của cha mẹ, con trẻ đi học nhiều, đến nay, đội chiêng đã có 16 cháu tham gia, hầu hết là các cháu học sinh từ lớp 6-9. Đàn ông phụ trách việc dạy cho các cháu trai đánh chiêng, phụ nữ trong làng dạy các cháu gái múa xoang”.

Nghe lời kêu gọi của những nghệ nhân trong làng tham gia học đánh chiêng, đến nay, em Đinh Hoàng đã thành thạo việc đánh chiêng, đánh trống. Em Đinh Hoàng chia sẻ: “Ngày nhỏ, em thấy các ông, các chú trong làng đánh chiêng trong những ngày lễ hội, em thích lắm. Năm 2018, thấy các chú đi kêu gọi học đánh chiêng, em cũng xin bố mẹ để tham gia vào lớp này. Ban đầu, em thấy cũng khó, khi quen rồi thì lại dễ, chỉ cần vào được nhịp là sẽ hòa âm được với nhau. Học chiêng xong, em xin học thêm đánh trống. Vị trí người đánh trống rất khó nên ít ai học. Hiện nay, em được giao giữ gìn vị trí này trong các buổi biểu diễn quan trọng”.

Gắn liền với cồng chiêng không thể thiếu những điệu xoang truyền thống. Được sự vận động của những người lớn ở làng, các em gái người Bahnar cũng tích cực học múa xoang. Em Đinh Diu cho biết: Chỉ cần thích học thì các cô chú trong làng đều tận tình dạy bảo. Bạn nào biết hát thì sẽ được dạy hát dân ca. Chúng em mỗi người một vai trò để cùng nhau gắn kết và thể hiện được những nét đẹp văn hóa của dân tộc mình. Hiện nay, đội chiêng thanh - thiếu niên thường xuyên được đi giao lưu cồng chiêng với các làng trên địa bàn huyện. Vừa qua, cùng với đội chiêng lớn tham dự Ngày hội văn hóa các dân tộc thiểu số tỉnh Gia Lai, đội chiêng của làng Kte-Kchăng đã đoạt giải Khuyến khích về trình diễn cồng chiêng.

Với vai trò đầu tàu văn hóa ở làng, tình yêu văn hóa truyền thống của dân tộc đã hòa vào dòng máu nóng và hừng hực chảy trong huyết quản của anh Đinh A Lênh. Với những kết quả đã đạt được trong gìn giữ văn hóa của người làng Kte-Kchăng thời gian qua, anh Lênh rất mong muốn trong thời gian tới, các nét văn hóa dân tộc như cồng chiêng, múa xoang nói riêng và đan lát, dệt vải, tạc tượng… nói chung sẽ phát triển hơn nữa.

“Mình mong muốn tạo ra được nguồn cảm hứng để lan tỏa đến các thế hệ trẻ trong làng. Từ đó, sẽ thắp sáng tình yêu văn hóa dân tộc, giúp dân làng giữ gìn được văn hóa trên mảnh đất mình sinh ra. Đồng thời, mình mong muốn các cấp, các ngành quan tâm hơn nữa đến dân tộc mình, có nhiều hội thi, hội diễn để đội cồng chiêng của làng tham dự. Điều này không chỉ giúp chúng tôi có thêm động lực giữ gìn và truyền dạy, mà còn tạo động lực cho thế hệ trẻ tích cực học tập và giữ gìn văn hóa dân tộc mình” - Đội trưởng Đội cồng chiêng làng Kte-Kchăng bộc bạch.

Cẩm Tú (tổng hợp)


In nội dung
Các tin đã đăng ngày:
 
Về đầu