ỦY BAN MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM TỈNH ĐỒNG NAI
 
Chưa có thông tin
 

Nội dung bản tin

 
Xu hướng biển đổi và giải pháp bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số (DTTS) tỉnh Đồng Nai trong giai đoạn hiện nay
Đăng ngày: 12-10-2022 03:43
asp:Label ID="lblSummary" runat="server"
​Tỉnh Đồng Nai hiện có trên 50 thành phần dân tộc thiểu số sinh sống, với số dân khoảng 200.000 người, chiếm trên 6% dân số toàn tỉnh. Trải qua chiều dài lịch sử cộng cư, cộng đồng các dân tộc đã sáng tạo ra những đặc trưng văn hoá riêng góp phần tô điểm cho bức tranh văn hóa của Đồng Nai trở nên phong phú, đa dạng. Quá trình cộng cư đã giúp cho các dân tộc sớm có sự hội tụ, giao thoa văn hóa với nhau, tuy nhiên đây cũng là một trong những nguyên do của xu hướng biến đổi văn hóa truyền thống ở các DTTS, mặc dù những xu hướng biến đổi văn hóa truyền thống nào đều bao hàm cả yếu tố tích cực và yếu tố tiêu cực.


Giao lưu văn hóa là quá trình trao đổi, tiếp biến giữa các nền văn hóa khác nhau khi có dịp gặp gỡ nhau trong những điều kiện, hoàn cảnh cụ thể, đây là hiện  tượng phổ biến mang tính quy luật thường xuyên chi phối quá trình vận động của mọi nền văn hóa. Ở Đồng Nai sự giao lưu diễn ra ngay trong việc phân bố dân cư giữa các DTTS với nhau và giữa các DTTS với người Kinh, về cơ bản các DTTS phân bố đều khắp trên địa bàn tỉnh, một số ít dân tộc sống tập trung thành làng như: làng dân tộc Chơro (ấp Lý Lịch, xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu); làng dân tộc Mạ, dân tộc S'Tiêng (ấp 4, xã Tà Lài, huyện Tân Phú), làng dân tộc Chăm (xã Xuân Hưng, huyện Thống Nhất)... trên thực tế các làng nêu trên lại không thuần nhất chỉ có một dân tộc cư trú mà trong làng vẫn có sự cộng cư của​ một số ít gia đình là người DTTS khác và cả người Kinh. Trong không gian của một xã hay một huyện việc cư trú xen kẽ hay kề cận với nhau giữa các dân tộc là hiện tượng phổ biến, chẳng hạn trên địa bàn xã Phước Bình (huyện Long Thành) có cả 04 dân tộc: Việt, Chăm, Chơro, S’Tiêng cùng cư trú; hay trên địa bàn xã Thanh Sơn (huyện Định Quán) đều có sự cư trú xen kẽ hay cư trú kề cận của nhiều DTTS với nhau. 
Chính sự giao lưu văn hóa đã tạo nên những yếu tố văn hóa tương đồng giữa các DTTS trong cùng một địa bàn, khu vực cư trú. Xét về văn hóa tổ chức cuộc sống cộng đồng truyền thống của các dân tộc chúng ta sẽ thấy địa vực cư trú đều có sông suối, cây cối, núi rừng bao quanh; về nhà cửa đều là những ngôi nhà sàn bằng chất liệu gỗ, tre, nứa, lá; công cụ sản xuất, phương tiên vận chuyển, đi lại đều cơ bản giống nhau; sinh hoạt kinh tế chủ yếu là sản xuất nương rẫy, săn bắn, hái lượm; trong văn hóa ẩm thực đã xuất hiện sự đan xen món ăn của các dân tộc mà rất khó để phân biệt là của dân tộc nào, ví dụ: món cơm lam, thịt nướng, món canh bồi, rau rừng, rượu cần, bánh dày...; ngay cả việc tổ chức bữa ăn và cách thức ăn uống của đồng bào DTTS cũng có những biến đổi đáng kể theo văn hóa của người Việt như ăn vào hai bữa trưa - tối và sử dụng chén, bát, muỗng, đũa trong bữa ăn thay thế hoàn toàn hoạt động ăn bốc như trước kia; về trang phục của các DTTS, hiện nay các bộ váy áo truyền thống của đồng bào giờ còn rất ít ỏi, trang phục đa số đều không còn giữ được cái riêng truyền thống dân tộc mình, mà hòa vào dòng chảy giao lưu và hội nhập văn hóa; về phong tục tập quán, nghi lễ tín ngưỡng, tôn giáo của các dân tộc như cúng phát rẫy, gieo hạt, chọn đất làm nhà, tang ma, chữa bệnh... cũng rất khó để phân biệt sự khác nhau giữa các dân tộc với nhau; trong  văn học, văn nghệ dân gian của các DTTS như những mô típ truyền thuyết, truyện cổ dân gian về nguồn gốc con người, sự tích về các sự vật hiện tượng, các loại hình nhạc cụ... đều khó phân biệt được đâu là của dân tộc này đâu là của dân tộc khác. Sự giao lưu, hội nhập giữa văn hóa các DTTS với văn hóa người Kinh biểu hiện ngay trong đời sống của đồng bào DTTS từ những ngôi nhà ở, trang phục, dụng cụ sinh hoạt gia đình, trong ăn uống và ngay cả phong tục tập quán... đã có xu hướng giao lưu biến đổi ít nhiều theo văn hóa người Kinh như ở nhà tường xây gạch, mái lợp ngói hoặc tôn kẽm; lập bàn thờ tổ tiên và thắp nhang vào dịp giỗ, tết; trang phục và bài trí nhà ở như người Kinh, nói tiếng Kinh nhiều hơn tiếng dân tộc...

Sự giao lưu văn hóa diễn ra mạnh mẽ đã tạo ra sự nhiễu loạn văn hóa truyền thống của các dân tộc, một số yếu tố văn hóa sẽ dần mất đi do không còn thích ứng với sự biến đổi xã hội, thay vào đó là các yếu tố văn hóa mới của dân tộc khác dần được xuất hiện để rồi tạo ra một văn hóa lai tạp không thuần nhất trong đời sống văn hóa mỗi tộc người. Mặt khác, giao lưu văn hóa lại giúp cho các dân tộc hiểu biết lẫn nhau, xích lại gần nhau, mỗi dân tộc có thể học hỏi những giá trị tinh hoa của các dân tộc khác, đây cũng là cơ sở để Đảng và Nhà nước ta hoạch định, xây dựng chiến lược Đại đoàn kết dân tộc.

* Xu hướng mai một văn hóa truyền thống:

Đây là xu hướng biển đổi văn hóa truyền thống mà chủ nhân của nó tự đánh mất một phần hoặc toàn bộ các yếu tố văn hóa trên một số lĩnh vực của đời sống xã hội, từ đó dẫn đến hiện tượng cái cũ mất đi, nhưng cái mới chưa được hình thành, tạo nên sự hụt hẩng, mai một trong đời sống văn hóa mà hậu quả là các giá trị văn hóa của họ bị suy thoái và trở nên nghèo nàn. Đối với các DTTS trên địa bàn tỉnh Đồng Nai hiện nay, sự biến đổi văn hóa theo xu hướng này diễn ra rất rõ ở mối quan hệ xã hội và tổ chức xã hội, ở một số dân tộc vai trò của già làng, thầy cúng và chủ đất đã bị mờ nhạt; trong quan hệ xã hội, các yếu tố tương trợ giúp đỡ lẫn nhau, bình đẳng và dựa trên quyền sở hữu tối cao của cộng đồng, những tri thức bản địa, luật tục đang có xu hướng mai một trong đời sống của người dân. Trong đời sống văn hóa của đồng bào các DTTS đang có nguy cơ mai một và dần bị đánh mất yếu tố truyền thống thể hiện rõ trong trang phục, dụng cụ sinh hoạt, sản xuất, nhà ở, ẩm thực...; ngay cả trong các nghi lễ tín ngưỡng, lễ hội do quan hệ cộng đồng và vai trò của già làng bị suy giảm nên cũng theo đó mà mai một; các kho tàng truyện cổ, ca múa nhạc của các dân tộc do tác động của xã hội hiện đại mà cũng dần bị lãng quên… Vì vậy, theo xu hướng này hệ quả tất yếu là cái cũ, cái truyền thống sẽ mất đi trong khi chủ nhân của nó chưa đủ nội lực để tiếp nhận cái mới làm cho văn hóa của các DTTS đang dần trở nên nghèo nàn.

* Xu hướng hội nhập và ảnh hưởng văn hóa hiện đại

Trong những năm gần đây quá trình hội nhập và ảnh hưởng văn hóa hiện đại diễn ra hết sức mạnh mẽ và rộng khắp trong đời sống của đồng bào các DTTS ở Đồng Nai, đa số các dân tộc trên địa bàn tỉnh đã học hỏi và áp dụng rất nhanh phương thức làm kinh tế của người Kinh, người Hoa; biết chuyển đổi cơ cấu kinh tế cho phù hợp với năng lực phát triển kinh tế của cộng động dân tộc mình như: trồng lúa nước, trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao, biết áp dụng khoa học kỹ thuật trồng trọt và chăn nuôi để tăng năng suất lao động...; biết sử dụng vật liệu xây dựng hiện đại để xây dựng những ngôi nhà chung của cộng đồng và nhà ở (nhà sàn, nhà dài). Trong văn hóa ẩm thực đã xuất hiện phổ biến các phương tiện chế biến món ăn như nồi cơm điện, nồi lẩu, bếp ga và các món ăn, đồ uống công nghiệp như bia rượu, nước ngọt, mỳ tôm, bánh mỳ, đường, sữa...; trang phục quần áo giống như người thậm chí mặc complet, áo dài, đeo những trang sức hiện đại; trong từng gia đình DTTS đã phổ biến sử dụng ti vi, máy nghe nhạc, đầu hát karaoke... Quá trình hội nhập và ảnh hưởng của văn hóa hiện đại đã thực sự làm cho đời sống của đồng bào các DTTS ở Đồng Nai không ngừng được cải thiện và cũng tạo điều kiện và cơ hội cho quá trình hội nhập, giao lưu với bên ngoài, tiếp nhận tinh hoa văn hóa nhân loại, để loại bỏ dần thủ tục lạc hậu, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - văn hóa xã hội của các dân tộc ở Đồng Nai. Tuy nhiên, sự thâm nhập của sản phẩm của văn hóa hiện đại cũng là nguyên nhân làm mất dần những yếu tố văn hóa truyền thống. Đó là thực tế cần phải chấp nhận để tìm ra giải pháp nhằm vừa tiếp nhận những yếu tố văn hóa hiện đại, vừa bảo tồn văn hóa truyền thống.

Giải pháp bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số tỉnh Đồng Nai trong giai đoạn hiện nay

Với một vị trí chiến lược trong vùng trọng điểm phát triển kinh tế phía Nam, Đồng Nai có tốc độ phát triển kinh tế khá nhanh so với mặt bằng chung trong cả nước. Xong chúng ta cũng phải nhìn nhận rằng, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá trên địa bàn tỉnh nói chung và các dân tộc thiểu số (DTTS) nói riêng đang đặt ra những vấn đề cần được quan tâm giải quyết một cách thấu đáo, trong bối cảnh hội nhập và phát triển công nghiệp, cùng với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, giao lưu toàn diện dẫn đến những giá trị di sản văn hóa có nguy cơ mai một cao và luôn tiềm ẩn nguy cơ biến mất.

Mặc dù những năm qua công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa các DTTS trên địa bàn Đồng Nai đạt được những thành tựu quan trọng, nhiều di sản văn hóa tiêu biểu của cộng đồng các dân tộc trong tỉnh được bảo tồn và phát huy phát huy hiệu quả như: Lễ hội Sayangva của dân tộc Chơ-ro; lễ hội Yang Koi, Yang Bri, Yang Bơ nơm của dân tộc Mạ, S’Tiêng (xã Tà Lài, huyện Tân Phú); lễ hội Chùa Ông (xã Hiệp Hòa, Tp. Biên Hòa); nghề dệt thổ cẩm truyền thống của dân tộc Mạ; hàng trăm bài dân ca, truyện cổ, truyền thuyết, truyện cười của các dân tộc bản địa (Chơro, Mạ, Stiêng, Kơho) trong tỉnh được lưu giữ và truyền miệng lại cho các thế hệ tiếp nối trong cộng đồng; những điệu múa, bản nhạc dân gian, đánh cồng chiêng, thổi kèn, sáo; các trò chơi dân gian, câu đố, luật tục, tín ngưỡng… của đồng bào dân tộc thiểu số có nguy cơ bị mai một đã được phục dựng truyền dạy cho lớp trẻ thông qua các nghệ nhân và đưa vào giáo trình giảng dạy tại trường Văn hóa Nghệ thuật và các trường dân tộc nội trú của tỉnh; hàng ngàn tư liệu, hiện vật, hình ảnh, video, clip, băng ghi âm về đời sống văn hóa truyền thống của các dân tộc trong tỉnh được sưu tầm, thực hiện phát hành, in ấn hàng trăm tin, bài nghiên cứu, chuyên khảo về các giá trị di sản văn hóa, lịch sử phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Tuy nhiên, đa số những di sản văn hóa của đồng bào DTTS hiện nay đã và đang dần mai một và có nguy cơ biến mất bởi những nguyên nhân chủ yếu như: Đời sống vật chất và tình thần của đồng bào còn khó khăn; sự hiểu biết về di sản văn hóa trong đại đa số đồng bào còn hạn chế, chưa thấy hết được giá trị của di sản văn hóa trong đời sống cồng đồng và vai trò của văn hóa đối sự nghiệp phát triển đất nước, để từ đó có ý thức tham gia gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa của dân tộc. Trong xu thế hội nhập và phát triển Đồng Nai cũng chịu sự xâm nhập của nhiều luồng văn hóa bên ngoài vào, trong khi đa số lứa tuổi thanh niên hiện nay chư­a ý thức đầy đủ về những giá trị của văn hóa dân tộc nên dễ tiếp thu văn hóa bên ngoài không chọn lọc, vọng ngoại, quay lưng lại với những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc; công tác quản lý về lĩnh vực văn hóa còn bộc lộ nhiều hạn chế thiếu những giải pháp khả thi, chư­a có được những mô hình thực sự hiệu quả ở cơ sở; nguồn kinh phí, phương tiện, con người cần đầu tư­ cho lĩnh vực bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa trên địa bàn tỉnh còn hạn chế và khó khăn, đặc biệt là sự thiếu hụt đội ngũ cán bộ văn hóa là người DTTS ở địa phương…

 Từ thực trạng trên, cần có một số giải pháp cụ thể góp phần bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS trong giai đoạn hiện nay như sau

Thứ nhất, tiếp tục thực hiện công tác kiểm kê, nghiên cứu và hệ thống hóa tư liệu toàn bộ các loại hình di sản văn hóa của các DTTS trong tỉnh, trên cơ sở đó phân loại, các loại hình di sản văn hóa để xem loại hình di sản nào đã mất hoặc đang có nguy cơ bị mai một, loại hình nào đang tồn tại và tồn tại như thế nào để có giải pháp bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa đó. 

Thứ hai, đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật cho đồng bào DTTS trong tỉnh, chú trọng phổ biến về Luật Di sản văn hóa và các văn bản pháp luật có liên quan để đồng bào nâng cao ý thức tự giác trong việc tham gia bảo tồn và phát huy di sản văn hóa truyền thống, khơi dậy ở họ lòng tự hào đối với các  giá trị di sản văn hóa của cộng đồng mình. Xem đây là công việc có ý nghĩa quan trọng để hướng đồng bào chủ động bảo tồn các loại hình di sản văn hóa của dân tộc mình. Ngoài ra, cần phải làm rõ và gắn lợi ích của từng cá nhận và cộng đồng khi tham gia các hoạt động bảo tồn và phát huy di sản văn hóa, đây cũng là cách thức khuyến khích đông đảo đồng bào tham gia lưu giữ di sản văn hóa truyền thống của dân tộc mình.

Thứ ba, xây dựng được chính sách đãi ngộ thỏa đáng cho các nghệ nhân là người DTTS, từ trước đến nay chưa có một chính sách thỏa đáng nào đối với các nghệ nhân, mới chỉ dừng ở các di sản văn hóa mà chưa quan tâm đến chủ thể sáng tạo ra nó, chưa có thái độ trân trọng đúng mức đối với nghệ nhân - những người đang từng ngày gìn giữ các loại hình văn hóa. Vì vậy, việc tiến hành rà soát, tôn vinh các danh hiệu cao quý và ban hành chính sách đãi ngộ cụ thể đối với những nghệ nhân có công bảo vệ, truyền dạy, phát huy giá trị di sản và những chính sách có liên quan nhằm tạo điều kiện để di sản có sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng là hết sức cần thiết hiện nay.

Thứ tư, phát huy các giá trị di sản văn hóa của đồng bào DTTS hiện nay tốt nhất nên gắn liền với việc quy hoạch phát triển du lịch, đưa các loại hình di sản văn hóa của đồng bào trở thành một phần nội dung cấu thành những điểm đến du lịch hấp dẫn đối với khách tham quan trong nước và quốc tế, nhằm giới thiệu, quảng bá những di sản văn hóa truyền thống đặc trưng của Đồng Nai ra bên ngoài cùng hội nhập và phát triển.

Thứ năm, chú trọng đào tạo đào tạo và tuyển dụng nhân sự là con em đồng bào DTTS có đủ trình độ chuyên môn nghiệp vụ để làm công tác bảo tồn các giá trị văn hóa, đảm nhiệm được vai trò của mình trong sự phát triển mới của xã hội. Thường xuyên mở các lớp tập huấn về chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ văn hóa cơ sở vùng DTTS về lĩnh vực bảo tồn và phát huy di sản văn hóa . 


MỘT SỐ HÌNH ẢNH CÁC DÂN TỘC THIỂU SỐ Ở ĐỒNG NAI


 




nga nguyễn​



In nội dung
Các tin đã đăng ngày:
 
Về đầu