ỦY BAN MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM TỈNH ĐỒNG NAI
 
Chưa có thông tin
 

Nội dung bản tin

 
Đưa nghề đan lát vươn xa
Đăng ngày: 29-08-2022 09:20
asp:Label ID="lblSummary" runat="server"
Nhằm giữ gìn nghề đan lát truyền thống của dân tộc mình, người Gia Rai ở làng Nglơm Thung, xã Ia Pết, huyện Đak Đoa (Gia Lai) đã phát triển nghề đan truyền thống bằng cách làm ra các sản phẩm như gùi, rổ, rá… để bán ra thị trường. Nhờ vậy, người dân vừa có thêm nguồn thu nhập, vừa góp phần đưa văn hóa truyền thống của dân tộc mình đến với đông đảo người tiêu dùng trên địa bàn trong và ngoài tỉnh.

 

Nghệ nhân Hyoi (thứ nhất từ trái sang) là một trong những người có tay nghề cao. Ảnh: Thùy Dung

Với tình yêu văn hóa truyền thống, những người con ở làng Nglơm Thung đã phát triển nghề đan lát trong cộng đồng làng để tăng thêm thu nhập và giữ gìn văn hóa truyền thống. Ở làng Nglơm Thung, nghệ nhân Hyoi là một trong những nghệ nhân có tay nghề đan lát khéo léo nhất vùng, ông cũng là bậc thầy của làng vì đã truyền dạy nghề đan lát cho rất nhiều người ở đây.

Đưa đôi tay nhanh thoăn thoắt thực hiện các công đoạn đan gùi, nghệ nhân Hyoi chia sẻ: “Ngày xưa, người con trai lớn lên sẽ được cha ông mình dạy cho nghề đan lát. Thanh niên biết đan lát chứng tỏ là có đôi bàn tay khéo léo, thể hiện được sự chăm chỉ, cần cù. Biết đan khéo cũng là một trong những tiêu chuẩn để đi cưới vợ. Vậy nên, ở làng Nglơm Thung, từ xưa đến nay, nghề đan lát hầu hết do đàn ông làm”.

Cũng theo nghệ nhân Hyoi, để hoàn thiện một sản phẩm như gùi, rổ, rá… yêu cầu rất nhiều công đoạn như đi lấy lồ ô, tre, nứa ở trên rừng. Sau đó, nghệ nhân phải chẻ ra nhiều nan nhỏ mới tiến hành được đến bước đan. Đối với các sản phẩm có yêu cầu họa tiết, hoa văn thì khâu chuẩn bị phải tốn nhiều thời gian hơn.

Nghệ nhân phải dành nhiều thời gian để tư duy, đếm sợi, chia sợi, sau đó, tiến hành sơn màu. Màu sắc chủ đạo của gùi thường là màu đỏ, đen. Sản phẩm từ nghề đan lát có rất nhiều như rổ, rá, nia, thúng, gùi… Tùy vào trí tưởng tượng, sự sáng tạo của mỗi người sẽ cho ra những sản phẩm độc đáo khác nhau.

Hiện nay, người làng Nglơm Thung xem nghề đan lát như một công việc chính trên mỗi nếp nhà. Sau khi xong việc đồng áng, người dân lại cùng nhau đan gùi và các sản phẩm từ mây, tre, nứa... Khi đan xong, sẽ có người đến thu mua để đi bán cho người dân ở các làng khác.

Nhận thấy nghề đan lát mang lại thu nhập ổn định, người làng Nglơm Thung đã dạy cho cả phụ nữ trong làng để nhân rộng nghề. Hiện nay, toàn làng Nlgơm Thung có 7 tổ đan lát gồm rất nhiều thành viên từ người trẻ đến người già và có cả các em nhỏ đang ở độ tuổi đến trường.

Sau nhiều ngày theo nghệ nhân Hyoi học nghề, đến nay, anh Rêm (làng Nglơm Thung) đã thành thạo nghề đan lát truyền thống. Anh Rêm chia sẻ: “Nghề đan lát yêu cầu người làm phải tỉ mỉ, cần mẫn và khéo léo. Có những sản phẩm đan rất khó như đan gùi 2 lớp vì cần rất nhiều bước. Với những chiếc gùi có họa tiết, hoa văn thì người làm phải biết cách tư duy, sắp xếp bố cục để cho ra một sản phẩm chất lượng, thể hiện được văn hóa dân tộc của mình. Vì vậy, việc đan lát yêu cầu người làm phải tập trung, kiên nhẫn thì mới cho ra được sản phẩm”.

Theo lời những nghệ nhân ở làng Nglơm Thung, phần đa sản phẩm bán chạy nhất, được đặt làm nhiều chủ yếu là gùi. Mỗi chiếc gùi tùy vào kích cỡ mà mất nhiều thời gian làm khác nhau. Nếu nghệ nhân thành thạo, quen việc thì chỉ mất khoảng 1 ngày là làm xong. Giá thành tùy vào kích cỡ, thường dao động từ 150.000-300.000 đồng. Hiện nay, người dân trong làng cũng làm thêm các sản phẩm để làm quà lưu niệm bán cho khách du lịch.

“Người làng thấy sản phẩm từ nghề đan lát bán được nhiều nên rất đông người học nghề này với mục đích kiếm thêm thu nhập. Nhờ vậy, nghề đan lát ở làng đến nay rất phát triển và được duy trì trên mỗi nếp nhà”. Nghệ nhân Hyoi phấn khởi chia sẻ

Cũng như bao người con tâm huyết với văn hóa truyền thống của làng, nghệ nhân Hyoi mong muốn nghề đan lát phát triển và được nhân rộng hơn, ông bộc bạch: “Mình mong người dân làng tiếp tục học tập và phát huy nghề đan lát truyền thống nhằm giữ gìn nghề của người Gia Rai bao đời nay. Đồng thời, đóng góp vào công cuộc giữ gìn văn hóa Tây Nguyên thể hiện qua các sản phẩm đại diện cho người Tây Nguyên như gùi, nhà rông… Qua đó, tận dụng các lợi thế từ nghề truyền thống để tăng thêm thu nhập, đóng góp vào việc xóa đói, giảm nghèo tại địa phương”.

Ông Lê Văn Bài, công chức văn hóa - xã hội xã Ia Pết cho biết: Nghề đan gùi ở làng Nglơm Thung rất phát triển. Các sản phẩm của người dân làm ra như gùi, rổ, rá, nia… được người tiêu dùng rất ưa chuộng và đặt mua nhiều. Đặc biệt, một số thương lái còn mang sản phẩm này đi bán cho người dân Campuchia. Để giúp người dân nơi đây có cơ hội đưa các sản phẩm ra thị trường, chính quyền xã thường xuyên đưa các nghệ nhân đi tham gia các hoạt động văn hóa do tỉnh tổ chức. Vừa qua, tại Ngày hội Văn hóa các dân tộc thiểu số tỉnh Gia Lai, sản phẩm đan lát của các nghệ nhân đã được trưng bày và trong vòng 2 ngày, các nghệ nhân đã bán được hơn 100 sản phẩm.

“Ngoài ra, để giúp người dân trên địa bàn phát huy nghề truyền thống, chính quyền xã Ia Pết đã hỗ trợ giống lồ ô và vận động người dân trồng loại cây này để giữ gìn nguồn nguyên liệu. Đồng thời, thành lập các tổ đan lát, trong đó, có một nhóm đan gùi gồm 22 người đan lát giỏi được xã và huyện hỗ trợ để quảng bá sản phẩm làm ra nhằm hướng đến bảo tồn và phát triển các sản phẩm từ nghề truyền thống của các dân tộc trên địa bàn” - ông Bài cho biết thêm.

Thùy Du​ng

In nội dung
Các tin đã đăng ngày:
 
Về đầu