Công tác
giám sát và phản biện xã hội; tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền
là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của hệ thống Mặt trận Tổ quốc và các đoàn
thể chính trị - xã hội các cấp nhằm xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch,
vững mạnh. Nhiệm vụ này được khẳng định trong Hiến pháp, Luật Mặt trận Tổ quốc
Việt Nam năm 2015, đặc biệt được quy định cụ thể tại Quyết định số 217 QĐ/TW
ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị (khóa XI).
Ban Thường Trực Uỷ ban MTTQ tỉnh tổ chức hội nghị phản biện xã hội
Phản biện xã
hội là một trong những chức năng quan trọng của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam – là
phương thức quan trọng để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tham gia xây dựng chủ
trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và thực hiện vai
trò đại diện cho các tầng lớp nhân dân. Trong thể chế chính trị do một đảng duy
nhất lãnh đạo và cầm quyền ở Việt Nam hiện nay, hoạt động phản biện xã hội của
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được xem là một trong các giải pháp kiểm soát quyền lực,
góp phần xây dựng chủ trương, đường lối của Đảng, hoàn thiện pháp luật, chính
sách của Nhà nước.
Phản biện xã
hội là việc nhận xét, đánh giá, nêu chính kiến, kiến nghị đối với dự thảo các
chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước. Kết quả
phản biện xã hội giúp cho các cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản kịp thời phát
hiện, bổ sung những nội dung còn thiếu, chưa sát, chưa đúng, chưa phù hợp vào dự
thảo Nghị quyết; bổ sung những nội dung thiết thực, góp phần bảo đảm tính đúng
đắn, phù hợp với thực tiễn đời sống xã hội và hiệu quả trong việc tổ chức, triển
khai thực hiện đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; bảo đảm
quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; phát huy dân chủ, tăng cường
đồng thuận xã hội.
Uỷ ban Mặt
trận Tổ quốc Việt Nam là một chủ thể phản biện xã hội lớn nhất, với tư cách tập
hợp được sự phản biện của mọi giai tầng, các giới, ngành nghề của xã hội. Sự phản
biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc là toàn diện và khách quan nhất. Không chỉ là
chủ thể phản biện xã hội lớn nhất, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh còn là một chủ
thể phản biện có tiềm năng lớn nhất. Mặt trận là nơi tập hợp được nhiều tổ chức
thành viên có kiến thức chuyên sâu về một số lĩnh vực nhất định như: về khoa học,
kỹ thuật có Liên hiệp các hội Khoa học và kỹ thuật tỉnh, về kiến thức pháp luật
có Hội Luật gia tỉnh và truyền thông như Hội Nhà báo tỉnh. Mặt trận còn là nơi
tập hợp được nhiều thành viên, cá nhân tiêu biểu là các nhân sĩ, trí thức, nhà
khoa học, những người có uy tín trong đồng bào các dân tộc, tôn giáo, người Việt
ở nước ngoài. Như vậy, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quy tụ được nguồn nhân lực phản
biện chất lượng ở mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Hiến pháp năm 2013 ghi nhận:
“Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân; đại diện,
bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; tập hợp, phát huy sức
mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội;
giám sát và phản biện xã hội; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước”.
Đối tượng phản
biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc là các văn bản dự thảo về chủ trương, đường lối
của Đảng, chính sách, pháp luật, các quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án
phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của Nhà nước (trừ những vấn đề thuộc bí mật
quốc gia) phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của mình. Nội dung phản biện của Mặt
trận Tổ quốc là sự cần thiết, tính cấp thiết của văn bản dự thảo; sự phù hợp của
văn bản dự thảo với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của
Nhà nước; thực tiễn của đơn vị, địa phương; tính đúng đắn, khoa học, phù hợp với
thực tiễn đời sống xã hội và tính khả thi của văn bản dự thảo; dự báo tác động,
hiệu quả về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại
của văn bản dự thảo.
Ngay sau khi
có Quyết định 217-QĐ/TW, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh phối hợp với Ban Dân vận
Tỉnh uỷ, tham mưu với Ban Thường vụ Tỉnh uỷ tổ chức Hội nghị phổ biến, quán triệt,
triển khai thực hiện Quy chế, Quy định sâu rộng đến 210 cán bộ chủ chốt của cấp
ủy, chính quyền, các sở, ban, ngành, MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội cấp
tỉnh và lãnh đạo chủ chốt các cấp; đồng thời tuyên truyền đông đảo cán bộ, hội
viên, đoàn viên và các tầng lớp nhân dân về vai trò, trách nhiệm của MTTQ và
các đoàn thể chính trị - xã hội trong việc thực hiện chức năng phản biện xã hội;
Để thực hiện
có hiệu quả Quyết định, Quy chế của Bộ Chính trị Ủy ban MTTQ tỉnh phối hợp Ban
Dân vận Tỉnh ủy tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành 02 quy chế, quy định cụ
thể hóa gồm: Quyết định số 80 1-QĐ/TU ngày 14/10/2014 ban hành Quy định thực hiện
Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể
chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh Đồng Nai; Quyết định số 729-QĐ/TU ngày
12/9/2014 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Quy định trách nhiệm của cấp ủy, tổ
chức đảng, chính quyền tiếp thu góp ý, phản biện của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam,
các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng
chính.
Đối với hoạt
động phản biện xã hội trên cơ sở báo cáo và đăng ký chương trình xây dựng Nghị
quyết hàng năm của UBND tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh. Ban Thường trực Uỷ
ban MTTQ tỉnh đã chủ động chọn các nội dung dự thảo Nghị quyết có liên quan trực
tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của Nhân dân trình các kỳ họp Hội
đồng trong năm để tổ chức phản biện xã hội.
Để nội dung
phản biện xã hội đạt hiệu quả và đảm bảo chất lượng. Ban Thường trực Uỷ ban
MTTQ Việt Nam chỉ phản biện đối với những dự thảo văn bản do cơ quan chủ trì gửi
đầy đủ hồ sơ, tài liệu có liên quan và đảm bảo thời gian của quy trình phản biện
xã hội đã được ký kết theo quy chế phối hợp.
Từ năm 2017,
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã hiệp thương thống nhất xây dựng kế
hoạch giám sát và phản biện xã hội mỗi năm, làm rõ hơn vai trò chủ trì của Mặt
trận Tổ quốc Việt Nam và của từng tổ chức thành viên, khắc phục sự trùng lặp về
nội dung, thời gian, địa bàn thực hiện. Mặt trận Tổ quốc các cấp đã phát huy
vai trò của các hội đồng tư vấn, ban tư vấn, tổ tư vấn, Ủy viên Ủy ban Mặt trận
Tổ quốc Việt Nam, các chuyên gia, nhà khoa học trong nhiều lĩnh vực để thực hiện
phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Ủy ban Mặt trận Tổ
quốc Việt Nam các cấp chủ động chọn các nội dung, vấn đề có liến quan trực tiếp
đến quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân; có ảnh hưởng đến đời sống của nhân
dân; hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, nhà đầu tư để tổ chức phản
biện. Bên cạnh đó Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh thường xuyên đánh giá rút kinh nghiệm
về việc lựa chọn nội dung, hình thức phản biện xã hội. Các hoạt động phản biện
xã hội và tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của Mặt trận Tổ quốc
Việt Nam từng bước đi vào nền nếp. Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã
tích cực bám sát chương trình, kế hoạch của cấp ủy, chính quyền các cấp và nhiệm
vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, những vấn đề xã hội nổi cộm, bức
xúc mà Nhân dân quan tâm, để giám sát và phản biện xã hội hằng năm.
Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ, sự phối hợp với Thường
trực HĐND, UBND và các đoàn thể chính trị xã hội trên địa bàn tỉnh. Trong thời
gian qua, với vị trí và vai trò của mình, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các
cấp đã làm tốt vai trò chủ trì phối hợp với các đoàn thể chính trị - xã hội,
các tổ chức thành viên khác thực hiện nhiệm vụ phản biện xã hội. Ban Thường trực
Uỷ ban MTTQ Việt Nam các cấp trên địa bàn tỉnh đã tổ chức phản biện được 266 dự
thảo Nghị quyết của cấp uỷ đảng và Hội đồng nhân dân các cấp trong đó, Ban Thường
trực Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức phản biện được 19 dự thảo Nghị quyết
trình các kỳ họp Hội đồng nhân dân tỉnh. Trong đó nổi bật một số dự thảo Nghị
quyết như: Dự thảo Nghị quyết về việc quy định chế độ chính sách đối với những
người hoạt động không chuyên trách cấp xã, ấp (khu phố); dự thảo Nghị quyết quy
định chế độ phụ cấp đối với Trưởng các đoàn thể ở ấp (khu phố) và hỗ trợ kinh
phí hoạt động cho Tổ nhân dân, Tổ dân phố trên địa bàn tỉnh Đồng Nai; dự thảo
Nghị quyết về việc thông qua Quy định giá các loại đất tỉnh Đồng Nai 05 năm,
giai đoạn 2020 - 2024; dự thảo Nghị quyết về việc bổ sung danh mục các dự án cần
thu hồi đất, dự án có sử dụng đất trồng lúa; dự thảo Nghị quyết mức hỗ trợ đầu
tư xây dựng chợ nông thôn trên địa bàn tỉnh; dự Thảo Nghị quyết quy định mức
chuẩn trợ giúp xã hội, mức trợ giúp xã hội trên địa bàn tỉnh Đồng Nai; dự thảo
Nghị quyết quy định về chính sách hỗ trợ đối với người có uy tín trong đồng bào
dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh… với quy mô đại biểu tham gia tương đối lớn
và có chiều sâu. Sau Hội nghị phản biện xã hội, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận
Tổ quốc Việt Nam tỉnh đều có văn bản phản biện gửi các cơ quan được phản biện. Các
ý kiến phản biện xã hội của Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh sẽ cung cấp thêm nhiều
thông tin quan trọng, cần thiết để các đại biểu HĐND tỉnh nghiên cứu, tham khảo
khi thảo luận và biểu quyết thông qua Nghị quyết, đảm bảo cơ sở pháp lý, tính
khả thi khi tổ chức triển khai thực hiện, phù hợp với tình hình thực tiễn của địa
phương; bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của nhân dân. Kiến nghị phản biện xã hội
của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh được đại biểu HĐND tỉnh, Thường trực Hội
đồng nhân dân tỉnh, dư luận đánh giá cao; nhiều nội dung phản biện được cơ quan
chủ trì soạn thảo tiếp thu, có ý kiến phản hồi tích cực và bổ sung nhiều nội
dung phản biện phù hợp vào dự thảo các Tờ trình, Nghị quyết trước khi trình Hội
đồng nhân dân tỉnh thông qua.
Bên cạnh đó,
Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh còn tham gia viết bài phản biện tại
các hội thảo, toạ đàm do Ban Thường trực Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Hội
liên hiệp phụ nử tỉnh và Hội luật gia tỉnh tổ chức.
Đến
thời điểm này, có thể nhận thấy hoạt động phản biện xã hội của MTTQ các cấp đã
trở thành một hoạt động thường xuyên, trọng tâm và có tác động thực tế, mang
tính đột phá để thực hiện nhiệm vụ tham gia xây dựng Đảng, chính quyền. Góp
phần vào việc đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt
Nam các cấp.
Tuy nhiên,
trong thực tiễn hoạt động phản biện xã hội trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số khó
khăn, hạn chế là:
Một là, việc
tổ chức triển khai thực hiện Quy chế, quy định còn chậm so với yêu cầu đặt ra; Việc
xác định đối tượng, nội dung, hình thức triển khai thực hiện phản biện xã hội
còn lúng túng. Tính chủ động, sáng tạo của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ở một số địa
phương chưa cao. Vẫn còn hiện tượng một số nơi chưa chủ động triển khai công
tác phản biện xã hội, còn trông chờ sự chỉ đạo của cấp ủy, việc đề nghị của các
cơ quan nhà nước.
Hai là,
trong quá trình phản biện xã hội, một số ý kiến phản biện, đề xuất, kiến nghị của
Mặt trận các cấp chưa được cơ quan soạn thảo dự thảo Nghị quyết quan tâm xem
xét, trao đổi, giải trình thỏa đáng.
Ba là, chất
lượng nhiều văn bản kiến nghị sau phản biện xã hội nhất là cơ sở còn chưa bảo đảm,
nhiều nơi còn hình thức, chủ yếu tập trung góp ý kỹ thuật soạn thảo văn bản. Một
số nơi việc chọn nội dung phản biện chưa phù hợp với tình hình thực tế ở địa
phương; còn nhầm lẫn giữa hoạt động phản biện với góp ý; giữa phản biện xã hội
theo hình thức đối thoại trực tiếp giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với cơ quan,
tổ chức có dự thảo văn bản được phản biện xã hội với các cuộc tiếp xúc, đối thoại
của người đứng đầu để giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định của Luật Tiếp
công dân, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo.
Bốn là, ở một
số nơi, Ban Thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chưa thể hiện được bản
lĩnh dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Vẫn còn hiện tượng nể nang, né
tránh, ngại va chạm trong quá trình phản biện xã hội và góp ý xây dựng Đảng,
xây dựng chính quyền.
Một số kinh nghiệm rút ra
1. Từ kinh
nghiệm thực tế cho thấy để làm tốt công tác phản biện xã hội cần có sự có quan
tâm, chỉ đạo của cấp ủy, sự phối hợp tích cực, trách nhiệm của chính quyền, sự
thống nhất của các đoàn thể chính trị - xã hội, các tổ chức thành viên và phát
huy tối đa vai trò, trách nhiệm của Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam,
các cá nhân tiêu biểu, người có uy tín trong đồng bào các dân tộc, các tôn
giáo, chuyên gia, nhà hoạt động thực tiễn và sự quan tâm của toàn thể nhân dân.
2. Phát huy
vai trò chủ động, chủ trì của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp trong việc xây
dựng kế hoạch phản biện xã hội hằng năm, nhất là việc xác định, lựa chọn nội
dung, hình thức phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền phù
hợp với tình hình thực tế tại địa phương. Phân định rõ nội dung Mặt trận chủ
trì, nội dung từng đoàn thể chính trị- xã hội chủ trì. Trong tổ chức thực hiện
phải linh hoạt, quan tâm đến những vấn đề lớn nảy sinh, không cứng nhắc chỉ làm
theo kế hoạch.
Đẩy mạnh
công tác tập huấn, trao đổi kinh nghiệm, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ
biến, quán triệt các quy định của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về
phản biện xã hội và góp ý xây dựng Đảng, chính quyền, phổ biến kinh nghiệm hay,
cách làm có tác dụng, hiệu quả thiết thực; tránh dàn trải, hiệu quả thấp.
3. Trước khi
tiến hành hoạt động phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền
cần chuẩn bị các điều kiện cần thiết về cơ sở pháp lý và cơ sở thực tiễn. Đối với
các nội dung phức tạp, những nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau cần tiến hành
khảo sát để có thêm cơ sở phản biện.
4. Việc tập
hợp, tổng hợp ý kiến phản biện, kiến nghị sau phản biện xã hội và góp ý phải
khách quan, trung thực, đầy đủ, có sự chắt lọc đảm bảo đầy đủ căn cứ pháp lý,
khoa học và thực tiễn, đồng thời đưa ra các giải pháp có tính khả thi, bảo đảm
thời gian và sức thuyết phục đối tượng được phản biện xã hội.
5. Phân công
cán bộ có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc việc trả lời; tiếp thu, giải trình các
ý kiến, kiến nghị sau phản biện của cơ quan tổ chức có dự thảo được phản biện
theo quy chế phối hợp giữa Thường trực Hội đồng nhân – UBND và Ban Thường trực
Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh.
(Xuân Tuấn)