ỦY BAN MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM TỈNH ĐỒNG NAI
 
Chưa có thông tin
 

Nội dung bản tin

 
Một số vấn đề mới về bình đẳng giới trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Đăng ngày: 06-04-2022 04:22
asp:Label ID="lblSummary" runat="server"
Đến nay, mối quan hệ giữa các dân tộc thiểu số và dân tộc Kinh được coi là mối quan hệ lớn nhất, chủ đạo nhất trong quan hệ dân tộc. Mối quan hệ này ngày càng trở nên gần gũi và gắn bó hơn, sự gắn bó đó thể hiện trong quan hệ hôn nhân giữa các dân tộc thiểu số với​ người Kinh.

trang phuc phu nu Ma- s'tieng o ta lai.JPG

 Trước đây theo quan niệm, tư duy và phong tục tập quán, người dân tộc thiểu số chủ yếu kết hôn trong tộc người của mình, nhưng đến nay đã có những quan hệ hôn nhân được thiết lập giữa người dân tộc thiểu số và người Kinh, tạo nên những gia đình hỗn hợp dân tộc.

Theo ông Lưu Xuân Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ Dân tộc thiểu số cho biết, với những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta quan tâm đến vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi cùng với thực hiện Luật Bình đẳng giới, phần nào đã đem đến những quyền lợi và cơ hội mới cho người phụ nữ dân tộc thiểu số, phụ nữ dân tộc thiểu số được đi học, đã hiểu biết, mở mang nhận thức và mối quan hệ xã hội, nâng cao vị thế, chuyển biến từ hôn nhân mang tính chất gả ép họ nhận thức được tự do hôn nhân, từ đó có một phần các phụ nữ dân tộc thiểu số kết hôn với nam giới người Kinh, đồng thời cũng có một bộ phận phụ nữ người Kinh kết hôn với nam giới người dân tộc thiểu số. Không chỉ giữa người Kinh và các dân tộc thiểu số khác, sự giao thoa trong lĩnh vực hôn nhân còn diễn ra giữa các dân tộc thiểu số với nhau, như vợ người Chơ Ro, Mạ, S’Tiêng lấy chồng là người Kinh hoặc ngược lại, điều đó tạo nên mối quan hệ giữa các dân tộc biểu hiện trong quan hệ hôn nhân - quan hệ được coi là tổng hợp vì nó bao hàm cả văn hóa, tình cảm, nguồn gốc...  Xu thế tích cực từ giao thoa hôn nhân giữa các tộc người góp phần hòa hợp dân tộc tốt hơn, dẫn tới đại đoàn kết dân tộc.

Khả năng tiếp cận thị trường giúp phụ nữ dân tộc thiểu số đóng góp vào kinh tế gia đình cũng là một trong những yếu tố tác động tích cực đến việc nâng cao vị thế của người phụ nữ dân tộc thiểu số trong gia đình và xã hội. Thực tế này đang dần thay đổi nếp nghĩ về người phụ nữ. Về một phương diện nào đó có thể kết luận rằng, vị thế của người phụ nữ dân tộc thiểu số có sự liên hệ mật thiết với mức độ phát triển kinh tế, cơ sở hạ tầng, khả năng tiếp cận các dịch vụ cơ bản và tiếp cận thị trường ở từng địa phương cụ thể. Việc đáp ứng những nhu cầu thực tế của phụ nữ là cần thiết để làm nền tảng cho việc đáp ứng những nhu cầu chiến lược và vị thế của người phụ nữ dân tộc thiểu số. Những cộng đồng nào có điều kiện cơ sở hạ tầng tốt hơn cũng có nghĩa người phụ nữ có điều kiện được quan tâm đầy đủ hơn cả về vật chất và tinh thần. Vì vậy, cần làm tốt mục tiêu bình đẳng giới để góp phần thúc đẩy sự phát triển đồng đều giữa các dân tộc là vấn đề hết sức cần thiết hiện nay.

Bên cạnh đó, thực hiện bình đẳng giới trong cộng đồng người dân tộc thiểu số cũng còn những tồn tại. Các nhóm dân tộc ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn không những bị tách biệt về không gian địa lý, mà còn bị tách biệt về không gian xã hội. Chính sự tách biệt này đã và đang ảnh hưởng đến khả năng ứng phó với những thay đổi không lường trước trong môi trường sống của họ. Điều đó cho thấy, có rất nhiều đặc điểm chung trong bất bình đẳng giới nói chung và bất bình đẳng giới trong các nhóm dân tộc thiểu số nói riêng. 

Để cân bằng các vấn đề nêu trên cần đề ra một số giải pháp đối với thực hiện bình đẳng giới trong đồng bào dân tộc thiểu số:

Thứ nhất, trong công tác giáo dục, vấn đề dạy chữ viết cho phụ nữ dân tộc thiểu số là ưu tiên hàng đầu. Đối với nhóm đối tượng này, những chương trình dạy chữ cần thiết thực, kết hợp phát triển kinh tế và học chữ, để khuyến khích phụ nữ tham gia. Đối với những nhóm đối tượng như học sinh tiểu học và trung học, cần đầu tư thêm để các em có thể theo đến hết bậc trung học và học cao lên và tránh không bị rơi vào vòng tái mù như các thế hệ phụ nữ đi trước. Thực hiện nghiên cứu toàn diện hơn về tỷ lệ mù chữ trong phụ nữ dân tộc thiểu số để có thể đưa ra những giải pháp xóa mù phù hợp và tăng cường sự tham gia của phụ nữ dân tộc thiểu số trong việc tiếp cận các cơ hội cho bản thân, gia đình và cộng đồng.

Thứ hai, tăng cường mở các lớp tập huấn giảng dạy về kiến thức, kỹ năng cho phụ nữ về chăm sóc sức khoẻ, nuôi dạy con ngoan, dân số - kế hoạch hoá gia đình, kỹ năng sống và tổ chức cuộc sống gia đình hạnh phúc. Đồng thời, xây dựng hình tượng người phụ nữ Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế “có sức khoẻ, tri thức, kỹ năng nghề nghiệp, năng động, sáng tạo, có lối sống văn hoá, có lòng nhân hậu, tích cực lao động sản xuất, sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”.

Thứ ba, hiện nay lao động nữ thanh niên dân tộc thiểu số vẫn bị tụt hậu so với mặt bằng chung của xã hội do rào cản ngôn ngữ và hạn chế về trình độ học vấn. Các lớp đào tạo dạy nghề cho phụ nữ dân tộc thiểu số cần quan tâm đến những đặc thù này và khả năng tham gia vào thị trường lao động cụ thể. Trong công tác đào tạo nghề thì cần có sự hài hòa về vai trò sản xuất và tái sản xuất của người phụ nữ.

Thứ tư, cần tiếp tục đầu tư và củng cố cơ sở hạ tầng ở một số vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn để giúp phụ nữ dân tộc thiểu số tiếp cận tốt hơn với các dịch vụ giáo dục và y tế. Đầu tư cơ sở hạ tầng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế giữa các ngành, tạo điều kiện cho phụ nữ và nam giới vùng dân tộc thiểu số có việc làm tại chỗ, có điều kiện phát triển kinh tế gia đình không phải đi làm ăn xa, có điều kiện chia sẻ lẫn nhau trong thực hiện vai trò sản xuất, sinh sản nuôi dưỡng, cộng đồng.

Minh Luân
In nội dung
Các tin đã đăng ngày:
 
Về đầu