Trong nhiều nội dung được các đại biểu thảo
luận sôi nổi có nội dung liên quan đến quy định về “Huy chương thanh niên xung phong vẻ vang”.
“Huy chương Thanh niên
xung phong vẻ vang” được quy định tại Điều 51, Điều 55 và Điều 59 của dự thảo Luật
Thi đua, khen thưởng (sửa đổi).
Các
đại biểu cơ bản đồng nhất với quan điểm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tặng
và truy tặng “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang” nhằm ghi nhận những
thành tích, công lao, cống hiến của lực lượng thanh niên xung phong qua các
thời kỳ, việc bổ sung quy định về “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang”
vào dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) là hết sức cần thiết cần thiết.
Theo
đại biểu Quốc hội Nguyễn Lâm Thành – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên, “Huy chương
Thanh niên xung phong vẻ vang” là nhằm ghi nhận và tôn vinh lực lượng thanh
niên xung phong đã có đóng góp hết sức to lớn trong công cuộc kháng chiến xây
dựng đất nước, từ kháng chiến chống Pháp đến kháng chiến chống Mỹ. Do vậy,
chúng ta cần có một huân, huy chương để ghi nhận đóng góp của lực lượng đặc thù
này như một số lực lượng khác. Đại biểu cũng bày tỏ thống nhất theo quan điểm
của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là chỉ giới hạn phạm vi trao tặng cho lực lượng
tham gia kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Bởi nếu không có quy định giới hạn
này sẽ dẫn đến những trường hợp khác sau này khó xử lý.
Để góp phần tiếp tục hoàn thiện quy định này của dự thảo
Luật, các đại biểu đề nghị dự thảo Luật cân nhắc thêm về thời hạn quy định đối
với thanh niên xung phong là 2 năm trở lên, đối với những liệt sĩ là 1 năm. Cụ
thể, tại khoản 2 Điều 95 dự thảo Luật đang quy định thanh niên xung phong tham
gia kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ được tặng Huy chương Thanh niên xung phong
vẻ vang phải có thời gian tại ngũ liên tục từ 2 năm trở lên hoàn thành nhiệm
vụ, trung thành với cách mạng và thanh niên xung phong là liệt sĩ thì phải có
thời hạn tại ngũ một năm trở lên.
Quang cảnh buổi làm việc
Đóng góp ý kiến về vấn đề này, đại biểu Quốc hội Đỗ Thị Lan
– Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh nêu lên tấm gương hy sinh trung kiên, anh dũng của
các nữ thanh niên xung phong tại Ngã ba Đồng Lập. Tuy nhiên nếu chiếu theo quy
định của dự thảo Luật này thì các nữ thanh niên xung phong đã hy sinh tại Ngã
ba Đồng Lộc phải có thời gian tại ngũ một năm trở lên mới được truy tặng danh
hiệu “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang”. Trong khi đó, thực tế thời
gian tại ngũ của 10 cô gái đã hy sinh oanh liệt tại chiến trường Ngã ba Đồng
Lộc lại chưa đủ 1 năm. Những trường hợp này thì sẽ tính ra sao? Từ đó, nữ
đại biểu đề nghị dự thảo Luật cần linh hoạt trong quy định về điều kiện trao
tặng sao cho phù hợp.
Các đại biểu cho rằng, thanh niên xung phong tham gia kháng
chiến có đặc điểm, tính chất đặc biệt, thời gian tham gia trong lực lượng ngắn,
tính chất công việc, yêu cầu nhiệm vụ khó khăn, nguy hiểm nơi tuyến đầu như mở
đường, lấp hố bom, tải đạn, vận chuyển vũ khí, cứu tàu quân sự... trực tiếp
tham gia chiến dịch trên chiến trường, chiến đấu dũng cảm, anh dũng hy sinh bảo
vệ Tổ quốc. Do vậy, cần quy định linh hoạt về thời gian, điều kiện tặng, truy
tặng Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang để ghi nhận được sự đóng góp vào
thành tích của thanh niên xung phong trong kháng chiến bảo vệ Tổ quốc. Các đại
biểu, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét giảm điều kiện tặng Huy chương
Thanh niên xung phong vẻ vang, tham gia kháng chiến quy định tại khoản 2 Điều
95 như sau: “Có thời gian tham gia liên tục trong lực lượng thanh niên xung
phong từ 1 năm trở lên. Trường hợp đặc biệt cũng phải xem xét. Nếu như trường
hợp thời gian ngắn nhưng thành tích đặc biệt cần ghi nhận thì cũng cần phải có
quy định riêng”.
Đối với thanh niên xung phong là liệt sĩ, các đại biểu cho
rằng, dự thảo Luật nên điều chỉnh theo hướng có thời gian tham gia lực lượng
thanh niên xung phong dưới một năm, để chúng ta có một một khung có thể ghi
nhận được sự cống hiến của những người đã là liệt sĩ, thậm chí thời gian rất
ngắn nhưng thành tích lại rất cao; để ghi nhận được những thành tích của thanh
niên xung phong đã là liệt sĩ, thương binh, đặc biệt là thương binh nặng… Những
trường hợp này cần phải có sự linh hoạt trong quy định về thời hạn cũng như
điều kiện công nhận tặng và truy tặng sao cho phù hợp với thực tiễn cũng như
đúng với chủ trương của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đưa vào trong dự thảo
Luật.
Bộ trưởng Bộ Nội
vụ Phạm Thị Thanh Trà tại hội nghị
Bộ trưởng
Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, việc đưa ra quy định như trong dự thảo
Luật là đã căn cứ vào ý kiến đóng góp của Hội cựu thanh niên xung phong. Tuy
nhiên tiếp thu ý kiến của các đại biểu, Ban soạn thảo sẽ tiếp tục nghiên cứu kỹ
lưỡng về nội dung này để đưa ra các quy định phù hợp nhất trên tinh thần thực
hiện việc khen thưởng cho các thanh niên xung phong trong thời kỳ kháng chiến,
thể hiện được truyền thống uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa của dân tộc ta.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại hội nghị
Trên
cơ sở các nội dung được các đại biểu góp ý tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực
Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Ban soạn thảo tiếp thu và tiếp tục nghiên cứu, hoàn
thiện để thống nhất trình ra Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3 tới đây.
Tố Nga