ỦY BAN MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM TỈNH ĐỒNG NAI
 
Chưa có thông tin
 

Nội dung bản tin

 
Hoạt động giám sát của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội đã trở thành một hoạt động thường xuyên, trọng tâm, có tác động thực tế để thực hiện nhiệm vụ tham gia xây dựng Đảng, chính quyền.
Đăng ngày: 08-12-2021 09:36
asp:Label ID="lblSummary" runat="server"
Nhiều kiến nghị sau giám sát và phản biện xã hội đã được các cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm nghiêm túc tiếp thu và thực hiện.
 

Công tác giám sát và phản biện xã hội; tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của hệ thống Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp nhằm xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh. Nhiệm vụ này được khẳng định trong Hiến pháp, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015, đặc biệt được quy định cụ thể tại Quyết định số 217 và 218-QĐ/TW ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị (khóa XI).

20211126_150047.jpg
Hội nghị phản biện xã hội do Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ tỉnh chủ trì

Năm 2021, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh đã tích cực triển khai thực hiện Quyết định số 217 và số 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị về giám sát và phản biện xã hội; góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền và đạt được nhiều kết quả.

Công tác giám sát có nhiều tiến bộ, hình thức giám sát đa dạng hơn, nội dung giám sát trên nhiều lĩnh vực, cách thức tổ chức có nhiều sáng tạo, đưa ra nhiều kiến nghị thiết thực. Các lĩnh vực, nội dung giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong thời gian qua xuất phát và tập trung vào việc giải quyết những bức xúc, đòi hỏi của đông đảo nhân dân, trên cơ sở xây dựng kế hoạch thực hiện một cách khoa học, sát với yêu cầu và điều kiện thực tế, bảo đảm tính khả thi. Trong năm Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh chủ trì tổ chức giám sát 6 nội dung gồm: Công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2021-2026, đã thành lập 5 đoàn giám sát công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 tại Ủy Ban bầu cử 05 huyện gồm: Định Quán; Thống Nhất; Tân Phú; Cẩm Mỹ và thành phố Biên Hòa. Giám sát công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo đối với Chủ tịch UBND thành phố Long Khánh; giám sát cán bộ đảng viên và công tác cán bộ đối với UBND huyện Vĩnh Cửu; giám sát công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm đối với UBND huyện Trảng Bom; giám sát việc thực hiện các Dự án tái định cư, công tác bố trí tái định cư cho người dân đối với UBND huyện Nhơn Trạch; Giám sát việc thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid – 19 đối với Sở Lao động thương binh và xã hội. Tham gia phối hợp với Thường trực và các ban Hội đồng nhân dân tỉnh tổ chức giám sát được 16 cuộc với các nội dung như: giám sát việc thực hiện Nghị quyết 01/NQ-HĐND ngày 10/7/2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh Quy định số lượng, chức danh, chế độ, chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách cấp xã, ấp (khu phố) trên địa bàn tỉnh Đồng Nai; giám sát việc thực hiện chính sách đối với người có uy tín, thực hiện chính sách ở các xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; giám sát kết quả thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan Nhà nước và phát triển chính quyền số trên địa bàn tỉnh; giám sát việc xử lý tin báo tố giác tội phạm và cho hưởng án treo…

Uỷ ban MTTQ Việt Nam Cấp huyện, xã tổ chức giám sát được 928 cuộc với các nội dung: Công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo; việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người lao động và sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid – 19; công tác cấp phát quà cho hộ nghèo nhân dịp tết… tham gia phối hợp với Hội đồng nhân dân các cấp và các đoàn thể chính trị - xã hội tổ chức khảo sát, giám sát trên 250 cuộc về tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và việc thực hiện nghị quyết của Hội đồng nhân dân các cấp.

Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các xã, phường, thị trấn đã tập trung củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân và Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng. Trong năm, căn cứ chức năng, nhiệm vụ của mình, các Ban Thanh tra nhân dân đã tích cực tham gia giám sát các cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm ở xã, phường, thị trấn. Đã thực hiện 369 cuộc về giám sát những hạng mục công trình trong xây dựng nông thôn mới, giám sát việc lấy ý kiến về sự hài lòng của người dân trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn; giám sát việc bình xét hộ nghèo hàng năm; giám sát việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng đại dịch Covid -19...Ban giám sát đầu tư của cộng đồng đã giám sát được 676 công trình; trong đó chủ yếu là các công trình, dự án sử dụng vốn ngân sách Nhà nước đầu tư xây dựng trên địa bàn xã và công trình có kinh phí do nhân dân đóng góp như trường học, đường giao thông nông thôn, công trình chợ nông thôn trong thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới… Qua giám sát, đã phát hiện, kiến nghị với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết 46 vụ việc, góp phần khắc phục kịp thời các công trình sử dụng vật liệu không đúng chủng loại, tiến độ thi công chậm, ảnh hưởng đến môi trường, không đảm bảo chất lượng công trình...

Trong năm 2021 Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức phản biện xã hội đối với dự thảo Nghị quyết ban hành chính sách phát triển giáo dục mầm non ngoài công lập trên địa bàn tỉnh.

Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp huyện, cấp xã đã tổ chức được 70 Hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo Nghị quyết như: Dự thảo Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ cấp huyện, cấp xã về “Mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu năm 2021 về phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng của địa phương”; các dự thảo nghị quyết của HĐND cấp huyện: dự thảo Nghị quyết điều chỉnh tổng thể quy hoạch xây dựng đô thị tỷ lệ 1/5000 thị trấn Gia Ray, huyện Xuân Lộc đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050; dự thảo Nghị quyết Đề án Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 huyện Xuân Lộc; dự thảo Nghị quyết về giao cho UBND xã làm chủ đầu tư dự án nhóm C những công trình có giá trị dưới 1 tỷ đồng; Dự thảo Nghị quyết về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 của huyện Trảng Bom; Dự thảo Nghị quyết về điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công đợt 2 năm 2021 huyện Trảng Bom; dự thảo Nghị quyết về quy hoạch sử dụng đất huyện Trảng Bom đến năm 2030; các Đề án, kế hoạch như: dự thảo đề án sự cần thiết thực hiện cân đối nguồn ngân sách, huy động mọi nguồn lực trong xây dựng cơ sở vật chất trường học đạt chuẩn Quốc gia giai đoạn 2021-2025 huyện Xuân Lộc, Dự thảo đề án phương án nhà thi đấu kết hợp quảng trường thành phố Long Khánh;  Dự thảo Kế hoạch thu gom rác thải sinh hoạt trên địa bàn huyện Long Thành. 

Qua các hội nghị phản biện xã hội, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp và các Hội đồng tư vấn Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã có các phản biện, kiến nghị, đề xuất cơ quan soạn thảo dự thảo Nghị quyết xem xét, nghiên cứu và bổ sung những ý kiến phản biện phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, có tính thuyết phục cao vào dự thảo Nghị quyết để trình Hội đồng nhân dân, UBND các cấp xem xét thông qua. Bên cạnh đó năm 2021, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã tham gia góp ý 4 dự thảo Luật của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh và 60 văn bản của các cơ quan như: Ủy ban nhân dân tỉnh, Dự thảo Nghị quyết trình Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban Đảng Tỉnh ủy, các sở ngành liên quan; Đối với cấp huyện, cấp xã trong năm 2021 đã tham gia góp ý 326 văn bản của cấp ủy và chính quyền, các cơ quan địa phương.

Đến thời điểm này, có thể nhận thấy hoạt động giám sát, phản biện xã hội; tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền của MTTQ các cấp đã trở thành một hoạt động thường xuyên, trọng tâm và có tác động thực tế, mang tính đột phá để thực hiện nhiệm vụ tham gia xây dựng Đảng, chính quyền. Nhiều kiến nghị sau giám sát và phản biện xã hội đã được các cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm nghiêm túc tiếp thu và thực hiện.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác giám sát và phản biện xã hội còn những hạn chế, như: nhiều nơi còn lúng túng trong lựa chọn nội dung giám sát và phản biện xã hội; chưa đưa ra được tiêu chí để lựa chọn nội dung giám sát và phản biện xã hội phù hợp; kết quả giám sát và phản biện xã hội chưa đều; phản biện còn ít; một số nơi thụ động chưa rõ vai trò của chủ thể giám sát, phản biện xã hội; còn biểu hiện nể nang, né tránh, ngại va chạm, chưa dám nêu chính kiến của mình; kỹ năng năng lực trình độ cán bộ còn hạn chế; việc theo dõi thực hiện sau giám sát và phản biện xã hội nhiều nơi làm chưa tốt.

Qua thực hiện nhiệm vụ giám sát, phản biện xã hội, vị trí, vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp được nâng lên. Vấn đề đặt ra hiện nay là làm sao nâng cao hơn chất lượng công tác giám sát, đặc biệt là phản biện xã hội; phát huy vai trò chủ động của chủ thể giám sát, phản biện; tranh thủ sự lãnh đạo của cấp ủy, sự đồng tình, ủng hộ, tạo điều kiện của chính quyền, đối tượng được giám sát; sự phối hợp của các tổ chức thành viên, giúp đỡ của nhân dân. Điều đó đòi hỏi phải thực hiện tốt một số nội dung:

Một là, tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền các quy định của Đảng và Nhà nước về giám sát, phản biện xã hội; kết quả, kinh nghiệm, cách làm thiết thực trong tổ chức thực hiện nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và nhân dân về công tác giám sát và phản biện xã hội.

Hai là, tập trung hướng dẫn quy trình, kinh phí bảo đảm thực hiện nhiệm vụ giám sát, phản biện xã hội; chú trọng công tác bồi dưỡng, tập huấn chuyên sâu cho cán bộ Mặt trận, đoàn thể về công tác giám sát và phản biện xã hội; giám sát của Ban Thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư của cộng đồng.

Ba là, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp cần phát huy những kinh nghiệm, cách làm sáng tạo, hiệu quả. Trong xây dựng kế hoạch giám sát, phản biện xã hội hàng năm dựa vào những vấn đề nhân dân đang bức xúc, các cấp đang quan tâm; theo đề nghị của cấp ủy chính quyền, các tổ chức thành viên của Mặt trận; qua trao đổi phối hợp với đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân. Bên cạnh đó, việc tổ chức đoàn giám sát và triển khai thực hiện cũng cần được quan tâm trong đó cần: rõ nội dung chủ trì, rõ nội dung phối hợp; tổ chức đoàn giám sát nên hợp lý, không nên nhiều đoàn trong một thời gian địa điểm, tăng giám sát vụ việc qua giám sát giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, công khai kết luận thanh tra, vấn đề báo chí dư luận đang quan tâm; phối hợp chặt chẽ với báo, đài cơ quan truyền thông đang tuyên truyền và giám sát thực hiện kiến nghị và tổng hợp thông tin, báo cáo tham mưu đề xuất kịp thời.

Bốn là, Phối hợp với các ban của Đảng tỉnh ủy tham gia xây dựng quy định của Đảng về giám sá́t cán bộ đảng viên.

 

(Xuân Tuấn)

 

 

 

 

 

In nội dung
Các tin đã đăng ngày:
 
Về đầu