Theo
đánh giá của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sau 17 năm thực hiện, Luật Thi đua,
khen thưởng hiện hành đã và đang đi vào cuộc sống, được các cấp, các ngành, tổ
chức thực hiện có hiệu quả. Công tác thi đua, khen thưởng ngày càng có vị trí
quan trọng trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và trong đời sống xã hội.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Luật còn bộc lộ một số tồn tại, hạn
chế cần được nghiên cứu, sửa đổi, hoàn thiện để phù hợp hơn với thực tiễn.
Cụ thể: Luật
Thi đua, khen thưởng hiện hành trên thực tế chưa quy định rõ việc phân cấp,
phân quyền trong khen thưởng; tỷ lệ khen thưởng cấp nhà nước chưa cân đối trong
từng lĩnh vực, đối tượng tập trung chủ yếu vào khen niên hạn, khen công chức,
viên chức, lực lượng vũ trang; một số quy định về tiêu chuẩn khen thưởng chưa
rõ ràng, cụ thể, phải điều chỉnh bằng các văn bản dưới Luật như Nghị định,
Thông tư… Đối với thủ tục, hồ sơ khen thưởng, một số quy định về thủ tục, thành
phần, số lượng hồ sơ chưa đáp ứng được yêu cầu cải cách hành chính; quy định thủ
tục, hồ sơ khen thưởng đối với cá nhân, tập thể có thành tích đột xuất được cấp
trên phát hiện, khen thưởng và một số loại hình khen thưởng chưa phù hợp. Việc ứng
dụng công nghệ thông tin trong công tác thi đua, khen thưởng chưa được quy định
cụ thể, đồng bộ để đáp ứng yêu cầu thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước
và chuyển đổi số quốc gia. Hơn nữa, việc tổ chức triển khai phong trào thi đua ở
một số nơi còn hình thức, chưa tạo được động lực thi đua từ cơ sở, từ quần
chúng nhân dân; hiệu quả, tác dụng phong trào thi đua chưa cao, một số nơi
phong trào thi đua chưa gắn kết với thực hiện nhiệm vụ chính trị; việc sơ kết,
tổng kết phong trào thi đua chưa kịp thời; nội dung, tiêu chí xét tặng danh hiệu
thi đua chưa cụ thể, rõ ràng, việc công nhận danh hiệu thi đua chưa thống nhất.
Do đó, Luật sửa đổi lần này cần phải khắc phục được những tồn tại, hạn chế nêu trên.
Mục tiêu
sửa đổi Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) lần này là nhằm hoàn thiện quy định của pháp
luật về thi đua, khen thưởng phù hợp với công cuộc đẩy mạnh công nghiệp hóa,
hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế; thể chế hóa, cụ thể hóa các quan
điểm chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, đảm bảo đồng bộ, phù hợp yêu cầu của thực
tiễn. Đồng thời, đáp ứng yêu cầu đổi mới công tác thi đua, khen thưởng về nội
dung, hình thức, phương pháp tổ chức các phong trào thi đua; phát hiện, bồi
dưỡng, tổng kết và nhân điển hình tiên tiến; đề cao vai trò, trách nhiệm của
người đứng đầu trong việc phát hiện những điển hình tiên tiến để khen thưởng và
đề nghị cấp có thẩm quyền khen thưởng; khen thưởng công nhân, nông dân, người trực
tiếp lao động, sản xuất, công tác, chiến đấu; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông
tin, công nghệ số để đơn giản hóa thủ tục hành chính, đảm bảo kịp thời, minh
bạch, công khai, khả thi và hiệu quả trong việc thực hiện các quy định của
Luật.
Dự thảo
Luật sửa đổi lần này gồm có 100 điều (giảm 03 điều so với Luật hiện hành); sửa
đổi, điều chỉnh 79 điều, đặt tên điều luật đối với 100 điều. Nội dung sửa đổi,
bổ sung trong dự thảo Luật đã thể hiện các quan điểm, định hướng đổi mới công
tác thi đua, khen thưởng của Đảng theo Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 07/4/2014 của Bộ
Chính trị vào phương án chính sách xây dựng dự án Luật đã được Chính phủ thông
qua. Trong đó, tập trung sửa đổi, bổ sung hoàn thiện hệ thống danh hiệu thi
đua; hoàn thiện hệ thống hình thức khen thưởng; hoàn thiện chế định về thẩm quyền
và trách nhiệm quản lý nhà nước về thi đua, khen thưởng; cải cách thủ tục hành
chính trong thi đua, khen thưởng.
Sau
khi có ý kiến góp ý của các chuyên gia, cơ quan trình (Bộ Nội vụ) và cơ quan thẩm
tra (Ủy ban Xã hội) tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu, bổ sung, điều chỉnh để Luật
sửa đổi lần này khắc phục được bệnh thành tích; công khai minh bạch; bao quát,
không để khoảng trống, đảm bảo sự bình đẳng trong các cơ quan, tổ chức chính
trị; khắc phục tình trạng chồng chéo, thận trọng đối với những vấn đề bổ sung mới như ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Quôc hội Vương Đình Huệ tại Phiên họp thứ 2 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào ngày 17/8.
Luật Thi đua,
khen thưởng (sửa đổi) sẽ được trình ra Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV vào tháng 10 năm 2021.
Tố Nga