Tham dự Hội nghị có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam Lê Tiến Châu; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải; Đại tướng Đỗ Bá Tỵ, Phó Chủ tịch Quốc hội; Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường; các Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam: Trương Thị Ngọc Ánh, Ngô Sách Thực, Nguyễn Hữu Dũng, Phùng Khánh Tài; các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội và lãnh đạo UBTƯ MTTQ Việt Nam.
|
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến chủ trì Hội nghị |
Chủ động, tích cực, sáng tạo và linh hoạt trong công tác phối hợp
Đánh giá công tác phối hợp giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội với Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam trong công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, Trưởng Ban công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và hệ thống Mặt trận từ Trung ương đến địa phương đã chủ động, tích cực, sáng tạo, linh hoạt tổ chức, triển khai thực hiện có hiệu quả công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 -2026, bảo đảm thời gian, đúng quy định của pháp luật.
|
Trưởng Ban công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh báo cáo tại Hội nghị |
Công tác hiệp thương lựa chọn, giới thiệu những người ứng cử được chuẩn bị chu đáo, thận trọng, bài bản, chặt chẽ, bảo đảm nhất quán sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng về dự kiến cơ cấu, thành phần, số lượng người ứng cử. Trong quá trình hiệp thương, quán triệt sâu sắc nguyên tắc phát huy dân chủ, công khai, minh bạch, tạo được sự đồng thuận cao, đề cao tiêu chuẩn, tâm huyết của người ứng cử để lựa chọn những người có đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định pháp luật.
Kết quả cuộc bầu cử đã chọn được 499 đại biểu Quốc hội khóa XV, 3.721 người trúng cử đại biểu HĐND cấp tỉnh, 22.550 người trúng cử đại biểu HĐND cấp huyện và 239.788 đại biểu HĐND cấp xã. Các đại biểu đều bảo đảm tiêu chuẩn, chất lượng và có cơ cấu hợp lý, giảm đại biểu kiêm nhiệm làm việc trong các cơ quan hành pháp, tư pháp, tăng tỷ lệ đại biểu hoạt động chuyên trách.
Bà Nguyễn Thị Thanh khẳng định, công tác phối hợp giữa hai cơ quan tổ chức bầu cử đạt kết quả tốt đẹp, nhất là trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 bùng phát đợt thứ tư, với nhiều diễn biến phức tạp. Cuộc bầu cử đã phát huy được tinh thần dân chủ, công khai, minh bạch trong từng bước triển khai công tác bầu cử. Tỷ lệ cử tri tham gia bỏ phiếu rất cao, đạt 99,60% thể hiện ý thức chính trị, trách nhiệm, lòng yêu nước, niềm tin của Nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng trong việc tích cực tham gia bầu cử để lựa chọn những người tiêu biểu, xứng đáng tham gia vào Quốc hội, HĐND các cấp.
“Có được kết quả này chính là do sự đồng tâm, hiệp lực, sự đoàn kết, ủng hộ của toàn dân, ý thức và trách nhiệm cao trong thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân. Đại đoàn kết toàn dân tộc chính là cội nguồn sức mạnh nội sinh của dân tộc Việt Nam - bài học kinh nghiệm này đã được đúc rút qua lịch sử dân tộc và tiếp tục phát huy, tỏa sáng trong cuộc bầu cử”, bà Nguyễn Thị Thanh nhấn mạnh.
Đổi mới, nâng cao chất lượng công tác tiếp xúc cử tri
|
Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Lê Tiến Châu đưa ra một số kiến nghị để tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội khóa XV trong giai đoạn mới |
Tại Hội nghị, thay mặt Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Lê Tiến Châu cũng đưa ra một số kiến nghị để tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội khóa XV trong giai đoạn mới theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng.
Theo đó cần nâng cao vai trò, trách nhiệm của các Đoàn đại biểu Quốc hội trong xây dựng kế hoạch tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội; phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp trong tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân; quan tâm đến công tác tập huấn, trao đổi kinh nghiệm, bồi dưỡng kỹ năng cho đội ngũ cán bộ tham gia tổ chức tiếp xúc cử tri, nhất là kỹ năng tổ chức, chủ trì điều hành hội nghị và xây dựng báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri.
Bên cạnh đó cần tăng cường công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng và thông báo rộng rãi đến cử tri ở địa bàn biết để tham dự đầy đủ và có thời gian chuẩn bị nội dung góp ý, kiến nghị, hạn chế tình trạng cử tri “chuyên nghiệp”, đảm bảo đủ số lượng, đa dạng thành phần cử tri tham dự các cuộc tiếp xúc để phát biểu về các nội dung có liên quan; đồng thời quy định cụ thể hơn trách nhiệm của đại biểu Quốc hội, trách nhiệm của Đoàn đại biểu Quốc hội, Ủy ban MTTQ Việt Nam, Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp và các cơ quan, tổ chức có liên quan đối với hoạt động tiếp xúc cử tri với đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp; quy định chế tài cụ thể về trách nhiệm của các cơ quan, có thẩm quyền ở Trung ương và địa phương trong việc tiếp nhận, giải quyết và trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri…
|
Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến phát biểu tại Hội nghị |
Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh, trong hoạt động của MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên, công tác phối hợp với Ủy ban Thường vụ Quốc hội là một nội dung quan trọng, từ công tác bầu cử, giám sát hoạt động của các đại biểu, tổ chức tiếp xúc cử tri, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến Quốc hội, phản biện xây dựng pháp luật và các chính sách lớn liên quan đến người dân.
“Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam đã ký Quy chế phối hợp với Ủy ban Thường vụ Quốc hội để thực hiện nhiệm vụ. Kế thừa, phát huy và tiếp tục đổi mới nội dung hoạt động theo tinh thần văn kiện Đại hội XIII của Đảng, chúng tôi mong muốn và tin tưởng nhiệm kỳ này Chủ tịch Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục phối hợp, tạo điều kiện để UBTƯ MTTQ Việt Nam hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình”, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến bày tỏ.
Từ hoạt động thực tiễn, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến mong muốn Chủ tịch Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghiên cứu, có cơ chế quy định đối với việc tiếp xúc cử tri trong nhiệm kỳ mới. Để thí điểm triển khai nội dung này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có thể phối hợp với MTTQ Việt Nam tổ chức tiếp xúc cử tri trực tuyến toàn quốc theo đối tượng cử tri để lắng nghe ý kiến các chuyên gia, người có chuyên môn, thực tiễn về những nội dung lớn, có nhiều ý kiến khác nhau như Luật đất đai, Luật Đầu tư công.
Đối với việc tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến cho rằng, hiện nay việc tổng hợp này đang được thực hiện thông qua Ban Thường trực Ủy ban MTTQ các tỉnh, thành phố và Đoàn đại biểu Quốc hội nhưng thực tế vẫn chưa phản ánh được đầy đủ các vấn đề của cuộc sống. Bởi vậy, cần cho thí điểm khi các đại biểu Quốc hội kết thúc cuộc tiếp xúc cử tri cần có báo cáo gửi về Ban Dân nguyện và Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam để tổng hợp.
Nhấn mạnh tới nhiệm vụ giám sát, phản biện của Mặt trận trong giai đoạn hiện nay, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến đề nghị Chủ tịch Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội tăng thêm nhiệm vụ giám sát vụ việc, theo đến cùng một số nội dung phản ánh, kiến nghị của cử tri, nhất là ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội nêu ra tại các cuộc họp.
Tiếp tục hoàn thiện pháp luật về bầu cử phù hợp với tình hình thực tiễn
|
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại Hội nghị |
Đánh giá cao công tác phối hợp giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam trong công tác bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, những thành công rất tốt đẹp kỳ bầu cử vừa qua có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự lãnh đạo thường xuyên, sâu sát của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, sự cố gắng nỗ lực của Hội đồng bầu cử Quốc gia, của các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ, Ủy ban bầu cử các cấp. Trong đó có vai trò của Mặt trận rất quan trọng cùng sự vào cuộc với tinh thần trách nhiệm cao.
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa UBTV Quốc hội và Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam trong công tác bầu cử ở những khóa tiếp theo, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị cần sớm nghiên cứu để tiếp tục hoàn thiện pháp luật về bầu cử đảm bảo phù hợp với tình hình thực tiễn đặt ra như quy định cụ thể hơn về tiêu chuẩn của người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân, nhất là đối với đại biểu hoạt động chuyên trách; quy định chặt chẽ hơn về tỷ lệ số dư bắt buộc tại các lần hiệp thương, bảo đảm thực chất, tránh hình thức; bổ sung đa dạng hơn các hình thức vận động bầu cử, phù hợp với tình hình thực tế và ứng dụng được các thành tựu về công nghệ, thông tin.
“Thực tế vừa qua đã cho thấy chúng ta tổ chức rất linh hoạt và đạt hiệu quả cao hơn. Việc này không chỉ áp dụng trong điều kiện dịch bệnh mà trong điều kiện bình thường cũng là kinh nghiệm tốt cần áp dụng”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Cùng với đó, tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn hệ thống chính quyền và MTTQ các cấp ở địa phương thực hiện tốt quyền và trách nhiệm theo Luật Bầu cử và hướng dẫn của Hội đồng Bầu cử quốc gia. Phối hợp thực hiện đầy đủ, đúng vai trò, quyền và trách nhiệm trong việc thực hiện Quy trình hiệp thương lựa chọn, giới thiệu người ứng cử. Đặc biệt, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cần phối hợp chặt chẽ trước khi Hội đồng Bầu cử quốc gia quyết định việc giới thiệu và phân bổ đại biểu về ứng cử ở các địa phương.
|
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại Hội nghị |
Về Quy chế phối hợp giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Hội nghị thống nhất giao cho Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Lê Tiến Châu và Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường phối hợp rà soát, nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện để phục vụ cho hoạt động phối hợp giữa hai cơ quan trong nhiệm kỳ mới.
Để tiếp tục để đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động và hiệu quả hoạt động của Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, kế thừa những thành tựu đạt được của các khóa trước đây, trên cơ sở Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Nghị quyết số 161 Kỳ họp thứ 11, Quốc hội Khóa XIV, Đảng đoàn Quốc hội đã cùng các cơ quan hữu quan ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Chương trình hành động này đang được triển khai thực hiện rất quyết liệt.
Nhấn mạnh hiện nay, chương trình hành động của Đảng đoàn Quốc hội có rất nhiều nội dung, bám sát nghị quyết của Đảng, liên quan đến công tác giám sát, tiếp xúc cử tri…, trong đó có nhiều nội dung phối hợp với MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam phối hợp với các cơ quan hữu quan của Quốc hội để nghiên cứu, tổng kết đánh giá và đề xuất nội dung cần thiết phải sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện Nghị quyết liên tịch số 525 giữa UBTV Quốc hội và Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam về tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội và nội dung để tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND tại Nghị quyết 753 của UBTV Quốc hội.
Bên cạnh đó hai bên cần phối hợp để thực hiện hiệu quả việc tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân tại các kỳ họp của Quốc hội; tiếp tục hoàn thiện bổ sung, sửa đổi những quy định về công tác giám sát; xem xét nghiên cứu để hoàn thiện các quy phạm pháp luật về công tác giám sát….
Về báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân tại Kỳ họp của Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, ngoài các “nguồn” để tổng hợp như hiện nay, Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam cần nghiên cứu tổng hợp trực tiếp từ các đại biểu Quốc hội, các đại biểu chuyên trách.