ỦY BAN MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM TỈNH ĐỒNG NAI
 
Chưa có thông tin
 

Nội dung bản tin

 
Truyền dạy cho thế hệ trẻ tiếng dân tộc thiểu số
Đăng ngày: 01-07-2021 03:37
asp:Label ID="lblSummary" runat="server"
Chủ trương của Đảng, Nhà nước về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc đã nêu: Đi đôi với việc sử dụng tiếng nói, chữ viết phổ thông, khuyến khích thế hệ trẻ thuộc đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) học tập, hiểu biết và sử dụng thành thạo tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình… Thực hiện chủ trương nêu trên, thời gian qua, các trưởng bản và bà con dân tộc Lào, dân tộc Mường tại huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) đã có một số cách làm hay nhằm từng bước bảo tồn, duy trì tiếng nói của dân tộc mình.

Người cao tuổi ở bản Phú Lâm, xã Phú Gia, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) hướng dẫn trẻ em học tiếng Lào.
Huyện miền núi Hương Khê có khoảng 22 dân tộc sinh sống. Trong đó dân tộc Lào tại bản Phú Lâm, xã Phú Gia có 256 nhân khẩu; dân tộc Mường tại bản Lòi Sim, xã Hương Trạch có khoảng 605 nhân khẩu; dân tộc Chứt tại bản Rào Tre, xã Hương Liên có 152 nhân khẩu; dân tộc Chứt tại bản Giàng, xã Hương Vĩnh có 46 nhân khẩu. Còn lại các dân tộc khác sống rải rác trong các xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Tất cả các DTTS nêu trên đều không có chữ viết riêng và chỉ có dân tộc Chứt ở bản Rào Tre và bản Giàng vẫn duy trì tiếng của dân tộc mình.

 Hiện, ở các bản này chỉ có một số ít người cao tuổi nói được tiếng dân tộc mình, còn giới trẻ hầu như không được truyền dạy ngôn ngữ mẹ đẻ của dân tộc các em. Thầy giáo Lê Hữu Tân, chuyên viên Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Tĩnh phụ trách về công tác giáo dục dân tộc cho biết, trước thực trạng đó, thầy đã nhiều lần gặp, động viên, thuyết phục các trưởng bản, Hội đồng già làng hiểu về tầm quan trọng, trách nhiệm và nhiệm vụ của các vị chức sắc, cao niên trong việc truyền dạy, duy trì, bảo tồn tiếng nói dân tộc mình.

 Các trưởng bản, Hội đồng già làng dần hiểu việc làm mất tiếng nói vốn có của dân tộc là làm phai nhạt bản sắc văn hóa của dân tộc mình trong cộng đồng dân tộc Việt Nam. Khoảng hơn nửa năm nay, các trưởng bản, Hội đồng già làng tại bản Lòi Sim và bản Phú Lâm đã có nhiều cách thức truyền dạy cho thế hệ trẻ tiếng dân tộc mình.
 
Ông Đinh Văn Hòe, Trưởng bản người Lào tại bản Phú Lâm, xã Phú Gia cho biết, ông đã tập hợp những người cao tuổi trong bản còn biết và nói được một số tiếng dân tộc để phiên tiếng Lào thành tiếng Việt, viết ra giấy như là “từ điển”, rồi yêu cầu các gia đình ở bản từng bước sử dụng trong sinh hoạt gia đình (thí dụ như: thìa-buông, ấm nước-ấm đờ, dép-cớp, vở viết - khiên nạng xự, bút-mích…). Bước đầu, đã có một số gia đình sử dụng tiếng của dân tộc để gọi tên các vật dụng hay trao đổi ngắn với nhau.
 
Ông Phan Thanh Tuyền, Trưởng bản Lòi Sim, xã Hương Trạch, thành viên Hội đồng già làng cũng chia sẻ, Hội đồng già làng đã họp và nhất trí phải bằng nhiều hình thức để từng bước khôi phục tiếng nói của người Mường trong sinh hoạt tại gia đình. Hội đồng già làng coi việc truyền dạy tiếng Mường trong gia đình là ưu tiên hàng đầu trong một số việc của bản. Trước mắt, người biết và nói được tiếng Mường sẽ hướng dẫn, truyền dạy cho người chưa biết, vận động bà con chú ý sử dụng tiếng dân tộc Mường trong bữa cơm, sinh hoạt hằng ngày. Hiện, một số gia đình đã dùng tiếng Mường trong sinh hoạt hằng ngày.
 
Kết quả bước đầu trong khôi phục, duy trì tiếng nói dân tộc tại hai bản dân tộc Lào, Mường của huyện Hương Khê đã thể hiện vai trò quan trọng của các trưởng bản. Theo các trưởng bản, việc truyền dạy, bảo tồn tiếng nói của người dân tộc hiện gặp không ít khó khăn. Trở ngại lớn nhất đó là giới trẻ có tâm lý e ngại, tự ti khi nói tiếng dân tộc. Do đó, phải từng bước làm cho các em tự hào, yêu mến tiếng nói dân tộc mình. Từ đó có trách nhiệm truyền dạy, bảo tồn tiếng nói, tiến tới sử dụng thành thạo tiếng nói của dân tộc mình trong cộng đồng.
 
ĐỂ việc bảo tồn và duy trì tiếng nói dân tộc thiểu số đạt hiệu quả, trước hết tại các cộng đồng dân tộc cần tiếp tục duy trì việc tổ chức truyền dạy cho con cháu bằng nhiều hình thức linh hoạt, thường xuyên từ gia đình đến làng bản; trong sinh hoạt gia đình, nhóm gia đình và cộng đồng. Các cấp chính quyền địa phương cần thực hiện vai trò, trách nhiệm của mình bằng các việc làm cụ thể; có các chính sách linh hoạt, phù hợp, kịp thời.

Các tổ chức đoàn thể và các trường học trên địa bàn, bằng nhiều hình thức, việc làm thiết thực tham gia hỗ trợ tích cực công tác bảo tồn, duy trì tiếng nói của dân tộc thiểu số theo tinh thần các văn bản chỉ đạo đã được Đảng, Nhà nước, và các cấp chính quyền ban hành, hướng dẫn.
 ​Nguồn Báo Nhân dân

In nội dung
Các tin đã đăng ngày:
 
Về đầu