Từ ngày ra đời đến nay, tên gọi các hình thức mặt trận có thể
khác nhau, song đều là mặt trận dân tộc thống nhất với sứ mệnh tập hợp, đoàn kết
các tầng lớp nhân dân, các đảng phái, các dân tộc, tôn giáo, phát huy lòng yêu
nước, nhiệt tình cách mạng, ý chí đấu tranh, sự hy sinh và cống hiến của mỗi
người, góp phần tạo nên những thắng lợi vĩ đại trong sự nghiệp cách mạng của
Nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Tháng 5/1941, Nguyễn Ái Quốc triệu tập Hội nghị Trung ương lần thứ VIII (khóa I) quyết định thành lập Mặt trận Việt Nam Độc lập Đồng minh,
gọi tắt là Mặt trận Việt Minh nhằm
tập hợp và đoàn kết rộng rãi các giai cấp, các dân tộc, tôn giáo,
các giới…vào thực hiện thắng lợi nhiệm vụ cách mạng. Ngày 19/5/1941, Mặt trận Việt Minh ra đời thay cho Mặt trận Dân
tộc thống nhất phản đế Đông Dương và đặt ra nhiệm vụ giúp đỡ các dân tộc Lào và
Campuchia thành lập mặt trận dân tộc của nước mình. Mặt trận Việt Minh lấy lá
cờ đỏ có ngôi sao vàng năm cánh làm huy hiệu, khẩu hiệu chính là: phản Pháp -
kháng Nhật - liên hoa - độc lập. Việc
quyết định thành lập Mặt trận Việt Minh là một chủ trương hết sức sáng suốt của
Trung ương Đảng và Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc có ý nghĩa quan trọng thúc đẩy sự
phát triển phong trào cách mạng giải phóng dân tộc mà đỉnh cao là thắng lợi của
Cách mạng tháng Tám năm 1945.
Ngày 02/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh
thay mặt Chính phủ lâm thời đọc bảnTuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tiếp đó,
đại biểu Tổng bộ Việt Minh Nguyễn Lương Bằng đọc lời Hiệu triệu đồng bào cả nước.
Chuyển
sang thời kỳ phát triển mới của cách mạng, chính quyền nhân dân được thành lập
từ Trung ương đến các địa phương trong cả nước, Mặt trận Việt Minh không còn
làm chức năng chính quyền như trước nữa. Hoạt động của Việt Minh nhằm củng cố
và phát triển tổ chức của Mặt trận, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, làm
chỗ dựa cho chính quyền và động viên quần chúng tham gia xây dựng và bảo vệ đất
nước. Từ đó, những nhiệm vụ ngoại giao tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của lực
lượng cách mạng các nước, đấu tranh chống bọn phản động quốc tế trước
kia do Việt Minh tiến hành, nay do Chính phủ đảm nhiệm.
Sau Cách
mạng tháng Tám năm 1945, nước ta đứng trước tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”.
Thù trong, giặc ngoài; nạn đói, nạn dốt, nội phản, ngoại xâm tấn công tứ phía. Sách
lược của ta lúc này là mở rộng Việt Minh bao gồm mọi tầng lớp nhân dân, chú trọng
lôi kéo địa chủ và đồng bào các tôn giáo vào Việt Minh. Nhiệm vụ củng cố và
phát triển Việt Minh được đề ra cụ thể, rõ ràng, hết sức phát triển các tổ chức
cứu quốc, thống nhất trong toàn kỳ, toàn quốc, sửa lại điều lệ cho thích hợp với
hoàn cảnh mới. Tổ chức thêm những đoàn thể cứu quốc vào Mặt trận Việt Minh như
Việt Nam công giáo cứu quốc hội (Phật giáo cứu quốc đã có từ trước đó), Việt
Nam hướng đạo cứu quốc đoàn. Giúp cho Đảng Dân chủ Việt Nam thống nhất và phát
triển để thu hút vào Mặt trận những tầng lớp tư sản, địa chủ yêu nước và tiến bộ...
Bản Chỉ thị còn đề ra những nhiệm vụ cụ thể để chấn chỉnh tổ chức và hoạt động
của Tổng bộ Việt Minh cũng như các đoàn thể cứu quốc.
Để làm
thất bại âm mưu của bọn quân phiệt Trung Quốc "tiêu diệt Đảng Cộng sản",
từ ngày 11/11/1945, Đảng ta tuyên bố “giải tán”, thực chất là chuyển vào hoạt động
bí mật để tránh mũi nhọn tấn công của kẻ thù, chủ động duy trì và mở rộng khối
đại đoàn kết dân tộc, đưa đất nước vượt qua thác ghềnh nguy hiểm.Từ đó, vai trò
của Việt Minh trong đời sống chính trị của đất nước ngày càng được đề cao, trở
thành hình ảnh của khối đại đoàn kết các tầng lớp, các đảng phái, tôn giáo, dân
tộc và bộ tộc ngày càng thu nhận thêm những tổ chức thành viên mới, những nhân
sĩ yêu nước, trí thức cao cấp thuộc các tầng lớp trên của xã hội.
Để ngăn
chặn và phân hóa hàng ngũ cả đảng chính trị, phản động bám gót quân Tưởng, Việt
Minh ký Tuyên ngôn đoàn kết với Việt Nam Cách mệnh Đồng minh hội; ký thỏa hiệp
với Việt Nam Quốc dân đảng; ra Thông cáo chung với Việt Nam Cách mệnh Đồng minh
hội về việc giao thiệp với Việt Nam Quốc dân đảng; ký kết thỏa thuận với Việt
Nam Cách mệnh Đồng minh hội và Việt Nam Quốc dân đảng về việc lập Chính phủ
liên hợp,...; tự nguyện nhường lại 70 ghế
trong Quốc hội cho các tổ chức, đảng phái khác. Điều nàythể hiện rõ chính sách
đoàn kết dân tộc, có tác dụng lôi kéo những người do dự, kể cả những người vốn
có tư tưởng chống đối. Bằng uy tín cá nhân, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn tập hợp được
nhiều nhân vật tiêu biểu của chế độ cũ tham gia Mặt trận dân tộc thống nhất.
Những hoạt
động yêu nước sôi nổi, chân thành và nhiệt tình của Việt Minh góp phần tích cực
vào việc đoàn kết toàn dân chung quanh Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ cách mạng
giữ vững chủ quyền dân tộc.
Thông
qua các đoàn thể cứu quốc, Mặt trận Việt Minh đã tuyên truyền, vận động quần
chúng tự nguyện và hăng hái tham gia các phong trào sản xuất, cứu đói, hũ gạo
tiết kiệm, tuần lễ vàng, bình dân học vụ... nhằm phát huy tinh thần yêu nước của
Nhân dân để vượt qua những khó khăn về kinh tế, tài chính. Mặt trận cùng các
đoàn thể vận động và tổ chức nhân dân thực hiện quyền làm chủ thông qua cuộc Tổng
tuyển cử bầu Quốc hội, xây dựng Hiến pháp mới, làm cho chính quyền thực sự là của
dân, gắn bó với nhân dân. Do vậy toàn dân đem hết tinh thần và nghị lực quyết
tâm bảo vệ chính quyền cách mạng. Khối đoàn kết toàn dân đã thực sự trở thành hậu
thuẫn vững chắc để chống lại thù trong giặc ngoài.
Nhờ dựa
chắc vào khối đoàn kết toàn dân, Nhà nước ta đã thực hiện thành công sách lược
khôn khéo, mềm dẻo và linh hoạt. Lúc đầu tạm hoãn và nhân nhượng với quân Tưởng,
tập trung chống thực dân Pháp ở miền Nam. Sau khi hiệp ước Hoa - Pháp được ký kết,
ta kịp chuyển sang hòa hoãn với Pháp để gạt nhanh quân Tưởng về nước.
Đảng ta, Nhà nước ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh
đã đề ra và thực hiện chủ trương nhất quán là thống nhất bên trong, tìm bạn bên
ngoài, tăng cường thực lực cách mạng trên cơ sở dựa chắc vào khối đoàn kết toàn
dân được tập hợp trong Mặt trận Việt Minh và các đoàn thể cứu quốc. Nhờ đó, con
thuyền cách mạng Việt Nam vượt qua mọi thác ghềnh nguy hiểm, giữ vững chính quyền,
chủ động chuẩn bị cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Thành công
này không chỉ nêu lên một mẫu mực về sách lược hòa hoãn, lợi dụng mâu thuẫn
trong nội bộ kẻ thù mà còn nêu lên một mẫu mực về sự nhân nhượng có nguyên tắc
để củng cố và mở rộng Mặt trận dân tộc thống nhất, làm hậu thuẫn cho việc giữ vững
chính quyền cách mạng./.
Duy Anh