Một là, giám sát việc thành lập và hoạt động của các tổ chức phụ trách
bầu cử (nhất là ở địa phương) phải đảm bảo đúng pháp luật; như: về cơ cấu,
thành phần, số lượng thành viên các tổ chức phụ trách bầu cử, đảm bảo có đại
diện các tổ chức chính trị - xã hội tham gia các tổ chức phụ trách bầu cử. Theo
quy định của Luật bầu cử Quốc hội và HĐND thì đại diện Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc và
một số tổ chức thành viên của Mặt trận được tham gia các tổ chức phụ trách bầu
cử. Ở trung ương, đại diện Uỷ ban Trung ương MTTQVN tham gia Hội đồng bầu cử
với tư cách là Phó Chủ tịch và thành viên Hội đồng bầu cử. Ở các địa phương, Uỷ
ban MTTQ các cấp tham gia với vai trò là Phó Chủ tịch Uỷ ban bầu cử, Phó trưởng
Ban bầu cử và Tổ phó Tổ bầu cử. Ban thường trực Uỷ ban MTTQ các cấp còn có
quyền phối hợp với Thường trực HĐND và Ủy ban nhân dân cùng cấp để thành lập
các tổ chức phụ trách bầu cử đó. Việc tham gia vào các tổ chức phụ trách bầu cử
của đại diện Uỷ ban MTTQVN và một số tổ chức thành viên của Mặt trận sẽ là điều
kiện thuận lợi để MTTQ thực hiện tốt hoạt động giám sát của mình trong cuộc bầu
cử nói chung cũng như giám sát việc thành lập các tổ chức phụ trách bầu cử nói
riêng.
Hai là, giám sát việc giới thiệu người ra ứng cử HĐND và thủ tục làm hồ
sơ ứng cử; giám sát việc tổ chức lấy ý kiến cử tri nơi cư trú đối với người ứng
cử. Cụ thể như: giám sát hoạt động của Ban lãnh đạo cơ quan, tổ chức, đơn vị dự
kiến người ra ứng cử; giám sát việc tổ chức lấy ý kiến cử tri nơi công tác của
người được cơ quan, tổ chức, đơn vị giới thiệu ứng cử,giám sát việc hướng dẫn
thủ tục hoàn tất hồ sơ, thời hạn nộp hồ sơ (kể cả với những người tự ứng cử),
việc chuyển hồ sơ; số lượng người giới thiệu ứng cử so với số lượng đại biểu
được bầu; thành phần, số lượng cử tri lấy ý kiến ở nơi cư trú.
Ba là, giám sát việc lập danh sách cử tri, việc giải quyết khiếu
nại, tố cáo về danh sách cử tri và việc niêm yết danh sách những người ứng cử;
việc xóa tên người trong danh sách ứng cử đại biểu HĐND các cấp. Đây là một
hoạt động giám sát quan trọng và có kết quả của MTTQ các cấp; như: giám sát
việc tính tuổi của cử tri sao cho đúng, đủ và chính xác; giám sát tư cách của
cử tri có đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật không; trường hợp nào được
ghi tên hoặc không được ghi tên vào danh sách cử tri; việc niêm yết danh sách
cử tri. Đối với danh sách những người ứng cử phải đảm bảo danh sách người ứng
cử được niêm yết là danh sách chính thức do Hội nghị hiệp thương lần thứ ba của
Uỷ ban trung ương MTTQVN hoặc Uỷ ban MTTQ cấp tỉnh chuyển đến; đảm bảo những
người ứng cử đại biểu HĐND các cấp đã có trong danh sách chính thức, nhưng
trong thời gian Hội đồng bầu cử chưa công bố danh sách mà người ứng cử bị khởi
tố về hình sự, phạm tội quả tang, bị mất năng lực hành vi dân sự, chết thì phải
có đề nghị của Ủy ban trung ương MTTQVN hoặc Uỷ ban MTTQ cấp tỉnh thành phố
trực thuộc trung ương xóa tên người đó trong danh sách niêm yết; đảm bảo trước thời
điểm bắt đầu bỏ phiếu mà người ứng cử đại biểu HĐND các cấp bị khởi tố về hình
sự, phạm tội quả tang, bị mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị chết theo xác
định của cơ quan có thẩm quyền phải bị xóa tên trong danh sách niêm yết.
Bốn là, giám sát việc vận động bầu cử, giám sát việc tiếp xúc giữa cử
tri với người ứng cử vận động bầu cử. Cụ thể là: giám sát thành phần, số lượng
cử tri, giám sát cách bố trí, sắp xếp nơi diễn ra hội nghị tiếp xúc cử tri,
giám sát việc người ứng cử trình bày dự kiến chương trình hành động, ý kiến về
thực hiện nhiệm vụ của người đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp nếu trúng cử; giám
sát việc vận động bầu cử bằng phương tiện thông tin đại chúng và tuyên truyền
về bầu cử: bảo đảm đúng mục đích, yêu cầu vận động bầu cử cho người ứng cử; bảo
đảm công bằng giữa những người ứng cử khi sử dụng các hình thức, nội dung và
thời gian trong vận động bầu cử thông qua các phương tiện truyền hình, phát
thanh, báo giấy; trách nhiệm của các cơ quan thông tin đại chúng nơi diễn ra
vận động bầu cử; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức có người ứng cử đang vận động
bầu cử bằng phương tiện thông tin đại chúng; trách nhiệm của người ứng cử; tình
hình chung về tuyên truyền công tác bầu cử ở địa phương.
Năm là, giám sát trình tự bầu cử, thể thức bỏ phiếu trong ngày bầu cử;
như: giám sát việc lập thẻ cử tri có đúng mẫu quy định không, việc bố trí khu
vực bỏ phiếu ra sao. Đặc biệt là giám sát các công việc trong ngày bầu cử như:
việc bỏ phiếu của cử tri có đúng pháp luật không (tránh tính trạng bầu thay,
bầu hộ người khác...); việc mở hòm phiếu và kiểm phiếu, việc ghi biên bản kiểm
phiếu và kết quả bầu cử v.v..
Qua giám sát, nếu MTTQ phát hiện thấy có những sai sót, lệch lạc trong
các hoạt động trên thì kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để điều
chỉnh cho phù hợp với pháp luật bầu cử. MTTQ không tự ý xử lý vấn đề không
thuộc thẩm quyền và chức năng của mình.
Về hình thức giám sát, trên cơ sở quy định của pháp luật, MTTQ các cấp
có thể phối hợp với các tổ chức phụ trách bầu cử để cùng giám sát hoặc chủ động
trong các hoạt động của mình để thực hiện nhiệm vụ giám sát. Có thể thông qua
các hình thức giám sát trực tiếp như: qua việc tổ chức các hội nghị hiệp
thương, hội nghị cử tri nơi cư trú, hội nghị gặp gỡ tiếp xúc giữa ứng cử viên
với cử tri để vận động bầu cử; hay qua các hình thức gián tiếp như: tiếp dân và
xử lý đơn thư khiếu nại của công dân, phản ánh ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của
nhân dân; tuyên truyền, vận động cử tri thực hiện quyền bầu cử, thông qua các
phương tiện thông tin đại chúng, thông qua hoạt động của các tổ chức phụ trách
bầu cử, và các hình thức phù hợp khác./.
(Xuân Tuấn)