ỦY BAN MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM TỈNH ĐỒNG NAI
 
Chưa có thông tin
 

Nội dung bản tin

 
VAI TRÒ CỦA MẶT TRẬN TỔ QUỐC TRONG CÔNG TÁC BẦU CỬ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI KHÓA XV VÀ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN CÁC CẤP
Đăng ngày: 25-01-2021 02:54
asp:Label ID="lblSummary" runat="server"
Điều 19 Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ngày 09 tháng 6 năm 2015 có quy định vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong công tác bầu cử như sau:
 

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam theo quy định của pháp luật tổ chức hiệp thương, lựa chọn, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân; tham gia các tổ chức phụ trách bầu cử; phối hợp với cơ quan nhà nước hữu quan tổ chức hội nghị cử tri ở cấp xã, các cuộc tiếp xúc giữa cử tri với người ứng cử; tham gia tuyên truyền, vận động cử tri thực hiện pháp luật về bầu cử và giám sát công tác bầu cử.

Mặt trận Tổ quốc có vai trò tập trung hiệp thương, lựa chọn, giới thiệu những người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp. Hội nghị hiệp thương ở mỗi cấp do Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam cùng cấp chủ trì tổ chức trươc ngày bầu cử theo quy định.

Theo điều 38, 39 Luật Bầu cử Đại biểu Quốc hội và Hội đồng Nhân dân, Hội nghị Hiệp thương lần 1 được tổ chức chậm nhất là 95 ngày trước ngày bầu cử để thỏa thuận về cơ cấu, thành phần, số lượng người được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội. Thành phần Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất đối với đại biểu Quốc hội ở Trung ương gồm: Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đại diện ban lãnh đạo các tổ chức thành viên của Mặt trận Trung ương. Đại diện hội đồng bầu cử Quốc gia, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ được mời dự hội nghị này. Ở cấp tỉnh gồm: Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, lãnh đạo các tổ chức thành viên Mặt trận và đại diện Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các huyện, thành phố tham dự. Ủy ban bầu cử, Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân được mời dự hội nghị.

Đối với Hội đồng nhân dân các cấp, theo Điều 50 Luật Bầu cử Đại biểu Quốc hội và Hội đồng Nhân dân, Hội nghị Hiệp thương lần 1 được tổ chức chậm nhất là 95 ngày trước ngày bầu cử để thỏa thuận về cơ cấu, thành phần, số lượng người được giới thiệu ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân, cơ quan nhà nước cùng cấp và của đơn vị sự nghiệp, tổ chức kinh tế, các đơn vị hành chính, cấp dưới trên địa bàn. Thành phần hội nghị hiệp thương thực hiện theo khoản 1, Điều 50 Luật Luật Bầu cử Đại biểu Quốc hội và Hội đồng Nhân dân.

Theo Điều 43,44 Luật Bầu cử Đại biểu Quốc hội và Hội đồng Nhân dân, Hội nghị Hiệp thương lần 2 được tổ chức chậm nhất là 65 ngày trước ngày bầu cử để lập danh sách sơ bộ những người ứng cử đại biểu Quốc hội gửi lấy ý kiến cử tri nơi cư trú đối với người tự ứng cử, người được cơ quan, tổ chức, đơn vị giới thiệu ứng cử và lấy ý kiến cử tri nơi làm việc (nếu có).

Hội nghị Hiệp thương lần 2 được tổ chức chậm nhất là 65 ngày trước ngày bầu cử, theo Điều 53 Luật Bầu cử Đại biểu Quốc hội và Hội đồng Nhân dân, Hội nghị hiệp thương do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức. Căn cứ vào tiêu chuẩn đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, cơ cấu, thành phần, số lượng đại biểu và người được giới thiệu ứng cử, người tự ứng cử để lập danh sách sơ bộ những người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, gửi lấy ý kiến cử tri nơi cư trú đối với người tự ứng cử, người được cơ quan, tổ chức, đơn vị giới thiệu ứng cử và lấy ý kiến cử tri nơi làm việc (nếu có) của người tự ứng cử, người được ấp, khu phố giới thiệu ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã. 

Hội nghị Hiệp thương lần 3 được tổ chức chậm nhất là 35 ngày trước ngày bầu cử, theo Điều 48, 49 để lập danh sách những người đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Quốc hội và Điều 56 để lập danh sách những người đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp.

Qúa trình tổ chức các hội nghị hiệp thương cần quán triệt và thực hiện đúng quy định của Luật bầu cử về tỷ lệ người ứng cử đại biểu quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân là người dân tộc thiểu số và phụ nữ. Theo quy định tại khoản 2, điều 8 Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân theo đó, phải bảo đảm ít nhất 18% tổng số người trong danh sách chính thức những người ứng cử Đại biểu Quốc hội là người dân tộc thiểu số (riêng với bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân thì số lượng người dân tộc thiểu số được xác định phù hợp với tình hình cụ thể từng địa phương; đảm bảo có ít nhất 35% tổng số người trong danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội, ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân là phụ nữ.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có vai trò tham gia công tác phụ trách bầu cử thông qua việc thành lập Ủy ban bầu cử, Ban bầu cử, Tổ bầu cử, đồng thời tham gia vào các tổ chức này nhằm kiểm tra, đôn đốc việc thi hành, chấp hành pháp luật về bầu cử của các tổ bầu cử. Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế, đơn vị vũ trang nhân dân cử cán bộ, nhân viên của mình tham gia vào công tác bầu cử theo yêu cầu của Hội đồng bầu cử, Ban bầu cử, Tổ bầu cử và trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình, tạo điều kiện thuận lợi giúp các tổ chức phụ trách bầu cử thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Luật.

Về công tác giám sát, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp phối hợp với các tổ chức thành viên và Thường trực Hội đồng nhân dân cùng cấp giám sát và vận động nhân dân giám sát quá trình tổ chức cuộc bầu cử, góp phần bảo đảm để cuộc bầu cử diễn ra thật sự dân chủ và đúng pháp luật và theo hướng dẫn của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về kiểm tra, giám sát công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Về công tác tuyên truyền cuộc bầu cử. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp phối hợp với các tổ chức thành viên, Ủy ban nhân dân, Hội đồng nhân dân trong công tác tuyên truyền, tạo nên không khí ngày bầu cử là ngày hội của toàn dân, làm cho mọi công dân hiểu rõ vai trò, vị trí của Quốc hội, Hội đồng nhân dân, nêu cao ý thức về quyền và nghĩa vụ công dân trong bầu cử, tự mình đi bỏ phiếu để lựa chọn người thực sự xứng đáng bầu vào Quốc hội và Hội đồng nhân dân.

 

Vai trò phối hợp với các cơ quan nhà nước hữu quan tổ chức hội nghị nơi cư trú, các cuộc tiếp xúc cử tri với người ứng cử. Trong vận động bầu cử, Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam có vai trò hết sức quan trọng. Điều 66 Luật Bầu cử Đại biểu Quốc hội và Hội đồng Nhân dân quy định: “Việc gặp gỡ, tiếp xúc cử tri do Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức". Như vậy, pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam qui định, MTTQ Việt Nam là chủ thể của việc tổ chức vận động bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp.

Vận động bầu cử có ý nghĩa quan trọng và là một công đoạn không thể thiếu của quá trình bầu cử, nhất là trong điều kiện tiếp tục xây dựng, củng cố và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân hiện nay ở nước ta. Vận động bầu cử làm cho bầu cử trở nên dân chủ, khách quan, công bằng hơn và là một trong những điểm đặc trưng trong đời sống chính trị hiện đại, chứng tỏ trình độ văn minh của một xã hội, sự dân chủ thực sự của xã hội đó. Vận động bầu cử tạo ra cho cử tri những phương án khác nhau để lựa chọn, đúng với bản chất của bầu cử là lựa chọn phương án tối ưu nhất vào thời điểm bầu cử….Vận động bầu cử góp phần làm cho bầu cử trở thành "Ngày hội của dân chủ" - ngày hội của toàn dân. 

 

(Xuân Tuấn)
In nội dung
Các tin đã đăng ngày:
 
Về đầu