ỦY BAN MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM TỈNH ĐỒNG NAI
 
Chưa có thông tin
 

Nội dung bản tin

 
Di tích lịch sử căn cứ Khu uỷ Miền Đông Nam Bộ - Chiến khu Đ
Đăng ngày: 11-01-2021 11:01
asp:Label ID="lblSummary" runat="server"
Di tích lịch sử căn cứ Khu ủy Miền Đông Nam bộ - Chiến khu Đ hình thành trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1960 – 1967), được Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử quốc gia năm 1997. Vùng căn cứ này tọa lạc trên đỉnh đồi đất sỏi được bao bọc bởi rừng cây nguyên sinh rậm rạp, hiện nay thuộc địa phận Lâm trường Hiếu Liêm, xã Trị An, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai.

Tháng 6/1960, Bộ Chỉ huy lực lượng vũ trang giải phóng miền Đông (quân khu miền Đông) và Khu ủy miền Đông (T1) được chính thức thành lập, đặt cơ quan lãnh đạo, chỉ huy tại ngọn suối Linh (gọi là căn cứ 820) thuộc chiến khu Đ. Tại đây, Khu ủy, Bộ Tư lệnh quân khu đã đứng chân trong suốt thời gian dài lãnh đạo, chỉ đạo phong trào cách mạng. Đây cũng là nơi đứng chân và tổ chức chiến đấu, bảo vệ an toàn cho các cơ quan lãnh đạo, chỉ huy để lãnh đạo, chỉ đạo phong trào cách mạng trên toàn miền Đông Nam Bộ, chống chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ, ngụy trong những năm đầu thập nên 60 thế kỷ 20.

20180426_100510.jpg
Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ tại Chiến khu Đ

Căn cứ Khu ủy được cấu thành bởi: Hệ thống giao thông hào, có tổng chiều dài 569m, sâu từ 50 đến 60cm, rộng 60cm phân làm ba tuyến. Tuyến phòng thủ vòng trong, vòng ngoài và tuyến phục vụ cho việc canh gác, chiến đấu. Hệ thống địa đạo liên hoàn có chiều dài trên 260m. Đường đi trong lòng địa đạo có nhiều đoạn gấp khúc, gãy góc, quanh co, có các ngã ba nối thông các đoạn địa đạo với nhau hoặc dẫn lên các miệng địa đạo tại các cửa hầm. Hệ thống miệng địa đạo độc lập chủ yếu dạng hình tròn và chữ nhật, sâu từ 3-4m. Hệ thống hầm trú ẩn được bố trí đều khắp trên mặt căn cứ. Ngoài ra, trong Khu căn cứ còn có hệ thống bếp Hoàng Cầm và giếng nước phục vụ cho sinh hoạt. Đường chính vào căn cứ được ngụy trang cẩn thận. Để vào căn cứ, phải đi qua hệ thống cây được chặt ngã chồng lên nhau, sau đó đi qua một đoạn giao thông hào. Các cơ quan trực thuộc Khu ủy còn có văn phòng, cơ yếu, phục vụ, vệ binh, nhà y tế…

Chiến khu Đ là căn cứ địa quan trọng của miền Đông Nam bộ, là hiện thân của tinh thần “Miền Đông gian lao mà anh dũng”, là nơi che giấu, nuôi dưỡng, rèn luyện các lực lượng cách mạng. Từ chiến khu Đ có thể liên lạc với hậu phương lớn miền Bắc xã hội chủ nghĩa, với chiến trường Nam Trung bộ và chiến trường Tây nguyên. Cùng với các căn cứ Bắc Tây Ninh, Củ Chi... tạo thế áp sát các cơ quan đầu não của địch ở Sài Gòn. Từ căn cứ địa này, trong giai đoạn 1962 - 1967, Khu ủy miền Đông, Bộ Tư lệnh quân khu đã lãnh đạo, chỉ huy các lực lượng vũ trang phối hợp với quân chủ lực Miền làm nên những chiến thắng vang dội như: tiến công diệt một loạt đồn bt địch nằm sâu trong chiến khu như đồn Bàu Cá Trê, chi khu Hiếu Liêm, đồn Cây Gáo, đồn Trị An; mở chiến dịch Bình Giã (2/12/1964 – 3/1/1965) thắng lợi, sau đó mở chiến dịch Đồng Xoài (đường 14) tiêu diệt nhiều sinh lực địch. Đây cũng là nơi sản sinh cách đánh đặc công để từ đó hình thành nên bộ đội đặc công, phát triển kỹ thuật đánh đặc công ra cả nước…

images2171499___i_t__ng_ni_m_Trung___ng_c_c_mi_n_Nam__Chi_n_khu_____2.jpg
Đoàn công tác của Ban Công tác Phía Nam và Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh về thăm căn cứ Chiến khu Đ

Căn cứ Khu ủy miền Đông Nam Bộ hình thành và tồn tại trong một giai đoạn ngắn nhưng đã góp phần quan trọng trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ trên chiến trường miền Đông Nam Bộ. Năm 2001, tỉnh Đồng Nai  đã tiến hành trùng tu di tích căn cứ. Cùng với hệ thống các di tích trên địa bàn như địa đạo Suối Linh, căn cứ Trung ương Cục miền Nam, di tích Căn cứ Khu ủy miền Đông trở thành địa điểm tham quan, sinh hoạt truyền thống, về nguồn mang nhiều ý nghĩa cho thế hệ trẻ; đồng thời di tích còn là điểm du lịch sinh thái lý tưởng của địa phương.

Tố Nga

In nội dung
Các tin đã đăng ngày:
 
Về đầu