Vừa qua, tại Đại hội Thi đua yêu
nước toàn quốc lần thứ X giai đoạn 2021- 2025, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phát động phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2021 - 2025 với chủ đề "Đoàn kết, sáng
tạo, thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc" gồm 5 nội dung chính
sau đây:
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát động phong trào thi đua tại đại hội
Thứ nhất, thi đua xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển bền
vững về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường, tổ chức và hoạt
động của cơ quan hành chính nhà nước…, khơi dậy
mọi tiềm năng và nguồn lực, tạo động lực mới, đột phá mới cho sự phát triển
nhanh và bền vững đất nước.
Các Ban, Bộ, ngành Trung ương thi đua đổi
mới, nâng cao hiệu quả công tác xây dựng, hoàn thiện và tổ chức thực hiện hệ
thống pháp luật theo hướng đồng bộ, hiện đại, hội nhập, đảm bảo khả thi, hiệu
quả, nghiêm minh, đáp ứng yêu cầu đổi mới sáng tạo và phát triển; xây dựng
Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số. Các địa
phương thi đua xây dựng cơ chế, chính sách đủ mạnh, đồng bộ, khả thi, mang tính
đột phá để thu hút mạnh mẽ các nguồn lực, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh
thông thoáng, xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, lành mạnh, dân chủ, công bằng,
văn minh, nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.
Thứ hai, thi đua phát triển mạnh mẽ khoa học công nghệ và đổi
mới sáng tạo, tạo bứt phá nâng cao năng
suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, tái cơ cấu lại
nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Đẩy mạnh ứng dụng và phát
triển công nghệ mới, ưu tiên công nghệ số. Phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt
động của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới
sáng tạo vào thị trường khoa học công nghệ. Đẩy mạnh hội nhập và hợp tác quốc
tế về khoa học, công nghệ, phát triển mạng lưới kết nối nhân tài người Việt
Nam. Xây dựng kết cấu hạ tầng hiện đại, đồng bộ tạo nền tảng thúc đẩy sự phát
triển của những ngành mới, lĩnh vực mới.
Trong thời gian đầu của giai đoạn 2021-2025
khi còn dịch bệnh, cần tiếp tục thực hiện Lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ
tịch nước về thực hiện quyết liệt, hiệu quả các biện pháp phòng, chống và giảm
thiểu thiệt hại do đại dịch Covid 19 nhằm tập trung thực hiện “mục tiêu kép”:
vừa phòng chống dịch bệnh hiệu quả, bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa tận tụng tốt
các cơ hội, nỗ lực phục hồi và phát triển kinh tế xã hội trong trạng thái bình
thường mới. Đẩy mạnh việc nghiên cứu, hợp tác quốc tế trong phát triển vắc-xin
và giải pháp để nhân dân tiếp cận, sử dụng vắc xin phòng dịch sớm nhất.
Tiếp tục thực hiện có hiệu quả, sáng tạo
các phong trào thi đua, trong đó trọng tâm là 4 phong trào thi đua đã được Thủ
tướng Chính phủ phát động: “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Doanh
nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển”, “Cả nước chung tay vì người nghèo,
không để ai bị bỏ lại phía sau” và “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện
văn hóa công sở”.
Thứ ba, thi đua xây dựng và phát triển văn hóa, xã hội,
nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Tiếp tục đẩy mạnh Phong trào thi đua “Toàn dân đoàn kết xây dựng
đời sống văn hóa” và các phong trào trên các lĩnh vực giáo dục, khoa học công
nghệ, y tế, an sinh xã hội, đền ơn đáp nghĩa, phong trào khuyến học, khuyến tài
và các phong trào phong phú khác, đảm bảo quyền làm chủ và nâng cao chất lượng
đời sống nhân dân. Tạo chuyển biến mạnh mẽ căn bản, về chất lượng, hiệu quả giáo
dục và đào tạo, phát triển mạnh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất
lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển khoa học xã hội, cuộc Cách mạng công
nghiệp lần thứ 4 và hội nhập quốc tế. Xây dựng con người Việt Nam phát triển
toàn diện, có sức khỏe, năng lực, trình độ, có ý thức, trách nhiệm cao đối với
bản thân, gia đình, xã hội và tổ quốc. Xây dựng và thực hiện hệ giá trị quốc
gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người gắn với phát huy ý chí, khát
vọng phát triển và sức mạnh con người Việt Nam trong thời kỳ mới.
Thứ tư, tiếp tục phát động các phong trào thi đua trong lĩnh vực
quốc phòng, an ninh, đối ngoại, chủ động hội nhập quốc tế, tạo môi trường hòa
bình và điều kiện thuận lợi cho phát triển đất nước. Phát huy sức mạnh tổng hợp, giữ vững độc lập, chủ quyền, thống
nhất, toàn vẹn lãnh thổ. Thi đua xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng chính
quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Kết hợp mạnh mẽ phát triển kinh tế, văn
hóa, xã hội với củng cố, tăng cường quốc phòng an ninh trên từng vùng lãnh thổ,
trên các địa bàn chiến lược, biên giới, biển, đảo, khu kinh tế trọng điểm. Phát
triển công nghiệp quốc phòng, an ninh theo hướng lưỡng dụng, công nghệ cao. Thi
đua xây dựng nền ngoại giao hiện đại vì lợi ích quốc gia – dân tộc; chủ động và
tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng. Đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại
đa phương, kết hợp chặt chẽ với đối ngoại song phương, phát huy vai trò dẫn dắt
trong ASEAN; nâng cao tiếng nói và đóng góp tại Liên hợp quốc và các khuôn khổ
hợp tác khu vực quốc tế. Tận dụng tốt các cơ hội do hội nhập mang lại, nhất là
14 Hiệp định FTA thế hệ mới đã ký kết. Không ngừng nâng cao uy tín và vị thế
của Việt Nam trên trường quốc tế. Trong đó, tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi
đua trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, vun đắp niềm tin, niềm tự hào,
hướng về Tổ quốc, chung tay, chung sức xây dựng quê hương, đất nước.
Thứ năm, tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua trong lĩnh vực xây
dựng Đảng, Nhà nước và toàn hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tinh gọn,
hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Hướng các phong trào thi đua
vào việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí
Minh; nâng cao năng lực và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng, gắn phong trào
thi đua với việc thực hiện các Nghị quyết của Đảng, trong đó tập trung xây dựng
xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng,
chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Thi đua thực hiện cải cách hành chính,
xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có tâm, có tầm, có phẩm chất tốt
và trình độ chuyên môn cao, thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Phục vụ tốt nhất
người dân và doanh nghiệp. Ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng nền hành
chính hiện đại, chuyên nghiệp, năng động, sáng tạo, đáp ứng yêu cầu hội nhập
quốc tế.
Đổi mới các phong trào thi đua yêu nước của
Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân, phát huy vai trò tập hợp, xây dựng
khối đại đoàn kết toàn dân tộc, huy động mọi tiềm năng, nguồn lực, sức sáng tạo
của các tầng lớp nhân dân và đoàn viên, hội viên, góp phần tích cực vào thực hiện
thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội của bộ, ngành, địa phương và cả
nước.
Thủ tướng đề nghị các Ban, Bộ ngành Trung ương, các địa phương, Mặt trận
Tổ quốc và các đoàn thể, căn cứ chủ đề của Đại hội, phương hướng, nhiệm vụ giai
đoạn 2021-2025 và tình hình thực tế của đơn vị, địa phương mình để phát động
mạnh mẽ phong trào thi đua với nhiều nội dung đổi mới, sáng tạo, sôi nổi, rộng
khắp, thiết thực. Trước mắt, chúng ta tổ chức đợt thi đua đặc biệt sôi nổi, rộng
khắp trong toàn Đảng, toàn quân và toàn dân lập thành tích cao nhất, thiết thực
chào mừng Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Trong tổ chức phong trào thi
đua, phải làm thực chất, chuyển biến thực sự và không được hình thức.
Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X với chủ đề: “Đoàn kết, sáng tạo, thi đua xây dựng và bảo
vệ Tổ quốc” đã thành công tốt đẹp với
sự tham dự của 2.300 đại biểu. Trong đó, có
1.212 đại biểu điển hình tiên tiến xuất sắc trong các phong trào thi đua yêu
nước, là người trực tiếp lao động sản xuất trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa
xã hội, an ninh, quốc phòng của các bộ, ban, ngành, đoàn thể trung ương, các
tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Tố Nga